Dự Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi): Những nội dung lớn cần tiếp tục làm rõ

(Pháp Lý) - Dự án Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) gồm 16 Chương, 175 Điều được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 vào tháng 10/2020. Do liên quan đến các vấn đề mang tính khoa học và có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, vì vậy dù trải qua nhiều hội thảo, hội nghị lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhưng dự thảo Luật cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về một số nội dung lớn.

Sau đây Phóng viên Pháp lý tổng hợp lại các vấn đề lớn của Dự Luật còn có ý kiến khác nhau

Quang cảnh Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV

Tham vấn cộng đồng: chỉ để tham khảo hay phải là qui định, căn cứ bắt buộc ?

Một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội và các tổ chức xã hội quan tâm nhiều do có ảnh hưởng lớn đến người dân, đặc biệt những nhóm người yếu thế trong xã hội nhưng cho đến nay vẫn chưa thực sự được tiếp thu một cách triệt để trong dự thảo luật, đó là vấn đề “tham vấn cộng đồng nói chung và tham vấn cộng đồng trong các dự án phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nói riêng.”.

Nhiều ý kiến cho rằng công tác tham vấn cộng đồng hiện còn mang tính hình thức, chưa thiết thực và chưa thực sự lắng nghe người dân, bảo vệ quyền lợi người dân. Nếu dự thảo luật không đưa ra được những quy định cụ thể sẽ không giải quyết được vướng mắc này trong thực tiễn, nhất là khi nhiều nơi người dân đang phải “sống chung” với ô nhiễm do hoạt động sản xuất của các nhà máy xi măng, giấy…

Ông Võ Trí Chung, chuyên gia của Chương trình Con người và Sinh quyền - Ủy ban UNESCO Việt Nam: Tham vấn cộng đồng cần phải đích thực vì cộng đồng và phải làm đến nơi đến chốn. Chúng tôi cũng đi làm ĐTM và làm nhiều lắm rồi. Việc tham vấn cộng đồng hiện nay dường như còn mang tính hình thức, trong khi tham vấn cộng đồng là trách nhiệm cao nhất trước nhà nước về bảo vệ môi trường.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc – Đại biểu Cao Thị Xuân cho rằng Điều 33 dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường đã có sửa đổi rất quan trọng về tham vấn cộng đồng, nhưng ngay khoản 1, tham vấn cộng đồng chỉ là thông tin tham khảo các cơ quan có thẩm quyền. Về đối tượng tham vấn, trách nhiệm tham vấn, nội dung, hình thức tham vấn rất quan trọng nhưng chỉ là thông tin tham khảo. Do đó, cơ quan soạn thảo cần nêu rõ tham vấn cộng đồng là một căn cứ để bắt buộc các cơ quan có thẩm quyền xem xét và phê duyệt kết quả thẩm định. Nếu chỉ tham khảo thì lấy ý kiến tham vấn cũng được, không lấy cũng được. Do vậy, ĐB Xuân kiến nghị tham vấn cộng đồng phải là một căn cứ bắt buộc.

Khoản 2 Điều 33, mục a đã quy định đối tượng rất rõ nhưng thực tiễn hiện nay vẫn còn rất hình thức. Mục b, c quy định đối tượng tham vấn là các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị liên quan nhưng theo quy định của Chính phủ. Đặc biệt là Khoản 7 của Điều 33 quy định “Chính phủ quy định chi tiết điều này” . Nhiều ý kiến cho đề nghị ban soản thảo xem xét, chỉnh sửa lại, tránh trường hợp trong Luật để quá nhiều điều khoản “Chính phủ quy định” như hiện nay. Tham vấn cộng đồng dân cư cần đưa vào Luật là một trong các yếu tố quyết định, không thể để tham khảo.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, ĐB Nguyên Lâm Thành ủng hộ quan điểm tham vấn cộng đồng phải thực chất. Khoản 3 Điều 165 đề cập chỉ tham vấn qua đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc hoặc qua Ban công tác Mặt trận cấp xã, hoặc là người do hội nghị cộng đồng dân cư bầu làm đại diện được chính quyền công nhận, tôi cho rằng quy định như vậy chưa chặt chẽ, không thực chất. Ở đây chúng ta phải lấy tham vấn cộng đồng đại diện cho ý chí và nguyện vọng của số đông. Công tác cán bộ hiện nay lấy trên 50%, tại sao không áp dụng quy định này vào quản lý xã hội? rõ ràng đây là “khe hở” cho các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn quản lý liên quan đến môi trường trong thời gian vừa qua. Do vậy, cần phải tính đến quy định lấy ý kiến tham vấn từ số đông.

