Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và những tác động nhiều mặt

(Pháp lý). Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, thực chất là cuộc đối đầu của một bên đang giữ vị thế bá chủ và bên kia là bên muốn soán ngôi đó. Mỹ muốn kiềm chế sự trỗi dậy quá nhanh của Trung Quốc cả về mặt kinh tế, công nghệ lẫn địa chính trị. Cuộc chiến khốc liệt đó tác động lớn đến kinh tế toàn cầu.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Kể từ khi Tổng thống Donald Trump cầm quyền ở Mỹ vào đầu năm 2017 tới nay, quan hệ Mỹ - Trung chuyển sang giai đoạn cạnh tranh chiến lược toàn diện và quyết liệt. Diễn biến này tác động tới toàn bộ cục diện chính trị, an ninh thế giới, trước hết là khu vực Đông Nam Á.

Cuộc chiến khởi đầu vào ngày 22/3/2018 khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố đánh thuế 50 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ, để ngăn chặn những gì họ cho là hành vi thương mại không công bằng và hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ.

Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu Mỹ - Trung khiến cả thế giới bị tác động (ảnh: Internet)

Tính đến cuối năm 2018, Mỹ đã áp thuế 10% đối với hơn 6.000 sản phẩm nhập khẩu của Trung Quốc, trị giá gần 200 tỷ USD và từ ngày 01/01/2019, nâng mức thuế lên 25%.

Ngoài thuế quan, Mỹ và Trung Quốc có ra nhiều vũ khí sử dụng vào cuộc chiến thương mại đang căng thẳng của hai bên. Về phía Mỹ, hạn chế hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ ở các lĩnh vực công nghiệp và kỹ thuật quan trọng, kiểm soát chặt hơn công nghệ bởi Trung Quốc đang phải lệ thuộc vào các microchip tân tiến của Mỹ để thực hiện kế hoạch Made in China 2025. Bộ Thương mại Mỹ đưa Huawei vào danh sách cấm mua các bộ phận và linh kiện từ Mỹ. Mỹ cũng thúc giục các đồng minh không sử dụng thiết bị của Huawei trong mạng 5G. Australia và New Zealand đã hướng ứng.

Trung Quốc cũng đưa ra hàng loạt các biện pháp đối phó với Mỹ. Trung Quốc có thể từ bỏ các cam kết mua thêm 10 triệu tấn sản phẩm nông nghiệp Mỹ; siết chặt là nguồn cung rất hiếm. Trung Quốc có thể bán phá giá một phần trong số hơn 1100 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ, điều này có thể khiến Mỹ rơi vào hỗn loạn…

Sau gần 2 năm căng thẳng, với các biện pháp trả đũa giữa hai bên ngày càng nghiêm trọng và quyết liệt, đến tháng 1/2020, Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận giai đoạn 1 để hạ nhiệt cuộc chiến. Cụ thể, Mỹ ngừng kế hoạch đánh thuế lên 155 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc và giảm thuế suất đối với 120 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc từ 15% xuống còn 7,5%. Bên cạnh đó, Mỹ vẫn giữ nguyên mức thuế 25% đối với 370 tỉ USD hàng hóa khác của Trung Quốc. Đổi lại, Trung Quốc cam kết mua thêm ít nhất 200 tỉ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong 2 năm. Trong số này có khoảng 40 tỉ USD nông sản.

Ngày 6/2/2020, Trung Quốc tuyên bố sẽ giảm một nửa thuế quan đối với lượng hàng hóa trị giá 75 tỷ USD nhập khẩu từ Mỹ mà Trung Quốc đã bắt đầu đánh thuế từ ngày 1/9/2019. Theo đó, một số loại hàng hóa Mỹ sẽ được giảm thuế từ 10% xuống 5% và từ 5% xuống 2,5% kể từ ngày 14/2/2020. Động thái này diễn ra đồng thời với kế hoạch giảm thuế một nửa, từ 15% xuống 7,5% của Mỹ cho 120 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc.

