Ông Trần Du Lịch: Không nên can thiệp vào quyền quyết 'room' ngoại

TS Trần Du Lịch đề nghị cẩn trọng khi soạn thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán nhằm không "tạo kẽ hở pháp lý" với các luật hiện hành.

Luật Chứng Khoán 2019 có hiệu lực đầu 2021. Dự thảo Nghị định hướng dẫn luật này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước dự kiến bỏ quyền tự định đoạt "room" vốn ngoại của các doanh nghiệp đại chúng. Ông đánh giá gì về điều này?

- Trước hết, tôi muốn đề cập tới ba tiêu chí khi làm một nghị định hướng dẫn. Thứ nhất, nghị định không phủ hết cả nội dung đã có trong luật. Thứ hai, nghị định phải tránh trường hợp đưa ra nội dung mà luật không dự liệu. Thứ ba, các nội dung phải tuân thủ tính chất ổn định và chỉ thay` đổi những điều cũ khi cần thiết, khi thấy sự cản trở của luật hiện hành. Chúng ta cần hết sức tránh tình trạng thay thế tạo bất ổn cho nền kinh tế. Trong quan hệ kinh tế, doanh nghiệp cần nhất là tính ổn định của pháp luật.

Hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau về dự thảo nghị định mới bỏ quyền của đại hội cổ đông khi hạn chế cho người nước ngoài mua cổ phần. Theo tôi hiểu, ý định của ban soạn thảo là muốn tự do hóa việc mua bán cổ phần. Nhưng tôi nghĩ rằng, Chính phủ trước khi thay đổi cần xem xét lại.

TS Trần Du Lịch tại một sự kiện tháng 6/2020. Ảnh: Giang Huy.

Cơ quan soạn thảo thay đổi quy định theo quan điểm là bảo vệ quyền lợi của cổ đông nhỏ. Tôi ủng hộ mong muốn này, song điều đó là chưa đủ, nhất là với lĩnh vực ngân hàng – huyết mạch của nền kinh tế. Quyền quyết định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài hay lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nên do các cổ đông quyết định. Điều này không thể và không nên can thiệp bằng một văn bản hành chính.

Ban soạn thảo cần tính toán được làm như vậy thì những cổ đông chiến lược, đặc biệt tại các ngân hàng thương mại, sẽ thấy bất ổn. Dự thảo dường như tạo điều kiện cho những cổ đông nhỏ lẻ lướt sóng, điều này có thể khiến phía cổ đông chiến lược nước ngoài cảm thấy áp lực. Quan điểm của ta là phải làm rõ, chúng ta hướng về những cổ đông chiến lược lâu dài, hay đặt nặng lợi ích đầu tư lướt sóng ngắn hạn. Đấy là vấn đề tôi nghĩ rằng phải cân nhắc rất kỹ.

Ông vừa nhắc đến riêng nhóm ngân hàng thương mại, vấn đề này có thể giải thích như thế nào?

- Tôi cho rằng tác động của nghị định này đến các ngân hàng sẽ nhiều hơn. Cá nhân tôi ủng hộ việc các ngân hàng tìm cổ đông nước ngoài. Điều này giúp họ nâng cao vấn đề quản trị, minh bạch, nâng trình độ ngân hàng trong nước. Song để làm được điều đó, ngân hàng phải có tự quyền chọn lựa và quyết định nhà đầu tư chiến lược, đi song hành lâu dài. Nếu dự thảo lại làm mất đi quyền đó, mà chỉ tạo môi trường cho hoạt động giao dịch, đó không phải là tầm nhìn lâu dài, nhất là với một lĩnh vực được ví như mạch máu của nền kinh tế.

Tôi cho rằng cũng phải có tính đồng bộ giữa các bộ luật, nhất là Luật Chứng khoán, Luật các Tổ chức Tín dụng và Luật Doanh nghiệp.

Nếu như một số điều của dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán tạo ra kẽ hở pháp lý, hay không đồng bộ với các bộ luật trên, thì phải xem xét. Hiện nay, thật sự trong lĩnh vực kinh tế, quá nhiều luật mà chồng chéo, mâu thuẫn nhau. Chúng ta không nên tiếp tục điều này. Đặc biệt trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, bối cảnh nền hiện nay thật sự rất cần sự ổn định.

Còn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, theo ông, dự thảo sẽ có tác động thế nào?

- Đấy là vấn đề thứ hai tôi muốn nói đến, là việc chuyển nhượng cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài. Chúng ta không nên bỏ qua yếu tố nước ngoài trong vấn đề này. Tôi ủng hộ việc thu hút vốn ngoại trên thị trường chứng khoán. Nhưng đối với ngân hàng, yếu tố chiến lược cần đặt ở vị thế cao hơn. Chúng ta cần tạo ra một hành lang pháp lý ổn định để họ còn đảm bảo vai trò là đối tác, chứ không thể đơn thuần là tạo điều kiện "kích thích thị trường" cho các nhà đầu tư ngắn hạn rồi bỏ quyền quyết định của cổ đông.

Tôi đề nghị, một quy định thay đổi quan trọng như vầy phải đánh giá thực tế nó sẽ tác động thế nào. Và nếu như dự thảo này được ban hành, nó sẽ tác động tích cực, tiêu cực ở chỗ nào. Đấy là vấn đề rất quan trọng mà tôi nghĩ là chính phủ phải xem xét.

Ông có đề xuất gì với ban soạn thảo?

- Theo quan điểm của tôi, vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau mà thực tế chưa đòi hỏi sửa đổi làm thay đổi hiện trạng thì chưa nên điều chỉnh. Điều này vừa bảo đảm sự ổn định, vừa bảo đảm tính thống nhất.

Phát biểu tại một hội thảo ngày 21/10, ông Bùi Hoàng Hải – Vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán chứng khoán (Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước) cho biết cơ quan này đang chờ ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để ra quyết định có điều chỉnh như đề xuất của các ngân hàng và chuyên gia hay không. Trước mắt, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước vẫn giữ quan điểm mở hết cỡ room ngoại đối với tất cả công ty đại chúng, bao gồm các tổ chức tín dụng, trừ một số ngành nghề mà điều ước quốc tế và pháp luật có quy định khác.

Theo ông Hải, quy định trên đúng luật pháp và phù hợp với các điều ước quốc tế. Việc này nhằm hướng đến sự minh bạch, đảm bảo nhà đầu tư nước ngoài có thể vào thị trường Việt Nam mà không lo ngại những quy định khác biệt của từng doanh nghiệp.

"Điều lệ mỗi công ty mỗi quy định khác nhau về room ngoại càng làm trầm trọng thêm sự không minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài", ông Hải nhấn mạnh.

Theo vnexpress.net

Nguồn bài viết: https://vnexpress.net/ong-tran-du-lich-khong-nen-can-thiep-vao-quyen-quyet-room-ngoai-4180964.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/ong-tran-du-lich-khong-nen-can-thiep-vao-quyen-quyet-room-ngoai-a240811.html