Pháp luật nhiều nước trên thế giới có chế tài hình sự rất nghiêm khắc đối với hành vi nhập cảnh trái phép

(Pháp lý) – Theo nghiên cứu, có đến 124 quốc gia trên thế giới coi việc nhập cảnh bất hợp pháp là một tội ác và áp dụng chế tài hình sự rất nghiêm khắc.

Điển hình Ấn độ, phạt tù từ 2 đến 8 năm và phạt tiền đối với hành vi nhập cảnh bất hợp pháp; Indonesia phạt tù tới 1 năm hoặc 5 năm… Nhiều ý kiến cho rằng , so với thế giới, đặc biệt đối với một số nước trong khu vực thì chế tài xử phạt của Việt Nam đối với hành vi xuất nhập cảnh trái phép chưa thực sự nghiêp khắc. Đây có thể là một trong những nguyên khiến tình trạng nhập cảnh trái phép diễn ra nhiều ở nước ta trong thời gian vừa qua. Để ngăn chặn tình trạng này, pháp luật Việt Nam cần phải có những quy định cứng rắn cũng như rõ ràng hơn, quyết liệt hơn. Đặc biệt khi diễn biến dịch bệnh Covid 19 đang rất phức tạp và nguy hiểm.

So thế giới, đặc biệt đối với một số nước trong khu vực thì chế tài xử phạt của Việt Nam đối với hành vi xuất nhập cảnh trái phép chưa thực sự nghiêm khắc

Liên tục phát hiện người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam

Ngày 28/7, thông tin từ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn cho biết, đơn vị vừa phát hiện, bắt giữ hai đối tượng có hành vi đưa đón 9 người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua đường mòn, lối mở tại khu vực đồn quản lý. Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Lạng Sơn đã quyết định khởi tố vụ án hình sự các đối tượng có hành vi đưa, đón người xuất, nhập cảnh trái phép trên.

Cũng trong ngày 28/7, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết đã phát hiện 8 người Trung Quốc và 1 người Việt Nam nhập cảnh trái phép tại quận 12. Tất cả những người này đều đã được đưa đi cách ly phòng lây nhiễm COVID-19.

Trong khi đó, tại thành phố Nha Trang trong 2 ngày 27 và 28/7, thành phố đã phát hiện 13 người Trung Quốc cư trú bất hợp pháp ở thành phố.

Đặc biệt, theo Công an TP. Đà Nẵng thông tin hôm 27/7, trong 3 ngày tổng ra quân kiểm tra, rà soát người nước ngoài lưu trú trên khắp các địa bàn, lực lượng công an đã phát hiện thêm 21 người nước ngoài, đa phần là Trung Quốc, nhập cảnh trái phép vào địa phương này.

Đến nay, tổng số người nước ngoài nhập cảnh trái phép được phát hiện tại Đà Nẵng là 52 trường hợp, trong đó phần lớn là người Trung Quốc. Cơ quan công an đã khởi tố vụ án và bắt giam 3 người - gồm 2 người Việt, 1 người Trung Quốc - liên quan đến đường dây đưa người trái phép từ Trung Quốc sang.

Trước đó, vào ngày 18/7, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh - Công an tỉnh Quảng Nam phát hiện 21 người Trung Quốc có dấu hiệu nhập cảnh trái phép đang lưu trú tại phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Những người này sau đó đã tìm cách bỏ trốn khi bị phát hiện. Công an địa phương sau đó đã truy tìm những người này và đưa đi cách ly tập trung. Công an tỉnh Quảng Nam đã khởi tố vụ án và tạm giữ hình sự 2 người liên quan.

Việc người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam khá phổ biến thời gian gần đây gây nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19. Trước nguy cơ, Bộ Công an hôm 28/7 đã có công điện về việc tăng cường thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, ngăn chặn việc đưa người Việt Nam xuất cảnh và người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trái phép.

