Phòng chống tham nhũng khu vực tư – Hạn chế và giải pháp

(Pháp lý) - Việt Nam đưa doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước vào đối tượng điều chỉnh của Luật Phòng, chống tham nhũng là một trong những bước tiến trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để những quy định kịp thời này đi vào cuộc sống và triển khai hiệu quả…

Tham nhũng trong khu vực tư

Thực tế cho thấy, tham nhũng đang là một nguyên nhân cản trở sự phát triển lành mạnh và thách thức đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Có ý kiến còn cho rằng: Tham nhũng trong khu vực tư đang ngày càng phát triển và có nguy cơ gây ra hệ lụy nghiêm trọng đối với sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội.

Ảnh minh họa

Một cuộc điều tra nhỏ cho thấy, khi được hỏi về hình thức đối phó với các hành vi đòi hối lộ có đến 31% doanh nghiệp sẵn sàng đưa hối lộ, 47% doanh nghiệp đưa hối lộ nhưng sẽ thỏa thuận để có một dàn xếp có lợi hơn. Chỉ có 1/3 số doanh nghiệp nghĩ đến việc sử dụng cơ chế chính thức như tìm kiếm sự trợ giúp từ các cơ quan có thẩm quyền hay các hiệp hội doanh nghiệp. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp đang nhẫn nại chịu đựng kiểu “sống chung” với tham nhũng, tham nhũng như một thứ “thuế” không thể tránh được, họ buộc phải cống nộp cho các công chức, viên chức có quyền lực.

Theo số liệu của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam đứng thứ 81 về Đạo đức và Tham nhũng; đứng thứ 109 về các Chi phí Không chính thức và Hối lộ trong tổng số 137 quốc gia được khảo sát. Có đến 66% doanh nghiệp dân doanh trong nước đã phải chi trả các chi phí không chính thức và 59% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) phải trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục hải quan. Đồng thời, 61,5% doanh nghiệp có hành vi biếu tiền và hầu như tất cả các doanh nghiệp đều có “lại quả” cho đối tác. Hầu như doanh nghiệp làm việc với cơ quan nhà nước nào cũng đều có chi phí không chính thức cho cơ quan đó.

Đấy là với bên ngoài, còn ngay trong nội bộ các doanh nghiệp cũng có vô số kiểu tham nhũng, nhằm trục lợi từ chức vụ quyền hạn trong doanh nghiệp. Các vị Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, rồi Kế toán, Thủ kho… đều có thể tham nhũng bằng các thủ đoạn như: đòi hoa hồng, gửi giá, lại quả, đòi nhận lợi ích bất chính từ đối tác của mình để mang lợi cho họ và gây thiệt hại cho doanh nghiệp của mình, tạo điều kiện thanh toán thuận lợi để vụ lợi, gian lận trong kê khai tăng chi phí tiêu hao vật tư, gian lận trong thu mua nguyên liệu đầu vào, gian lận giá bán đầu ra; nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp mình vì vụ lợi.

Đặc biệt, đã xuất hiện loại tội phạm tham nhũng mới với tính chất hết sức nghiêm trọng như tham ô, cố ý làm trái và lừa đảo qua mạng hay các tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán (như sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán - giao dịch nội gián hay thao túng giá chứng khoán…)

Trong bối cảnh tham nhũng trong khu vực tư, đặc biệt là trong kinh doanh đang ngày càng phát triển và có nguy cơ gây ra hệ lụy nghiêm trọng đối với sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, một yêu cầu tất yếu đặt ra đó là phòng, chống tham nhũng trong kinh doanh cần phải tiến hành đồng bộ, song song với công tác phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư. Khu vực tư không chỉ là nạn nhân của tham nhũng mà còn là tác nhân, chủ thể gây nên tham nhũng bởi những hành vi đưa hối lộ đến những chủ thể có chức vụ, quyền hạn trong khu vực công để đạt được dự án hay sự ưu đãi đối với hoạt động kinh doanh của mình.

Thách thức lớn

Phòng chống tham nhũng nói chung, là một lĩnh vực rất khó khăn, phức tạp, do các đối tượng phạm tội có chức vụ, quyền hạn, am hiểu lĩnh vực của họ và các thủ đoạn thường rất tinh vi. Một khó khăn khác là cả bên đưa hối lộ và bên nhận hối lộ thường đều muốn che giấu, nên dù có dấu hiệu cũng rất khó tìm chứng cứ để đấu tranh.

