Kiểm soát tên hàng hóa nhập khẩu ở Việt Nam hiện nay theo pháp luật hải quan và một số giải pháp nâng cao hiệu quả để hội nhập kinh tế quốc tế

(Pháp Lý) - Trong bối cảnh liên kết thương mại toàn cầu càng rộng mở, việc ban hành các quy định về kiểm soát tên hàng hóa đối với hoạt động nhập khẩu vô cùng quan trọng. Yêu cầu hài hòa pháp luật trong nước và quốc tế, tạo môi trường pháp lý an toàn, thúc đẩy sự giao thương, đồng thời bảo đảm an ninh kinh tế nội địa là cần thiết.

Bài viết “Kiểm soát tên hàng hóa nhập khẩu ở Việt Nam hiện nay theo pháp luật hải quan – Một số giải pháp nâng cao hiệu quả trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế” của TS. Trần Viết Long – Giảng viên khoa Luật Quốc tế (Trường Đại học Luật – Đại học Huế) sẽ góp phần làm rõ các vấn đề lý luận, thực tiễn về kiểm soát tên hàng hóa nhập khẩu ở Việt Nam hiện nay theo pháp luật hải quan; đồng thời đưa ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Pháp lý trân trọng đăng tải.

Vai trò và một số yêu cầu đặt ra khi kiểm soát tên hàng hóa nhập khẩu theo pháp luật hải quan

Có thể hiểu kiểm soát tên hàng hóa nhập khẩu theo pháp luật hải quan là việc sử dụng các phương thức, biện pháp nghiệp vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm kiểm tra, giám sát và các cách thức khác đối với hàng hóa nhập khẩu nhằm đánh giá sự tuân thủ, sự phù hợp của tên hàng hóa theo quy định của pháp luật hải quan.

Chiều 19/7/2020, Tổng cục Hải quan tổ chức họp báo chuyên đề về công tác đấu tranh chống gian lận về xuất xứ của ngành Hải quan

Theo đó, kiểm soát hàng hóa nhập khẩu là hoạt động thường xuyên và có tính chặt chẽ trong hội nhập kinh tế quốc tế, thể hiện qua các vai trò như sau:

Một là, bảo đảm được sự điều chỉnh của pháp luật và chính sách quản lý trong thực thi kiểm soát hàng hóa nhập khẩu qua biên giới. Việc lưu thông hàng hóa giữa các nước có thể thuận tiện hoặc hạn chế tùy theo chính sách thương mại quốc gia, hệ thống pháp lý và thực thi cam kết thương mại quốc tế. Kiểm soát tên hàng hóa nhập khẩu sẽ tác động tích cực đối với cơ quan có thẩm quyền trong quá trình đối chiếu, xác định danh mục tên hàng hóa, thực hiện việc áp thuế, so sánh, đối chiếu hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, trị giá hải quan, quy tắc xuất xứ hàng hóa nhập khẩu. Mặt khác, xác định loại hàng nhập khẩu qua đó đối chiếu với chính sách quản lý mặt hàng để xác định rõ với hàng hóa đó có bị cấm xuất khẩu, nhập khẩu không hay thuộc loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có điều kiện.

Hai là, kiểm soát tên hàng hóa nhập khẩu giúp nhà nước rà soát hệ thống danh mục các hàng hóa nhập khẩu đối với chính sách quản lý mặt hàng. Từ đó ban hành các quy định pháp luật phù hợp, thiết thực trong quá trình kiểm soát tên hàng hóa nhập khẩu. Đồng thời, bổ sung tên hàng hóa mới vào danh mục hàng hóa theo quy định của pháp luật để xác định mức thuế, chính sách ưu đãi về thuế và thống kê xuất nhập khẩu khi hàng hóa nhập khẩu qua biên giới.

