Bắt buộc ghi âm khi hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ: Tăng trách nhiệm, giảm oan sai?

Hoạt động ghi âm, ghi hình khi hỏi cung chỉ là một trong những phương tiện, cách thức khi tiến hành điều tra. Nhiều người kỳ vọng rất lớn đây sẽ là cách giúp chống oan, sai. Xung quanh quy định kiểm sát viên phải trực tiếp kiểm sát việc ghi âm, ghi hình nếu bị can kêu oan hoặc khiếu nại hoạt động điều tra, PV ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với ĐBQH khóa XIII Nguyễn Bá Thuyền, nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nguyên Viện trưởng VKSND tỉnh Lâm Đồng.

ĐBQH khóa XIII Nguyễn Bá Thuyền

Nếu để xảy ra oan sai, VKS khó “vô can”?

PV: Ông đánh giá như thế nào về quy định kiểm sát viên phải trực tiếp kiểm sát việc ghi âm, ghi hình nếu bị can kêu oan hoặc khiếu nại hoạt động điều tra?

ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền: Thời gian qua, vấn đề oan sai xảy ra không ít và có nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo tinh thần của Bộ luật Tố tụng Hình sự, phải áp dụng triệt để nguyên tắc suy đoán vô tội. Chính vì thế, tăng cường trách nhiệm của kiểm sát trong việc giám sát các hoạt động của cơ quan điều tra là hết sức cần thiết. Trong Bộ luật Tố tụng Hình sự cũng quy định rất rõ trách nhiệm của VKS. Nếu để xảy ra oan sai, có một phần quan trọng thuộc về VKS. Trong Bộ luật Tố tụng Hình sự mới có quy định kiểm sát viên phải tham gia từ đầu, giám sát hoạt động của các cơ quan điều tra.

Thực tế cho thấy, từ khi điều tra phải chú ý đến những tình tiết ngoại phạm, bằng chứng không phạm tội. Đồng thời cấm hoặc tìm cách hạn chế chuyện ngay từ đầu đã ấn tượng, xác định đây là tội phạm, cố tình thu thập chứng cứ, củng cố hồ sơ để chứng minh có tội. Những trường hợp không theo nguyên tắc này thường có vi phạm, dẫn đến oan sai mà vụ Nguyễn Thanh Chấn là ví dụ điển hình.

PV: Nói như vậy, quy định ghi âm, ghi hình trong hoạt động tố tụng hình sự là "bước ngoặt trong hoạt động tố tụng giúp người dân có niềm tin hơn vào công lý", thưa ông?

ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền: Tôi cho rằng, việc quy định như vậy là cần thiết đối. Quy định kiểm sát viên giám sát việc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung là tăng trách nhiệm của ngành kiểm sát. Quy định bắt buộc này một mặt nhằm bảo vệ người bị áp dụng biện pháp tố tụng thực hiện tốt quyền con người, quyền công dân, tránh những trường hợp ép cung, nhục hình, là nguyên nhân xảy ra tình trạng oan sai, bức cung, nhục hình trong tố tụng hình sự trong thời gian qua, đồng thời còn là căn cứ để cơ quan tiến hành tố tụng chủ động thu thập chứng cứ, đấu tranh có hiệu quả đối với người có hành vi phạm tội, xác định sự thật khách quan vụ án, góp phần nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa sau này.

Bên cạnh đó cũng giúp người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, thể hiện nền tố tụng tiến bộ, văn minh, từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm, thận trọng, khách quan của những người tiến hành tố tụng, củng cố niềm tin vào công lý của nhân dân.

Hình ảnh 1 buổi hỏi cung sử dụng thiết bị để ghi hình có âm thanh ở VKSND tỉnh Thừa Thiên- Huế.

Lo ngại “diễn cảnh” khi ghi âm, ghi hình hỏi cung bị can

PV: Việc quy định kiểm sát viên phải trực tiếp giám sát việc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung được nhiều chuyên gia pháp lý tán thành. Tuy nhiên, có luồng ý kiến lo ngại “diễn cảnh” khi ghi âm, ghi hình hỏi cung bị can, ông có lo ngại điều này?

ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền: Trước đây, nhiều ĐBQH cũng đặt dấu hỏi có thể xảy ra việc khi điều tra viên hỏi cung bị can, bị cáo thì hỏi ở ngoài phòng, sau khi hỏi xong, mọi chuyện xong xuôi rồi lại đưa vào trong phòng có ghi âm, ghi hình để thực hiện lại từ đầu. Tôi cho rằng ghi âm, ghi hình khi hỏi cung là biện pháp hết sức cần thiết, đảm bảo minh bạch quá trình hỏi cung.

Hoạt động ghi âm, ghi hình khi hỏi cung được nhiều người kỳ vọng đây sẽ là cách giúp chống oan sai. Tôi nghĩ đây chỉ là biện pháp giúp hạn chế phần nào những việc làm sai trái của điều tra viên, kiểm sát viên. Bởi tất cả đều do con người tạo ra. Thực tế có thể xảy ra trường hợp “diễn cảnh” đó nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện cần làm tốt, luật bắt buộc phải công khai, đều gắn máy ghi âm, ghi hình. Nếu làm oan một người, tử hình thì không bao giờ sửa được. Bỏ lọt tội phạm, người này bỏ lọt, người khác có thể tìm ra…

Thực ra việc đánh đập, nhục hình thường diễn ra ở giai đoạn tiền tố tụng, nghĩa là khi mới xảy ra sự việc. Còn khi đã tiến hành điều tra công khai, cùng với máy ghi âm, ghi hình thì đó là điều kiện rất tốt để làm rõ quá trình hỏi cung. Có nhiều người nói là bị đánh đập, nhục hình trong quá trình hỏi cung, nếu có băng ghi âm, ghi hình sẽ chứng minh được có hay không chuyện đó. Còn nếu có vấn đề gì khác thì thông qua việc kiểm soát băng ghi âm, ghi hình chúng ta sẽ xem xét, làm rõ. Tôi tin khi có ghi âm, ghi hình thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ thận trọng hơn, làm đúng luật hơn.

Camera có thể “cắt tỉa” như biên tập 1 đoạn phim

Trả lời PV ĐS&PL về những đề xuất chấm dứt nạn oan sai, nhà thơ Trần Đăng Khoa nêu quan điểm: “Có người đề xuất, để tránh bức cung, cần có camera ở phòng hỏi cung. Nhưng có camera, người ta vẫn có thể cắt tỉa, như biên tập một đoạn phim để phát hình thì còn nguy hiểm hơn. Tôi cũng đã đề xuất, cùng với camera, phải có luật sư tham gia ngay từ đầu. Luật sư ấy phải do gia đình nghi can mời. Không có mặt luật sư, nghi can có quyền không trả lời cán bộ điều tra. Mặt khác chúng ta cũng phải có một chế tài đủ mạnh để chấm dứt những nỗi oan trong công tác tố tụng này. Trên thực tế, có nhiều vụ oan lớn, mà nổi bật là vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, tù oan đến hơn 10 năm, ông Huỳnh Văn Nén tù oan hơn 17 năm”.

PV: Vậy làm thế nào để kiểm sát việc ghi âm, ghi hình không bị “cắt tỉa” và chống được oan sai, thưa ông?

ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền: Theo tôi, biện pháp quan trọng, cơ bản chủ yếu hàng đầu trong phòng, chống oan, sai là đề cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật của đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán đi liền với việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy chế làm việc, quy trình công tác.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, nhất là thanh tra trong khởi tố, bắt, giam, giữ, truy tố, xét xử phải được tiến hành thường xuyên, chú trọng phát hiện sớm sai phạm, tập trung phối hợp xác minh các dấu hiệu oan, sai để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời, không để kéo dài, gây hậu quả xấu. Thường xuyên coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật. Chú trọng giáo dục, bồi dưỡng điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán về tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp…

PV: Có những vấn đề thuộc bí mật đời tư, bí mật quốc gia sẽ phải cắt ra hoặc không thể công bố. Việc này sẽ được giám sát như nào, thưa ông?

