Vấn đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài hiện nay tại Việt Nam

Một số kỳ vọng gia tăng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu và thu hút vốn đầu tư FDI khi Việt Nam thực thi Hiệp định EVFTA

TÓM TẮT:

Đầu tư nước ngoài là một trong các hoạt động của nền kinh tế mở hiện nay. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài là vấn đề được quan tâm đối với các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước kém phát triển. Bởi vì, đó là một trong những nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Từ sau khủng hoảng kinh tế 2008-2009, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tại Việt Nam ngày càng gia tăng và có sự bứt phá những năm gần đây. Nguyên nhân là Việt Nam đã cải thiện dần những nhân tố thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Hiện nay, trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, cùng với đại dịch Covid-19 đã và đang hoành hành ở các quốc gia, các công ty đa quốc gia của Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản,… lên kế hoạch dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu từ Trung Quốc sang các nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Việt Nam,… Đây là cơ hội và cũng là thách thức đối với Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài nói chung và FDI nói riêng. Nhiệm vụ đặt ra cho Chính phủ là phải nhanh chóng có những giải pháp thích hợp để đón nhận làn sóng đầu tư nước ngoài này.

Nội dung của bài viết nhằm đánh giá thực trạng thu hút vốn đầu tư của Việt Nam trong thập niên gần đây (2010-2019), qua đó đề xuất các giải pháp cấp bách để đón nhận có chọn lọc dòng vốn đầu tư nước ngoài sắp tới.

Từ khóa: Đầu tư nước ngoài, nhân tố ảnh hưởng, thu hút đầu tư nước ngoài, giải pháp.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, tăng trưởng kinh tế trong dài hạn và nâng cao mức sống của người dân là những mục tiêu hàng đầu của Chính phủ các nước. Sự tăng trưởng kinh tế trong dài hạn không những phụ thuộc vào tiến bộ khoa học - kỹ thuật mà còn phụ thuộc vào sự tương tác giữa các nước trong bối cảnh kinh tế thế giới ngày càng phụ thuộc chặt chẽ với nhau. Sự tương tác này không chỉ thể hiện ở việc trao đổi mua bán hàng hóa giữa các nước mà còn thể hiện nguồn vốn lưu động từ nước này sang nước khác hay nói cách khác là đầu tư vốn ra nước ngoài. Việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài sẽ góp phần làm tăng năng suất lao động xã hội, giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập của người lao động, học hỏi tiến bộ công nghệ nước ngoài,…

Chính vì lý do trên, trong những năm qua, từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO, Chính phủ thực hiện hàng loạt các chính sách, biện pháp nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tính đến cuối năm 2019, cả nước có 30.827 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 362,58 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 211,78 tỷ USD - bằng 58,4% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực. Riêng năm 2019, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 38,02 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm ngoái. Trong đó, vốn đăng ký mới là 16,75 tỷ USD, vốn tăng thêm là 5,8 tỷ USD còn vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần là 15,47 tỷ USD. Đặc biệt, từ sau khi xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19 lây lan trên toàn thế giới, dòng vốn đầu tư nước ngoài bắt đầu có sự dịch chuyển từ Trung Quốc sang các nước láng giềng trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Đây là cơ hội hiếm có để phát triển nền kinh tế, do đó Chính phủ cần có những giải pháp thích hợp, kịp thời để tiếp nhận vốn đầu tư từ nước ngoài.

Bài viết dựa vào số liệu thống kê về vốn đầu tư nước ngoài và tình hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, kết hợp với phương pháp phân tích định tính để đánh giá thực hiện.

2. Cơ sở lý thuyết đầu tư nước ngoài

2.1. Đầu tư nước ngoài là gì?

Đầu tư nước ngoài là việc các tổ chức, cá nhân của một quốc gia đưa vốn với các hình thức khác nhau vào một quốc gia khác để tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận. Đầu tư nước ngoài được thực hiện dưới hình thức đầu tư trực tiếp hoặc đầu tư gián tiếp.

Khoản vốn đầu tư được sở hữu và điều hành hoạt động bởi tổ chức nước ngoài được gọi là đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Ví dụ: Công ty ô tô Ford có thể xây dựng nhà máy xe hơi ở Mexico.

Khoản vốn đầu tư được tài trợ bởi tiền ở nước ngoài nhưng được điều hành bởi người trong nước gọi là đầu tư gián tiếp. Ví dụ, người dân Hoa Kỳ có thể mua cổ phiếu của một công ty cổ phần ở Mexico.

