(Pháp lý) - Chỉ còn chưa đầy 48 giờ nữa (ngày 3/11 giờ Mỹ, ngày 4/11 giờ Việt Nam), cuộc đua vào Nhà Trắng sẽ chính thức bắt đầu giữa 2 ứng cử viên: đương kim Tổng thống Donald Trump và Joe Biden. Các thăm dò sát ngày bầu cử cho thấy sau những biến động ban đầu về tỷ lệ ủng hộ, ứng viên Joe Biden đang sút dần so với ông Donald Trump ở nhiều “bang chiến địa”.
Điều gì khiến ông Trump lấy lại được sự cân bằng và dần thắng thế?. Câu trả lời được nhiều chuyên gia đưa ra: Ông Trump đã cố gắng suốt 4 năm để đưa “nước Mỹ vĩ đại trở lại” bằng các chính sách kinh tế của mình.
Kinh tế Mỹ “ bay lên như một con Phượng hoàng”
Dưới thời ông Trump, nền kinh tế Mỹ đang bay lên như một con phượng hoàng từ đống tro tàn của những quy định hành chính rườm rà, thuế cao và những thỏa thuận thương mại tồi tệ từng đe dọa sẽ bóp nghẹt nó, nhiều chuyên gia nhận xét như vậy vào dịp ông Trump kỷ niệm 1000 ngày trên cương vị người đứng đầu nước Mỹ.
Những dẫn chứng đưa ra ở trên rất dễ để nhìn thấy các thành tựu trong chính sách kinh tế mà Trump đã làm cho nước Mỹ gọi là nguyên tắc “bốn vùng cấm” bất chấp giới truyền thông vốn không ưa gì vị Tổng thống với những phát ngôn thù địch giành cho họ.
“Bốn vùng cấm” mà giới truyền thông Mỹ “sợ mất mật” không dám nhắc đến là: sự phát triển của Mỹ dưới thời Trump đang đem lại lợi ích trực tiếp cho những nhóm người dễ bị tổn thương nhất; chính sách thương mại của chính quyền đang có hiệu quả rõ rệt; dòng người nhập cư trái phép suy giảm đáng kể; và lần đầu tiên trong vòng 65 năm, Hoa Kỳ chính thức không còn là nước nhập khẩu ròng xăng dầu.
Giới chuyên gia kinh tế Mỹ dù muốn hay không đều phải khẳng định rằng: Đây đều là những lời hứa mà ông Trump đưa ra khi còn tranh cử. Ba điều đầu tiên cũng là những điều các chính quyền trước Trump từng cam kết nhưng bị bỏ quên sau khi đắc cử.
Thậm chí đến bây giờ, những ứng viên Đảng Dân chủ chưa kịp “làm quen” với thực tế vẫn quyết liệt đả kích chính sách “cắt giảm thuế cho người giàu” của ông Trump, trong khi vẽ ra một tương lai không tưởng của một “thế giới đại đồng”, nơi không còn giàu nghèo, biên giới bị xóa sổ, nhiên liệu hóa thạch bị cấm, giáo dục và y tế miễn phí từ một nguồn ngân sách vô hạn không biết đến từ đâu.
Các chính sách của Trump về kinh tế đã tạo ra nhiều việc làm hơn và tăng trưởng nhanh hơn. Theo trang web của Nhà Trắng, gần 4 triệu việc làm được tạo ra, Mỹ đạt thỏa thuận thương mại với Canada và Mexico để thay thế NAFTA, rồi đến chuyện xây được những đoạn tường biên giới dọc Mexico…
Theo trang Business Insider, dưới thời ông Trump, nền kinh tế Mỹ có mức tăng trưởng GDP trong khoảng 2-3% và đặt những trọng tâm so sánh với kinh tế Mỹ dưới thời Obama. Theo đó, tăng trưởng GDP quý dưới thời ông Obama trong 20 quý từ tháng 1/2009 đến tháng 3/2017 và 11 quý của chính quyền ông Trump từ tháng 4/2017 đến cuối năm 2019 đều đạt trung bình 2-3%.
