Thiệt hại kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra khiến hàng ngàn công ty trên toàn thế giới rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán.
Cuộc khủng hoảng toàn cầu làm vùi dập các doanh nghiệp và hộ gia đình, chính phủ các nước liên tục áp dụng các chính sách chống khủng hoảng, bao gồm hỗ trợ tài chính và thay đổi pháp lý. Tất cả nhằm ngăn chặn người dân và doanh nghiệp phá sản.
Khi các chính phủ đào sâu để ngăn chặn cơn thủy triều vỡ nợ đang thấp thoáng, chính sách của các “ông lớn” rất khác nhau. Sau đây là các biện pháp mà chính phủ của 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ, Trung Quốc, Nhật và Đức thực hiện để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ kinh doanh.
"Anh cả châu Âu" - nước Đức
Tại châu Âu, Tây Ban Nha ghi nhận mức giảm sâu nhất về sản lượng kinh tế, giảm 18,5% so với quý trước. Trong khi đó, Pháp và Ý ký lần lượt giảm 14% và 12%. Ngay cả cường quốc kinh tế của lục địa già – “anh cả của châu Âu” là Đức cũng ghi nhận mức giảm lịch sử 10,1%.
Theo ước tính, có khoảng 29.000 vụ phá sản doanh nghiệp tại Đức nếu sự suy giảm kinh tế của cuộc khủng hoảng virus không được giảm nhẹ. Chính phủ Đức áp dụng các thay đổi sâu rộng đối với luật mất khả năng thanh toán, bao gồm đình chỉ nghĩa vụ nộp đơn xin phá sản.
Trước đây, một công ty không thể trả được nợ khi đến hạn (mất khả năng thanh toán dòng tiền) hoặc ở trong tình trạng tổng nợ phải trả cao hơn tổng tài sản (mất khả năng thanh toán bảng cân đối) có nghĩa vụ nộp đơn phá sản trong vòng ba tuần. Theo các quy định mới được thông qua vào cuối tháng 3, nghĩa vụ này hiện bị đình chỉ hồi tố từ ngày 1.3 đến hết ngày 30.9.2020.
Ngoài ra, các quy định pháp lý cấm một số khoản thanh toán trong bối cảnh các thủ tục phá sản cũng được nới lỏng trong thời gian đình chỉ. Điều này giúp cho các nhà quản lý có nhiều thời gian hơn để duy trì hoạt động kinh doanh hoặc thực hiện tái cấu trúc, mà không phải chịu trách nhiệm cá nhân.
Hơn nữa, các khoản vay ngân hàng mới được cấp trong thời gian đình chỉ, cũng như tài sản thế chấp sẽ được bảo đảm. Các khoản này sẽ được bảo vệ tốt hơn vì chúng không bị thách thức trong tình trạng mất khả năng thanh toán tiếp theo. Điều này nhằm thúc đẩy các ngân hàng cho vay.
Trung Quốc
Là điểm sáng duy nhất, GDP của Trung Quốc tăng khiêm tốn 3,2% trong giai đoạn được xem xét và đảo ngược mức giảm 6,8% trong quý I.
Dù không có thay đổi đối với luật mất khả năng thanh toán ở Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh vẫn ban hành hướng dẫn phá sản mới. Tòa án chủ động hướng dẫn đàm phán giữa chủ nợ và khách nợ bằng các phương thức trả góp, gia hạn thời gian thực hiện các khoản nợ và thay đổi giá hợp đồng.
Trong trường hợp không tìm được nhà đầu tư mới, tòa án có thể gia hạn khung thời gian cho đề xuất tái cơ cấu tới 6 tháng. Nếu công ty nào có liên quan đến phòng chống dịch bệnh, tòa án thậm chí còn cho phép dừng hoàn toàn các thủ tục phá sản.
Trước khi tuyên bố phá sản công ty, tòa án xem xét khả năng hoạt động liên tục của con nợ và khả năng tồn tại của ngành mà công ty hoạt động nói chung. Mục đích của việc này là tránh các thủ tục phá sản cho những con nợ có thể sống sót do không chịu tác động của đại dịch.
Mỹ
Mỹ không thực hiện các thay đổi trực tiếp đối với luật phá sản. Tuy nhiên, Đạo luật Hỗ trợ, Cứu trợ và An ninh Kinh tế được thông qua vào tháng 3 đã cung cấp sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn trong đại dịch. Nó bao gồm gói kích thích trị giá khoảng 2.000 tỉ USD. Đây là gói kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử Mỹ.
Ngoài ra, một quỹ trị giá 500 tỉ USD do Cục Dự trữ Liên bang kiểm soát cũng được cung cấp cho một chương trình cho vay của chính phủ nhắm vào các công ty đang “hấp hối” trước đại dịch.
Sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ được mở rộng thông qua chương trình cho vay Quản trị doanh nghiệp nhỏ và Chương trình bảo vệ tiền lương. Ngưỡng cho phép các doanh nghiệp tận dụng lợi thế của chương trình được nâng lên từ khoảng 2,7 triệu USD đến 7,5 triệu USD giá trị công ty.
Điều kiện là các công ty không được mất khả năng thanh toán để có thể hưởng lợi từ các chương trình này.
Nhật Bản
Không như nhiều quốc gia khác, Nhật không có luật cụ thể về việc mất khả năng thanh toán. Nhưng chính phủ Nhật ở một mức độ nào đó, đã thực hiện các bước khác nhằm giảm thiểu những khó khăn liên quan đến đại dịch.
Cơ quan thuế đang cấp thời gian ân hạn 1 năm để thanh toán thuế quốc gia và địa phương nếu đại dịch làm giảm thu nhập của người nộp thuế khoảng 20% trở lên so với cùng kỳ năm trước.
Chính phủ Nhật cũng đưa ra lệnh cấm đối với các doanh nghiệp cung cấp nước, thoát nước và khí đốt về việc yêu cầu thanh toán hóa đơn cho người dân và các công ty bị thiệt hại về tài chính.
Theo Chương trình trợ cấp cho các doanh nghiệp bền vững, chính phủ Nhật đang trao tối đa 2 triệu yen (khoảng 18.885 USD) cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và 1 triệu yen cho các nhà khai thác kinh doanh cá nhân có doanh thu giảm hơn 50%.
Một chương trình Trợ cấp Điều chỉnh Việc làm hiện cung cấp trợ cấp cho các công ty về khoản bồi thường khi các công ty sa thải nhân viên vì "lý do ở người sử dụng lao động".
Các quy tắc trao đổi chứng khoán cũng được sửa đổi kéo dài thời gian ân hạn cho các công ty mất khả năng thanh toán từ 1 đến 2 năm. Một số công ty bảo hiểm cũng gia hạn thanh toán phí bảo hiểm lên đến 6 tháng. Các ngân hàng cũng đề nghị khách hàng đàm phán các điều kiện trả nợ và miễn lệ phí liên quan đến sửa đổi điều kiện trả nợ.
Nguồn bài viết: http://doanhnghiephoinhap.vn/nhung-nen-kinh-te-lon-nhat-the-gioi-da-lam-gi-de-ngan-chan-tinh-trang-mat-kha-nang-thanh-toan.html
Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhung-nen-kinh-te-lon-nhat-the-gioi-da-lam-gi-de-ngan-chan-tinh-trang-mat-kha-nang-thanh-toan-a237426.html