Dòng tiền nghìn tỷ "bí ẩn" tại Saigon Co.op đến từ đâu?

Nhóm HTX vốn hoạt động không mấy nổi bật lại có thể chi tới hàng nghìn tỷ đồng để sở hữu 50% vốn, gián tiếp nắm quyền chi phối hoạt động tại Saigon Co.op.

Văn phòng HTX TMDV Linh Tây là đơn vị góp vốn nhiều nhất lên tới 952,5 tỷ đồng. Ảnh: Tri thức trực tuyến

Ban quản lý hợp tác xã mua bán thành phố thành Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP.HCM Saigon Co.op được thành lập từ năm 1989.

Từ vốn điều lệ 1 tỷ đồng hiện tăng lên 6.797 tỷ đồng, với 26 thành viên, Saigon Co.op hiện đang được đánh giá là doanh nghiệp bán lẻ số 1 Việt Nam khi chiếm 43% thị phần kênh siêu thị xét về doanh số bán hàng.

Saigon Co.op hằng năm vẫn tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận dao động từ 800 -1.500 tỷ đồng/năm, tỷ suất lợi nhuận sau thuế đạt được từ 26 - 39% trên vốn góp.

Dù là doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành bán lẻ, tuy nhiên quá trình quản trị để đưa doanh nghiệp phát triển, Saigon Co.op cũng vướng phải những chuyện lùm xùm.

Trong đó, sai phạm lớn nhất được Thanh tra TP.HCM chỉ ra là bất thường trong việc gấp rút thực hiện tăng vốn điều lệ năm 2020 khi chưa được cơ quan cấp phép kinh doanh chấp thuận. Thông qua các hợp tác xã (HTX) thành viên, lãnh đạo Saigon Co.op đã cho phép nhà đầu tư sở hữu vốn góp tại Saigon Co.op, dẫn đến nguy cơ Saigon Co.op bị thâu tóm.

Theo kết luận thanh tra về việc chấp hành qui định pháp luật tại Saigon Co.op, Thanh tra TP.HCM cho biết, đó là trong giai đoạn 2018 - 2019, có một số HTX hoạt động ở mức lợi nhuận sau thuế từ 5-6 tỷ đồng nhưng không tham gia góp vốn.

Trong khi đó, các HTX chỉ đạt mức lợi nhuận từ 24 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng lại tham gia góp vốn với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, có 11 HTX góp vốn trên 200 tỷ đồng trong đợt này.

Cụ thể, HTX TMDV Linh Tây lỗ gần 49 triệu đồng năm 2019 nhưng góp hơn 952,5 tỷ đồng, HTX TM Thị Nghè lỗ hơn 163,6 triệu đồng góp 244,55 tỷ đồng, HTX TM Cầu Kinh lỗ gần 106 triệu đồng cũng góp gần 3 tỷ đồng.

Cơ quan thanh tra nhận định đây là những trường hợp "không bình thường". Tuy nhiên, trong 2 lần làm việc vừa qua, các HTX không cung cấp cho đoàn thanh tra các hồ sơ được yêu cầu để làm rõ nguồn vốn góp.

Từ đó, Thanh tra TP.HCM nhận định đã có các tổ chức, cá nhân thông qua hợp tác xã thành viên để tham gia đầu tư vốn vào Saigon Co.op.

Theo Thanh tra TP, nhu cầu đầu tư vào Saigon Co.op là có cơ sở khi mà lợi nhuận của doanh nghiệp này tăng trưởng khá ổn định. Nếu không làm rõ được nguồn vốn tăng lên, Saigon Co.op sẽ bị chi phối bởi các tổ chức, cá nhân bên ngoài và không giữ được nguyên tắc tổ chức, hoạt động ban đầu.

Cơ quan này nhận định, có dấu hiệu thâu tóm, chiếm đoạt vốn, tài sản của Saigon Co.op được hình thành từ khi thành lập đến nay, xâm phạm quyền sở hữu tài sản chung và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế của TP nói riêng và cả nước nói chung. Việc làm này có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Những sai phạm nêu trên được cho là thuộc trách nhiệm của HĐQT Liên hiệp HTX, Thành viên Liên hiệp HTX, Ban Tổng Giám đốc, các phòng ban chức năng và cá nhân có liên quan các thời kỳ.

Theo doisongphapluat.com

Nguồn bài viết: https://www.doisongphapluat.com/kinh-doanh/dong-tien-nghin-ty-bi-an-tai-saigon-coop-den-tu-dau-a332690.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/dong-tien-nghin-ty-bi-an-tai-saigon-co-op-den-tu-dau-a237080.html