Trong cả hai trường hợp này, người dân trong nước cung cấp các nguồn lực cần thiết để làm gia tăng trữ lượng vốn ở nước ngoài. Điều này có nghĩa, tiết kiệm của người dân trong nước đang được sử dụng để tài trợ cho đầu tư ở nước ngoài. Đầu tư từ nước ngoài không có hiệu ứng giống nhau trên tất cả các thước đo sự thịnh vượng của nền kinh tế. Nó sẽ làm cho GNP của nước nhận đầu tư gia tăng ít hơn gia tăng GDP của nước đó.

2.2. Vai trò của đầu tư nước ngoài

Đầu tư từ nước ngoài là một cách để giúp một quốc gia phát triển. Mặc dù, một số lợi ích từ dòng vốn đầu tư quay trở lại người chủ sở hữu nước ngoài, đầu tư từ nước ngoài sẽ làm tăng trữ lượng vốn của nền kinh tế dưới hình thức máy móc, thiết bị, nhà xưởng, dẫn đến năng suất lao động cao hơn và tiền lương của người lao động được cải thiện. Hơn thế nữa, đầu tư nước ngoài là một cách để các quốc gia nghèo học hỏi các công nghệ đã được phát triển và đang được sử dụng ở các quốc gia giàu hơn. Mặt khác, đầu tư nước ngoài còn giải quyết công ăn việc làm, giảm bớt tỷ lệ thất nghiệp cho các nước nhận đầu tư. Chính vì những lý do này, nhiều nhà kinh tế khuyên Chính phủ các quốc gia kém phát triển ửng hộ các chính sách khuyến khích đầu tư từ nước ngoài.

2.3. Các nhân tố thu hút vốn đầu tư nước ngoài

2.3.1. Môi trường chính trị - xã hội

Sự ổn định chính trị - xã hội có ý nghĩa quyết định đến việc huy động và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Một khi tình hình chính trị không ổn định thì mục tiêu và phương thức thực hiện mục tiêu cũng thay đổi. Hậu quả là lợi ích của các nhà đầu tư nước ngoài bị giảm nên lòng tin của họ bị giảm sút. Mặc khác, khi tình hình chính trị - xã hội không ổn định, Nhà nước không đủ khả năng kiểm soát hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ dẫn đến vấn đề là các nhà đầu tư hoạt động theo mục đích riêng, không theo định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước nhận đầu tư. Do đó, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư rất thấp.

2.3.2.Môi trường kinh tế vĩ mô

Đây là điều kiện tiên quyết của mọi quyết định đầu tư. Để thu hút được vốn đầu tư nước ngoài, nền kinh tế trong nước phải là nơi an toàn cho sự vận động của vốn đầu tư và là nơi có khả năng sinh lợi cao hơn các nơi khác. Sự an toàn đòi hỏi môi trường vĩ mô ổn định, điều này giúp tạo điều kiện sử dụng tốt vốn đầu tư nước ngoài.

Mức độ ổn định kinh tế vĩ mô được thể hiện qua kiềm chế lạm phát và ổn định tiền tệ. Tiêu chí này được thực hiện thông qua các công cụ của chính sách tài chính - tiền tệ.

2.3.3. Hoàn thiện hệ thống pháp luật

Một hệ thống pháp luật đồng bộ, hoàn thiện và vận hành hữu hiệu là một trong những yếu tố tạo nên môi trường kinh doanh thuận lợi, định hướng và hỗ trợ cho các nhà đầu tư nước ngoài. Vấn đề mà các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm là: Môi trường cạnh tranh lành mạnh, quyền sở hữu tài sản tư nhân được pháp luật bảo đảm; Quy chế pháp lý của việc phân chia lợi nhuận, quyền hồi hương lợi nhuận đối với các hình thức vận động cụ thể của vốn nước ngoài; Quy định về thuế, giá, thời hạn thuê đất. Bởi tất cả các yếu tố này tác động trực tiếp đến giá thành sản phẩm và tỷ suất lợi nhuận.

Nếu giải quyết tốt những vấn đề mà các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm thì khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài càng cao.

2.3.4. Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật

Kết cấu hạ tầng kỹ thuật tốt là cơ sở để thu hút vốn đầu tư nước ngoài và cũng là nhân tố thúc đẩy hoạt động vốn đầu tư nước ngoài diễn ra nhanh chóng, có ảnh hưởng quyết định đến hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đây là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư trước khi ra quyết định. Quốc gia có hệ thống thông tin liên lạc thông suốt, mạng lưới giao thông rộng khắp, nguồn năng lượng dồi dào, hệ thống cấp thoát nước tốt, các cơ sở dịch vụ tài chính - ngân hàng thuận tiện sẽ tạo điều kiện cho việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Mức độ ảnh hưởng của mỗi nhân tố này phản ánh trình độ phát triển của mỗi quốc gia và tạo môi trường đầu tư hấp dẫn.