Khó khăn lớn nhất trong phòng chống tham nhũng trong khu vực tư là vấn đề nhận thức. Không ít doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước hiện nay có nhận thức chưa đúng đắn về vấn đề này. Họ cho rằng, Nhà nước can thiệp quá sâu vào khu vực tư, họ coi phòng chống tham nhũng là của khu vực công, do vậy họ quan niệm rằng Nhà nước hãy cứ làm tốt trong khu vực công đi đã rồi hãy tính đến khu vực tư. Thậm chí họ còn lo ngại hiệu ứng ngược, tức nguy cơ chuyển định hướng của các cơ quan phòng chống tham nhũng bởi công tác này ở khu vực công đã rất khó khăn, rất động chạm, giờ mở thêm quyền hạn chống tham nhũng sang khu vực tư thì các cơ quan này sẽ quan tâm phòng chống tham nhũng trong khu vực tư hơn…

Dưới góc độ kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực tư sẽ làm tăng chi phí và giảm đáng kể lợi nhuận của doanh nghiệp, làm hình thành những thói quen kinh doanh thiếu lành mạnh, làm méo mó bản chất các quan hệ kinh tế. Do đó, không thể phòng chống tham nhũng trong khu vực tư một cách hiệu quả.

Theo Bộ công cụ “Hướng dẫn các doanh nghiệp nhỏ và ngừa phòng ngừa tham nhũng” do các nhà lãnh đạo thuộc Nhóm các nền kinh tế lớn (G20) biên soạn dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, những tổn thất do tham nhũng gây ra rất nghiêm trọng.

Đối với doanh nghiệp có xảy ra hoặc liên quan đến hành vi tham nhũng thì tăng chi phí kinh doanh do phải hạch toán phần chi phí dành cho tham nhũng vào chi phí chung. Nếu lựa chọn phương thức kinh doanh “tham nhũng” thì chi phí bỏ ra sẽ ngày càng tăng lên. Làm suy yếu năng lực cạnh tranh và khả năng phát triển bền vững khi các doanh nghiệp phải đầu tư nguồn lực dành cho tham nhũng. Làm giảm các cơ hội kinh doanh, đặc biệt là khi mới tiếp cận thị trường, tham gia hoạt động đấu thầu, huy động vốn mở rộng kinh doanh, liên doanh, liên kết khi các đối tác biết được có liên quan đến tham nhũng. Hủy hoại uy tín của các doanh nghiệp khi bị phát giác hoặc phanh phui có liên quan đến các vụ việc tham nhũng trong hoạt động kinh doanh. Cơ hội hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các công ty đa quốc gia, gần như bằng không.

Đối với nhà nước và thị trường khi để xảy ra hành vi tham nhũng phổ biến thì cản trở sự phát triển của các thị trường và làm suy giảm dòng vốn đầu tư vào thị trường, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư nước ngoài do sự tâm lý thiếu tin tưởng và cảm giác không an toàn khi ra các quyết định đầu tư. Hủy hoại chế độ pháp quyền - với các nguyên tắc công bằng, bình đẳng, khách quan trong việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể kinh doanh khi tham nhũng; Tăng chi phí mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, trong khi chất lượng giảm sút do nhà cung cấp không được lựa chọn thông qua một quy trình công bằng và khách quan. Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế giảm sút, không đủ sức trụ vững trong bối cảnh khi tham gia vào các khu vực thương mại tự do, thực hiện cam kết cắt giảm hàng rào thuế quan và phi thuế quan.

Một Khu công nghiệp (ảnh minh họa)

Giải pháp

Trong một hội thảo về vấn đề này, TS. Trần Đức Lượng, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, trong vấn nạn tham nhũng, doanh nghiệp được nhìn nhận dưới góc độ vừa là nạn nhân, vừa là tác nhân. Khu vực công và khu vực tư được nhiều chuyên gia nhìn nhận như “bình thông nhau” vì có mối quan hệ tác động qua lại, khu vực tư đôi khi là “sân sau” của hành vi tham nhũng trong khu vực công. Vì vậy, để phòng chống tham nhũng hiệu quả, không thể không làm lành mạnh hóa môi trường hoạt động, kinh doanh của khu vực tư.