Cần quy định rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân nộp thuế, phí BVMT

Tham gia ý kiến với Quốc hội, nhiều cử tri Quảng Ninh cho rằng cần quy định rõ ràng, chi tiết hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ của các tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cá nhân trong việc nộp phí, thuế bảo vệ môi trường, bởi Luật hiện hành còn chung chung, hoặc chưa được đề cập đến.

Cụ thể, Điều 68 không quy định trách nhiệm, nghĩa vụ nộp phí, thuế bảo vệ môi trường của tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trong khi đó tại Điều 82 thì quy định rất rõ trách nhiệm, nghĩa vụ nộp đủ và đúng thời hạn phí bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình.

Hiện nay, đã có các quy định về thu phí bảo vệ môi trường như phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, phí thẩm định phương án cải tao, phục hồi môi trường…

Tuy nhiên, theo ông Trần Việt Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hải Hà, Quảng Ninh, thực tế số kinh phí thu được để đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường rất ít. Lý do là chưa có cơ chế phù hợp để huy động sự tham gia, đóng góp của mọi tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ môi trường, các quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ của người nộp phí bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên còn chung chung. Trong khi đó, cơ chế đầu tư cơ sở hạ tầng chủ yếu dựa trên tinh thần tự nguyện, hỗ trợ của doanh nghiệp, chưa có quy định cụ thể, chưa có cơ chế pháp lý để ràng buộc. Do đó việc kê khai, nộp phí và thuế do các doanh nghiệp tự kê khai, nộp thuế, điều này cũng mang đến những bất lợi đối với việc thu thuế, phí tài nguyên. Bởi việc kiểm tra từng phương án vận chuyển và kiểm tra từng hóa đơn mua bán của các doanh nghiệp không phải chuyện dễ, chưa kể các trường hợp mua bán không có hóa đơn. Vì vậy trong thực tế, việc thực hiện các quy định về đảm bảo quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác rất khó triển khai thực hiện.

Đánh giá tác động môi trường: nên thực hiện theo các qui định của Luật Đầu tư công

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, về đánh giá sơ bộ tác động môi trường (Điều 30), dự thảo Luật đưa ra 2 phương án.

Theo phương án 1, phân loại dự án theo Luật Đầu tư công để xác định đối tượng dự án phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường (bao gồm các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C). Theo đó, các dự án đầu tư công dù quy mô nhỏ và không có cấu phần xây dựng cũng phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường.

Theo phương án 2, dựa trên cơ sở phân loại dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường và quy định chỉ các dự án thuộc nhóm I (Nhóm có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao) mới là đối tượng phải thực hiện. Như vậy, đối tượng dự án phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường thu hẹp hơn so với Luật Đầu tư công. Nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường là một phần trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc đề xuất dự án đầu tư.

Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cho biết, đa số ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị thực hiện theo Phương án 2 và Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Bộ Tài nguyên và Môi trường nhất trí với phương án này.

Tán thành với phương án 1, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, không chỉ các dự án nhóm I, nhiều trường hợp các dự án nhóm II, nhóm III cũng có yếu tố tác động xấu đến môi trường nên cần đánh giá toàn diện. “Có dự án quy mô nhỏ nhưng liên quan đến rừng, nước thải, khí thải, xói mòn đất… cũng có nguy cơ tác động xấu đến môi trường. Vì thế, việc đánh giá nên thực hiện theo Luật Đầu tư công”, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải chỉ rõ.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, thông qua đánh giá sơ bộ sẽ loại được các công trình, dự án có ảnh hưởng đến môi trường, ngay từ khâu nghiên cứu tiền khả thi. Do đó, nên đánh giá sơ bộ tác động môi trường tất cả các dự án đầu tư công như Luật Đầu tư công quy định

Thảo luận về nội dung đánh giá tác động môi trường quy định trong Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi), một số ý kiến của đại biểu quốc hội đề nghị cân nhắc sử dụng tên gọi “đánh giá sơ bộ tác động môi trường” và quy định đối tượng phải thực hiện cho phù hợp với Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng mới được Quốc hội thông qua. Như vậy, giữa Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công đang có quy định khác nhau về việc xác định đối tượng phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường (Luật Đầu tư dẫn chiếu thực hiện theo pháp luật về BVMT, trong khi Luật Đầu tư công quy định tất cả các dự án đầu tư công phải phê duyệt chủ trương đầu tư và phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường).

