(Pháp lý) - Trong thời đại bùng nổ công nghệ 4.0, bất cứ một công ty công nghệ nào cũng mong muốn phát triển sản phẩm của riêng mình. Song không phải công ty nào cũng đủ năng lực để chế tạo ra sản phẩm bằng 100% sự sáng tạo của mình. Thay vào đó, họ sẽ dựa trên nền tảng những sáng chế có sẵn để phát triển lên sản phẩm. Tuy nhiên, việc sử dụng những bằng sáng chế thế nào cho hợp pháp và tránh được những vụ kiện tụng tốn kém thì dường như vẫn đang là vấn đề rất lớn chưa được các DN thực sự quan tâm. Thực tế cho thấy, không chỉ những công ty non trẻ mà ngay cả với ông trùm công nghệ như Apple cũng liên tục phải chấp nhận án phạt hàng trăm triệu USD thậm chí cả lệnh cấm lưu hành sản phẩm vi phạm. Vậy, qua những vụ việc này, bài học nào rút ra cho những công ty công nghệ Việt khi tham gia vào sân chơi công nghệ đầy khắc nghiệt?
Từ những án phạt hàng trăm triệu USD…
Hôm 11/8 vừa qua, tòa án bang Texas của Mỹ đã ra phán quyết buộc tập đoàn công nghệ Apple của Mỹ phải bồi thường cho công ty sở hữu trí tuệ PanOptis hơn 500 triệu USD vì đã vi phạm bằng sáng chế đối với công nghệ 4G-LTE mà công ty này đang nắm giữ.
Được biết, hồi tháng 2/2019, PanOptis đã khởi kiện Apple ra tòa án với cáo buộc công ty này đã không trả tiền cho việc sử dụng công nghệ 4G-LTE trên các sản phẩm điện thoại thông minh, máy tính bảng và đồng hồ của hãng.
Một trong những lập luận quan trọng của Apple là bạn có thể nhìn vào “ruột” của iPhone để biết rằng nó không vi phạm các bằng sáng chế được đề cập. “Táo khuyết” đã lập luận rằng khả năng tương thích của iPhone với LTE giống như các điện thoại thông minh khác trên thị trường và đây không phải là bằng chứng vi phạm.
PanOptis thì cho rằng Apple đã vi phạm bằng sáng chế của mình và từ chối tham gia thỏa thuận cấp phép. PanOptis lập luận rằng họ đã cung cấp cho Apple “giấy phép toàn cầu” để sử dụng các bằng sáng chế tiêu chuẩn thiết yếu liên quan đến LTE. Theo công ty, điều này tuân thủ các nghĩa vụ “Công bằng, Hợp lý và Không Phân biệt đối xử”. PanOptis lập luận rằng họ đã “nhiều lần” đàm phán với Apple về một thỏa thuận, nhưng các cuộc đàm phán không thành công.
Bất chấp lập luận của Apple, bồi thẩm đoàn cho rằng công ty đã không chứng minh được các lập luận của PanOptis là thiếu căn cứ. Do đó, Apple phải trả 506.200.000 USD cho PanOptis và các công ty liên quan.
Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên Apple thua kiện vi phạm bằng sáng chế. Trong khoảng chục năm trở lại đây, công ty này đã hàng chục lần phải trả hàng trăm triệu USD liên quan đến các vụ kiện vi phạm bằng sáng chế trên những sản phẩm của minh.
Mới đây nhất là vào hồi đầu tháng 2/2020, Sau hơn 3 năm tranh tụng về quyền sáng chế công nghệ Wifi diễn ra tại tòa án liên bang, Viện Công nghệ California đã giành chiến thắng trước Apple và Broadcom.
Viện Công nghệ California đã cáo buộc Apple sử dụng chip Wi-Fi từ Broadcom vi phạm bốn bằng sáng chế của họ trong tất cả các iPhone, bắt đầu từ năm 2012. Trong phán quyết của mình, Bồi thẩm đoàn đã yêu cầu Apple phải trả Viện Công nghệ California 838 triệu USD cho khoảng 598 triệu thiết bị đã sử dụng chip vi phạm. Broadcom cũng sẽ phải thanh toán khoản tiền phạt trị giá 270 triệu USD cho CalTech với lý do vi phạm tương tự. Tuy nhiên, Cả Apple và Broadcom đều tuyên bố sẽ kháng án. Apple cho biết bản thân họ không phát triển chip mà chỉ mua chúng từ Broadcom nên không có lý do để chấp hành án phạt.
