Vợ ông Phạm Phú Quốc kinh doanh gì?

Ông Phạm Phú Quốc có quốc tịch Síp là do vợ con ông là những doanh nhân bảo lãnh. Vậy vợ con ông Quốc kinh doanh gì, có khối tài sản lớn cỡ nào để sẵn sàng bỏ ra 2,5 triệu USD mua quốc tịch Síp.

Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc có quốc tịch Síp

Những ngày qua, dư luận xôn xao câu chuyện ông Phạm Phú Quốc thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, đồng thời là Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC Tân Thuận).

Trả lời báo chí, ông Phạm Phú Quốc thừa nhận mình có hai quốc tịch. Theo ông Quốc cho biết, sở dĩ ông có quốc tịch Síp là do vợ con ông là những doanh nhân đã có quốc tịch ở đó bảo lãnh từ năm 2018. Vị Tổng giám đốc IPC Tân Thuận khẳng định không có chuyện "mua quốc tịch" với giá 2,5 triệu USD.

Trong khi đó, theo nhóm điều tra của Đài Al Jazeera, cơ quan truyền thông có sức ảnh hưởng lớn ở Trung Đông, cho biết chỉ trong vòng 3 năm 2017 - 2019, đã có gần 2.500 cá nhân từ 70 quốc gia có được quyền công dân của Síp thông qua hình thức đầu tư định cư.

Các nước dẫn đầu về số người mua quốc tịch ở Cộng hòa Cyprus theo tài liệu của "Hồ sơ đảo Síp" là Nga (chiếm gần 50%), Trung Quốc, Ukraine, Lebanon, Jordan, Iran.

Việt Nam có 26 cá nhân được hồ sơ này nêu tên, trong đó Al Jazeera nêu đích danh đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc và vợ Nguyễn Phan Diệu Phương.

Hồ sơ của vợ chồng ông Quốc, bà Phương đã được gửi lên Hội đồng Bộ trưởng của Síp để xem xét liệu các hoạt động đầu tư của bà Phương đã đạt tiêu chuẩn để hai vợ chồng được cấp quốc tịch Síp chưa. Sau khi được Bộ Nội vụ phê duyệt, hồ sơ xin quốc tịch của đôi vợ chồng trên được Quốc hội Síp đóng dấu nhận (received) vào ngày 7/1/2019.

Theo quy định của chương trình đầu tư nhận "hộ chiếu vàng" của Síp, để được cấp quốc tịch của quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) này, nhà đầu tư nước ngoài được yêu cầu phải chi tối thiểu 2 triệu euro (tương đương 2,5 triệu USD) tiền đầu tư.

Theo như ông Quốc cho biết, vợ ông là doanh nhân. Vậy bà Diệu Phương kinh doanh trong lĩnh vực gì, khối tài sản “khổng lồ” như thế nào, để sẵn sàng chi 2,5 triệu USD (gần 60 tỷ đồng) mua quốc tịch Síp?

Theo tìm hiểu của PV, bà Nguyễn Phan Diệu Phương (SN 1969) là bà chủ của Công ty cổ phần du lịch Mặt trời buổi sáng. Công ty này được thành lập năm 2005 với vốn điều lệ 4,5 tỷ đồng.

Tháng 4/2017, Công ty do bà Nguyễn Phan Diệu Phương làm Chủ tịch HĐQT đã tăng vốn điều lệ lên 100 tỷ đồng. Theo giới thiệu trên website của công ty, doanh nghiệp của vợ ông Phạm Phú Quốc thường tổ chức các tour du lịch nước ngoài.

Ngoài ra, bà Diệu Phương còn là cổ đông sáng lập của Công ty TNHH thương mại du lịch Mặt trời buổi sáng. Công ty này được biết đến là chủ đầu tư dự án khu du lịch Mặt trời buổi sáng (khu A) tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Sau nhiều thay đổi, Công ty TNHH thương mại du lịch Mặt trời buổi sáng do vợ ông Phạm Phú Quốc là cổ đông sáng lập đã chuyển nhượng cho Công ty TNHH Hồ Việt Capital.

Một chi tiết khác, trả lời báo chí, ông Phạm Phú Quốc cho biết con trai ông cũng là doanh nhân, học tập và làm việc tại Anh từ năm 2013. Trong khi, theo Báo cáo tình hình quản trị Công ty cổ phần thương mại Hóc Môn ngày 23/1/2013, con trai ông Phạm Phú Quốc là Phạm Nguyễn Nhật Minh đang trong tình trạng chưa có số chứng minh nhân dân.

Theo doisongphapluat.com

Nguồn bài viết: https://www.doisongphapluat.com/kinh-doanh/vo-ong-pham-phu-quoc-kinh-doanh-gi-a336605.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/vo-ong-pham-phu-quoc-kinh-doanh-gi-a238446.html