(Pháp lý) - Sự kiện Bộ Tư pháp Mỹ, ngày 20/10, có động thái đệ đơn lên Tòa án liên bang ở Washington CD khởi kiện Công ty Google, với cáo buộc gã khổng lồ công nghệ đã vận hành đế chế độc quyền trong thị trường tìm kiếm trên Internet, gây hại cho cả người tiêu dùng lẫn các đối thủ cạnh tranh. Xung quanh sự kiện này, đã có rất nhiều bài phân tích bình luận khác nhau dưới các góc độ kinh tế, xã hội và pháp luật . Bài viết sau đây thể hiện quan điểm của Luật gia Minh Trung.
Sơ bộ về Luật Chống Độc quyền của Mỹ
Luật Chống Độc quyền (Antitrust Law) còn được biết dưới tên gọi là Luật Cạnh tranh (Competition Law), là một tập hợp các luật của tiểu bang và liên bang Hoa Kỳ nhằm quy định hành vi và tổ chức của các tập đoàn kinh doanh để thúc đẩy cạnh tranh công bằng vì lợi ích của người tiêu dùng; tại các quốc gia nói tiếng Anh khác.
Luật Chống độc quyền chủ yếu được điều chỉnh bởi hai luật liên bang: Đạo luật Sherman năm 1890 (cấm độc quyền bằng cách hạn chế các hoạt động kinh doanh nhất định, chẳng hạn như ấn định giá); và Đạo luật Clayton năm 1914 (sửa đổi của Đạo luật Sherman đặt ra các hạn chế đối với việc sáp nhập và mua lại các công ty có thể dẫn đến độc quyền hoặc cạnh tranh kinh doanh không công bằng khác).
Bộ Tư pháp (DOJ): Cơ quan thực thi pháp luật liên bang chịu trách nhiệm điều tra và thực thi luật liên bang, bao gồm luật chống độc quyền như Đạo luật Sherman và Đạo luật Clayton. Cụ thể, điều tra các vấn đề chống độc quyền và được ủy quyền triệu tập một bồi thẩm đoàn để truy tố các nghi phạm.
Biện pháp dân sự bao gồm lệnh cấm, thoái vốn và/ hoặc hủy bỏ hợp đồng. Hình phạt dân sự và hình sự có thể được áp dụng nếu một công ty được xác định là vi phạm luật chống độc quyền. Các hành vi phạm tội bị trừng phạt bằng các khoản tiền phạt lớn và/ hoặc phạt tù.
Ngoài ra, còn có Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) là cơ quan liên bang tìm cách thúc đẩy cạnh tranh tự do và công bằng trong thương mại giữa các tiểu bang. FTC cũng được giao nhiều nhiệm vụ bảo vệ người tiêu dùng. Nó có quyền tài phán độc quyền để cấm cạnh tranh không lành mạnh và các hành vi không công bằng hoặc lừa đảo.
BOX: “Mục đích (được cho là) của Luật Chống độc quyền là để bảo vệ sự cạnh tranh. Nhưng, trong thực tế, không một doanh nghiệp độc quyền nào đã từng hoặc có thể hình thành nhờ vào thương mại tự do trong một thị trường tự do. Mọi doanh nghiệp độc quyền đều được hình thành dưới bàn tay can thiệp của Chính phủ vào nền kinh tế: bằng các đặc quyền đặc biệt như các đặc quyền kinh doanh hay các khoản trợ cấp, thứ đã ngăn chặn các đối thủ cạnh tranh gia nhập vào một số thị trường nhất định thông qua luật pháp” (Trích đoạn của Ayn Rand viết trên Tạp chí The Objectivist Newsletter vào tháng 2/1962).
Thấy gì từ các vụ kiện chống độc quyền của Chính phủ Mỹ trước đây ?