Đối với quy định tất cả dự án đầu tư công phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường như Luật Đầu tư công thì trong thực tế, có nhiều dự án quy mô nhỏ, chỉ mua sắm tài sản, trang thiết bị, hoạt động báo chí cũng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường là không thực sự cần thiết; rất nhiều dự án phải quyết định chủ trương đầu tư và có đánh giá sơ bộ tác động môi trường nhưng không thuộc đối tượng phải đánh giá tác động môi trường (do không có tác động hoặc tác động đến môi trường rất ít) theo quy định của Luật BVMT hiện hành.

Như vậy, trong quá chỉnh lý Dự thảo Luật cần quy định thống nhất các tiêu chí về môi trường để làm căn cứ xuyên suốt trong việc xác định đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường và đăng ký môi trường; khắc phục sự chồng chéo, thiếu thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Lưu ý các qui định điều chỉnh Thủy điện nhỏ và vừa bởi thực tế nảy sinh nhiều vấn đề về môi trường.

Do phát triển quá “nóng” nên việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện vừa và nhỏ thời gian qua đã bộc lộ một số tồn tại phải giải quyết như thiếu kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch nên Ủy ban Nhân dân các tỉnh đã dễ dàng trong việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư, cũng như chấp thuận chủ trương nghiên cứu đầu tư các dự án thủy điện khiến Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ của tỉnh thường xuyên phải điều chỉnh, bổ sung.

Thực tế triển khai cũng cho thấy Ủy ban Nhân dân một số tỉnh chưa chú ý nhiều đến các yếu tố về xã hội, môi trường mà chỉ chú trọng đến yếu tố về kinh tế nên cấp phép đầu tư cho quá nhiều dự án, thậm chí cả những dự án không có trong quy hoạch và sau này phải kiến nghị bổ sung, điều chỉnh.

Trước thực trạng vấn đề phát triển thủy điện và tác động đến lũ lụt miền Trung, ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường mới đây cho hay thời gian qua đã có trên 400 thủy điện nhỏ được đưa ra khỏi quy hoạch. "Quan điểm của Bộ Tài nguyên và môi trường là thủy điện bao giờ cũng có hai mặt. Do đó, không nên khuyến khích phát triển bằng mọi giá thủy điện nhỏ. Trong thời gian tới, cần hết sức thận trọng trong cấp phép thủy điện nhỏ" - ông Hà nói.

Quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường là đối với các nhà máy thủy điện phụ thuộc vào thiết kế mới đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu. Như các nhà máy thủy điện lớn hiện nay giải quyết rất tốt bài toán về cắt lũ, điều tiết để cung cấp nước cho mùa hạn. Còn những thủy điện nhỏ thì không đáp ứng được yêu cầu đó. Như vậy, phát triển thủy điện phải tuân thủ quy chế về điều tiết, đảm bảo an toàn.

Thượng tá Lê Hồng Phin, nguyên Phó trưởng khoa Cơ khí Cơ điện, Trường Trung cấp Kỹ thuật miền Trung, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Môi trường biển Vĩnh Hòa mong muốn Luật BVMT cần phải xây dựng có tính bao quát, tổng thể, có giá trị cho hiện tại và tầm nhìn phát triển trong vài chục năm sau; hạn chế những lợi ích trước mắt và để lại hậu quả cho ngày sau. Luật cũng nên quan tâm đến việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, kiên quyết giải thể những nhà máy thủy điện có công suất thấp, gây ảnh hưởng đến môi trường rừng, dẫn đến những hậu quả lũ lụt, biến đổi khí hậu. Các dự án có nguy cơ gây hại cho môi trường, cần kiểm tra, thẩm định kỹ càng.

Phân loại dự án theo tiêu chí MT, phân cấp tới cấp tỉnh thực hiện

Trình bày báo cáo những vấn đề lớn giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận thấy việc căn cứ quy mô, tính chất và mức độ tác động đến môi trường để phân loại dự án phải thực hiện thủ tục môi trường nói chung là phù hợp. UBTVQH đã chỉnh sửa Dự thảo Luật theo 2 phương án, đồng thời các điều luật liên quan tương ứng cũng được chỉnh sửa theo.

Cụ thể, theo phương án 1 (Điều 29a) đã quy định về phân loại dự án đầu tư thành 4 nhóm, gồm: Dự án đầu tư phải thực hiện ĐTM và phải có GPMT; Dự án đầu tư chỉ phải thực hiện ĐTM và không phải có GPMT; Dự án đầu tư không phải thực hiện ĐTM nhưng phải có GPMT; Dự án không phải thực hiện ĐTM và không phải có GPMT.

