Đại biểu Quốc hội và quốc tịch nước ngoài: “soi chiếu” với các qui định Luật Bầu cử Đại biểu QH và Luật Phòng, chống tham nhũng

(Pháp lý) - Ông Phạm Phú Quốc, Đại biểu Quốc hội mới đây bị báo chí nước ngoài phát hiện có quốc tịch Cộng hòa Síp (Cyprus) là thông tin khá bất ngờ không chỉ với người dân mà với cả Quốc hội. Sự kiện này bộc lộ những lỗ hổng pháp lý rất lớn trong nhiều lĩnh vực. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi chỉ soi chiếu vụ việc dưới 2 góc độ luật pháp và kinh doanh, cụ thể là Luật Bầu cử Đại biểu QH và Luật Phòng, chống tham nhũng.

Đại biểu Quốc hội hai quốc tịch, có phạm Luật Quốc tịch và Luật Bầu cử ĐBQH?

Quốc tịch gắn liền với mỗi con người từ khi sinh ra đến khi chết và là tiền đề để họ được hưởng các quyền công dân và thực hiện nghĩa vụ công dân đối với nhà nước mà mình mang quốc tịch. Cùng với sự phát triển của xã hội, mỗi quốc gia lại có một chế định riêng về vấn đề quốc tịch, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Nguyên tắc một quốc tịch là nguyên tắc phổ biến nhất, bao gồm nguyên tắc một quốc tịch triệt để và nguyên tắc một quốc tịch mềm dẻo.

Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc (đoàn TPHCM)

Theo Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác. Như vậy, với quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam thì nước ta tuân theo nguyên tắc một quốc tịch “mềm dẻo”. Tuy nhiên, nguyên tắc này đang gặp phải một số vướng mắc trong thực tiễn thi hành, vướng mắc hiện nay bộc lộ rõ ràng nhất là với trường hợp ông Phạm Phú Quốc, đại biểu Quốc hội.

Điều 2 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội nêu : “Công dân nước Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội”. Như vậy có nghĩa là người ứng cử đại biểu Quốc hội phải là công dân Việt Nam.

Vấn đề đặt ra là người có hai quốc tịch, trong đó có một quốc tịch Việt Nam, tức là công dân Việt Nam thì có đáp ứng quy định trên đây không?

Trong xu hướng hội nhập và tăng cường đoàn kết đồng bào Việt Nam trong nước và nước ngoài, một số kiều bào tha thiết với đất nước, vẫn còn quốc tịch Việt Nam muốn tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội có được không?

Sự kiện ông Phạm Phú Quốc đặt ra vấn đề phải làm rõ, phải quy định chặt chẽ hơn đối với khái niệm “công dân Việt Nam” đồng thời có quốc tịch nước khác; hay những trường hợp đang là đại biểu Quốc hội nhưng có quốc tịch nước khác thì xử lý thế nào?

Trước đây, doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIV năm 2016 ở Hà Nội với tỉ lệ số phiếu cao nhất đơn vị bầu cử, nhưng không được công nhận tư cách đại biểu Quốc hội do bà Hường có quốc tịch thứ hai là của Cộng hòa Malta. Tiếc rằng sau sự kiện đó Quốc hội không kịp thời có quy định rõ ràng về vấn đề này.

Cử tri cả nước có thể đặt câu hỏi, nếu báo chí nước ngoài không công bố việc ông Phạm Phú Quốc có quốc tịch Síp thì người dân không biết, Quốc hội không biết, vậy có thể còn có những đại biểu Quốc hội khác mang hai quốc tịch hay không? Quốc hội nói riêng và các cơ quan Nhà nước nói chung nên chăng có cuộc tổng rà soát để kịp thời xử lý những trường hợp tương tự.

Nhìn từ vấn đề kinh doanh và kê khai tài sản

Hiện nay, có một số quốc gia bán Visa – quốc tịch, để thu hút đầu tư và đáp ứng một nhu cầu cần thiết của giới giàu có. Việc có những tấm hộ chiếu thứ hai, thứ ba giờ đây trở thành thú vui, thể hiện sức mạnh của những người giàu, bên cạnh các du thuyền, máy bay riêng. Do đó, Anh cấp Visa cư trú dài hạn giá từ 2 triệu bảng (2,57 triệu USD); New Zealand 3 triệu đôla New Zealand (1,98 triệu USD); Cyprus có các chương trình cấp quyền công dân gồm đầu tư ít nhất 2 triệu euro (2,32 triệu USD) vào bất động sản, vào các công ty đặt trụ sở và hoạt động tại quốc đảo này hoặc vào các quỹ đầu tư thay thế (AIF); Australia – Visa cư trú dài hạn giá từ 1,5 triệu đôla Australia (1,08 triệu USD); Malta đầu tư không hoàn lại ít nhất 650.000 euro vào Quỹ Phát triển Quốc gia và Xã hội Malta, mua 150.000 euro trái phiếu chính phủ, và có giao dịch bất động sản – có thể mua (giá trị tối thiểu 350.000 euro) hoặc thuê (giá trị tối thiểu 16.000 euro/năm) giữ trong vòng 5 năm; Thổ Nhĩ Kỳ – Quốc tịch giá từ 1 triệu USD; Canada – Quốc tịch giá từ 800.000 USD; Mỹ – Cư trú dài hạn giá từ 500.000 USD; Campuchia – Quốc tịch từ 1 tỉ riel (245.230 USD); Moldova – Quốc tịch từ 146.300 euro…

