(Pháp lý) - Những năm gần đây, vấn đề tranh chấp sở hữu trí tuệ, mà cụ thể hơn là tranh chấp về lĩnh vực bản quyền đã trở thành vấn đề thu hút sự quan tâm của toàn xã hội.
Gần đây và điển hình nhất là vụ tranh chấp về bản quyền đối với các nhân vật “Trạng Tí”, “Sửu Ẹo”, “Dần Béo”, “Cả Mẹo” trong bộ truyện tranh “Thần đồng đất Việt” giữa họa sỹ Lê Linh (tên thật là Lê Phong Linh) với Công ty TNHH Truyền thông giáo dục và giải trí Phan Thị và bà Phan Thị Mỹ Hạnh.
Mới nhất, một lần nữa vấn đề tranh chấp bản quyền lại trở lên rất “nóng” trên khắp các trang tin tức, các trang báo, khi vụ tranh chấp bản quyền đối với bài thơ “Gánh mẹ” đã được Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thụ lý và đưa ra xét xử vào ngày 18 tháng 8 năm 2020. Vụ tranh chấp này không chỉ thu hút được sự quan tâm của độc giả nói chung, mà còn thu hút được sự quan tâm của các luật sư, chuyên gia trong lĩnh vực pháp lý, và của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực sáng tạo như các nhà làm phim, hay những nhà tổ chức, sản xuất chương trình giải trí có sử dụng các tác phẩm âm nhạc.v.v….
Xung quanh vấn đề pháp luật bản quyền rất “ nóng” hiện nay và qua vụ tranh chấp bản quyền bài thơ “Gánh mẹ” , Pháp lý trân trọng giới thiệu độc quyền tới bạn đọc bài viết của Chuyên gia sở hữu trí tuệ Nguyễn Khắc Khang. Anh hiện là Giám đốc Trung tâm Tài sản trí tuệ Việt Nam ( Tổ chức dịch vụ Đại diện sở hữu công nghiệp MASTERBRAND và Tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan MASTERBRAND ) . Bài viết tập trung phân tích những vấn đề pháp lý về việc xác lập quyền đối với lĩnh vực bản quyền; phân tích rủi ro của các tổ chức/cá nhân sử dụng tác phẩm; từ đó tác giả khuyến cáo các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân một số vấn đề trong việc tuân thủ pháp luật bản quyền hiện nay.
Tóm tắt vụ kiện tranh chấp bản quyền bài thơ “Gánh mẹ”
Vụ tranh chấp bản quyền bài thơ “Gánh mẹ” xuất phát từ việc ông Trương Minh Nhật nộp đơn khởi kiện Công ty TNHH Lý Hải Production và ông Đoàn Đông Đức (nghệ danh Quách Beem) vì đã sử dụng bài thơ “Gánh mẹ” do ông sáng tác từ năm 2014 mà không xin phép, không trả phí tác quyền cho ông. Vụ việc đã được Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thụ lý để giải quyết ngày 28/11/2019.
Quách Beem vẫn được công chúng biết đến là tác giả phần lời và phần nhạc (phần hòa âm, phối khí) của bài hát “Gánh mẹ” đang rất nổi tiếng từ năm 2019 trên các trang mạng xã hội, được nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng trong các cuộc thi, trong các chương trình giải trí tại Việt Nam.
Công ty TNHH Lý Hải Production (Lý Hải Production) là đơn vị sản xuất bộ phim “Lật Mặt 4” với doanh thu được giới truyền thông đưa tin là lên tới gần 120 tỷ đồng. Trong bộ phim “Lật Mặt 4”, Lý Hải Production đã sử dụng bài hát “Gánh mẹ” theo thỏa thuận sử dụng bản quyền với Quách Beem. Số tiền trả cho việc sử dụng bài hát này của Lý Hải Production hiện chưa được tiết lộ (https://vnexpress.net/lat-mat-4-cua-ly-hai-thu-gan-120-ty-dong-3941135.html).
Về phía Quách Beem, ông cho rằng bài hát “Gánh mẹ” là do ông sáng tác từ năm 2013 và đã được Cục Bản quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký bản quyền, vì vậy ông không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Theo thông tin được công bố, tác phẩm âm nhạc (bài hát) “Gánh Mẹ” được Cục Bản quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký bản quyền vào ngày 24 tháng 4 năm 2019 (https://baophunuthudo.vn/article/82739/171/thay-gi-tu-vu-doi-tra-4-ty-dong-tac-quyen-bai-tho-ganh-me)
Về phía Lý Hải Production, người đại diện là ông Lý Hải thì cho rằng, Lý Hải Production là bên thứ ba, khi sử dụng bài hát “Gánh Mẹ” trong bộ phim “Lật mặt 4” đã thực hiện đúng quy định pháp luật khi ký kết hợp đồng sử dụng tác phẩm với Quách Beem – Người đã được Cục Bản quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký bản quyền đối với bài hát “Gánh Mẹ”.