Ba là, kiểm soát tên hàng hóa nhập khẩu qua biên giới tạo ra sự minh bạch, công bằng đối với doanh nghiệp, xây dựng được niềm tin cho cộng đồng thương nhân. Mặt khác, kiểm soát tên hàng giúp nhà nước dễ dàng phân loại hàng hóa, tránh nhập khẩu các hàng hóa nằm trong danh mục cấm nhập khẩu, hàng hóa có nguy cơ ảnh hưởng cao đến sức khỏe, môi trường và các hành vi vi phạm pháp luật khác

Kiểm soát tên hàng hóa nhập khẩu theo pháp luật hải quan phải đảm bảo được các yêu cầu cơ bản, cụ thể:

Thứ nhất, kiểm tra thông tin mô tả rõ ràng tên hàng, đầy đủ thành phần, hàm lượng, tính chất, cấu tạo, đặc điểm và công dụng, đáp ứng các tiêu chí về tên gọi, mô tả hàng hóa tại danh mục hàng hóa nhập khẩu

Thứ hai, đối chiếu tên hàng khai báo với nội dung chú giải phần, chương, phân chương, nhóm, phân nhóm liên quan tại danh mục hàng hóa nhập khẩu; tài liệu kỹ thuật, chứng từ khác liên quan đến hàng hóa tại hồ sơ hải quan.

Thứ ba, quá trình kiểm soát tên hàng phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và được thực hiện bởi quy trình, nghiệp vụ chặt chẽ. Kiểm soát phải được đa dạng, linh động thực hiện tại các biên giới hải quan và các địa điểm theo quy định của pháp luật, hạn chế sự tác động của kiểm soát trực tiếp, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, quản lý rủi ro và kiểm tra sau thông quan.

Thứ tư, kiểm soát tên hàng hóa nhập khẩu qua biên giới phải đảm bảo sự thuận lợi cho doanh nghiệp thực thi pháp luật hải quan, tạo điều kiện kiểm soát nhanh để thuận tiện cho doanh nghiệp chấp hành tốt và xử lý hiệu quả doanh nghiệp vi phạm.

Kiểm soát tên hàng hóa nhập khẩu ở Việt Nam hiện nay theo pháp luật hải quan

Điểm a, khoản 1 Điều 24 Thông tư số 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về nội dung kiểm tra tên hàng, mã số hàng hóa khi kiểm tra hồ sơ hải quan là: “Kiểm tra nội dung khai và kiểm tra tính chính xác về tên hàng, mã số hàng hóa, mức thuế khai trên tờ khai hải quan với các thông tin ghi trên các chứng từ trong hồ sơ hải quan. Việc xử lý kết quả kiểm tra được chia ra 3 trường hợp:

1) Trường hợp xác định người khai hải quan khai báo tên hàng, mã số hàng hóa, mức thuế rõ ràng, đầy đủ, không có sự sai lệch về tên hàng với các thông tin ghi trên các chứng từ trong bộ hồ sơ hải quan thì cơ quan hải quan chấp nhận nội dung khai về tên hàng, mã số hàng hóa và mức thuế của người khai hải quan;

2) Trường hợp đủ căn cứ để xác định người khai hải quan khai không đúng tên hàng, mã số hàng hóa, mức thuế thì hướng dẫn và yêu cầu người khai hải quan khai bổ sung theo quy định và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Trường hợp người khai hải quan không thực hiện khai bổ sung thì cơ quan hải quan xác định lại mã số hàng hóa, mức thuế và thực hiện ấn định thuế, đồng thời, tùy theo mức độ vi phạm thì xử lý theo quy định của pháp luật và thực hiện cập nhật kết quả kiểm tra vào cơ sở dữ liệu, thông quan hàng hóa sau khi người khai hải quan nộp đủ tiền thuế, tiền phạt (nếu có) theo quy định;

3) Trường hợp phát hiện thông tin khai báo về tên hàng, mô tả hàng hóa chưa phù hợp với mã số hàng hóa, hoặc sai lệch giữa các thông tin trên chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan và thông tin khai trên tờ khai hải quan nhưng chưa đủ căn cứ để xác định tên hàng, mã số hàng hóa, mức thuế thì yêu cầu người khai hải quan nộp bổ sung tài liệu kỹ thuật hoặc hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc bản phân tích thành phần sản phẩm.