Rõ ràng Bắc Kinh không muốn leo thang căng thẳng với Mỹ trong tình cảnh hiện nay, khi mà những ảnh hưởng nặng nề từ chiến tranh thương mại với Mỹ trong suốt hai năm qua đã khiến tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm vừa qua xuống mức thấp nhất trong 30 năm qua và mọi thứ chưa dừng lại. Giới phân tích dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ giảm tốc mạnh hơn nữa vì Covid -19.

Theo đánh giá của Capital Economist, Trung Quốc bị cho là thiệt hại nhiều hơn Mỹ trong cuộc đối đầu này, lý do là vì thương mại quốc tế quan trọng với Trung Quốc hơn so với Mỹ. Xuất khẩu hàng hóa từ Mỹ sang Trung Quốc chỉ chiếm chưa đầy 1% GDP và 8% tổng xuất khẩu của Mỹ. Trong khi đó xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ chiếm gần 4% GDP và 20% xuất khẩu của quốc gia này. Giá trị gia tăng từ xuất khẩu sang Mỹ chiếm 3% GDP của Trung Quốc.

Ngược lại, nền kinh tế Mỹ vẫn đang có dấu hiệu tích cực, đặc biệt thị trường tài chính dưới thời ông Donald Trump vẫn đang diễn biến rất tốt, các chỉ số kinh tế đều đẹp và việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tăng trưởng ấn tượng. So sánh vị thế giữa hai bên vào lúc này, Mỹ rõ ràng đang nắm thế chủ động.

Trong lúc chiến tranh thương mại chưa được giải quyết thì Trung Quốc phê chuẩn áp dụng Luật An ninh quốc gia đối với Hong Kong vào đêm 30/6/2020, vì thế Tổng thống Trump đã ra lệnh cho chính quyền Mỹ tước bỏ các đối xử ưu đãi đối với đặc khu này. Ngoài ra, ông Trump còn chỉ trích Trung Quốc trong xử lý cuộc khủng hoảng virus corona cũng như gia tăng quân sự ở Biển Đông, về cách Bắc Kinh ứng xử với các cộng đồng Hồi giáo thiểu số, và về tình trạng thặng dư thương mại ghê gớm.

Quyết định của ông Trump có nghĩa là quy chế thương mại đặc biệt của Hong Kong với Mỹ, vốn được thỏa thuận từ 1984 khi vùng lãnh thổ này vẫn còn là thuộc địa của Anh, sẽ chấm dứt. Hong Kong nay sẽ được đối xử giống như Trung Quốc, tức là hàng hóa của Hong Kong sẽ phải chịu thêm thuế quan.

Trung Quốc đã phản ứng bằng việc yêu cầu Mỹ dừng can thiệp vào các vấn đề Hong Kong. Đồng thời, Trung Quốc cũng đã yêu cầu những doanh nghiệp của mình ngừng mua đậu nành và thịt heo từ Mỹ, các sản phẩm ngô và bông cũng đã bị đình chỉ.

Các nhà phân tích dự đoán, khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 đến gần, ông Trump có thể sẽ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc và đối thủ của ông Trump - cựu Phó Tổng thống Joe Biden - cũng sẽ thể hiện quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh trong bối cảnh Trung Quốc trở thành mối lo ngại ngày càng lớn của cử tri Mỹ. Trong khi đó, Mỹ sẽ tiếp tục tìm cách bảo vệ công nghệ của mình.

Những tác động phức tạp

Theo South China Morning Post, mệt mỏi vì 2 năm chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, lo lắng với hậu quả của dịch Covid-19 và quan hệ Mỹ - Trung ngày càng xấu đi, rất nhiều công ty Mỹ đang chủ động tìm kiếm nguồn cung ứng mới bên ngoài Trung Quốc.