Trong vụ tranh chấp này, có nhiều khía cạnh pháp lý cần phải xem xét làm rõ, trong đó, nổi bật và quan trọng nhất là nhưng khía cạnh pháp lý như sau:
Khía cạnh pháp lý về: Xác lập quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực Bản quyền.
Khía cạnh pháp lý về: Xác định bồi thường thiệt hại khi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực Bản quyền.
1. Khía cạnh pháp lý về: Xác lập quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực Bản quyền
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 6 của Luật Sở hữu trí tuệ Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2006, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 36/2009/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009 và Luật số 42/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019 của Quốc hội sửa đổi (gọi chung là Luật Sở hữu trí tuệ), Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
Tác phẩm âm nhạc là một đối tượng của Quyền tác giả, vì vậy Quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc phát sinh từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố và đặc biệt không phụ thuộc vào việc đã đăng ký hay chưa đăng ký.
Hay nói cách khác, việc đã đăng ký, hay chưa đăng ký đối với tác phẩm âm nhạc nói riêng, các các đối tượng khác của Quyền tác giả nói chung “Không phải là” cơ sở làm phát sinh Quyền tác giả.
Hiện tại, mặc dù việc đăng ký không phải căn cứ xác lập quyền, nhưng ở Việt Nam, vì nhiều lợi ích khác nhau của việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền, Cục Bản quyền vẫn tiếp nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền cho các tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đăng ký. Tuy nhiên, việc xem xét cấp Giấy chứng nhận cho các tổ chức cá nhân dựa nhiều vào sự “trung thực” của người đăng ký, tức là dựa vào nội dung khai báo của người nộp đơn để xem xét cấp, chứ chưa có quy trình chặt chẽ cho việc rà soát kỹ trước khi cấp Giấy chứng nhận.
Cơ sở phát sinh Quyền tác giả được quy định có sự khác biệt so với cơ sở phát sinh quyền sở hữu công nghiệp đối với các đối tượng như Nhãn hiệu, Sáng chế, Kiểu dáng công nghiệp. Đối với các đối tượng Nhãn hiệu, Sáng chế, Kiểu dáng công nghiệp, quyền sở hữu trí tuệ phát sinh trên cơ sở đăng ký, tức là muốn được công nhận, xác định là chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ thì bắt buộc phải thực hiện thủ tục đăng ký.
Trong vụ việc này, nhạc sỹ Quách Beem đã đưa một Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền được cấp cho bài hát “Gánh Mẹ” vào ngày 24 tháng 4 năm 2019. Tuy nhiên, đối chiếu với các Quy định của Luật Sở hữu trí tuệ thì Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền này không phải “Căn cứ phát sinh” Quyền tác giả của Quách Beem đối với bài hát “Gánh Mẹ” (trong đó có phần lời bài hát mà ông Lê Minh Nhật cho rằng giống với bài thơ “Gánh Mẹ” do ông sáng tác và công bố trên facebook vào năm 2014).
Ông Lê Minh Nhật trên các phương tiện truyền thông, cũng như trong hồ sơ khởi kiện gửi lên Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh có khẳng định bài thơ “Gánh Mẹ” do ông sáng tác năm 2014, trong hoàn cảnh mẹ mình thập tử nhất sinh ở bệnh viện. Bài thơ Gánh Mẹ gồm 23 câu, được đăng tải toàn bộ trên trang Facebook cá nhân của ông Nhật. Theo so sánh bài thơ “Gánh Mẹ” mà ông Nhật công bố, thì có tới 21/23 câu thơ có trong bài hát (phần lời) “Gánh Mẹ” đã được nhạc sỹ Quách Beem đăng ký và được cấp giấy chứng nhận đăng ký bản quyền.
Như vậy, các bên đều đưa ra các tài liệu chứng minh và cho rằng quyền tác giả thuộc về mình, do đó, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 18 tháng 8 năm 2020 tới đây, việc đầu tiên và quan trọng nhất là Tòa án phải xác định ai là tác giả của bài thơ “Gánh Mẹ”.