Lịch sử tố tụng của Hoa Kỳ đã từng ghi nhận nhiều vụ kiện chống độc quyền, trong đó vụ kiện tai tiếng nhất là Tập đoàn Standard Oil của vua dầu lửa Rockefeller. Trong thập niên 1880 và 1890, Rockefeller đưa Standard Oil thống trị ngành dầu lửa nhờ vào hiệu quả sản xuất và những chiến lược kinh doanh đại tài. Dưới bàn tay của ông, giá dầu lửa giảm gần 80%. Mặc dù gần như chiếm độc quyền thị trường song Rockefeller chưa bao giờ đẩy giá lên cao bằng thủ đoạn “bẩn” mà trái lại. Nhờ đó, Standard Oil ngày càng phát triển và dần thâu tóm các đối thủ cạnh tranh, đồng thời mở rộng sang nhiều ngành công nghiệp khác.
Sự lớn mạnh của Standard Oil khiến các chính trị gia và các nhà hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng lo lắng về một… viễn cảnh không tưởng, rằng Standard Oil sẽ thao túng toàn bộ nền kinh tế Hoa Kỳ. Vì thế, một chiến dịch chống độc quyền bắt đầu hình thành với mục tiêu hạ gục Standard Oil. Cuối cùng, Tập đoàn của vua dầu lửa Rockefeller cũng bị “ngã ngựa” bởi Đạo luật Sherman dưới phán quyết của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ vào năm 1911, buộc Standard Oil phải chia tách thành 34 công ty nhỏ khác nhau…
Gần một thế kỷ sau đó, một vụ kiện tương tự cũng đã xảy ra. Vào ngày 18/5/1998, Bộ Tư pháp Mỹ và 19 tiểu bang (tạm gọi là phe Chính phủ) đã đâm đơn kiện Microsoft với cáo buộc vi phạm Luật Chống độc quyền, cụ thể là Điều 1 và Điều 2 trong Đạo luật Sherman. Trước đó đồng sáng lập Microsoft đã có phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ liên quan đến việc tích hợp trình duyệt Internet Explorer (IE) vào hệ điều hành Windows và gộp cả hai thành một sản phẩm, nhằm “ép buộc” khách hàng sử dụng những sản phẩm của hãng.
207 trang “cáo trạng” đã được tung ra và cho truy xuất tự do trên Internet khiến không khí bao quanh Microsoft vào thời điểm đó vô cùng ảm đạm. Trong đơn kiện, phe chính phủ cho rằng Microsoft dùng nhiều thủ đoạn bất hợp pháp để độc quyền thị trường hệ điều hành máy tính cá nhân, và dùng thế vượt trội của mình để “băm vằm” thị trường phần mềm trình duyệt Internet của Hãng Netscape, khiến công ty này cuối cùng gần như phá sản và buộc phải sáp nhập vào Công ty American Online với giá 10 tỉ USD vào tháng 11/1998.
Phe Chính phủ đã thu thập được chứng cứ, hãng này đã bỏ ra 194.140 USD để đăng tải tài liệu tòa án lên mạng để mong nhận được sự cảm thông từ công chúng. Riêng tiền trang trải luật sư, Microsoft ước chi đến 689 triệu USD trong năm 1999, tăng 59% so với 433 triệu USD vào năm 1998. Ngoài ra, Bộ Tư pháp Mỹ còn tiết lộ hàng trăm bức thư điện tử nội bộ của Microsoft mang nội dung cho thấy ý đồ độc quyền của Microsoft. Trong khi đó, Microsoft cho rằng việc tích hợp hai sản phẩm là thành quả của sự cải tiến và cạnh tranh…
Số phận của Microsoft tưởng chừng sẽ được định đoạt giống như Tập đoàn Standard Oil (cách 87 năm về trước), khi Thẩm phán Thomas Penfield Jackson phán quyết Microsoft vi phạm Đạo luật Sherman, buộc chia tách thành 2 công ty nhỏ. Tuy nhiên, trong phiên xử ngày 28/6/2001, gồm bảy quan tòa thuộc Tòa phúc thẩm ở Washington DC đã bất ngờ phủ quyết phán quyết của Thẩm phán Thomas Penfield Jackson trước đó.