Năm tốt nhất của ông Trump là năm 2018 với mức tăng trưởng 3%. Khoảng 15,7 triệu việc làm mới được tạo ra trong 7 năm của chính quyền ông Obama từ năm 2010 đến năm 2016, tức trung bình 2,2 triệu người/năm. Dưới thời ông Trump, số lượng việc làm được bổ sung vào nền kinh tế Mỹ cũng đạt khoảng 2,2 triệu người.Vào năm 2019, tăng trưởng việc làm trung bình đạt 2,1 triệu dù thấp nhất cũng cao hơn so với việc làm mới được tạo ra dưới thời Obama.
Tuyên chiến với độc quyền, hạn chế bảo hộ pháp lý các “ ông lớn” công nghệ
Một đặc trưng khác trong chính sách kinh tế Mỹ dưới thời Trump là không khoan nhượng với những tập đoàn lớn được coi là “những gã khổng lồ công nghệ”. Theo các báo doanh thu của Facebook, với 2,6 tỉ người dùng, Facebook thu về gần 153 triệu USD mỗi ngày, chủ yếu từ thị trường Mĩ và Canada. Báo cáo của hãng này cũng cho thấy doanh thu trung bình trên mỗi tài khoản người dùng là 6,09 USD. Chỉ tính riêng năm 2018, mạng xã hội lớn nhất hành tinh có doanh thu lên tới trên 50 tỷ USD và được dự báo sẽ tăng ít nhất 20% trong năm 2019.
Trong khi đó, doanh thu của gã khổng lồ mạng tìm kiếm Google trong các báo cáo minh bạch cũng cho thấy đạt hơn 100 tỷ USD vào năm 2018 với mức tăng trưởng ròng lên đến 19% mỗi quý (trên 70%/năm). Dự kiến năm 2019 sẽ vượt trên mốc 200 tỷ USD. Doanh thu của những hãng công nghệ hàng đầu thế giới như Facebook và Google đương nhiên được các nhà lập pháp và hành pháp của Mỹ nhất là người sành sỏi làm ăn như đương kim Tổng thống Trump biết rất rõ, nó đến từ đâu và như thế nào, việc thu thuế của các hãng này đem lại lợi ích gì cho nước Mỹ…
Ngay sau khi Bộ Tư pháp Mỹ ra thông báo điều tra, một phản ứng nhanh nhạy của Facebook là ngay lập tức xác nhận để tránh ảnh hưởng và thể hiện “tính minh bạch” như một chiến lược kinh doanh. Facebook cho biết đã nhận được thông báo điều tra chống độc quyền từ Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) vào tháng 6/2019 và bị giám sát ở cường độ cao thời gian sau đó.
“FTC thông báo sẽ mở cuộc điều tra chống độc quyền nhằm vào chúng tôi. Các hãng công nghệ trực tuyến và Facebook đã bị giám sát chặt chẽ về mặt pháp lý trong quý vừa qua” một phần nội dung báo cáo thu nhập mới nhất của Facebook đã công bố. Bên cạnh đó, Facebook cũng thừa nhận Bộ Tư pháp Mỹ sẽ bắt đầu có đánh giá chống độc quyền đối với những nền tảng trực tuyến hàng đầu trên thị trường.
Khi các cuộc điều tra chính thức mới bắt đầu, một thông tin khác cũng được dẫn ra khi Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ đã bỏ phiếu phê chuẩn án phạt tài chính 5 tỷ USD đối với vi phạm quyền riêng tư khách hàng của Facebook trong vụ bê bối với công ty tư vấn Cambridge Analytica. Đây là án phạt nặng nhất mà nhà chức trách Mỹ dành cho một công ty công nghệ, cũng như dành cho vi phạm về quyền riêng tư.
Theo thỏa thuận đạt được với Ủy ban Thương mại liên bang, Facebook sẽ phải kiểm tra lại cách thức xử lý dữ liệu khách hàng, tuy nhiên cơ quan này không yêu cầu Facebook chấm dứt việc chia sẻ dữ liệu người dùng với các bên thứ 3. Thế nhưng, một quyết định bất ngờ được đưa ra vào ngày 23/7/2019 lại đến từ chính Bộ Tư pháp Mỹ theo chỉ đạo của Trump: Mỹ mở cuộc điều tra với các Công ty công nghệ lớn để xem liệu họ có “bóp nghẹt” sáng tạo hay kìm hãm cạnh tranh hay không, động thái được cho là nhắm vào Google, Facebook…
Và cái cớ của cơ quan tư pháp quyền lực này là quyền lợi của người tiêu dùng. Theo đó, bộ phận chống độc quyền của Bộ Tư pháp Mỹ sẽ xem xét việc “các nền tảng trực tuyến hàng đầu thị trường có đạt được sức mạnh thị trường hay không và như thế nào” hay có tham gia vào việc “làm giảm sự cạnh tranh, bóp nghẹt sự sáng tạo hay gây tổn hại cho người tiêu dùng” hay không. Đáng lưu ý, trong quá trình điều tra, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết các nhà điều tra đang hỏi ý kiến và lấy thông tin từ công chúng, bao gồm cả những người làm trong ngành.