Mặc dù vậy, theo nguyên tắc chung của Luât Sở hữu trí tuệ, nếu các bên tranh chấp chứng minh được rằng tác phẩm đều do mình tự sáng tác một cách độc lập, không sao chép của người khác, Quyền tác giả vẫn có thể được cấp cho các bên sáng tạo. Nhưng thực tế, trường hợp hai tác phẩm giống nhau, do hai tác giả khác nhau sáng tạo một cách độc lập và không sao chép của người khác là rất hiếm khi xảy ra.
Từ việc xác định được Quyền tác giả đối với tác phẩm “Gánh Mẹ” thuộc về ai, sẽ xác định các hành vi như “phổ nhạc” cho bài thơ và hành vi “sử dụng tác phẩm” trong bộ phim “Lật Mặt 4” có xâm phạm quyền tác giả hay không, từ đó xác định việc bồi thường thiệt hai.
2. Khía cạnh pháp lý về: Xác định bồi thường thiệt hại khi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực Bản quyền.
Một vấn đề pháp lý gây ra nhiều tranh cãi trong các vụ tranh chấp về Bản quyền đó là khía cạnh pháp lý về xác định thiệt hại và bồi thường thiệt hại do các hành vi xâm phạm quyền gây ra.
Trong đơn khởi kiện nộp cho Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Minh Nhật đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với Lý Hải Production là 4 tỷ đồng, trong đó bao gồm cả thiệt hại về tinh thần (https://thanhnien.vn/van-hoa/ly-ky-vu-kien-doi-4-ti-dong-lien-quan-bai-tho-ganh-me-1183794.html)
Con số 4 tỷ đồng mà ông Lê Minh Nhật đưa ra trong yêu cầu khởi kiện của mình, sẽ được Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xác định có thiệt hại đến mức đó hay không, hoặc đến mức thiệt hại nào trên cơ sở xác định thiệt hai theo quy định của Bộ luật Dân sự và Luật sở hữu trí tuệ.
(Xin lưu ý, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh sẽ chỉ xác định thiệt hại để xem xét yêu cầu bồi thường này của ông Lê Minh Nhật, khi xác định Quyền tác giả bài thơ “Gánh Mẹ” thuộc về ông Lê Minh Nhật, không thuộc về nhạc sỹ Quách Beem).
Theo khoản 1, Điều 16 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP của Chính phủ, thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được xác định theo nguyên tắc là sự tổn thất thực tế về vật chất và tinh thần do hành vi xâm phạm trực tiếp gây ra cho chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
Tổn thất bao gồm các tổn thất về tài sản, giảm sút về thu nhập, lợi nhuận, tổn thất về cơ hội kinh doanh và các chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại.
Theo khoản 2 Điều 16 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP, những tổn thất này được coi là tổn thất thực tế, khi có đủ các căn cứ sau:
- Lợi ích vật chất hoặc tinh thần là có thực và thuộc về người bị thiệt hại;
- Người bị thiệt hại có khả năng đạt được lợi ích này;
- Có sự giảm sút hoặc mất lợi ích của người bị thiệt hại sau khi hành vi xâm phạm xảy ra so với khả năng đạt được lợi ích đó khi không có hành vi xâm phạm và hành vi xâm phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự giảm sút, mất lợi ích đó.
Như vậy, Pháp luật Sở hữu trí tuệ đã quy định rõ về các căn cứ xác định thiệt hại, về các tổn thất được coi là thiệt hại. Chủ thể yêu cầu bồi thường phải có đủ căn cứ chứng minh yêu cầu của mình phù hợp với các quy định này.
Ông Lê Minh Nhật phải cung cấp cho Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh các tài liệu, hồ sơ chứng minh yêu cầu bồi thường thiệt hại 4 tỷ đồng của mình là có đủ căn cứ theo quy định, nếu không sẽ không được tòa an chấp nhận.
3. Rủi ro pháp lý “khó lường” trước của các tổ chức sử dụng tác phẩm.
Trong vụ tranh chấp này, Lý Hải Production là tổ chức sản xuất phim, có sử dụng bài hát “Gánh Mẹ” theo hợp đồng có trả phí với nhạc sỹ Quách Beem.
Sau khi nhận được giấy triệu tập của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, ca sỹ Lý Hải rất bức xúc, vì cho rằng mình sử dụng tác phẩm đã có hợp đồng và trả phí đầy đủ với Quách Beem, người đã được Cục Bản quyền cấp Giấy chứng nhận đưng ký bản quyền, vậy mà bỗng dung bị kiện vì xâm phạm quyền.
