Nguy cơ làn sóng Covid-19 thứ 2: Nhiều nước đưa ra quyết sách hỗ trợ mang tính lâu dài bên cạnh việc tiếp tục bơm hàng tỷ đô vào nền kinh tế

(Pháp lý) – Trước nguy cơ bùng phát trở lại của đại dịch Covid -19, nhiều nước đang tiếp tục chi hàng tỷ đô la để cứu nguy cho nền kinh tế. Đáng chú ý, tại một số quốc gia như Trung Quốc hay Mỹ… bên cạnh việc trực tiếp đổ tiền vào nền kinh tế, họ còn đưa ra những chính sách hỗ trợ mang tính lâu dài như bơm tiền vào các dự án đầu tư tầng mạng viễn thông, cầu đường cao tốc… nhằm hỗ trợ thu nhập ổn định cho người dân, giảm tỷ lệ thất nghiệp , tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

Tiếp tục bơm hàng tỷ đô vào nền kinh tế

Tại Nhật Bản, mặc dù tình trạng khẩn cấp đã được dỡ bỏ vào cuối tháng 5, nền kinh tế dự kiến sẽ dần phục hồi ở mức vừa phải trong những tháng tới. Nhưng, sự bùng phát trở lại của dịch Covid -19 tiếp tục ảnh hưởng đến niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp.

Mới đây, hôm 16/6, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã tuyên bố sẽ giữ ổn định chính sách tiền tệ đồng thời mở rộng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn. Theo đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vẫn duy trì các biện pháp nới lỏng cho vay và duy trì mục tiêu kiểm soát đường cong lãi suất -0,1% đối với ngắn hạn và 0% về dài hạn.

Cơ quan này cho biết, các chương trình cho vay đối với doanh nghiệp sẽ đạt khoảng 110.000 tỷ yên, tương đương 1.000 tỷ USD nếu có thêm các khoản vay được giải ngân theo chương trình hỗ trợ của chính phủ. Ước tính hơn 75.000 tỷ USD đã được giải ngân theo chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn trong tháng 5.

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế trưởng Hiroshi Shiraishi của Công ty chứng khoán BNP Paribas (Nhật Bản), các chính sách tài khóa sẽ là “át chủ bài” trong các giải pháp đối phó với dịch Covid-19.

Trong khi đó, Quốc hội Nhật Bản đang bắt đầu cân nhắc ngân sách bổ sung thứ hai để tài trợ một phần của gói kích cầu 1000 tỷ đô la mới bao gồm các chương trình cho vay để bơm vốn vào các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

Còn tại Liên minh Châu Âu (EU), tại hội nghị thượng đỉnh hôm 21/7, các nhà lãnh đạo EU đã đạt được thỏa thuận về gói phục hồi kinh tế của khối trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19 trị giá 750 tỷ euro (hơn 800 tỷ đô la). Mục đích của gói này là cung cấp các khoản hỗ trợ và khoản vay để đối phó với tác động của cuộc suy thoái do đại dịch COVID-19 gây ra.

Hôm 21/7 vừa qua, EU đã thông qua gói cứu trợ lịch sử lên đến 750 tỷ euro

Trước đó, đề xuất liên quan tới gói phục hồi 750 tỷ euro vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Hà Lan, Áo, Thụy Điển và Đan Mạch, các nước thành viên có chủ trương “thắt lưng buộc bụng”. Trợ lý cấp cao của Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven cho biết, nhóm các quốc gia này ban đầu chỉ sẵn sàng chấp nhận khoản hỗ trợ tối đa là 350 tỷ euro, thậm chí là có điều kiện đi kèm.

Nhằm phá vỡ thế bế tắc, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đưa ra một đề xuất được các nhà ngoại giao đánh giá là “con đường hướng tới một thỏa thuận”. Theo đó, ông đề xuất khoản hỗ trợ 390 tỷ euro đi kèm một khoản tiền nhỏ hoàn lại cho nhóm “thắt lưng buộc bụng”. Cuối cùng, đề xuất mới này đã nhận được sự nhất trí của 27 nước thành viên để sau đó trình lên Nghị viện châu Âu (EP) thông qua.

Trong khi đó, gói ngân sách dài hạn hơn 1.000 tỷ euro có vẻ dễ dàng hơn trong việc tập hợp tiếng nói chung của các nước EU. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thừa nhận đã có những thời điểm căng thẳng cao độ, nhưng cuối cùng mọi chuyện đã tiến triển theo chiều hướng tích cực. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh trong tình huống đặc biệt đòi hỏi các bên có những nỗ lực đặc biệt để đạt đồng thuận.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nhấn mạnh việc thông qua một kế hoạch đầy tham vọng là cần thiết trong bối cảnh khủng hoảng y tế đang tiếp tục đe dọa toàn châu Âu.

Một số nước có quyết sách hỗ trợ kinh tế mang tính lâu dài

Bên cạnh việc trực tiếp đổ tiền vào nền kinh tế, một số nước đang đưa ra những chính sách hỗ trợ mang tính lâu dài như bơm tiền vào các dự án đầu tư tầng viễn thông, cầu đường… nhằm tăng thu nhập thực tế ổn định cho người dân, giảm tỷ lệ thất nghiệp tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

Điển hình như tại Trung Quốc, khác với ở phương Tây, Trung Quốc kiên định kích thích kinh tế bằng chiến lược đổ tiền vào cơ sở hạ tầng.