Qua kiểm tra các chứng từ nộp bổ sung, nếu cơ quan hải quan có đủ cơ sở xác định người khai hải quan khai không đúng tên hàng, mã số hàng hóa, mức thuế thì hướng dẫn người khai hải quan khai bổ sung. Trường hợp người khai hải quan không nộp được chứng từ theo yêu cầu của cơ quan hải quan hoặc qua kiểm tra các chứng từ, cơ quan hải quan chưa đủ cơ sở để xác định tên hàng, mã số hàng hóa, mức thuế thì thực hiện lấy mẫu phân tích, giám định theo quy định về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa, phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định kiểm tra thực tế hàng hóa.

Nội dung kiểm tra tên hàng khi kiểm tra thực tế là: “Kiểm tra nội dung khai và kiểm tra tính chính xác về tên hàng… trên tờ khai hải quan với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu”.

Điểm a khoản 2 Điều 24 Thông tư số 38/2015/TT-BTC quy định: “Khi kiểm tra thực tế hàng hóa, công chức hải quan phải xác định tên hàng… theo các tiêu chí nêu trong Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam, Biểu thuế áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu”.

Điểm b khoản 2 Điều 24 Thông tư số 38/2015/TT-BTC quy định về xử lý kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa được quy định như sau:

“1) Trường hợp xác định không có sự sai lệch về tên hàng, mã số hàng hóa khai trên tờ khai hải quan so với hàng hóa thực tế xuất khẩu, nhập khẩu; không có sự sai lệch về mức thuế với các Biểu thuế áp dụng có hiệu lực tại thời điểm kiểm tra, cơ quan hải quan chấp nhận nội dung khai về tên hàng, mã số hàng hóa và mức thuế của người khai hải quan;

2) Trường hợp đủ căn cứ để xác định người khai hải quan khai không đúng tên hàng, mã số hàng hóa, mức thuế thì hướng dẫn và yêu cầu người khai hải quan khai bổ sung theo quy định tại Điều 20 Thông tư này và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Trường hợp người khai hải quan không thực hiện khai bổ sung thì cơ quan hải quan xác định lại mã số hàng hóa, mức thuế và thực hiện ấn định thuế, đồng thời, tùy theo mức độ vi phạm giữa nội dung khai hải quan và thực tế kiểm tra để thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật và cập nhật kết quả kiểm tra vào cơ sở dữ liệu, thông quan hàng hóa sau khi người khai hải quan nộp đủ tiền thuế, tiền phạt (nếu có) theo quy định;

3) Trường hợp không thể xác định được chính xác tên hàng, mã số hàng hóa theo các tiêu chí trong Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam, Biểu thuế áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, công chức hải quan cùng người khai hải quan lấy mẫu để thực hiện phân tích, giám định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa, phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu”.

Như vậy, với quy định trên, tên hàng hóa đã được quy định trong văn bản pháp luật hải quan trong các trường hợp cụ thể nhất định.

Kiểm soát hàng hóa nhập khẩu là hoạt động thường xuyên và có tính chặt chẽ trong hội nhập kinh tế quốc tế của lực lượng Hải quan. ( ảnh minh họa)

Bất cập kiểm soát tên hàng ở Việt Nam hiện nay và một số giải pháp nâng cao hiệu quả

Thứ nhất, tình trạng doanh nghiệp không khai hoặc khai sai về tên hàng trong danh mục hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam, khai không đầy đủ tên hàng gây ra sự nhầm lẫn, khó hoặc phân biệt sai hàng hóa này với hàng hóa khác còn tồn tại bất cập.