Khảo sát của Qima cho thấy 95% doanh nghiệp Mỹ đã lên kế hoạch loại bỏ các nhà cung cấp Trung Quốc vì tình trạng bất ổn hiện tại. Trong khi đó, gần 50% công ty thuộc Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch chuyển nguồn hàng ngay lập tức.

Trên thực tế, từ tháng 7/2018, hàng loạt công ty Mỹ đã tìm kiếm lựa chọn mới thay thế Trung Quốc. Tuy nhiên, khảo sát cho thấy nhu cầu tìm kiếm nguồn cung bên ngoài Trung Quốc của doanh nghiệp Mỹ tăng nhanh theo mức độ xấu đi của quan hệ giữa hai cường quốc này.

Trong bối cảnh Washington ngày càng gia tăng áp lực để ngăn chặn Huawei của Trung Quốc tham gia phát triển mạng 5G, đây có thể là thời điểm các công ty như NEC của Nhật Bản và Samsung của Hàn Quốc phát triển. Trong một thời gian dài, Washington đã thúc đẩy các đồng minh loại bỏ viễn thông Trung Quốc khỏi các dự án xây dựng mạng di động 5G, cáo buộc rằng thiết bị của Huawei có thể được sử dụng cho mục đích do thám và tình báo. Huawei đã phủ nhận các cáo buộc, nhưng áp lực của Mỹ đã phần nào thúc đẩy sự thay đổi, như ở tại nước Anh.

Chính phủ Anh hồi đầu năm nay đã cam kết loại Huawei khỏi các yếu tố quan trọng, nhạy cảm nhất của mạng 5G, đồng thời thúc đẩy các kế hoạch chấm dứt sự tham gia của Huawei vào cơ sở hạ tầng 5G của Anh vào năm 2023.

Theo các chuyên gia, bao trùm sự cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung là cuộc đối đầu không khoan nhượng giữa mô hình kinh tế thị trường tự do của Mỹ với mô hình kinh tế do nhà nước kiểm soát của Trung Quốc. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 xuất phát từ Trung Quốc dẫn tới cuộc khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng có trên thế giới trong vòng 100 năm qua, Mỹ và Trung Quốc đều cáo buộc lẫn nhau gây ra đại dịch này, đẩy sự cạnh tranh giữa hai nước leo thang, rất có thể trở thành “chiến tranh lạnh 2.0”, tiềm ẩn hiểm họa lớn hơn rất nhiều so với chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô trước đây.

Theo đánh giá của Liên hợp quốc (UN), kinh tế thế giới sẽ thiệt hại khoảng 8.500 tỷ USD trong 2 năm 2020 và 2021 trước khi thế giới tìm ra những biện pháp y tế hiệu quả phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Theo tác giả Phạm Văn Thiện, toàn cầu hóa sẽ vẫn tiếp tục nhưng mâu thuẫn giữa toàn cầu hóa với chủ nghĩa dân tộc, bảo hộ thương mại sẽ trở nên gay gắt hơn. Các hệ thống thương mại đa phương và các thể chế toàn cầu sẽ có những cải cách để phù hợp với bối cảnh mới. Xu hướng phân chia lại sự ảnh hưởng từ các nước lớn càng ngày càng mạnh. Xu hướng đối đầu kinh tế và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc dự báo sẽ còn diễn biến căng thẳng, khó có khả năng kết thúc trong ngắn hạn vì cuộc tranh đua ngôi vị bá chủ không thể kết thúc trong ngắn hạn.

Mỹ sẽ tiếp tục có những động thái cô lập Trung Quốc bất kể tổng thống Donald Trump có đắc cử nhiệm kỳ tiếp theo hay không. Xu hướng dịch chuyển đầu tư, sản xuất ra khỏi Trung Quốc của các tập đoàn quốc tế có thể không diễn ra ồ ạt nhưng sẽ trở thành xu hướng trong dài hạn. Sự dịch chuyển và đứt gãy của các chuỗi cung ứng toàn cầu đang và sẽ tiếp tục xảy ra, khiến cho hoạt động thương mại quốc tế chịu ảnh hưởng tiêu cực.

