(Pháp lý) - Ngày 28-8, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam (4 tháng) đối với ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND TP Hà Nội, để điều tra hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước. Đáng chú ý, ngoài vụ án này, ông Chung còn liên quan đến một số vụ án khác?
Khởi tố và bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND TP Hà Nội
Ngày 28-8, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam (4 tháng), lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với ông Nguyễn Đức Chung , chủ tịch UBND thành phố Hà Nội để điều tra về hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, quy định tại điều 337 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Trước đó, ngày 11-8-2020, Bộ Chính trị đã quyết định đình chỉ sinh hoạt Ban chấp hành Đảng bộ, Ban thường vụ Thành ủy Hà Nôi và đình chỉ chức vụ phó bí thư Thành ủy Hà Nội đối với ông Nguyễn Đức Chung đã xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm có liên quan của ông Chung trong một số vụ án theo quy định của pháp luật.
Cùng ngày 11-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Chung. Quyết định nêu rõ: tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, để xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm có liên quan của ông Nguyễn Đức Chung trong một số vụ án theo quy định của pháp luật.
Có gì đặc biệt ở vụ án Nguyễn Đức Chung vừa bị khởi tố
Liên quan đến Vụ án chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước liên quan đến Công ty Nhật Cường mà Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an đã khởi tố, ngày 21/7/2020, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với 3 cá nhân có hành vi chiếm đoạt tài liệu mật trong vụ án “Công ty Nhật Cường” do Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thụ lý điều tra.
Cụ thể, 3 bị can bị khởi tố : Nguyễn Anh Ngọc (SN 1974, trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, đang công tác tại Phòng Thư ký biên tập, tổ giúp việc UBND TP Hà Nội); Nguyễn Hoàng Trung (SN 1983, trú tại phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, là lái xe của Chủ tịch UBND TP Hà Nội); Phạm Quang Dũng (SN 1983, trú tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, nguyên cán bộ của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an.
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định của pháp luật, khi có dấu hiệu tội phạm, cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án để tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định pháp luật. Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ xác định đối tượng nào thực hiện hành vi phạm tội để tiến hành khởi tố bị can, xem xét trách nhiệm pháp lý đối với những người có liên quan theo quy định pháp luật.
Khi khởi tố bị can đồng nghĩa với việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn như tạm giam hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ người thực hiện hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, làm rõ chủ thể thực hiện hành vi này, quá trình thực hiện hành vi, mục đích thực hiện hành vi và hậu quả đã gây ra đối với xã hội để có hình thức xử lý phù hợp với quy định pháp luật.
Khi có căn cứ xác định người đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, cụ thể là hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước mà người này có đủ năng lực hành vi dân sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm pháp luật hình sự thì sẽ bị khởi tố bị can. Khi có căn cứ xác định đối tượng nào đã thực hiện hành vi chiếm đoạt tài liệu thuộc danh mục mật, tối mật hoặc tuyệt mật của nhà nước, cơ quan điều tra sẽ tiến hành khởi tố bị can và có thể lệnh bắt tạm giam đối với đối tượng đã thực hiện hành vi phạm tội. Ngoài đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng khác có vai trò chủ mưu, giúp sức, xúi giục (nếu có) thì cũng đều sẽ bị xử lý về một tội danh với vai trò đồng phạm.
Luật sư Cường cho rằng, trong vụ án mà ông Chung vừa bị khởi tố, tới đây cơ quan điều tra ngoài việc xử lý về tội chiếm đoạt tài sản liệu bí mật Nhà nước cũng sẽ làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật khác nếu có, đồng thời sẽ làm rõ mục đích chiếm đoạt tài liệu bí mật của nhà nước để làm gì, có dấu hiệu của tội che giấu tội phạm hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác hay không để xử lý vụ án một cách triệt để, đúng pháp luật.
Hành vi phạm tội được quy định trong tội danh này là hành vi xâm phạm đến bí mật của Nhà nước. Theo quy định của khoản 1, điều 2, Luật bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018: Bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của Luật này, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Hình thức chứa bí mật nhà nước bao gồm tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác.
Luật bảo vệ bí mật nhà nước quy định nguyên tắc bảo vệ bí mật nhà nước là: Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phục vụ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Bảo vệ bí mật nhà nước là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Việc quản lý, sử dụng bí mật nhà nước bảo đảm đúng mục đích, thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; Chủ động phòng ngừa; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. Bí mật nhà nước được bảo vệ theo thời hạn quy định của Luật này, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của pháp luật.
Các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ bí mật nhà nước được quy định cụ thể tại điều 5 Luật bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018 như làm lộ chiếm đoạt, mua, bán bí mật nhà nước; làm sai lệch, hư hỏng, mất tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; Thu thập, trao đổi, cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước trái pháp luật; sao, chụp, lưu giữ, vận chuyển, giao, nhận, thu hồi, tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước trái pháp luật; Mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ trái pháp luật…
Đồng thời, căn cứ vào tính chất quan trọng của nội dung thông tin, mức độ nguy hại nếu bị lộ, bị mất, bí mật nhà nước được phân loại thành 3 độ mật, gồm:
Bí mật nhà nước độ Tuyệt mật là bí mật nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, đối ngoại, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đặc biệt nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc; Bí mật nhà nước độ Tối mật là bí mật nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, lập hiến, lập pháp, tư pháp, đối ngoại, kinh tế, tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông, y tế, dân số, lao động, xã hội, tổ chức, cán bộ, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, kiểm toán nhà nước, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại rất nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc; Bí mật nhà nước mức độ Mật là bí mật nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, lập hiến, lập pháp, tư pháp, đối ngoại, kinh tế, tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông, y tế, dân số, lao động, xã hội, tổ chức, cán bộ, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, kiểm toán nhà nước, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Điều 26. Luật bảo vệ bí mật nhà nước quy định trách nhiệm của người tiếp cận, người trực tiếp quản lý bí mật nhà nước như sau: Người tiếp cận bí mật nhà nước có trách nhiệm tuân thủ quy định của pháp luật, quy chế, nội quy của cơ quan, tổ chức về bảo vệ bí mật nhà nước; Thực hiện các biện pháp bảo vệ bí mật nhà nước; Sử dụng bí mật nhà nước đúng mục đích; Thực hiện yêu cầu và hướng dẫn của cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý bí mật nhà nước.