Vụ tranh chấp này thực sự đã đặt ra những lo ngại thực sự về rủi ro bị thưa kiện, mà “khó lường” trước được đối với tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm, ngay cả khi đã xin phép và trả tiền bản quyền.
Rủi ro này xuất phát từ cơ chế bảo hộ, hay cụ thể là từ quy định pháp luật về căn cứ xác lập quyền đối với lĩnh vực Quyền tác giả. Như đã phân tích ở trên, căn cứ xác lập quyền không phụ thuộc vào việc đăng ký.
Cơ chế bảo hộ này không phải do Việt Nam tự đặt ra, mà nó là các quy định tương thích, hài hòa với tiêu chuẩn pháp lý của đa số các quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia thành viên của Công ước Berne (Công ước về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật).
Rõ ràng, từ trước tới nay, các hoạt động thỏa thuận xin phép sử dụng, trả phí sử dụng tác phẩm được thực hiện dựa trên cơ sở pháp lý là các tài liệu chứng minh chử sở hữu quyền như thông tin phổ biến về tác giả, tác phẩm đó, trong đó đặc biệt là cả Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền đã được cấp.
Ở tình huống tranh chấp cụ thể này, Lý Hải Production trước khi ký thỏa thuận với Quách Beem có rà soát kỹ đến mấy, cũng “khó lường” trước được tình huống bài hát “Gánh Mẹ” lại bị tranh chấp, khi mà từ trước đó rất lâu, tất cả các thông tin công bố đều thể hiện bài hát này do nhạc sỹ Quách Beem sáng tác, đồng thời đã được Cục Bản quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền.
Nếu như, trước khi ký thỏa thuận, hay trước khi sử dụng, Lý Hải Production biết được tác phẩm đang có tranh chấp, hoặc một công cụ, hay có cơ chế rà soát nào đó để kiểm tra được bài hát mà Lý Hải Production muốn sử dụng có những ai đang “công bố” là tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hay không để cân nhắc sử dụng, thì sẽ tránh được rất nhiều rủi ro vướng vào các cuộc tranh chấp quyền tương tự như vụ việc này.
4. Đề xuất giải pháp: Cần cơ chế công bố, công cụ tra cứu, rà soát tác phẩm trong lĩnh vực Quyền tác giả
Nếu như ở lĩnh vực Quyền sở hữu trí tuệ đối với Nhãn hiệu, sáng chế hay kiểu dáng công nghiệp thì có sẵn công cụ để tra cứu, rà soát để biết được đối tượng sở hữu trí tuệ cụ thể có được ai đăng ký chưa? Có ai được cấp văn bằng chưa, giúp cho những người liên quan, đặc biệt là người có nhu cầu sử dụng tránh được rất nhiều rủi ro khi muốn sử dụng. Vẫn biết rằng, cơ chế bảo hộ của các đối tượng này là trên cơ sở đăng ký, vì vậy có thể làm được việc tổng hợp, công bố thông tin người đăng ký.
Vấn đề đặt ra hiện nay, đối với lĩnh vực Quyền tác giả, để tránh rủi ro tranh chấp như vụ án này, cần có cơ chế công bố, công cụ tra cứu thông tin về tác phẩm, để các bên có thể dễ dàng tra cứu, rà soát được thông tin tác phẩm, tác giả, chủ sở hữu quyền.
Đối với tác giả, lợi ích của việc công bố công khai tác phẩm của mình vừa giúp mình xác lập và công bố được thông tin về thời gian, nội dung tác phẩm của mình, vừa giúp cho tác giả có thể dễ dàng tiếp cận được người có nhu cầu sử dụng tác phẩm. Ngoài ra, các tác giả cũng chủ động rà soát để xử lý được các hành vi xâm phạm quyền của người khác khi “vô tình” hoặc “cố ý” tuyên bố là của mình. Và đương nhiên, người nào cố ý lấy tác phẩm của người khác thì không dám công bố, vì sẽ bị tác giả, chủ sở hữu quyền tra cứu, rà soát và xử lý ngay.
Đối với người có nhu cầu sử dụng, công cụ tra cứu thông tin công bố tác phẩm sẽ giúp họ rà soát được tác phẩm mình đang có nhu cầu sử dụng hiện do ai tuyên bố quyền tác giả, nôi dung tác phẩm có “nằm trong” các tác phẩm khác của tác giả khác cũng tuyên bố quyền hay không, để từ đó cân nhắc việc ký kết thỏa thuận sử dụng, trả phí tác quyền cho tác giả, chủ sở hữu quyền thực sự.