2.3.5. Hệ thống thị trường đồng bộ, chiến lược phát triển hướng ngoại

Các nhà đầu tư nước ngoài tiến hành sản xuất kinh doanh tại nước chủ nhà nên đòi hỏi quốc gia đó phải có một hệ thống thị trường đồng bộ, đảm bảo cho hoạt động của nhà đầu tư được tồn tại và đem lại hiệu quả. Thị trường lao động là nơi cung cấp lao động cho nhà đầu tư. Thị trường tài chính là nơi cho nhà đầu tư vay vốn để tiến hành sản xuất kinh doanh và thị trường hàng hóa - dịch vụ là nơi tiêu thụ sản phẩm, lưu thông hàng hóa, đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư. Hệ thống thị trường này sẽ đảm bảo cho toàn bộ quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra thuận lợi.

Chiến lược phát triển kinh tế hướng ngoại là thực hiện chiến lược hướng về xuất khẩu. Mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh với các quốc gia khác tạo điều kiện cải thiện cán cân thương mai, chiếm được lòng tin của các nhà đầu tư.

2.3.6. Trình độ chuyên môn của người lao động

Nguồn lao động vừa là nhân tố để thu hút, vừa là nhân tố sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư nước ngoài. Trình độ lao động phù hợp với yêu cầu, năng lực quản lý cao sẽ tạo ra năng suất lao động cao. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giảm một phần chi phí đào tạo và bớt được thời gian đào tạo nên tiến độ và hiệu quả của các dự án sẽ đạt đúng theo mục tiêu đề ra. Vì vậy, nước chủ nhà phải tích cực nâng cao trình độ dân trí của người lao động để không chỉ nâng cao khả năng tiếp cận công nghệ - kỹ thuật tiên tiến mà còn nâng cao kỹ thuật quản lý kinh tế.

2.3.7. Tình hình chính trị - kinh tế của khu vực và trên thế giới

Khi môi trường kinh tế - chính trị trong khu vực và thế giới ổn định, không có sự biến động khủng hoảng, các nhà đầu tư sẽ yên tâm và tập trung nguồn lực để đầu tư ra bên ngoài. Các nước tiếp nhận đầu tư có thể thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài hơn. Sự thay đổi về các chính sách của nước chủ nhà để phù hợp với tình hình thực tế, đòi hỏi các nhà đầu tư nước ngoài phải có thời gian tìm hiểu và thích nghi với sự thay đổi đó. Hơn nữa, tình hình của nước đầu tư cũng bị ảnh hưởng nên họ phải tìm hướng đầu tư mới dẫn đến thay đổi chiến lược đầu tư nước ngoài của họ.

3. Tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài hiện nay

3.1. Trên thế giới

Theo dự báo của các chuyên gia, hoạt động đầu tư quốc tế đang và sẽ chịu nhiều tác động. Sự cạnh tranh, giành ảnh hưởng địa chính trị của các cường quốc Mỹ - Nga – Trung, sự xung đột thương mại giữa Mỹ - Trung cùng với giá dầu mỏ ở mức thấp khiến cho bức tranh kinh tế, chính trị toàn cầu càng ảm đạm. Những rủi ro địa chính trị làm cho môi trường chính trị, kinh tế, xã hội toàn cầu trở nên bất trắc hơn, thúc đẩy tâm lý phòng vệ, co cụm, do đó làm suy yếu động lực đầu tư. Hội nghị Liên Hợp quốc về Thương mại, Đầu tư và Phát triển (UNCTAD) ước tính vốn đầu tư của thế giới đã giảm từ 2.034 tỷ USD trong năm 2015 xuống còn 1.297 tỷ USD trong năm 2018. Nguyên nhân do các nhà đầu tư Hoa Kỳ lần lượt rời khỏi Trung Quốc, Ấn Độ - là những nước có chi phí nhân công gia tăng liên tục, đồng thời để tận dụng các cải cách thuế được chính quyền Mỹ thông qua năm 2017. Kết thúc năm 2019, dòng vốn đầu tư quốc tế phục hồi ở mức khiêm tốn, đạt khoảng 1.370 - 1.500 tỷ USD. Thêm vào đó, đại dịch Covid-19 đã bùng phát và lây lan khắp các quốc gia trên toàn cầu, đã ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn đầu tư quốc tế. Chuyên gia kinh tế của Liên Hợp quốc dự đoán đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu có thể giảm tới 15% do sự bùng phát của Covid-19. Ngoài việc vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu giảm sút mạnh, còn có sự biến động về dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, dòng vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng dịch chuyển từ nhà máy sản xuất của thế giới sang các nước láng giềng trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

3.2. Tại Việt Nam

Những nguyên nhân dẫn đến vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tại Việt Nam ngày càng gia tăng đặc biệt và có sự bứt phá mạnh mẽ trong những năm gần đây.