…đến lệnh cấm bán sản phẩm vi phạm
Không những liên tục phải chịu trả hàng trăm triệu USD cho những án phạt vi phạm bằng sáng chế mà tập đoàn trị giá gần 2.000 tỷ USD này từng nhiều lần nhận một lệnh cấm bán hàng “cay nghiệt” tại những thị trường quan trọng của Apple.
Điển hình, trong vụ kiện với Qualcomm hồi cuối năm 2018 tại Trung Quốc, một loạt các mẫu iPhone bao gồm iPhone 6s, 6s Plus, 7, 7 Plus, 8, 8 Plus và iPhone X của Apple bị cấm bán và nhập khẩu tại Trung Quốc.
Theo hãng tin Reuters, Tòa án Nhân dân Trung cấp Phúc Châu ở Trung Quốc đã đưa ra phán quyết rằng Apple đang vi phạm hai bằng sáng chế về phần mềm thuộc quyền sở hữu của Qualcomm có liên quan cụ thể đến việc thay đổi kích thước hình ảnh và quản lý ứng dụng và không được quyền bán một số mẫu iPhone tại quốc gia này. Tuy nhiên ngay sau đó, Apple đã phát hành bản cập nhật iOS 12.1.2 để lách luật và gỡ bỏ các tính năng liên quan đến bằng sáng chế của Qualcomm cho các model iPhone nói trên.
Ngay sau đó, Apple tiếp tục bị cấm bán iPhone tại Đức do thua trong một vụ kiện khác với Qualcomm cũng liên quan đến vi phạm bằng sáng chế thuộc quyền sở hữu của Qualcomm.
Theo phán quyết của tòa án Đức, hai mẫu iPhone 7 và iPhone 8 sử dụng chip Intel và linh kiện từ Qorvo đã vi phạm bằng sáng chế của Qualcomm với tính năng giúp điện thoại tiết kiệm pin hơn trong quá trình kết nối tín hiệu không dây. Hậu quả là ngay lập tức, các mẫu iPhone 7 và 8 không được bày bán tại 15 cửa hàng Apple Store ở Đức.
Bài học cho các công ty công nghệ Việt
Thiết nghĩ, trong thời đại bùng nổ công nghệ 4.0, bất cứ một công ty công nghệ nào cũng mong muốn phát triển sản phẩm của riêng mình. Tuy nhiên, ngay cả đến ông trùm công nghệ Apple – tập đoàn có giá trị gần 2.000 tỷ USD cũng không thể tự chế tạo ra một sản phẩm bằng 100% sự sáng tạo của mình. Thay vào đó, họ sẽ dựa trên nền tảng những sáng chế có sẵn để phát triển lên sản phẩm cho riêng mình.
Với những sản phẩm công nghệ “made in Viet Nam” cũng vậy, để bắt kịp thay đổi nhanh chóng của công nghệ chúng ta cũng phải dựa trên những nền tảng công nghệ sẵn có để phát triển lên sản phẩm. Tuy nhiên, sử dụng nó như thế nào cho hợp pháp và tránh được những vụ kiện tụng tốn kém thời gian và tiền bạc dường như không chỉ với những công ty non trẻ của Việt Nam mà ngay cả với ông trùm công nghệ như Apple vẫn luôn là vấn một đề rất lớn, cần được các DN hết sức lưu ý.
Khi tham gia “sân chơi công nghệ” để tránh vướng phải những rắc rối pháp lý cũng như những án phạt tài chính liên quan đến những hành vi vi phạm bằng độc quyền sáng chế, các công ty công nghệ Việt Nam cần phải nắm rõ các quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ tại nước có hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như các cam kết về sở hữu trí tuệ trong các FTA mà Việt Nam tham gia ký kết, đặc biệt là các quy định về bằng độc quyền sáng chế.
Ngoài ra, đối với các công ty công nghệ Việt Nam, khi sử dụng các bằng sáng chế của người khác vào các sản phẩm công nghệ của mình cần phải có được thỏa thuận bằng văn bản pháp lý rõ ràng với công ty đang sở hữu các bằng sáng chế công nghệ này.
Ở chiều người lại, những công ty công nghệ Việt Nam cũng cần chủ động trong việc đăng ký bảo hộ tại cơ quan có thẩm quyền để được cấp bằng độc quyền sáng chế đối với những sáng chế công nghệ do mình sáng tạo ra để có cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình khi có tranh chấp xảy ra.
Văn Chiến