Đối với cơ quan nhà nước trong lĩnh vực quản lý Quyền tác giả, việc công bố này giúp cho họ có công cụ kiểm tra, rà soát khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký quyền tác giả. Nếu phát hiện đã có tác phẩm tương tự được công bố của người khác, thì dễ ràng kiểm tra xác minh trước khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký.
Mặc dù, việc công bố tác phẩm, không phải là thủ tục bắt buộc để xác lập quyền sở hữu trí tuệ, tuy nhiên cần khuyến khích, và xây dựng các công cụ để tạo thuận lợi cho việc ông bố tác phẩm để đạt được nhiều lợi ích như đã phân tích ở trên.
Hiện nay, Việt Nam đã có những tổ chức, cá nhân tự xây dựng những công cụ công bố như vậy nhằm giúp các tác giả công bố tác phẩm, và bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ của mình.
Cục Bản quyền tác giả, trên trang thông tin điện tử www.cov.gov.vn có cho công bố thông tin các tác phẩm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, tuy nhiên mức độ thông tin được công bố công bố còn rất hạn chế. Đặc biệt, chỉ công bố thông tin về các tác phẩm đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, và các tác phẩm bị hủy bỏ Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.
Gần đây, tác giả được biết đến một trang thông tin rất hữu ích được xây dựng theo phương thức phi lợi nhuận nhằm giúp các tác giả dễ dàng công bố tác phẩm của mình đầy đủ thông tin về tác giả, chủ sở hữu và nội dung tác phẩm của mình, đó là trang thông tin www.quyentacgia.org của Trung tâm quyền tác giả Việt Nam trực thuộc Công ty Luật hợp danh Đông Nam Á.
Tại trang thông tin này, các tác giả có nhu cầu tự công bố tác phẩm của mình có thể dễ dàng đăng nhập và công bố công khai tác phẩm của mình. Các tổ chức cá nhận khác cũng dễ dàng tiếp cận, tra cứu thông tin về các tác phẩm đã được công bố trên trang thông tin này, để làm cơ sở tiếp cận, trao đổi ký kết các thỏa thuận sử dụng tác phẩm. Ngoài ra, các tác giả có thể ủy quyền cho Trung tâm quyền tác giả Việt Nam quản lý tác phẩm cho mình, đại diện bảo vệ quyền lợi cho mình trong các vụ việc tranh chấp, hay đại diện đứng ra đàm phán, ký kết thỏa thuận sử dụng tác phẩm.
Đây thực sự là những tín hiệu rất tích cực cho lĩnh vực Quyền tác giả tại Việt Nam, khi không chỉ các cơ quan nhà nước, mà các tổ chức tư nhân cũng đã quan tâm và đầu tư xây dựng các công cụ tra cứu hữu ích giúp cho việc tra cứu thông tin, cũng như bảo vệ lợi ích của các tác giả, cũng như phòng, tránh được rất nhiều rủi ro cho người sử dụng.
Lời kết:
Về cơ bản, hệ thống quy định pháp lý của Việt Nam đã cơ bản đầy đủ, giúp các tổ chức cá nhân có cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền, lịch ích hợp pháp của mình đối với Quyền sở hữu trí tuệ nói chung, và lĩnh vực Quyền tác giả nói riêng.
Việc tranh chấp đã có đầy đủ công cụ pháp lý để phân xử, tuy nhiên, điều cần hướng tới của các nền tư pháp là làm sao để tránh được tối đa các tranh chấp, nhanh chóng phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm quyền.
Vì vậy, Việt Nam cần xây dựng cơ chế công bố tác phẩm và hệ thống các công cụ công bố, tra cứu, rà soát thông tin tác phẩm thống nhất để tác giả dễ dàng công bố được tác phẩm của mình, mọi tổ chức cá nhân dễ dàng tra cứu, rà soát thông tin chủ sở hữu để tránh rủi ro “mua nhầm” khi ký kết thỏa thuận sử dụng tác phẩm.
Tác giả Nguyễn Khắc Khang
Giám đốc Trung tâm Tài sản trí tuệ Việt Nam
Tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp MASTERBRAND
Tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan Masterbrand
Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhung-van-de-phap-ly-xung-quanh-vu-tranh-chap-ban-quyen-bai-tho-ganh-me-a237785.html