Ông Phạm Phú Quốc nếu phải bỏ ra gần 60 tỉ đồng để có quốc tịch Síp. Gia đình ông Quốc cả bốn người đều đã có quốc tịch quốc gia này, như vậy phần cứng phải bỏ ra là gần 240 tỉ đồng. Con số rất lớn. Vậy tiền từ đâu ra? Từ hoạt động kinh doanh hay từ nguồn nào? Là Đảng viên, Đại biểu QH, quá trình kê khai tài sản của ông Quốc có trung thực? Cần làm rõ.

Là một doanh nhân, bỏ ra số tiền khổng lồ như vậy chắc chắn ông Quốc phải tính toán để đổi lấy những lợi ích tương xứng. Hiện tại, người mang hộ chiếu Síp có thể được miễn thị thực đến 174 quốc gia trên thế giới và có quyền tự do sinh sống, học tập cũng như làm việc tại 27 nước thành viên EU. Bên cạnh đó là những ưu điểm như môi trường, điều kiện y tế, giáo dục, chính sách thuế… Quan trọng hơn là việc mang quốc tịch Síp còn mang lại nhiều lợi ích pháp lý khác. Nguyên tắc chung là đối với công dân có nhiều hộ chiếu (đa quốc tịch) là nhập cảnh bằng hộ chiếu nào sẽ được coi là công dân của nước đó và khi có xung đột sẽ được bảo hộ theo quốc gia trên hộ chiếu lúc nhập cảnh.

Do đó, nếu ông Quốc nhập cảnh Síp thì nếu có xảy ra chuyện gì liên quan đến pháp luật tại Việt Nam thì ông Quốc đương nhiên được bảo hộ theo pháp luật của Síp. Có lẽ đây mới là thứ đắt giá mà ông Quốc bỏ ra số tiền khủng để đầu tư.

Nhìn từ vấn đề phòng, chống tham nhũng

Chương trình CIP của Síp cho phép người dân từ khắp nơi trên thế giới mua quyền công dân nhưng buộc người mua hộ chiếu phải tự chứng minh mình không có tiền án, tiền sự. Những người từng bị điều tra, bị truy tố hình sự hoặc có tiền án đều bị cấm mua hộ chiếu của Síp. Các cá nhân bị EU hoặc một nước thứ ba như Mỹ, Nga hoặc Ukraine trừng phạt hoặc từng làm việc cho các tổ chức bị trừng phạt cũng không được phép mua hộ chiếu Síp… Tuy nhiên, việc biến quyền công dân thành một loại hàng hóa rủi ro ở chỗ nó tạo cơ hội cho một số người trốn tránh trách nhiệm từ quốc gia xuất xứ của họ.

Người ta đã nhận ra rằng, trong nhiều trường hợp, một số người bị phát hiện mua hộ chiếu Síp ngay trước khi bị buộc tội. Một số người đang sống lưu vong và bị buộc tội vắng mặt. Đối với nhiều cá nhân giàu có trong tập hồ sơ The Cyprus Papers vừa bị phanh phui thì 2,5 triệu USD cần để mua hộ chiếu chỉ là một phần nhỏ trong khối tài sản của họ. Hiện nay, hồ sơ mua quốc tịch Síp đến từ 70 quốc gia khác nhau trên thế giới, cao nhất là Nga (1.000), Trung Quốc (500) và Ukraine (100)…

Ông Phạm Phú Quốc đang là Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC - doanh nghiệp 100% vốn nhà nước). Do đó, câu hỏi đặt ra với bất cứ ai khi biết thông tin ông Quốc bỏ ra gần 60 tỉ đồng và chừng 240 tỉ cho cả bốn người trong gia đình để có quốc tịch nước ngoài, là số tiền đó từ đâu ra, có phải là tiền sạch hay không?

Việc xác định tiền sạch hay không đối với Việt Nam hiện nay không quá khó nếu căn cứ vào bảng kê khai thu nhập thường niên, căn cứ vào số tiền đóng thuế thu nhập cá nhân.
Nếu đây là tiền không sạch thì việc chuyển hàng triệu USD ra nước ngoài là thủ đoạn rửa tiền rất dễ dàng, những thiết chế ngăn chặn rửa tiền của Việt Nam đã bị qua mặt.

Do đó có thể nói sự cố “Phạm Phú Quốc” làm lộ ra nhiều lỗ hổng pháp lý cần sớm được xử lý một cách minh bạch và nghiêm minh, để cuộc chiến chống tham nhũng mang tính sinh tử có hiệu quả tích cực hơn.

AN HẠ

Link nội dung: https://phaply.net.vn/dai-bieu-quoc-hoi-va-quoc-tich-nuoc-ngoai-soi-chieu-voi-cac-qui-dinh-luat-bau-cu-dai-bieu-qh-va-luat-phong-chong-tham-nhung-a238396.html