Với những cam kết về cạnh tranh toàn diện, Hiệp định EVFTA đã tạo ra khuôn khổ pháp lý, cơ chế để các doanh nghiệp có cơ hội phát triển hoạt động kinh doanh, thương mại, đầu tư tại các nước thành viên trong môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, không phân biệt đối xử.
Ngày 1/8/2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu chính thức có hiệu lực, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ đối tác và hợp tác song hương.
Theo Bộ Công Thương, EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Trong đó, Việt Nam và EU đã đưa ra các cam kết, nghĩa vụ tại một chương riêng nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp hai bên. Các cam kết Chương Chính sách cạnh tranh trong EVFTA cũng tương tự như những quy định về cạnh tranh trong các FTA mà Việt Nam tham gia (CPTPP, VKFTA, VN – EAEU FTA, RCEP).
Cụ thể, với mục tiêu thúc đẩy hiệu quả kinh tế và phúc lợi người tiêu dùng, các quốc gia cam kết:
- Áp dụng pháp luật cạnh tranh để xử lý hiệu quả các hành vi phản cạnh tranh gồm: Các thỏa thuận giữa các doanh nghiệp, quyết định của hiệp hội doanh nghiệp và các hành vi phối hợp có mục đích hoặc tác động ngăn cản, hạn chế hoặc làm sai lệch cạnh tranh; Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh của một hoặc nhiều doanh nghiệp; Tập trung kinh tế giữa các doanh nghiệp gây cản trở đáng kể đến cạnh tranh hiệu quả.
- Duy trì cơ quan cạnh tranh, cơ quan chịu trách nhiệm thực thi đầy đủ và hiệu quả pháp luật cạnh tranh, đảm bảo rằng các cơ quan này có đầy đủ chức năng, quyền hạn cần thiết để thực thi trách nhiệm của mình.
- Thực thi pháp luật cạnh tranh một cách minh bạch, trên nguyên tắc không phân biệt đối xử đối với các doanh nghiệp trên thị trường, bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước.
- Tôn trọng nguyên tắc công bằng trong thủ tục tố tụng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp liên quan.
- Hợp tác nhằm tăng cường thực thi pháp luật cạnh tranh có hiệu quả.
“Với những cam kết về cạnh tranh toàn diện như trên, Hiệp định EVFTA đã tạo ra khuôn khổ pháp lý, cơ chế để các doanh nghiệp có cơ hội phát triển hoạt động kinh doanh, thương mại, đầu tư tại các nước thành viên trong môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, không phân biệt đối xử”, ông Trịnh Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương, nhận định.
Cụ thể hơn, cam kết về cạnh tranh trong EVFTA tạo lập môi trường cạnh tranh hiệu quả cho tất cả các chủ thể tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh trên thị trường, thúc đẩy hiệu quả kinh tế và phúc lợi người tiêu dùng.
Các cam kết này áp dụng đối với tất cả các loại hình doanh nghiệp bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Do đó, các chủ thể trên thị trường sẽ có cơ hội được gia nhập thị trường, phát triển kinh doanh trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.
Mặt khác, các cam kết về chính sách và luật cạnh tranh trong EVFTA là những công cụ pháp lý hữu hiệu bảo về quyền và lợi ích hợp pháp cho các chủ thể tham gia kinh doanh trên phạm vi lãnh thổ các nước thành viên.
Nhờ vậy, các doanh nghiệp sẽ được đảm bảo hoạt động trong môi trường cạnh tranh hiệu quả, ngăn ngừa các hành vi phản cạnh tranh có khả năng làm sai lệch sự vận hành đúng đắn của thị trường hoặc làm giảm lợi ích trong hoạt động thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU.
Ông Trịnh Anh Tuấn cũng cho biết thêm, ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công Thương, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã có kế hoạch triển khai các cam kết Chương Chính sách cạnh tranh gồm 4 nội dung lớn.
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin các cam kết về chính sách cạnh tranh trong EVFTA;
Thứ hai, chú trọng tập huấn, đào tạo và hướng dẫn các doanh nghiệp nâng cao hiểu biết, nắm rõ các nội dung, tuân thủ và thực thi các cam kết về cạnh tranh trong EVFTA;
Thứ ba, tổ chức hội nghị phổ biến quy định pháp luật cạnh tranh của các thành viên EVFTA tại 3 miền Bắc – Trung – Nam cho đối tượng là các doanh nghiệp Việt Nam, chủ yếu doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nhằm cảnh báo rủi ro pháp lý có thể gặp phải liên quan tới vấn đề pháp luật cạnh tranh, chống độc quyền khi tham gia hoạt động thương mại trong khuôn khổ EVFTA;
Thứ tư, nâng cao công tác giám sát và thực thi chính sách và pháp luật cạnh tranh của cơ quan cạnh tranh nhằm duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng; kịp thời xử lý các hành vi phản cạnh tranh diễn ra trên thị trường, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh cho tất cả các doanh nghiệp trên thị trường.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng lưu ý, để nắm bắt các cơ hội những cam kết về cạnh tranh trong EVFTA, các doanh nghiệp cần tăng cường tìm hiểu thông tin, nghiên cứu đầy đủ các quy định về pháp luật cạnh tranh hiện hành, các cam kết về cạnh tranh trong EVFTA để đảm bảo việc thực thi và tuân thủ đúng các quy định pháp luật về cạnh tranh.
Đồng thời, tích cực nâng cao nhận thức, ý thức thực thi các quy định pháp luật cạnh tranh; kịp thời phát hiện, có thông tin đến cơ quan cạnh tranh về dấu hiệu các hành vi phản cạnh tranh trên thị trường; sử dụng các công cụ pháp lý về cạnh tranh để bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng cần chủ động khai thác cơ hội, nâng cao năng lực cạnh tranh trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại, đầu tư theo Hiệp định; thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, cạnh tranh về giá hàng hóa, dịch vụ, tăng cường các chương trình xúc tiến thương mại đến các thị trường EU, v.v…
Theo tapchicongthuong.vn
Nguồn bài viết: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/evfta-mang-lai-moi-truong-canh-tranh-lanh-manh-cho-doanh-nghiep-viet-nam-va-eu-75061.htm
Link nội dung: https://phaply.net.vn/evfta-mang-lai-moi-truong-canh-tranh-lanh-manh-cho-doanh-nghiep-viet-nam-va-eu-a239529.html