Mặc dù vậy, Tòa cũng phán quyết Microsoft đã phạm tội chống độc quyền trong thị trường hệ điều hành máy tính cá nhân, nhưng hành vi này chỉ được xử ở cấp sơ thẩm. Sau nhiều lần kháng án, tháng 11/2001, Bộ Tư pháp và Microsoft đã đạt thỏa thuận không chia nhỏ công ty nhưng sẽ áp đặt một loạt hạn chế, bao gồm không được bắt các hãng máy tính hợp tác độc quyền với Microsoft. Dù đã được giải quyết, song vụ kiện đã ảnh hưởng xấu đến Microsoft, khiến công ty không thể tập trung phát triển nền tảng Windows Mobile đến nơi đến chốn.
Vụ kiện đã khiến chứng khoán của Microsoft vào thời điểm đó sụt giảm kinh hoàng đến 14% chỉ trong 3 ngày, và gần như không thể hồi phục cho đến năm 2015. Nhà kinh tế học vĩ đại Milton Friedman đã lên tiếng cảnh báo bản án dành cho Microsoft đặt ra một tiền lệ nguy hiểm cho việc gia tăng các quy định của chính phủ, gây ảnh hưởng tới thị trường tự do và ngăn cản sự tiến bộ công nghệ trong tương lai.
Microsoft thoát hiểm ở cấp phúc thẩm vì đã “láu cá” khi nhập chung hai phần mềm làm một và người tiêu dùng được hưởng lợi vì mua một được hai. Với lợi thế Windows đang sẵn chiếm lĩnh thị trường toàn thế giới, việc Microsoft cài thêm các phần mềm khác vào chung Windows, mà họ gọi là những “tiện ích”, rõ ràng là hành động chơi lấn sân và không có lý do nào thích hợp để biện minh rằng họ không vi phạm luật chống độc quyền.
Từ 2 vụ kiện chống độc quyền đầy tai tiếng trên cho thấy mục tiêu sâu xa mà Chính phủ Mỹ hướng đến là chia nhỏ cơ cấu tổ chức các Tập đoàn kinh tế nhằm để hạn chế sự phát triển lớn mạnh của các tổ chức kinh tế này…
Lịch sử “chống độc quyền” có lặp lại… với Google ?
Đơn khởi kiện Google được Bộ Tư pháp Mỹ đệ lên Tòa án liên bang hôm 20/10. Trước đó từ tháng 6/2019, Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ mở cuộc điều tra về hành vi độc quyền nhằm vào 4 ông lớn công nghệ, gồm: Amazon, Apple, Google và Facebook. Sau hơn 1 năm điều tra về các hoạt động được cho là phản cạnh tranh của Google, dựa trên 1,3 triệu tài liệu và hơn 300 cuộc phỏng vấn, Ủy ban do nghị sĩ Dân chủ David Cicilline đứng đầu nhận thấy các công ty nói trên đang chi phối thị trường mà họ đang cạnh tranh.
Trả lời với báo giới về động thái nộp đơn khởi kiện, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Jeff Rosen nêu quan điểm: “Nếu Chính phủ không thực thi các luật chống độc quyền để tạo điều kiện cho sự cạnh tranh phát triển, chúng ta có thể đánh mất một thế hệ đổi mới công nghệ tiếp theo. Nếu điều đó xảy ra, người Mỹ có thể sẽ chẳng bao giờ còn thấy một Google tiếp theo nữa”.
Tổng thống Trump cũng như nhiều nhà lập pháp Đảng Cộng hòa và Dân chủ đã tranh luận với sự cấp bách ngày càng tăng rằng các công ty công nghệ lớn như Google đã tích lũy quá nhiều sức mạnh thị trường. Họ nói rằng các công ty kìm hãm sự cạnh tranh và khiến người tiêu dùng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng dịch vụ của họ khi họ trực tuyến
Tiểu ban chống độc quyền Hạ viện Mỹ công bố báo cáo dài 449 trang - kết quả của cuộc xem xét đầu tiên của Quốc hội về ngành công nghệ. Cũng tương tự như các vụ kiện từng xảy ra trước đây, phe Chính phủ không giấu diếm ý đồ thực sự của cái gọi là “chống độc quyền” thông qua việc khuyến nghị 4 ông lớn, không nên vừa kiểm soát vừa cạnh tranh trong các lĩnh vực liên quan, tốt nhất nên tách thành công ty nhỏ theo từng mảng kinh doanh nhất định.
