Xây dựng khung pháp lý cho ngân hàng số và công nghệ tài chính (Fintech): Những nội dung cần quan tâm luật hóa?

(Pháp lý) - Dịch vụ tài chính, ngân hàng ở nhiều nước trên thế giới ngày càng dựa vào công nghệ và mở ra phương thức kinh doanh mới – ngân hàng số và công nghệ tài chính (Fintech). Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng trên. Tuy nhiên, để phát triển đúng hướng, đòi hỏi Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sớm ban hành khung pháp lý. Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Tạp chí điện tử Pháp lý đã có cuộc trao đổi với chuyên tài ngành chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu về những nội dung cần phải đặc biệt quan tâm khi xây dựng khung pháp lý cho ngân hàng số và Fintech …

Ngân hàng số, Fintech là xu hướng tất yếu của cả thế giới

Phóng viên: Thưa Tiến sĩ, hiện nay, chuyển đổi số và công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng đang trở thành xu hướng mới, Ông đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển của ngân hàng số, Fintech tại Việt Nam?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Ngân hàng số, Fintech là một xu hướng tất yếu của cả thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Như chúng ta biết rằng, các ngân hàng đã sử dụng những phần mềm của máy tính từ lâu rồi. Ở Việt Nam thì cũng đã khoảng ba mươi năm nay, còn trên thế giới dĩ nhiên còn lâu hơn nữa.

Thế nhưng, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực ngân hàng giờ đây đã đến một giai đoạn rất mới. Công nghệ thông tin được phát triển như là một công cụ cho tất cả các loại hình tài chính. Trong đó, có vấn đề thu thập dữ liệu, vấn đề quản trị và sản phẩm của ngân hàng… được sử dụng qua công nghệ thông tin mới là trí tuệ nhân tạo. Thành ra, có thể nói ngành ngân hàng đã đi vào một giai đoạn mới - giai đoạn công nghệ thông tin, chúng ta gọi là “kỹ thuật số”.

Ngân hàng số, Fintech là xu hướng tất yếu của cả thế giới

Phóng viên: Ông có thể nói rõ hơn về “kỹ thuật số” trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Từ “kỹ thuật số” không phải là từ mới, tất cả những gì mà có thể dùng số, số hóa nó là kỹ thuật số. Số hóa từ hồi có computer đã số hóa rồi, có những chương trình chẳng hạn như for-frame những chương trình đó nó đã số hóa từ lâu rồi.

Thế nhưng số hóa trong thời đại này là một loại số hóa công nghệ dùng trí tuệ nhân tạo cũng như là thu thập dữ liệu, xử lý những dữ liệu nhanh chóng hơn nhiều và đặc biệt nữa có thêm hai vấn đề bổ sung cho số hoá.

Thứ nhất, đó là mạng internet - mạng lưới điện toán toàn cầu. Trong đó, mạng lưới an toàn toàn cầu cách đây khoảng độ 50 năm, là sản phẩm của Bộ Quốc phòng Mỹ, tức là họ sử dụng internet và chỉ cho vấn đề quốc phòng Mỹ. Về sau phổ biến nó trở thành một mạng điện toán mà bây giờ cả thế giới ứng dụng.

Kỹ thuật số mới đi cùng với mạng lưới điện toán rộng rãi và đặc biệt nữa tại thời điểm này, khi chúng ta nói đến kỹ thuật số - nghĩa là chúng ta nói đến kỹ thuật của điện thoại thông minh. Điện thoại thông minh ngày nay có thể có dung lượng bằng hàng chục computer ngày xưa. Điện thoại thông minh cộng với mạng lưới điện toán toàn cầu cộng với trí tuệ nhân tạo, nó trở nên một cái mà mình gọi là “kỹ thuật số” hiện tại.

Các ngân hàng họ đã sử dụng kỹ thuật số để có thể yêu cầu khách hàng sử dụng những sản phẩm, dịch vụ của họ qua điện thoại thông minh và gần đây nữa thì chúng ta thấy rằng rất nhiều ngân hàng họ sử dụng công nghệ QR code. QR code thật sự không phải là một loại công nghệ thông tin gì mới , mà chỉ là một giao dịch để thay vì mình bấm số này thì bây giờ mình chụp một cái màn hình như thế, rồi điện thoại thông minh của mình nhận được cái màn hình đó và chuyển thông tin từ điện thoại thông minh này vào trong ngân hàng và ngân hàng xử lý thông tin đó.