Phương án trên có ưu điểm là thuận tiện trong việc tra cứu đối tượng dự án tương ứng với các thủ tục môi trường phải thực hiện. Tuy nhiên, lại không áp dụng được các tiêu chí môi trường xuyên suốt để quản lý môi trường trong các dự án đầu tư; không bảo đảm linh hoạt trong việc điều chỉnh danh mục đối tượng phải thực hiện ĐTM, GPMT.

Đối với phương án 2 (Điều 29b) tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), quy định rõ tiêu chí phân loại dự án theo mức độ tác động đến môi trường. Đồng thời, dự án đầu tư được phân thành 4 nhóm gồm: có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, có nguy cơ, ít có nguy cơ và không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.

Theo phương án này, giao Chính phủ căn cứ quy định của khoản 1, khoản 2 Điều này để quy định tiêu chí cụ thể và ban hành danh mục dự án thuộc các nhóm I, II và III. Nhờ đó, sử dụng thống nhất, xuyên suốt các tiêu chí môi trường trong xác định đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường; đánh giá tác động môi trường (ĐTM); giấy phép môi trường, đăng ký môi trường.

Về tiêu chí yếu tố nhạy cảm về môi trường nơi thực hiện dự án, UBTVQH tiếp thu và đã quy định rõ hơn tiêu chí này nhằm đề cập tầm quan trọng của đối tượng bị tác động của dự án, vị trí của dự án đối với vùng nhạy cảm môi trường tại điểm c khoản 1 Điều 29b. Quy định này cũng là cơ sở để giao Chính phủ ban hành tiêu chí cụ thể và danh mục dự án thuộc các nhóm I, II và III.

Về đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường cho phù hợp với với Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Xây dựng; Dự thảo Luật cũng trình 2 phương án: tất cả các dự án đầu tư phải có chủ trương đầu tư đều là đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường; chỉ các dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao (Nhóm I) mới phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường.

Về vấn đề này, đa số Đoàn ĐBQH (39/50 Đoàn) có ý kiến đề nghị thực hiện theo phương án phân loại dự án theo tiêu chí về môi trường quy định tại Điều 29b Dự thảo Luật.

Liên quan vấn đề thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cũng trình ĐBQH 2 phương án. Theo đó, Tờ trình số 252/TTr-CP của Chính phủ giao Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành chủ trì, phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo ĐTM đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của mình nhằm phát huy vai trò, năng lực, nguồn lực của các Bộ chuyên ngành, thuận lợi cho việc thực hiện thủ tục hành chính liên thông.

Về phân loại dự án đầu tư thực hiện đánh giá tác động môi trường; thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường: Các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá về những ưu điểm, hạn chế của 2 phương án quy định tại Điều 36 của dự thảo Luật BVMT (sửa đổi). Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiến hành xin ý kiến các đại biểu Quốc hội bằng hình thức lấy phiếu.

Ngoài ra, riêng về cấp giấy phép môi trường, trong đó có nội dung tích hợp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi: Đa số ý kiến đại biểu phát biểu đồng tình với phương án 1 của dự thảo Luật, quy định chỉ dùng 1 loại giấy phép môi trường, trong đó gồm cả nội dung cấp phép xả thải vào công trình thủy lợi, thay thế 7 loại giấy tờ thủ tục hành chính cấp phép về môi trường. Bên cạnh đó, một số ý kiến đại biểu băn khoăn về vấn đề bảo đảm chất lượng nguồn nước cung cấp cho sản xuất và nước sinh hoạt của các công trình thủy lợi. Mặt khác, việc cấp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi hiện đang được quy định tại Luật Tài nguyên nước, Luật Thủy lợi. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan trình và cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, báo cáo Quốc hội.

Theo ý kiến của nhiều Đoàn ĐBQH, sẽ giao cho UBND cấp tỉnh phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các Bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Bộ TN&MT, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) trên địa bàn. Kết quả xin ý kiến cho thấy, đa số các Đoàn ĐBQH (40/50 Đoàn có ý kiến) đề nghị thực hiện theo Phương án này. “Việc giao UBND cấp tỉnh thẩm định sẽ nắm rõ mức độ tác động của dự án đến môi trường, kinh tế - xã hội tại địa phương và thống nhất với thẩm quyền, trách nhiệm quản lý xuyên suốt tại địa phương từ thẩm định kết quả báo cáo ĐTM, cấp GPMT, kiểm tra, thanh tra về BVMT của dự án, cơ sở”, báo cáo nêu rõ

Giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường

Khoản 2 Điều 139 Dự thảo Luật quy định: “Việc khởi kiện tại Toà án được thực hiện theo quy định về bồi thường thiệt hại dân sự ngoài hợp đồng của Bộ luật Tố tụng dân sự trừ việc chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật về môi trường và thiệt hại xảy ra thuộc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vi phạm, gây ô nhiễm về môi trường”.