Tháng 7/2019, khi các hãng thông tấn hàng đầu của Mỹ và quốc tế chạy dòng tin: “Các thông báo của Bộ Tư pháp Mỹ không chỉ đích danh các công ty cụ thể nhưng có khả năng nhắm tới Google, Facebook và Amazon, những cái tên vốn thống trị các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế số” cũng là lúc 3 “ông lớn” kể trên đối mặt với một cuộc điều tra sẽ bắt đầu.
Tuy nhiên, theo ông Makan Delrahim, trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, phụ trách bộ phận chống độc quyền thì việc điều tra không phải đến từ sức ép của EU mà chính Mỹ: “Nếu không có kỷ luật về cạnh tranh thị trường lành mạnh, các nền tảng kỹ thuật số có thể hành động theo hướng không đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nói chung.
Tuy nhiên, nhìn đi cũng phải nhìn lại, dù siết chặt các gã khổng lồ về các đạo luật hay chính sách mới, nhiều hãng công nghệ cũng được lợi không ít từ các chính sách của ông Trump. Còn nhớ năm 2018, theo báo cáo kết quả kinh doanh được Alphabet – công ty mẹ Google công bố ngày, chỉ trong 3 tháng đầu năm, hãng này lãi 9,4 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với 5,4 tỷ USD cùng kỳ năm trước.
Alphabet có kết quả khả quan nhờ vào đà tăng trưởng mạnh mẽ của mảng quảng cáo. Trong quý, doanh thu của hãng này tăng 26% lên 31,1 tỷ USD, trong đó, mảng quảng cáo chiếm tới 26,6 tỷ USD.Theo CNN, công ty này cũng hưởng lợi lớn nhờ cải cách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo đó, thuế thu nhập doanh nghiệp giảm từ 20% của năm ngoái xuống còn 11%.
Không chỉ về thuế, chính sách kinh tế dưới thời Tổng thống Trump còn siết bảo hộ pháp lý đối với các công ty công nghệ trực tuyến. Động thái này được cho là nhằm buộc các công ty công nghệ trực tuyến lớn phải có trách nhiệm nhiều hơn trong việc kiểm duyệt nội dung thông tin đăng tải.
Bộ Tư pháp Mỹ vào tháng 6/2020, trước kỳ bầu cử chỉ mấy tháng đã đưa ra đề xuất hạn chế bớt những bảo hộ pháp lý dành cho các nền tảng trực tuyến suốt hơn 2 thập kỷ qua. Động thái này nhằm buộc các công ty công nghệ trực tuyến phải có trách nhiệm nhiều hơn trong việc kiểm duyệt nội dung thông tin đăng tải. Thông tin trên tờ Wall Street Journal nói rõ đề xuất mới này nhằm mục đích buộc các công ty phát triển nền tảng trực tuyến phải có giải pháp triệt để hơn đối với các nội dung có hại hoặc bất hợp pháp trên các trang của họ, đồng thời buộc các công ty phải cương quyết gỡ bỏ những nội dung sai trái. Tuy nhiên, để có hiệu lực, đề xuất cần được nghị viện Mỹ thông qua.
Đây là bước đi mới nhất thể hiện rõ bức tranh căng thẳng ngày càng tăng giữa chính quyền của Tổng thống Donald Trump với các “gã khổng lồ” công nghệ như Twitter Inc, Facebook Inc, hay Alphabet Inc sở hữu Google. Hồi tháng 5, Tổng thống Trump cũng đã ký sắc lệnh thu hẹp quyền miễn trừ trách nhiệm pháp lý của các công ty truyền thông xã hội với lý do lạm dụng quyền xóa bài hoặc tạm khóa tài khoản của người dùng.
Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng những đề xuất mới mà cơ quan này đưa ra không chỉ giúp giải quyết vấn đề trên mà còn nhắm tới việc tước bỏ quyền miễn trừ trách nhiệm dân sự mà các công ty công nghệ hiện đang được hưởng, nhất là trong tình huống các công ty này đồng tình với nội dung bất hợp pháp đăng trên nền tảng trực tuyến của họ.
Theo đề xuất trên, các công ty công nghệ sẽ không được miễn trừ trách nhiệm pháp lý nếu nền tảng trực tuyến của họ có nội dung ủng hộ, cổ súy cho hành động của bên thứ ba, mà hành động đó vi phạm luật hình sự liên bang như lừa đảo trên mạng, buôn ma túy giả hoặc trái phép. Ngoài ra, khi không còn quyền miễn trừ trách nhiệm pháp lý, các công ty công nghệ có thể bị người dùng kiện nếu như họ bị lừa đảo trên các nền tảng trực tuyến. Bộ Tư pháp Mỹ dự định cũng sẽ áp dụng quy định này trong các trường hợp liên quan tới lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến hay khủng bố trực tuyến.
“Diều hâu” trong chính sách kinh tế đối ngoại.
Trên cương vị người đứng đầu nước Mỹ, ông Trump đã khởi xướng một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc để điều chỉnh thứ mà ông gọi là mối quan hệ thiếu bình đẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, theo nhận định của hãng tin CNN, cho tới thời điểm này, khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 đang đến rất gần, ông Trump không có nhiều bằng chứng để chứng minh rằng ông đã thắng trong cuộc chiến thương mại vốn giữ vai trò "hòn đá tảng" trong chính sách đối ngoại của ông. “Nhưng phải thừa nhận là chính sách thương mại với Trung Quốc của ông Trump rất cứng rắn. Nói cách khác là một chính sách diều hâu theo đúng nghĩa”.
Theo CNN, thành công của ông Trump trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc là ông đã thay đổi được cách nhìn nhận của Washington về Bắc Kinh. Ý nghĩ cho rằng cần phải có phương pháp cứng rắn hơn với Trung Quốc giờ đây đã nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng. Các nghị sỹ Cộng hòa và Dân chủ đều đang xem xét tất cả mọi khía cạnh của quan hệ Mỹ-Trung bằng một thái độ nghiêm khắc hơn trước.
Đầu tiên trong các chính sách kinh tế, thương mại với Trung Quốc để châm ngòi cho cuộc thương chiến Mỹ - Trung vẫn là nhắm vào các công ty công nghệ hàng đầu của phía đối phương. Nhưng chiến thắng lớn nhất của Trung Quốc trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng và viễn thông là Huawei - công ty đa quốc gia đầu tiên của nước này. Huawei đã trở thành cái tên chính trong cuộc chiến chính trị giữa Bắc Kinh và Washington.
Tháng 5/2019, Bộ Thương mại Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen giao dịch công nghệ, cắt đường sử dụng dịch vụ Google trên smartphone Huawei. Một năm sau, Mỹ lại hạn chế các công ty bán dẫn sử dụng công nghệ Mỹ bán hàng cho Huawei. Một năm sau, lệnh cấm mở rộng khi không cho Huawei mua các vi mạch từ các công ty Mỹ hoặc sử dụng phần mềm do Mỹ thiết kế. Nhà Trắng cũng đã phát động một chiến dịch toàn cầu chống lại việc lắp đặt hệ thống 5G của Huawei các quốc gia đồng minh, với nhiều thành công khác nhau.
Sau Huawei đến một loạt các công ty công nghệ khác của Trung Quốc bị ông Trump nhắm đến như Tik Tok và Alibaba.
Vào tháng 9 năm nay, được đưa ra Bộ Thương mại Mỹ công bố lệnh cấm TikTok và ứng dụng nhắn tin, thanh toán WeChat vì lý do đe dọa an ninh quốc gia. Theo đó, WeChat sẽ bị cấm hoàn toàn tại Mỹ. Trong khi đó, ứng dụng TikTok sẽ không còn được tải về từ ngày này. Người dùng TikTok vẫn được tiếp tục sử dụng dù không thể tải về các phiên bản cập nhật. Đến ngày 12/11/2020, TikTok cũng sẽ bị cấm hoàn toàn tại Mỹ nếu những lo ngại không được giải quyết.