Theo đó, tại một nhà máy ở TP Từ Châu, tỉnh Giang Tô, 100 công nhân mới được tuyển dụng để sản xuất những cần cẩu xây dựng khổng lồ. Tại một nhà máy rộng lớn khác gần đó, công nhân làm việc đến nửa đêm để lắp ráp máy đào và máy khoan hầm. Cách đó vài dãy nhà, các công nhân khác đang sản xuất những chiếc xe ben đã nhận được lượng đơn hàng lớn, đủ để họ bận rộn đến năm sau.

Những nhà máy này cùng với sáu nhà máy khác ở Từ Châu đều thuộc sở hữu của Tập đoàn Máy móc xây dựng Từ Châu (XCMG), chuyên sản xuất các máy móc lớn phục vụ cho cơn bùng nổ xây dựng hiện nay của Trung Quốc.

XCMG, một tập đoàn công nghiệp nhà nước và là nhà sản xuất thiết bị xây dựng lớn nhất Trung Quốc, nằm ở vị trí trọng tâm trong nỗ lực vực dậy kinh tế của Bắc Kinh sau đòn giáng nặng nề của đại dịch Covid-19 bằng cách triển khai một chiến lược đã được kiểm nghiệm tính hiệu quả: đầu tư vào các dự án hạ tầng trong nước.

Tình hình này buộc Bắc Kinh phải tìm cách khôi phục kinh tế bằng nguồn lực trong nước với chiến lược đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống hạ tầng, sử dụng hàng triệu nhân công không chỉ để xây dựng các tuyến đường bộ, đường sắt và hệ thống thoát nước mới mà còn sản xuất thiết bị xây dựng cần thiết.

“Các hợp đồng nước ngoài trong năm nay rất tệ và tôi cũng không đi ra nước ngoài được. Nhưng đây là một năm tốt đối với chúng tôi ở thị trường Trung Quốc”, Vincent Cao, Giám đốc phụ trách mảng thiết bị khoan và đào hầm của XCMG, nói.

Chiến lược đổ tiền vào hạ tầng dường như đang có tác dụng. Các khoản đầu tư lớn vào hạ tầng đã giúp Trung Quốc trở thành nền kinh lớn đầu tiên trên thế giới phục hồi sau cơn bùng phát dịch Covid-19 với mức tăng trưởng GDP tăng 3,2% trong quý 2 vừa qua.

Hồi tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã kêu gọi chi tiêu xây dựng gần nơi người dân sinh sống. Điều đó sẽ giúp dễ dàng hơn cho hàng triệu công nhân nông thôn đã mất việc làm tại các nhà máy sản xuất tìm công việc mới mà không di cư đến các thành phố xa xôi.

Còn tại Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét một kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD giúp vực dậy nền kinh tế khỏi sự sụp đổ bởi dịch Covid-19, thúc đẩy mục tiêu lâu dài của ông là chi tiêu lớn cho cơ sở hạ tầng của Mỹ.

Bloomberg ngày 16/6 trích dẫn các nguồn bí mật, cho biết một phiên bản sơ bộ đang được Bộ Giao thông Vận tải chuẩn bị. Theo kế hoạch, phần lớn số tiền được dành để duy tu, xây dựng cơ sở hạ tầng cầu đường, phần còn lại dành cho việc xây dựng mạng 5G và cải thiện dịch vụ internet ở các vùng nông thôn. Ông Trump dự định sẽ thảo luận về băng thông rộng ở nông thôn tại một sự kiện ở Nhà Trắng.

Trước đó, Tổng thống Trump đã từng kêu gọi một kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 2.000 tỷ USD để tận dụng lãi suất thấp, cho phép chính phủ Mỹ vay với chi phí tối thiểu. "Với lãi suất đang ở mức zero, đây là thời điểm để thực hiện Dự luật Cơ sở hạ tầng được chờ đợi hàng thập niên của chúng ta" - ông Trump nhấn mạnh.

Naeem Aslam, nhà phân tích thị trường trưởng tại Avatrade, nói: "Tổng thống Trump luôn muốn cải thiện cơ sở hạ tầng của Mỹ và không thời điểm nào khác có thể tốt hơn để làm điều đó như hiện nay. Đề xuất cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD của chính quyền Trump có khả năng vượt qua mọi rào cản, nếu trở thành hiện thực nó có thể thay đổi tiến trình nền kinh tế và tăng cơ hội trở thành tổng thống của ông Trump một lần nữa".

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét một kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD giúp vực dậy nền kinh tế khỏi sự sụp đổ bởi đại dịch Covid-19

Trước đó, hồi tháng 5, Hạ viện Mỹ đã thông qua đạo luật "Các giải pháp toàn diện phục hồi kinh tế và sức khỏe" (HEROES), nhằm tung thêm gói hỗ trợ 3.000 tỷ USD để hỗ trợ cuộc chiến chống Covid-19 và khôi phục nền kinh tế Mỹ. Đến nay, chính quyền Mỹ đã thông qua nhiều gói cứu trợ, trong đó nổi bật là gói 2.000 tỷ USD hồi tháng 2 và gói 484 tỷ USD hồi tháng 4, nhằm giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kích thích tiêu dùng và hạn chế tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.

Nam Kiên (t/h)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nguy-co-lan-song-covid-19-thu-2-nhieu-nuoc-dua-ra-quyet-sach-ho-tro-mang-tinh-lau-dai-ben-canh-viec-tiep-tuc-bom-hang-ty-do-vao-nen-kinh-te-a237225.html