Thứ hai, tính trạng doanh nghiệp lợi dụng sự bất cập trong quy định kiểm tra tên hàng hóa để thực hiện hành vi khai báo hàng hóa sai tên so với thực tế nhập khẩu.
Thứ ba, doanh nghiệp lợi dụng sự đa dạng hàng hóa nhập khẩu qua biên giới không khai báo tên hàng khi thực hiện các thủ tục và hoạt động nhập khẩu đối với hàng hóa.

Từ những bất cập trên, cần có một số giải pháp nâng cao hiệu quả, cụ thể:

Một là, thực hiện hiệu quả việc nội luật hóa, hài hòa hóa pháp luật để đồng bộ với các quy định pháp lý quốc tế liên quan đến tên hàng hóa. Tham khảo, sửa đổi các quy định phù hợp với tiêu chuẩn tại Công ước Kyoto sửa đổi, phù hợp với chính sách và chủ trương quản lý của Đảng và Nhà nước.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện quy định pháp lý và quản lý đối với kiểm soát tên hàng hóa nhập khẩu theo pháp luật Việt Nam như: cập nhật đầy đủ thông tin danh mục tên hàng hóa cụ thể; hệ thống thông tin tên hàng liên thông, tích hợp. Nhận diện và đưa vào danh mục các mặt hàng có nguy cơ gian lận về kê khai tên khi nhập khẩu, tăng cường biện pháp quản lý rủi ro đối với doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm hàng nhập khẩu từ một số quốc gia có khả nghi vi phạm để đưa vào diện kiểm soát phòng ngừa hiệu quả.

Ba là, đẩy mạnh việc xác định chi tiết về hàng hóa, quy định có tính ràng buộc pháp lý đối với tiêu chí quản lý tên hàng trong danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia. Xác định kịp thời tên hàng hóa nhập khẩu mới, bổ sung trong danh mục quản lý… nhằm hạn chế gian lận về tên hàng, vi phạm quy định của pháp luật trong công tác thực thi pháp luật về kiểm soát hàng hóa nhập khẩu.

Bốn là, tuyên truyền đối với các doanh nghiệp thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tuân thủ, nắm bắt các quy định về kiểm soát tên hàng hóa xuất nhập khẩu; quy định chế tài cao hơn đối với doanh nghiệp vi phạm về việc kê khai tên hàng hóa nhập khẩu qua biên giới nhằm hạn chế các hành vi gian lận thương mại trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng như hiện nay.

Năm là, đẩy mạnh áp dụng phương pháp kiểm soát tên hàng hiện đại, quản lý rủi ro, hải quan điện tử. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ để cải cách thủ tục hành chính để thu thập, giải quyết, xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình kiểm soát tên hàng hóa nhập khẩu qua biên giới theo pháp luật hải quan.

Như vậy, “Kiểm soát tên hàng hóa nhập khẩu ở Việt Nam hiện nay theo pháp luật hải quan – Một số giải pháp nâng cao hiệu quả trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế” đã thể hiện tầm quan trọng đối với việc thực hiện pháp luật hải quan đối với kiểm soát tên hàng hóa nhập khẩu qua biên giới ở Việt Nam hiện nay trong liên kết và thực hiện thương mại toàn cầu. Các phân tích, đánh giá thực trạng và giải pháp đưa ra sẽ là cơ sở khoa học phần nào tác thiết lập nhận thức về lý luận, pháp luật và thực tiễn đối với hoạt động quản lý hàng hóa nhập khẩu ở Việt Nam hiện nay trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.

TS. Trần Viết Long

( Trường ĐH Luật, Đại học Huế)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/kiem-soat-ten-hang-hoa-nhap-khau-o-viet-nam-hien-nay-theo-phap-luat-hai-quan-va-mot-so-giai-phap-nang-cao-hieu-qua-de-hoi-nhap-kinh-te-quoc-te-a236984.html