Ở trong tình hình của đất nước ta hiện nay và đặc biệt trong thời gian qua khi mà dịch bệnh covid diễn biến tại Việt Nam lần thứ nhất, chúng ta thấy rằng việc tiếp xúc với con người bị hạn chế, rất nhiều các khách hàng họ liên lạc với ngân hàng qua tất cả những phương tiện của công nghệ thông tin. Từ đó, vấn đề kỹ thuật số của ngành ngân hang trở thành một phương tiện không thể bỏ qua được.

Trong năm 2020 này, những sản phẩm của ngân hàng cũng như những dịch vụ của ngân hàng và sử dụng kỹ thuật số đã tăng lên một cách rất là mạnh mẽ.

Phóng viên: Như nhận định của Ông về sự tất yếu của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh pháp lý, Ông có đánh gì về khung pháp lý hiện tại của Việt Nam đối vấn đề này, đặc biệt với Fintech hiện nay?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Hiện tại Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng chương trình thử nghiệm có kiểm soát được gọi là Sandbox. Chính phủ đang lấy ý kiến của các ban, ngành để ban hành một khung pháp lý cho việc thử nghiệm chương trình đó.

Đây chưa phải là một khung pháp lý chính thức cho vấn đề ngân hàng số, Fintech. Tại vì trong chương trình thử nghiệm đó, bao gồm những chương trình thử nghiệm cho vấn đề thanh toán, cho vay ngân hàng và một số những lĩnh vực khác nữa liên quan đến công nghệ thông tin.

Chương trình thử nghiệm đó là một nền tảng để thiết lập ra khung pháp lý cho Fintech. Bản thân của nó chưa phải là quy định về kỹ thuật số hay là quy định cho vay ngang hàng hay thanh toán…

Chương trình thử nghiệm đó có thể kéo dài 2 năm, sau đó Ngân hàng Nhà nước hoặc là một cơ quan chủ quản sẽ dựa trên kết quả của chương trình thử nghiệm đó để đưa ra một dự thảo về luật pháp và Dự thảo đó có thể là Nghị định hoặc Quyết định của Chính phủ, thì Chính phủ ban hành. Còn nếu muốn trở thành luật thì phải đưa ra Quốc hội.

Thành ra, với các bước như thế, cơ quan quản lý đang tỏ ra rất thận trọng trong vấn đề sử dụng kỹ thuật số. Ngay cả một chương trình thử nghiệm thôi mà có thể đến đầu sang năm Chính phủ mới ban hành và lại phải có 2 năm để thử nghiệm, sau 2 năm thử nghiệm rồi bấy giờ mới có một dự thảo về pháp luật. Thành ra nói chung là Việt Nam của mình rất chậm trong vấn đề triển khai kỹ thuật số.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải hiểu rằng vấn đề rất quan trọng là an ninh mạng và an ninh thông tin. Chính vì an ninh mạng, an ninh thông tin đó mà Chính phủ cần một thời gian để nghiên cứu, khảo sát cũng như đưa ra những quy định. Chính vì thế mà cũng dễ hiểu vì sao Chính phủ hiện tại đang cần rất nhiều thời gian để đưa ra những quy định của pháp luật. Điều đáng nói là thời gian của chương trình thử nghiệm theo đề nghị của NHNN là 2 năm là lâu quá. Theo tôi, chỉ cần 1 năm là đủ để có đủ những căn cứ để đưa ra một dự thảo luật.

Bởi thực tế hiện nay cho thấy tội phạm đã và đang sử dụng công nghệ thông tin để chiếm đoạt tài sản của người khác, rồi vấn đề tín dụng đen và cả những phương thức cho vay ngang hàng …hiện đang bị lẫn lộn giữa các công ty làm ăn chính thống với những đối tượng lừa đảo.

Đâu là những nội dung cần quan tâm nhất?

Phóng viên: Được biết, song song với việc xây dựng cơ chế thử nghiệm, NHNN cũng đang nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung vào Luật các TCTD các nội dung mới liên quan đến công nghệ nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý đầy đủ cho quá trình chuyển đổi số và hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng. Vậy theo ông, đâu là những nội dung cần quan tâm nhất?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Nội dung đầu tiên cần phải chú ý đó là cơ quan chủ quản nào sẽ thực hiện Sandbox. Cho đến bây giờ Ngân hàng Nhà nước là người soạn thảo ra dự thảo. Thế nhưng, trong Dự thảo không nói đến cơ quan nào là cơ quan sẽ thực hiện.

Theo tôi, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan mà có lẽ là tốt nhất, tại vì nó liên quan đến vấn đề thanh toán, nó liên quan đến vấn đề cho vay. Tất cả những cái đó là những lĩnh vực của ngành ngân hàng, tài chính mà có lẽ cơ quan chủ quản phải là Ngân hàng Nhà nước.