Về thực tiễn, hiện nay, ngoại trừ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các công ty đa quốc gia có đại diện Việt Nam vốn đã có bộ quy tắc ứng xử doanh nghiệp và cơ chế kiểm soát nội bộ rất tốt, còn lại nhiều doanh nghiệp trong nước vấn đề này vẫn là một khâu yếu.

Theo các chuyên gia, để khắc phục những khó khăn trên, đòi hỏi cần có thời gian với nhiều giải pháp được tiến hành đồng bộ. Bà Catherine Phương - Trợ lý Đại diện Thường trú UNDP Việt Nam nhấn mạnh, việc thực hiện pháp luật đòi hỏi nỗ lực không chỉ từ phía Chính phủ mà còn từ phía doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần đóng vai trò chủ động và tích cực trong việc thực hiện pháp luật và quy định. Đồng thời, phải đảm bảo thúc đẩy công bằng, bao trùm, liêm chính, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong chính hoạt động kinh doanh của mình.

Còn theo ông Florian Beranek - chuyên gia UNDP về trách nhiệm xã hội và hành vi kinh doanh có trách nhiệm cho rằng, quan trọng hơn cả là thực hiện liêm chính doanh nghiệp. Bởi nếu thực hiện liêm chính doanh nghiệp, thì tham nhũng sẽ không có cơ hội tồn tại trong doanh nghiệp.

Ông Hoàng Hải Vương - Giám đốc vùng Đông Bắc, Ngân hàng Quốc tế Việt Nam VIB cũng cho rằng, để phòng chống tham nhũng hiệu quả trong doanh nghiệp thì phải thực hiện liêm chính doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp cần xây dựng được cơ chế thu nhập từ cấp nhân viên tới cán bộ cấp cao. Khi xây dựng được cơ chế thu nhập hợp lý thì những người này sẽ không còn nhu cầu tham nhũng hoặc nếu có cơ hội tham nhũng, họ sẽ cân nhắc giữa cái lợi và cái mất của mình mà không thực hiện hành vi tham nhũng. Bên cạnh đó, trong nội bộ doanh nghiệp, cần xây dựng và áp dụng các biện pháp phòng chống tham nhũng mang tính khuyến nghị và bắt buộc; đánh giá sự liêm chính của người lao động; thiết lập và đảm bảo việc vận hành hiệu quả kênh báo cáo tố cáo hành vi sai phạm, tham nhũng, làm cơ sở cho việc tăng cường giám sát thực thi các chính sách liêm chính của doanh nghiệp…

Kinh nghiệm quốc tế

Theo Viện Khoa học Thanh tra, các kinh nghiệm phòng chống tham nhũng khu vực tư của các nước trên thế giới được rút ra ở một số nội dung.

Thứ nhất là nâng cao nhận thức về kiểm soát và quản trị nội bộ. Một yếu tố rất quan trọng trong vấn đề kiểm soát và quản trị nội bộ đó là sự tự nguyện của chính tầng lớp lãnh đạo của công ty, tập đoàn lớn. Phần lớn các công ty, tập đoàn lớn trên thế giới đều coi lừa đảo và tham nhũng là những rủi ro, và có một nhận thức sâu sắc rằng các hành vi tham nhũng có thể gây ra những hậu quả tàn phá đối với doanh nghiệp của họ. Vụ việc nổi tiếng nhất về việc tham nhũng làm ảnh hưởng đến danh tiếng của công ty cho đến nay có lẽ là vụ Siemens. Vụ bê bối của Siemens đã được phát hiện từ tháng 11/2006 và đã dẫn tới điều tra ở hơn 10 nước. Bởi theo cáo trạng, Siemens đã trả tiền "lại quả" để giành được hợp đồng về giao thông ở Venezuela, hối lộ để nhận được hợp đồng về mạng lưới điện thoại di động ở Bangladesh, các dự án điện ở Israel và hệ thống kiểm soát giao thông ở Nga. Ngoài ra, tiền lại quả cũng được chi cho các dự án về giao thông tại Trung Quốc, hệ thống mạng lưới điện thoại di động ở VN, Nigeria, các dự án lọc dầu ở Mexico…