Tác động đến Đông Nam Á và Việt Nam

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tạo ra cả cơ hội và thách thức đối với các nước Đông Nam Á. Từ phía Mỹ, sau khi áp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc, họ sẽ tìm các nguồn nhập khẩu từ các thị trường khác thay thế, trong đó có các quốc gia Đông Nam Á. Các mặt hàng Mỹ cần nhập khẩu rất đa dạng, từ các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao tới các mặt hàng nông, lâm, thủy sản có chất lượng khá tương đồng với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Nhiều chuyên gia tin rằng chiến tranh thương mại sẽ tồn tại trong một thời gian dài (ảnh: Reuters)

Ngược lại, khi Bắc Kinh đáp trả bằng việc áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, trước hết là các mặt hàng nông sản và thủy sản, Trung Quốc sẽ gia tăng nhập khẩu các mặt hàng này từ các nước Đông Nam Á. Trên thực tế, thị trường tiêu dùng của Trung Quốc rất ưa chuộng các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của các nước Đông Nam Á. Vì vậy, những năm tới, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ gia tăng nhập khẩu nhiều hơn nữa các mặt hàng này.

Theo dự báo, với Chương trình “Made in China 2025”, Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế số 1 thế giới với tầng lớp trung lưu khoảng gần 500 triệu người có nhu cầu tiêu dùng ngang với mức tiêu dùng của người Mỹ. Khi đó, Trung Quốc sẽ là thị trường tiêu dùng với nhu cầu lớn nhất thế giới. Đây là cơ hội lịch sử để các quốc gia Đông Nam Á có thể xuất khẩu hàng tiêu dùng, trước hết là lương thực, thực phẩm sang Trung Quốc. Trong bối cảnh này, thách thức lớn nhất đối với các nước Đông Nam Á là phải nhanh chóng tổ chức lại các dây chuyền sản xuất và dịch vụ để đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao của Trung Quốc.

Mỹ cùng với nhiều nước đang đẩy nhanh quá trình dịch chuyển các công ty sản xuất và kinh doanh ở Trung Quốc về nước hoặc tới một số quốc gia đối tác an toàn và tin cậy hơn, trước hết là các nước Đông Nam Á. Xu hướng này cũng đặt ra thách thức rất lớn đối với các nước Đông Nam Á, buộc các nước này phải nỗ lực vượt bậc để tái cấu trúc nền kinh tế, cải thiện thể chế quản lý, đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đáp ứng các tiêu chuẩn rất cao về chất lượng sản phẩm và quản lý cũng như tăng cường vượt bậc hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Hơn nữa, quá trình này phải được hoàn tất trong một thời gian ngắn để không bỏ lỡ thời cơ .

Tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng có tác động mạnh đối với Việt Nam. Bởi vì, Mỹ và Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và hàng hóa của Việt Nam nằm trong chuỗi giá trị của Trung Quốc.

Trong một báo cáo được công bố vào tháng 6 /2019, nhà kinh tế Nhật Bản Nom Nomura đã chỉ ra rằng, Việt Nam đã trở thành người chiến thắng lớn nhất trong năm đầu tiên của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, trên thực tế cần nhìn nhận ra rằng, cuộc chiến sinh tử giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này đã mang đến cho nền kinh tế Việt Nam cả những cơ hội và thách thức.

Để tránh mức thuế cao, cả các công ty của Trung Quốc và Mỹ đã giảm nhập khẩu một số hàng hóa từ nước khác và bắt đầu tìm kiếm nguồn cung từ Việt Nam, khả năng cạnh tranh của các nhà xuất khẩu Việt Nam sẽ tăng lên và mở ra nhu cầu cao đối với hàng hóa, đặc biệt là hàng dệt may.