Thứ hai, trong tất cả những quy định về Fintech, trọng tâm của vấn đề là làm sao kiểm soát được rủi ro cho việc cho vay, thanh toán … làm sao có những cơ chế để kiểm soát rủi ro một cách chặt chẽ.

Vấn đề nữa là Luật pháp phải có những quy định như thế nào để bảo đảm được tài sản của người đầu tư, tài sản của người cho vay và rồi luật pháp cũng cần phải có những quy định về bảo đảm là bên đi vay có khả năng trả nợ.

Song, cần có những quy định như thế nào? thì tại thời điểm này, ngay cả chính tôi cũng chưa hình dung được là làm sao để bảo vệ quyền lợi của hai bên. Bởi vì nếu muốn bảo vệ thì hiện tại ngân hàng họ làm chuyện đó. Ngân hàng là người huy động vốn rồi họ cam kết trả lại huy động vốn cho người gửi tiền. Họ cho vay ra, họ thẩm định và họ là người thu hồi nợ.

Nhưng mà đối với một công ty Fintech đứng ở giữa, không có hội sở, cũng chẳng có nhân viên, chỉ kết nối phần mềm với nhau, làm thế nào để bảo vệ được tài sản của người cho vay?

Do đó, các nhà làm luật của Việt Nam và Chính phủ phải nghĩ đến vấn đề làm sao bảo vệ cho nhà đầu tư và bảo vệ cho khách đi vay … đó là những điểm chính.

Pháp luật cần có quy định gì để kiểm soát rủi ro?

Phóng viên: Kiểm soát rủi ro là một vấn đề cực kỳ quan trọng trong hoạt động tài chính nói chung và Fintech nói riêng, vậy theo ông quy định như thế nào để kiểm soát rủi ro?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Chẳng hạn như trong lĩnh vực cho vay ngang hàng (P2P – Lending), đó là một phần của Fintech trong ngành ngân hàng, cơ quan chủ quản hoặc là quy định pháp luật phải đưa ra những cấp độ cho các công ty tham gia vào thị trường gồm:

Cấp độ thứ nhất, Công ty Fintech chỉ là đơn vị trung gian và dùng công nghệ thông tin để kết nối kết nối. Ví dụ như lĩnh vực cho vay ngang hàng, kết nối giữa người có tiền và bên đi vay. Không tham gia bất cứ một việc mà hai bên trao đổi sao dời

Cấp độ thứ hai, Công ty Fintech có khả năng là họ thẩm định được bên đi vay, biết được bên đi vay có khả năng trả nợ hay không. Sau đó giới thiệu cho bên cho vay. Cấp độ này công ty Fintech sẽ có thêm một vai trò nữa là thẩm định.

Cấp độ thứ ba, là họ không những là đơn vị kết nối, giới thiệu; thẩm định mà họ chính là người mà cấu trúc của cả món vay từ lãi suất, phí cho đến cách trả nợ thế nào, thế chấp hay là có tài sản bảo đảm…

Lên một cấp độ thứ tư, là cung cấp độ cao nhất, theo đó công ty Fintech là người trung gian giới thiệu cho cả hai bên, thẩm định tình hình tài chính của cả hai bên… và có thể huy động vốn từ người có tiền và dùng đồng vốn đó để chính họ cho vay chứ không phải là hai bên tự cho nhau vay.

Với 4 cấp độ như vậy, Ngân hàng Nhà nước hoặc cơ quan chủ quản phải đưa ra một quy định là hiện tại Việt Nam cho phép công ty Fintech hoạt động ở cấp độ nào? Cấp độ thứ nhất chỉ có kết nối không thôi, không được phép thẩm định, không được phép đưa ra lãi suất… và cấp độ thứ tư là anh dùng tiền mà anh huy động để đầu tư.

Thế thì trong tất cả 4 cấp độ đó thì cấp độ thứ tư là cấp độ mà có lẽ không thể cho phép được. Tức là công ty Fintech đứng ra huy động vốn, với Luật tổ các chức tín dụng hiện tại thì muốn huy động vốn thì phải là ngân hàng, còn nếu muốn cho vay ra thì phải là ngân hàng hay công ty tài chính. Do đó, ở Việt Nam không thể chấp nhận cấp độ bốn được.

Nhưng mà với ba cấp độ trên thì Chính phủ tại thời điểm này phải quyết định cho công ty Fintech làm ăn theo mức độ nào: một, hai, ba hay lên mức độ ba luôn.

Xin cảm ơn Ông!

Văn Chiến (thực hiện)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/xay-dung-khung-phap-ly-cho-ngan-hang-so-va-cong-nghe-tai-chinh-fintech-dau-la-nhung-noi-dung-can-quan-tam-nhat-a240859.html