Người trực tiếp quản lý bí mật nhà nước có trách nhiệm sau đây: Thực hiện trách nhiệm quy định tại khoản 1 Điều này; Đề xuất người có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp để bảo vệ bí mật nhà nước do mình trực tiếp quản lý; Trường hợp phát hiện vi phạm trong hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước thì người trực tiếp quản lý bí mật nhà nước phải có biện pháp xử lý và báo cáo người có trách nhiệm giải quyết, thông báo cho cơ quan, tổ chức xác định bí mật nhà nước biết để có biện pháp khắc phục; Trước khi thôi việc, chuyển công tác, nghỉ hưu hoặc vì lý do khác mà không được phân công tiếp tục quản lý bí mật nhà nước thì phải bàn giao bí mật nhà nước cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý và cam kết bảo vệ bí mật nhà nước đã quản lý.
Hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước thì tùy vào từng hành vi cụ thể, tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm và tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong đó, hành vi cố ý làm lộ bí mật nhà nước, vô ý làm lộ bí mật nhà nước, hành vi mua bán, chiếm đoạt, tiêu hủy bí mật nhà nước là những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng và sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định của Điều 337 Bộ luật hình sự năm 2015 thì hành vi cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu thụ hủy tài liệu bí mật nhà nước đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 15 năm tù.
Ngoài ra để bảo vệ bí mật nhà nước thì người nào được giao quản lý tài liệu bí mật nhà nước mà có hành vi vô ý làm lộ, làm mất bí mật nhà nước thì cũng là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 338 Bộ luật hình sự năm 2015.
Ngoài vụ án chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, ông Chung còn liên quan đến một số vụ án khác?
Ngày 11/8, thông tin trước báo chí, Thiếu tướng Tô Ân Xô - chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an - cho biết theo điều tra ban đầu, ông Nguyễn Đức Chung có liên quan đến ba vụ án: Vụ án chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước; Vụ án buôn lậu - vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng - rửa tiền - vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng - xảy ra tại Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường), Sở Kế hoạch - đầu tư Hà Nội và một số đơn vị liên quan; Vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại TP Hà Nội.
Như vậy, ngoài vụ án chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, ông Chung còn liên quan đến vụ án buôn lậu - vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng - rửa tiền - vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng - xảy ra tại Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường), Sở Kế hoạch - đầu tư Hà Nội và một số đơn vị liên quan.
Liên quan đến vụ án này, hồi tháng 5 năm 2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Bùi Quang Huy (45 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường – Nhật Cường Mobile) và 8 người khác về các tội buôn lậu (theo khoản 4 điều 188 BLHS năm 2015), vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng (theo khoản 3 điều 221 BLHS năm 2015).
Mở rộng điều tra, Ngày 9/7/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự số 12/C03-P14, quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can số 21/C03-P14 và Lệnh khám xét số 114/C03-P14 đối với bị can Bùi Quang Huy về tội “Rửa tiền” theo khoản 3 Điều 324 Bộ luật hình sự.
Ngày 10/7/2019, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã phê chuẩn các quyết định và lệnh nêu trên. Cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thi hành quyết định và lệnh nêu trên theo đúng quy định pháp luật.
Sau đó, C03 tiếp tục ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Sở KH&ĐT TP Hà Nội và các đơn vị có liên quan theo điều 222 Bộ luật hình sự năm 2015.
Ông Nguyễn Tiến Học (cựu phó giám đốc Sở KH&ĐT), bà Phạm Thị Kim Tuyến (trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh Sở KH&ĐT), Lê Duy Tuấn (giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Đông Kinh), Nguyễn Văn Tứ (chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội), Phạm Thị Thu Hường (chánh văn phòng Sở Kế hoạch – đầu tư) và Bùi Quang Huy cùng bị khởi tố, bắt giam về tội danh này.
Ngoài ra, ông Chung còn được cho là có liên quan đến vụ án Vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Cty Thoát nước Hà Nội. Liên quan đến vụ án này, ngày 20/8/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Võ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHHMTV Thoát nước Hà Nội về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Ngoài vụ án mà ông Chung vừa bị khởi tố ( Vụ án chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước). Ông Chung còn đang bị điều tra ở hai vụ án khác:
Vụ án buôn lậu - vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng - rửa tiền - vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng - xảy ra tại Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường), Sở Kế hoạch - đầu tư Hà Nội và một số đơn vị liên quan; Vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại TP Hà Nội.
Nam Kiên
Link nội dung: https://phaply.net.vn/co-gi-dac-biet-o-vu-an-ong-nguyen-duc-chung-chu-tich-ubnd-tp-ha-noi-vua-bi-khoi-to-a238492.html