Cùng với Bộ Tư pháp, 11 bang khác của Mỹ, gồm: Arkansas, Florida, Georgia, Indiana, Kentucky, Louisiana, Mississippi, Missouri, Montana, South Carolina và Texas. Tất cả những bang này đều có tổng chưởng lý là thành viên Đảng Cộng hòa) đã tham gia đồng khởi kiện Google.
Cụ thể trong đơn kiện nộp tại Washington D.C, Bộ Tư pháp Mỹ đã viết rằng: Google trở thành “người gác cổng độc quyền cho Internet” và bắt đầu hành trình trở thành con cưng của Thung lũng Silicon từ hai thập kỷ trước, với khởi đầu là một công ty khởi nghiệp tồi tàn trong lĩnh vực tìm kiếm trên mạng Internet. Ngày nay, Google đã sử dụng các chiến thuật chống cạnh tranh “ác độc” để duy trì và mở rộng sự độc quyền của mình.
Cùng với cáo buộc, Bộ Tư pháp đã cung cấp cho Tòa án liên bang các chứng cứ nhằm vào chủ thể bị kiện: Google hành động không công bằng khi thông qua một loạt các thỏa thuận kinh doanh nhằm ngăn chặn cạnh tranh. Một trong các thỏa thuận đó là cho phép ứng dụng tìm kiếm của Google được tải trước và không thể bị xóa trên điện thoại di động chạy hệ điều hành Android. Ngoài ra, Google đã trả hàng tỉ USD mỗi năm để “bảo đảm trạng thái mặc định cho công cụ tìm kiếm chung của mình và, trong nhiều trường hợp, đặc biệt cấm các đối tác của Google giao dịch với các đối thủ cạnh tranh của Google”.
Trong đó, một trong những bản hợp đồng liên quan tới smartphone lớn nhất của Google là ký với Apple. Google đã trả cho nhà sản xuất iPhone từ 8-12 tỉ USD mỗi năm từ nguồn thu quảng cáo để Apple sử dụng Google làm công cụ tìm kiếm mặc định trên các thiết bị của “Quả táo” (chỉ tính riêng tại Anh trong năm 2019, số tiền Google phải chi cho Apple đã lên tới 1,5 tỷ USD). Ngoài ra, Google còn bị cáo buộc, công cụ tìm kiếm của Google cũng được tải sẵn trên các thiết bị sử dụng hệ điều hành Android của công ty này và khiến nó không thể xóa được.
Mặc dù tỏ ra rất quyết liệt với những cáo buộc khá nặng nề, song phe Chính phủ đã viết trong đơn khởi kiện: Mong muốn Tòa sẽ tuyên phạt Google số tiền lớn đủ sức răn đe, hoặc có thể ra một phán quyết chia tách Google để thu hẹp phạm vi ảnh hưởng của công ty này trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến. Cùng với khởi kiện, được biết Bộ Tư pháp Mỹ cũng đang tìm kiếm những phương án nhằm giảm bớt quy mô của Google về mặt cấu trúc.
Quyền lực của Google bắt nguồn từ mảng kinh doanh quảng cáo trên nền tảng số khổng lồ của họ, một khoản thu nhập kếch xù mang lại tới 85% trong tổng doanh thu thường niên khoảng 160 tỉ USD của Google. Hoạt động kinh doanh đó được thúc đẩy bằng công cụ tìm kiếm cùng tên Google của họ. Google hiện đảm nhiệm khoảng 90% hoạt động tìm kiếm trên mạng toàn thế giới.
Vụ kiện của phe Chính phủ cũng đặt ra một mối đe dọa tiềm ẩn đối với hoạt động kinh doanh của Google nếu nó phá vỡ công cụ tìm kiếm của Google - chiếm khoảng 21 tỷ USD trong quý trước hoặc hơn một nửa tổng doanh thu - từ các ngành kinh doanh khác của mình.
