Khó khăn do dịch bệnh covid: Doanh nghiệp có quyền lựa chọn giải pháp ngừng việc, giãn việc hoặc chấm dứt HĐLĐ

( Pháp lý). Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đã có hơn 35.000 doanh nghiệp (DN) phá sản hoặc giải thể chỉ trong 4 tháng qua. Trước những khó khăn, nhiều DN đã buộc phải lựa chọn các giải pháp về ngừng việc, giãn việc, thậm chí phải chấm dứt hợp đồng lao động.

Theo kết quả khảo sát 1.200 DN về tình hình Covid-19 mới đây của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng thì có khoảng 74% số doanh nghiệp trả lời có nguy cơ phá sản do doanh thu không thể bù đắp chi phí hoạt động, chi lương cho người lao động, chi trả tiền lãi vay ngân hàng, chi phí thuê mặt bằng cho hoạt động sản xuất kinh doanh cùng các chi phí khác.

Thực tế hiện nay, các giải pháp mà DN thực hiện phổ biến là cắt giảm lao động (gần 39%), tiếp theo là cắt giảm chi phí (21%), tạm dừng kinh doanh (4%) và cho nhân viên nghỉ không lương (khoảng 4%). Đáng chú ý có khoảng 19% số DN trả lời khảo sát nhanh hiện chưa có giải pháp gì để ứng phó với những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh.

Trong đó cũng có nhiều DN có các biện pháp ứng phó tích cực bằng cách phản ứng chủ động và sáng tạo, chẳng hạn như tích cực tìm thị trường mới (7,2%), nâng cao chất lượng phục vụ (2,4%) hay tranh thủ thời gian đào tạo lại nhân viên (1,7%). Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, các DN cũng đồng thời đề xuất một số kiến nghị lên Chính phủ, chủ yếu tập trung nhiều nhất vào giải pháp giảm thuế, chậm nộp thuế và bảo hiểm xã hội, hỗ trợ vay vốn ưu đãi, giảm lãi suất các khoản vay, khoanh nợ và giãn thời gian trả nợ.

Theo Luật sư Trần Đại Ngọc, Đoàn Luật sư Hà Nội, trong giai đoạn phát sinh dịch bệnh Covid -19, các phương án về lao động DN có thể thực hiện tùy theo thực tế công việc đó là: Ngừng việc; chuyển người lao động (NLĐ) làm công việc khác so với HĐLĐ; tạm hoãn thực hiện HĐLĐ; đơn phương chấm dứt HĐLĐ; thay đổi cơ cấu lao động; nghỉ không hưởng lương và yêu cầu NLĐ làm việc tại nhà.

Nhiều DN lựa chọn trường hợp cho người lao động phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch Covid-19. Trong trường hợp này, tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Giải pháp này có ưu điểm là DN bớt một phần gánh nặng lương và người lao động có khoản tài chính cơ bản để trang trải chi phí. Bên cạnh đó, NLĐ không bị mất việc cũng như không phải tìm việc trong giai đoạn khó khăn. Đồng thời, DN không phải tuyển dụng lao động mới khi đại dịch qua đi.

Nhiều DN lựa chọn giải pháp ngừng việc, tuy nhiên thời gian ngừng việc kéo dài cũng ảnh hưởng đến khả năng chi trả của DN, người sử dụng lao động và NLĐ có thể thỏa thuận tạm hoãn thực hiện HĐLĐ. Như vậy, tạm hoãn HĐLĐ là việc tạm dừng thực hiện HĐLĐ trong một thời gian nhất định do người sử dụng lao động và NLĐ tự thỏa thuận. Việc tạm hoãn HĐLĐ dẫn đến NLĐ không được hưởng lương trong thời gian tạm hoãn, vì bản chất của tạm hoãn là không thực hiện tất cả nội dung trong HĐLĐ, bao gồm cả trả lương. Giải pháp này giảm gánh nặng về lương, trợ cấp, khoản đóng Bảo hiểm xã hội cho NLĐ. Khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng, NLĐ đi làm lại mà không cần tìm công việc mới và DN có nhân sự cũ để mau chóng ổn định sau suy thoái.

Bộ LĐTB&XH có công văn hướng dẫn tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất với các doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Một lựa chọn khác, do dịch bệnh nguy hiểm mà DN đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc thì DN có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Trong trường hợp này, DN phải thực hiện thời gian báo trước cho người lao động, cụ thể: Ít nhất 45 ngày đối với HĐLĐ không xác định thời hạn; Ít nhất 30 ngày đối với HĐLĐ xác định thời hạn; Ít nhất 03 ngày làm việc đối với lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng. Khi DN đơn phương chấm dứt và tuân thủ thời gian thông báo trên, thì DN không phải bồi thường. NLĐ được hưởng trợ cấp thôi việc nếu làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên.

Tạm ngừng kinh doanh hay cho NLĐ ngừng việc, nghỉ việc là điều không DN nào mong muốn. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, đó là một trong những biện pháp giảm bớt việc chi trả lương cho NLĐ trong điều kiện sản xuất – kinh doanh giảm sút. Việc lựa chọn những giải pháp về lao động phù hợp với quy định của pháp luật sẽ giúp DN tìm ra hướng đi riêng, tuy nhiên những ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, việc làm và thu nhập là khó tránh khỏi. Như vậy, rõ ràng theo dự báo trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ hai sẽ tiếp tục gây nên những khó khăn chồng tiếp khó khăn đối với DN. Trong lúc này, việc thực hiện hiệu quả gói hỗ trợ của Chính phủ cùng với các chính sách lao động phù hợp từ cơ quan quản lý Nhà nước về lao động, Tổ chức bảo vệ NLĐ và cơ quan BHXH phải đến đúng đối tượng DN bị ảnh hưởng và NLĐ đang đối diện với nguy cơ mất việc mới thực sự tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo đà cho DN phát triển sản xuất – kinh doanh sau khi dịch bệnh đi qua.

Thành Chung

Link nội dung: https://phaply.net.vn/doanh-nghiep-lua-chon-giai-phap-su-dung-lao-dong-phu-hop-a237525.html