Chế tài đối với người nhập cảnh trái phép: sự khác nhau giữa pháp luật Việt nam và quốc tế

Theo tìm hiểu của Phóng viên Pháp lý, pháp luật Việt Nam hiện hành quy định rất rõ, người nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam khi có đủ hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, thị thực.

Điều 20 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 quy định, người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì hộ chiếu phải còn thời hạn sử dụng ít nhất 6 tháng và phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày.

Việc nhập cảnh phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật. Mọi trường hợp vi phạm, tùy từng tính chất, mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo đó, Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ- CP quy định: Người nước ngoài nhập cảnh, hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam; giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác đi nước ngoài, ở lại nước ngoài, vào Việt Nam, ở lại Việt Nam hoặc qua lại biên giới quốc gia trái phép sẽ bị phạt tiền từ 15 triệu đến 25 triệu đồng.

Người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về nhập cảnh trái phép, theo điều 347 Bộ luật Hình sự 2015. Mức phạt từ 5 triệu đến 50 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Đặc biệt đối với hành vi môi giới, tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép”, bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm và nếu có tình tiết định khung tăng nặng sẽ bị phạt tù từ 5-15 năm theo điều 348 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

So với Việt Nam, rất nhiều nước trên thế giới có chế tài rất nghiêm khắc đối với hành vi nhập cảnh trái phép.

Theo báo cáo của một tổ chức nghiên cứu pháp lý toàn cầu (the Global Legal Research Directorate) về hình sự hóa việc nhập cảnh bất hợp pháp trên toàn thế giới (Criminalization of Illegal Entry Around the World) xác định có đến 162 quốc gia có chế tài hình sự hoặc trừng phạt dân sự, hành chính đối với hành vi nhập cảnh bất hợp pháp.

Trong đó nhiều nước áp dụng các biện pháp trừng phạt hình sự đối với việc nhập cảnh bất hợp pháp cũng như các quốc gia chỉ áp dụng các hình phạt dân sự hoặc hành chính (thường là phạt tiền và trục xuất).

Theo báo cáo này, có đến 124 quốc gia coi việc nhập cảnh bất hợp pháp là một tội ác. Các hình phạt đối với hành vị xâm nhập biên giới bất hợp pháp bao gồm trục xuất, phạt tiền, giam giữ, phục vụ cộng đồng và phạt tù tùy theo mức đội nghiêm trọng khác nhau. Thời gian phạt tù có thể từ vài tháng đến 15 năm, tùy thuộc vào hoàn cảnh mà mục nhập xảy ra.

Điển hình như tại Hàn Quốc, theo Đạo luật Di trú, ngày 8 /12 /1992, được sửa đổi ngày 12 /12 / 2017 sẽ phạt tù không quá 5 năm hoặc phạt tiền, và trục xuất. Theo Đạo luật nhập cư (ngày 21 tháng 5 năm 1999, được sửa đổi vào ngày 16 tháng 11 năm 2016) của Đài Loan, sẽ phạt tù tới 3 năm hoặc phạt tiền và bị trục xuất đối với bất kỳ người nước ngoài nào vi phạm.

Liên tục phát hiện người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam

Trong khi đó, tại Ấn độ, Phạt tù từ 2 đến 8 năm và phạt tiền đối với hành vi nhập cảnh bất hợp pháp; phạt tù tối đa 3 tháng, phạt tiền hoặc cả hai nếu nhập cảnh mà không có hộ chiếu hoặc với hộ chiếu / visa giả mạo…

Tuy nhiên vẫn có một số quốc gia chỉ áp dụng hình phạt dân sự hoặc hành chính bao gồm Angola, Argentina, Úc, Brazil, Cộng hòa Séc, Columbia, Ecuador, Mexico, Peru, Bồ Đào Nha, Slovakia, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Venezuela … Tuy nhiên, ngay cả ở những quốc gia này, các biện pháp trừng phạt hình sự có thể được áp dụng nếu có tình tiết tăng nặng.