Quyết định của Tổng thống Trump và các cơ quan tư pháp cuối cùng đã dẫn đến một thỏa thuận mua bán cổ phần Tik Tok theo chiều hướng có lợi cho Mỹ như đã thấy. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các cố vấn của ông Trump cũng đã cảnh báo một lệnh cấm có thể khiến hàng triệu người sử dụng Tik Tok khó chịu trên các bang chiến lược trong cuộc bầu cử Hoa Kỳ sắp tới như Texax và Florida.
Chưa hết, vào cuối tháng 8, Tổng thống Donald Trump tuyên bố ông đang cân nhắc cấm tập đoàn Alibaba của Trung Quốc hoạt động ở Mỹ. Điều này chưa chắc đã diễn ra nếu như ông Trump thua trong cuộc đua vào Nhà Trắng, nhưng nó cho thấy một điều là “vị tổng thống này sẽ không khoan nhượng với Trung Quốc và các tập đoàn Trung Quốc” trong các chính sách kinh tế của mình.
Bầu cử Mỹ tác động đến chính sách kinh tế toàn cầu?
Trong bài viết đăng tải trên tờ The Australian Financial Review, nhà kinh tế trưởng và là trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế vĩ mô toàn cầu tại Tổ chức PGIM Fixed Income, Nathan Sheets, nhận định các chính sách kinh tế của ông Trump thường được thể hiện mạnh mẽ, với mục tiêu tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng trong nước và theo đuổi chương trình nghị sự "Nước Mỹ trước tiên".
Trong khi đó, trong cương lĩnh tranh cử của mình, ứng cử viên Biden đang kêu gọi Chính phủ Mỹ cần mở rộng và nỗ lực hơn nữa để giải quyết tình trạng bất bình đẳng, cũng như cung cấp các khoản đầu tư quan trọng cho người dân, hạ tầng cơ sở và môi trường.
Cả thế giới hiện đang theo dõi cuộc bầu cử tổng thống này, vì kết quả của nó chắc chắn sẽ tạo ra sự thay đổi trong nền kinh tế Mỹ và ảnh hưởng toàn cầu trong tương lai. “Nếu ông Trump tái đắc cử, ông có vẻ sẽ tiếp tục các chính sách đã theo đuổi trong suốt nhiệm kỳ đầu của mình. Về cơ bản, những trọng tâm này được thiết kế để cho phép khu vực tư nhân và, đặc biệt là, tổng cung của nền kinh tế được mở rộng nhanh chóng nhất có thể. Lý do chính yếu là nhằm tạo ra thêm nhiều việc làm hơn, mang lại sự giàu có và đổi mới được tạo ra trong khu vực tư nhân” - tác giả phân tích,
Đặc biệt, "chính sách cứng rắn" của Tổng thống Trump đã đẩy nước Mỹ vào một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và cuộc đối đầu giữa hai bên đã lan sang các tranh chấp về công nghệ, đầu tư và tiền tệ. Cũng có những căng thẳng, nhưng ít gay gắt hơn, đôi khi bùng lên giữa Mỹ và các đồng minh khác, bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Canada và Mexico.
Tuy nhiên, câu hỏi là liệu Tổng thống Trump có cẩn thận như vậy trong nhiệm kỳ thứ hai, khi không còn tồn tại dự tính tái tranh cử lần nữa? Cho tới thời điểm hiện tại, các thị trường đã hấp thu hầu như toàn bộ những bất ổn liên quan tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, bao gồm cả sự ưa thích lẫn lo lắng về các chính sách kinh tế của hai ứng cử viên.
“Những tác động từ kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử vào tháng 11 này sẽ không chỉ xác định quỹ đạo chính sách kinh tế của Mỹ trong vòng bốn năm tới, mà còn có tầm ảnh hưởng vượt ra khỏi biên giới của cường quốc số một thế giới”, ông Nathan Sheets nhận định.
Nguyễn Hòa ( T/h)
Link nội dung: https://phaply.net.vn/truoc-gio-g-bau-cu-tong-thong-my-nhin-lai-cac-chinh-sach-kinh-te-my-duoi-thoi-tt-trump-a241323.html