Vụ việc bê bối bị phanh phui đã ảnh hưởng sâu sắc và có tính dây truyền đến danh tiếng của Siemens trên toàn cầu. Và như để thể hiện quyết tâm lấy lại danh tiếng đó, hiện nay Siemens đã rất tích cực trong việc tài trợ cho các hoạt động nhằm đấu tranh chống tham nhũng/hối lộ trong kinh doanh mà Việt Nam là một trong nước thụ hưởng chương trình này với Dự án “Sáng kiến xây dựng tính nhất quán và Minh bạch trong quan hệ kinh doanh tại Việt Nam (ITBI)”thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Trung tâm nghiên cứu chính sách và phát triển (DEPOCEN) triển khai thực hiện.
Thứ hai là, xây dựng và phổ biến tri thức về các hành vi tốt và một nền văn hóa tuân thủ. Tham nhũng cản trở cạnh tranh công bằng, do vậy, Công ước OECD đã thiết lập một sân chơi bình đằng cho chủ thể trong KVT cũng như đề cao các giá trị đạo đức trong kinh doanh. Trên thực tế, các công ty, tập đoàn lớn đều chú trọng xây dựng và thực hiện các cam kết đạo đức cá nhân của các nhà quản lý.

Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng (UNCAC) có hiệu lực thực thi đối với Việt Nam kể từ năm 2009 và là văn bản pháp lý quốc tế phổ cập nhất trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, Công ước không có hiệu lực áp dụng trực tiếp ở Việt Nam. Để thực thi Công ước UNCAC, đòi hỏi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải tiến hành nội luật hóa, chuyển các quy định của Công ước UNCAC thành pháp luật thực định Việt Nam.

Pháp luật nhiều nước trên thế giới đã nội luật hóa UNCAC, xây dựng một hệ thống pháp luật, gồm nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành hoặc một luật chuyên ngành để điều chỉnh vấn đề này.

BLHS của CHLB Đức quy định về tội phạm tham nhũng trong khu vực tư gồm các tội phạm về cạnh tranh (Điều 299); nhận và đưa hối lộ trong giao dịch kinh doanh (Điều 300). Những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng của nhận và đưa hối lộ trong giao dịch kinh doanh. Hình phạt cao nhất lên đến 5 năm tù giam và tịch thu tài sản do phạm tội mà có. Ngoài ra, các luật khác có liên quan như Luật doanh nghiệp (Điều 405), Luật hợp tác xã (Điều 152) quy định các vi phạm hành chính về đưa, nhận lợi ích có liên quan đến phiếu bầu tại các đại hội cổ đông của doanh nghiệp, của hợp tác xã.

Ở Liên bang Nga, Luật chống tham nhũng quy định các hành vi tham nhũng, bao gồm: Lạm dụng chức vụ hoặc quyền hạn, Đưa hối lộ cho công chức quốc gia hoặc công chức nước ngoài/công chức của tổ chức quốc tế công, Hối lộ thương mại (gồm cả đưa và nhận), Hỗ trợ (môi giới) hối lộ. Theo quy định của Luật chống tham nhũng, chủ thể của các hành vi tham nhũng trong kinh doanh bao gồm: Thành viên của HĐQT; Thành viên của ban giám đốc; Người đang thực hiện một công việc hoặc trách nhiệm thường xuyên hoặc tạm thời đối với những chức năng tổ chức, kỉ luật, hành chính hoặc kinh tế của tổ chức.

Ở Nhật Bản, có một hệ thống pháp luật chống tham nhũng trong khu vực tư khá toàn diện và chặt chẽ, gồm: Luật công ty, Luật về các công cụ và giao dịch công cụ tài chính, Luật phá sản, Hướng dẫn phòng ngừa hối lộ công chức nước ngoài - Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp.

Trong Luật công ty, quy định một số tội phạm về tham nhũng trong kinh doanh như: các tội phạm bội tín (Điều 960, Điều 961); tội sử dụng tài liệu giả mạo (Điều 964); tội đưa hoặc nhận hối lộ (Điều 967); tội đưa hoặc nhận hối lộ liên quan tới việc thực hiện quyền của cổ đông (Điều 168). Tương tự như vậy, Luật về các công cụ tài chính và giao dịch công cụ tài chính cũng quy định tội đưa và nhận hối lộ (Điều 203).

Tham khảo kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng từ các nước khác và quyết tâm đưa quy định của pháp luật vào cuộc sống với nguyên tắc: "Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai" thì chắc chắn công tác này sẽ có chuyển biến tích cực, làm lành mạnh hóa nền kinh tế đang còn nhiều khó khăn của Việt Nam.

MINH KHÔI

Link nội dung: https://phaply.net.vn/phong-chong-tham-nhung-khu-vuc-tu-han-che-va-giai-phap-a237498.html