Có đến 124 quốc gia coi việc nhập cảnh bất hợp pháp là một tội ác. Các hình phạt đối với hành vị xâm nhập biên giới bất hợp pháp bao gồm trục xuất, phạt tiền, giam giữ, phục vụ cộng đồng và phạt tù tùy theo mức đội nghiêm trọng khác nhau. Thời gian phạt tù có thể từ vài tháng đến 15 năm, tùy thuộc vào hoàn cảnh mà mục nhập xảy ra. Điển hình như tại Hàn Quốc, theo Đạo luật Di trú, ngày 8 /12 /1992, được sửa đổi ngày 12 /12 / 2017 sẽ phạt tù không quá 5 năm hoặc phạt tiền, và trục xuất.

Chế tài của Việt Nam so với một số nước láng giềng

Không chỉ nhiều nước trên thế giới coi hành vi nhập cảnh trái phép là một tội phạm và có những chế tài xử phạt rất nghiêm khắc mà một số nước trong khu vực ASEAN cũng coi đây là rất nghiêm trọng và áp dụng chế tài hình sự.

Tại Thái Lan, theo Đạo luật nhập cư năm 1979, bất kỳ ai nhập cảnh trái phép sẽ bị phạt tù không quá 2 năm, phạt tiền và trục xuất. Hay, tại Campuchia , theo Luật nhập cư năm 1994, hành vi nhập cảnh trái phép sẽ bị phạt tù từ 3 đến 6 tháng và trục xuất.

Trong khi đó, Tại Indonesia, theo quy định tại Luật số 6 năm 2011 về nhập cư quy định phạt tiền hoặc phạt tù tới 1 năm hoặc 5 năm, tùy theo tội phạm đối với hành vi nhập cư bất hợp pháp. Tại Myanmar người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm hoặc phạt tiền; Malaysia sẽ phạt tù tới 5 năm, phạt tiền hoặc cả hai…

Thiết nghĩ, nếu so sánh với pháp luật của các nước trên thế giới, đặc biệt đối với một số nước trong khu vực thì chế tài xử phạt của Việt Nam đối với hành vi xuất nhập cảnh trái phép chưa thực sự nghiêm khắc.

Việc chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính đối với những người vi phạm lần đầu về hành vi “Qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định” mà chưa bị xử lý hình sự thì chưa tạo được sự răn đe. Nhiều người sẽ nghĩ là thực hiện một lần thôi thì sẽ không sao cả, cùng lắm chỉ bị phạt tiền.

Và theo đánh giá của chúng tôi, đây là một trong những nguyên khiến tình trạng nhập cảnh trái phép diễn ra nhiều ở nước ta trong thời gian vừa qua.

Chính vì thế, kiến nghị các cơ quan chức năng cần phải có những quy định cứng rắn cũng như rõ ràng hơn, quyết liệt hơn để ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép. Đặc biệt khi diễn biến dịch bệnh Covid 19 đang rất phức tạp và nguy hiểm, tình trạng vượt biên trái phép này có thể dẫn đến lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Tại Thái Lan, theo Đạo luật nhập cư năm 1979, bất kỳ ai nhập cảnh trái phép sẽ bị phạt tù không quá 2 năm, phạt tiền và trục xuất. Hay, tại Campuchia , theo Luật nhập cư năm 1994, hành vi nhập cảnh trái phép sẽ bị phạt tù từ 3 đến 6 tháng và trục xuất.

Trong khi đó, Tại Indonesia, theo quy định tại Luật số 6 năm 2011 về nhập cư quy định phạt tiền hoặc phạt tù tới 1 năm hoặc 5 năm, tùy theo tội phạm đối với hành vi nhập cư bất hợp pháp. Tại Myanmar người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm hoặc phạt tiền; Malaysia sẽ phạt tù tới 5 năm, phạt tiền hoặc cả hai…

Xuân Kiên – Bùi Lộc

Link nội dung: https://phaply.net.vn/phap-luat-nhieu-nuoc-tren-the-gioi-co-che-tai-hinh-su-rat-nghiem-khac-doi-voi-hanh-vi-nhap-canh-trai-phep-a237008.html