Quy định nêu trên chưa xác định rõ trình tự, thủ tục chứng minh mối quan hệ nhân quả được thực hiện trên cơ sở văn bản nào? văn bản pháp lý và giá trị của văn bản về kết quả chứng minh ra sao?. Để bảo đảm tính khả thi của điều luật, tác giả cho rằng, cần sửa đổi quy định trên theo hướng bổ sung vào cuối điều luật cụm từ “theo quy định của pháp luật”. Theo đó, khoản e Điều 139 được viết lại như sau: “Việc khởi kiện tại Toà án được thực hiện theo quy định về bồi thường thiệt hại dân sự ngoài hợp đồng của Bộ luật Tố tụng dân sự trừ việc chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật về môi trường và thiệt hại xảy ra thuộc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vi phạm, gây ô nhiễm về môi trường theo quy định của pháp luật”.

Xử lý vi phạm

Khoản 1 Điều 175 Dự thảo Luật quy định: “Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức và cá nhân khác, có trách nhiệm khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại và bị xử lý theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan”.

Có ý kiến cho rằng Quy định này chưa bảo đảm phân hóa tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạmpháp luật về bảo vệ môi trường, chưa thể hiện rõ các chế tài nghiêm khắc cần áp dụng để trừng trị, giáo dục, răn đe tổ chức, cá nhân vi phạm. Để khắc phục hạn chế này, cần bổ sung cụm từ “tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự” thay thế cho cụm từ “…và bị xử lý theo quy định của Luật này và pháp luật có liên”. Theo đó, khoản 1 Điều 175 được viết lại như sau: “Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, gây thiệt hại cho nhà nước, tổ chức và cá nhân khác, có trách nhiệm khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại. Tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Khoản 3 Điều 175 Dự thảo Luật quy định: “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các trường hợp quy định đặc thù trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sau: a) Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 05 năm”.

Về cơ bản, nhiều ý kiến đồng tình với quy định này, bởi lẽ việc chứng minh hành vi vi phạm pháp luật về môi trường và hậu quả của hành vi đó là rất khó, đòi hỏi phải có đủ thời gian vật chất. Hơn nữa, quy định này còn bảo đảm thực hiện nguyên tắc “mọi vi phạm pháp luật về môi trường đều phải được xử lý nghiêm minh”, không bỏ lọt vi phạm, góp phần bảo vệ và giữ gìn có hiệu quả môi trường cho Nhân dân, thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế, xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, để đạt được mục đích này, cần bổ sung nguyên tắc và trách nhiệm xử lý kịp thời, nhanh chóng mọi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; đồng thời, cần phân hóa thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên cơ sở phân loại tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo hướng: tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường càng cao thì thời hạn để áp dụng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường càng dài.

Kết mở

Có thể nói, Luật BVMT (sửa đổi) được cử tri và doanh nghiệp đặc biệt quan tâm vì có tầm ảnh hưởng, tác động đến nhiều đối tượng, lĩnh vực. Tuy nhiên đến nay nhiều nội dung lớn của Luật vẫn còn nhiều tranh luận chưa ngã ngũ như đã nêu ra ở tổng hợp trên.

Ngoài ra, tại phiên thảo luận, một số ý kiến đại biểu phát biểu về nhiều vấn đề khác, như: Chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường; nguyên tắc bảo vệ môi trường; vai trò của cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong bảo vệ môi trường; những hành vi bị nghiêm cấm; về quỹ bảo vệ môi trường; vấn đề rà soát, hoàn thiện các quy định về quy hoạch, kế hoạch bảo vệ môi trường; về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục các sự cố môi trường; quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp; về kiểm toán môi trường và trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước; về cải cách thủ tục hành chính, rà soát và điều chỉnh các quy định pháp luật nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường…

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội cho phép tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sau.

Thành Chung (Tổng hợp)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/du-luat-bao-ve-moi-truong-sua-doi-nhung-noi-dung-lon-nao-can-tiep-tuc-duoc-tiep-thu-chinh-ly-a240909.html