Trước động thái khởi kiện của Bộ Tư pháp Mỹ, Google phản đối cáo buộc cho rằng họ có hành vi phản cạnh tranh. Theo Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách các vấn đề toàn cầu của Google: “Mọi người dùng Google vì họ chọn dùng nó chứ không phải họ bị bắt buộc phải dùng, hoặc vì họ không thể tìm được những công cụ khác thay thế”. Giám đốc Pháp lý của Google, Kent Walker cho biết trong một tuyên bố: “Vụ kiện hôm nay của Bộ Tư pháp là sai sót rất lớn”. Google cũng nhấn mạnh rằng các dịch vụ của họ còn giúp giảm giá bán đáng kể của smartphone, làm lợi cho người mua và khẳng định họ không hề ngăn chặn người dùng khi muốn chuyển sang các công cụ tìm kiếm khác.
Về mặt kỹ thuật, những phản bác trên là hoàn toàn chính xác, nhưng có một sự thật không thể chối cãi là thỏa thuận của Google về cài đặt trước, cài đặt mặc định và quyền đối xử ưu đãi đã đem lại cho “gã khổng lồ” công nghệ các lợi thế đáng kể so với những đối thủ cạnh tranh khác.
Vĩ thanh
Vụ kiện chắc chắn sẽ còn kéo dài mới đi đến hồi kết, tuy nhiên theo quan sát của nhiều chuyên gia pháp lý, sẽ không có ngoại lệ đối với Google. Mặc dù, Google luôn tỏ ra “rất thành thạo” trong việc “né” các cơ quan giám sát của Mỹ. Cũng theo các chuyên gia, có lẽ kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới đây cũng khó có thể thay đổi được số phận của Google ngay cả khi có sự chuyển giao quyền lực.
Nếu Google bị phán quyết là làm trái quy định cấm độc quyền theo Đạo luật Sherman của Mỹ, “gã khổng lồ” công nghệ có thể phải đối mặt với các khoản tiền phạt và yêu cầu bồi thường thiệt hại lớn chưa từng có.
Tuy nhiên điều đó có thể sẽ rất khó xảy ra. Bởi mục tiêu chính của phe Chính phủ hướng đến, không phải là triệt tiêu mà là kìm hãm sự phát triển giảm bớt sự ảnh hưởng đối với nền kinh tế Mỹ. Hay nói cách khác, Chính phủ Mỹ không mong muốn các ông lớn công nghệ “chết” (vì điều đó là đồng nghĩa với triệt tiêu nguồn thu thuế khủng). Cái mà phe Chính phủ mong đợi, đó là sự tồn tại và phát triển của các tập đoàn công nghệ nói riêng nhưng không được đi quá giới hạn, vượt quá tầm kiểm soát.
Rõ ràng là về nguyên tắc dân sự, việc một công ty mua lại các đối thủ cạnh tranh không có gì sai trái, bởi hoạt động này diễn ra trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện. Hơn nữa, việc này sẽ giúp tái cơ cấu lại những doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả và là một cách để đổi mới công nghệ, qua đó mang lại nhiều giá trị hơn cho mọi người… Tuy nhiên cho dù hai bên có đi đến thỏa hiệp, thì chắc chắn ông lớn Google cũng phải chịu sự thiệt hại không nhỏ.
Trong đó, có lẽ điều đáng lo ngại nhất của Google là viễn cảnh sẽ bị chia tách các mảng kinh doanh khác nhau của tập đoàn. Bởi, Google hiện đang sở hữu một loạt các dịch vụ rất thành công, bao gồm Google tìm kiếm, Google Chrome, hệ điều hành Android và nhiều dịch vụ công nghệ quảng cáo khác nhau. Vị thế của Google và quyền truy cập vào dữ liệu trong một doanh nghiệp được cho là tạo ra lợi thế cho tập đoàn trong các mảng kinh doanh khác.
Không chỉ Google, các công ty như Apple, Amazon và Facebook cũng đang đối mặt với việc kiểm tra chống độc quyền từ các cơ quan quản lý và giới lập pháp Mỹ. Do đó, việc Mỹ kiện Google lợi dụng sức mạnh của mình để độc quyền tìm kiếm và quảng cáo, gây thiệt hại cho các đối thủ và khách hàng, rất có thể động thái nhắm vào Google chỉ mới là khởi đầu.
MINH TRUNG
Link nội dung: https://phaply.net.vn/chinh-phu-my-khoi-kien-google-soi-vu-kien-duoi-lang-kinh-luat-phap-va-kinh-te-a240958.html