Trong một bài viết, tác giả Lê Thế Mẫu cho rằng: Đối với các nhà đầu tư, Việt Nam cũng có thể là một lựa chọn khác thay vì Trung Quốc. Việt Nam đang hưởng lợi từ chiến lược +1 của Trung Quốc, trong đó các nhà đầu tư ở Trung Quốc chuyển nhượng và mở rộng sang các nước khác để tăng khả năng tiếp cận thị trường, đa dạng hóa rủi ro và giảm chi phí lao động. Cuộc chiến thương mại không ngừng mở rộng này sẽ chỉ thúc đẩy chuyển giao đầu tư, đặc biệt đối với các mặt hàng tiêu dùng thâm dụng lao động như quần áo, giày dép và điện tử.

Nhìn vào mặt tích cực, trong ngắn hạn, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ do hàng Trung Quốc bị hạn chế. Tuy nhiên, ảnh hưởng của chiến tranh thương mại trong dài hạn sẽ làm suy giảm kinh tế thế giới, giảm cầu nước ngoài đối với hàng hóa Việt Nam. Sự gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu cũng tác động tới các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI. Các công ty Trung Quốc bị hạn chế xuất khẩu sang thị trường Mỹ, có thể là nguyên nhân cho việc xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam sang Trung Quốc giảm đi do Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam với các mặt hàng như linh kiện điện tử, thiết bị máy tính và nông sản.

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, khi cuộc chiến này leo thang đến mức bùng phát sẽ có tác động rất lớn, thứ nhất là chiều hướng tiêu cực lớn hơn đối với nền kinh tế không chỉ riêng Trung Quốc, Mỹ, mà là kinh tế toàn cầu. Qua đó phần nào tác động tiêu cực có thể ở mức đáng kể hơn đối với kinh tế Việt Nam. Trước kia chúng ta nói tác động của chiến tranh thương mại trong ngắn hạn hoặc dài hạn Việt Nam có thể có lợi, nhưng bây giờ tác động tiêu cực thấy rõ hơn, đứng đầu là thị trường chứng khoán. Thứ hai, là giảm tốc kinh tế toàn cầu và thương mại toàn cầu sẽ rõ ràng hơn. Và với một nền kinh tế mở như Việt Nam rõ ràng sẽ có tác động không thuận.

Một khía cạnh khác cần quan tâm là việc tăng xuất khẩu sang Mỹ cũng đồng nghĩa với việc làm gia tăng thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam. Điều đó sẽ khiến hàng hóa Việt Nam rơi vào tầm ngắm của việc kiểm tra của Mỹ, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu. Mỹ đã đưa Việt Nam vào danh sách cần theo dõi đối với những quốc gia thao túng tiền tệ, việc bị coi là nước “thao túng tiền tệ” có thể dẫn đến việc hàng hóa Việt Nam bị đánh thuế khi bán vào thị trường Mỹ, gây tổn hại cho nền kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng làm nguy cơ thâm hụt thương mại với Trung Quốc gia tăng trong thời gian ngắn. Do vị trí địa lý nên lượng hàng Trung Quốc dư thừa sẽ đổ về thị trường Việt Nam, gây sức ép cạnh tranh về giá đối với các doanh nghiệp Việt Nam (đồng NDT mất giá mạnh khiến giá hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn). Mặt khác, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ khó khăn hơn vì Trung Quốc tăng cường thực thi biện pháp bảo vệ thị trường nội địa.

Bên cạnh các tác động đối với nền kinh tế Việt Nam, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc cũng tác động mạnh tới thị trường tài chính – tiền tệ Việt Nam. Chiến tranh thương mại tuy không trực tiếp tác động lên lãi suất tại Việt Nam nhưng có thể tác động gián tiếp thông qua biến động tỷ giá và áp lực lạm phát.

Thái Đăng

Link nội dung: https://phaply.net.vn/cuoc-chien-thuong-mai-my-trung-va-nhung-tac-dong-nhieu-mat-a237637.html