“Thực tế, có những trường hợp bị ép cung, mớm cung, nhục hình mà phải nhận tội. Những người bị oan mà có người khác nhận tội rồi thì rất dễ nhưng người bị oan mà chưa tìm được người nhận tội, minh oan cho người đó rất khó. Ví dụ, vụ Hồ Duy Hải vừa qua, những chứng cứ trực tiếp thì không có nhưng vẫn bị buộc tội, nguyên tắc như vậy là phải hủy án điều tra lại. Nguyên tắc đến hiện trường có chứng cứ là phải thu thập hết nhưng đằng này lại lấy chứng cứ gián tiếp để buộc tội thì rất nguy hiểm”, ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền nói.

ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền: Tất nhiên, trong quá trình hỏi cung có những thứ cần thiết phải công bố và có những thứ không thể công bố (bí mật đời tư, bí mật quốc gia-PV). Thế nên, có những giám sát phải công khai, có những giám sát để biết, hiểu thêm về sự việc, không nhất thiết phải công bố. Nó là bằng chứng hết sức quan trọng, khách quan.

PV: Xin cảm ơn ông!

Kiểm sát viên phải có mặt tại buổi hỏi cung nếu bị can kêu oan

VKSNDTC vừa ban hành Quyết định số 264/QĐ-VKSTC ngày 21/7/2020 quy định về trình tự, thủ tục trực tiếp ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can. Theo đó, việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc trụ sở cơ quan có thẩm quyền điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.

Theo quyết định, các trường hợp dưới đây, có thể áp dụng việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh: Thực hiện khi hỏi cung bị can tại địa điểm khác nếu có yêu cầu của bị can hoặc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng theo quy định tại khoản 6, Điều 183, Bộ luật Tố tụng Hình sự; Trực tiếp tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định tại khoản 1, Điều 146, Bộ luật Tố tụng Hình sự; lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại, đương sự; đối chất.

Quy trình tạm thời quy định kiểm sát viên phải kiểm sát trực tiếp việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can, lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội trong các trường hợp sau: Bị can, người đại diện pháp nhân kêu oan; Bị can, người đại diện pháp nhân khiếu nại hoạt động điều tra; có căn cứ xác định việc điều tra có vi phạm pháp luật; khi có đề nghị của cơ quan có thẩm quyền điều tra; tài liệu, chứng cứ mâu thuẫn hoặc chưa rõ; lời khai của bị can, người đại diện pháp nhân trước sau không thống nhất, lúc nhận tội, lúc chối tội; có căn cứ để nghi ngờ về tính xác thực trong lời khai của bị can; trường hợp bị can bị khởi tố về tội đặc biệt nghiêm trọng.

Trường hợp đang hỏi cung bị can, lấy lời khai mà xảy ra sự cố kỹ thuật không ghi âm hoặc ghi hình được thì dừng ngay buổi hỏi cung, lấy lời khai; phải ghi rõ trong biên bản lý do dừng, có xác nhận của cán bộ chuyên môn.

Ngay sau khi kết thúc buổi hỏi cung, lấy lời khai, kiểm sát viên phối hợp với cán bộ chuyên môn sao chép ra 02 thiết bị lưu trữ, lập biên bản giao nhận, 01 bản đưa vào hồ sơ vụ án và 01 bản đưa vào hồ sơ kiểm sát.

Đồng thời, dữ liệu hỏi cung bị can, lấy lời khai tại cơ sở giam giữ phải được sao lưu trên hệ thống lưu trữ điện tử của cơ quan VKS các cấp.

Theo doisongphapluat.com

Nguồn bài viết/: https://www.doisongphapluat.com/phap-luat/bat-buoc-ghi-am-khi-hoi-cung-bi-can-tai-co-so-giam-giu-tang-trach-nhiem-giam-oan-sai-a335063.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/bat-buoc-ghi-am-khi-hoi-cung-bi-can-tai-co-so-giam-giu-tang-trach-nhiem-giam-oan-sai-a237938.html