Thứ nhất. Sự ổn định về mặt chính trị - xã hội tại Việt Nam.

Ổn định chính trị - xã hội là một trong những yếu tố góp phần quan trọng để thực hiện các chính sách phát triển kinh tế. Nền chính trị ổn định sẽ giúp cho Việt Nam có một nền hòa bình và thịnh vượng. Gần đây, những bất ổn chính trị xảy ra trên thế giới và các nước trong khu vực đã ảnh hưởng ít nhiều đến tăng trưởng kinh tế ở các nước này và gây nhiều hệ lụy như bất ổn xã hội. Đối với việc thu hút vốn đầu tư, sự ổn định chính trị - xã hội ở Việt Nam đã tạo được niềm tin mạnh mẽ với các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước. Các nhà đầu tư sẵn sàng huy động vốn để gia tăng đầu tư, mở rộng sản xuất. (Xem Hình)

Hình: Vốn đầu tư nước ngoài từ 2010 - 2019 tại Việt Nam . Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Thứ hai. Môi trường kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc.

Trong thập niên 2010 - 2019, tăng trưởng kinh tế đạt trung bình 6,3%, đây là mức tăng trưởng kinh tế cao hàng đầu trên thế giới. Tỷ lệ lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, cán cân thương mại được thay đổi theo chiều hướng thặng dư, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm gia tăng mạnh mẽ (năm 2019 đạt 517 tỷ USD). Dự trữ ngoại tệ quốc gia ngày càng gia tăng, nợ công giảm nhanh (năm 2019 còn 56,1% GDP), năng suất lao động tiếp tục tăng, năng lực cạnh tranh của Việt Nam ngày càng được cải thiện trên bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (năm 2019 xếp thứ 67/141 quốc gia vùng lãnh thổ). Chính vì vậy, trong những năm gần đây, Việt Nam đã có những bứt phá trong thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài.

Thứ ba. Hệ thống pháp luật của Việt Nam ngày càng được hoàn thiện.

Theo dự thảo báo cáo của Bộ Tư pháp: Trong giai đoạn 2005 - 2019, hệ thống pháp luật của nước ta không ngừng được hoàn thiện. Công tác xây dựng và hoàn thiện trên các lĩnh vực cơ bản được thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Hệ thống pháp luật, chính sách kinh tế đã được xây dựng tương đối đồng bộ, cơ bản phù hợp với cơ chế thị trường định hướng XHCN.

Tuy nhiên, hệ thống pháp luật chưa thực sự đồng bộ, thống nhất, vẫn còn cồng kềnh với nhiều hình thức văn bản, với nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành, còn có dự án luật chồng chéo, mâu thuẫn. Tính thích ứng của hệ thống pháp luật chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì còn tồn tại những bất cập này đã ảnh hưởng phần nào đến việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian vừa qua.

Thứ tư. Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

Những cơ sở hạ tầng tạo nên lợi thế của Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài thể hiện ở: Hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế và vị trí giao thương quốc tế. Theo thống kê, tính đến tháng 6/2019, cả nước hiện có hơn 326 khu công nghiệp và 17 khu kinh tế ven biển, trong đó tập trung nhiều ở các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ. Hệ thống giao thông đường bộ được nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới. Sự phát triển hệ thống đường cao tốc những năm gần đây, điển hình là tuyến Láng - Hòa Lạc, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Long Thành - Dầu Giây, Sài Gòn - Trung Lương đã trở thành những yếu tố thuận lợi, giúp việc giao thương giữa các tỉnh, thành, vùng kinh tế được dễ dàng hơn, việc lưu chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu cũng nhờ thế được nhanh chóng và hiệu quả.

Ngoài ra, Việt Nam có vị trí địa lý vô cùng thuận lợi cho việc giao thương quốc tế. Lãnh thổ nước ta có hai mặt giáp biển, hai mặt giáp lục địa với tổng chiều dài đường biên giới hơn 4.500km và đường biển hơn 3.200km. Với 49 cảng biển, 8 cảng hàng không và 23 cửa khẩu, Việt Nam là trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế trên trục giao thương Châu Á - Thái Bình Dương, có đủ điều kiện để mở rộng giao thương với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Thứ năm. Chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được nâng cao.

Với dân số hơn 96 triệu người (năm 2019), Việt Nam là một nước đang ở trong giai đoạn dân số vàng, lực lượng lao động chiếm tỷ lệ cao trong tổng dân số (trên 50%), tốc độ tăng dân số trung bình giai đoạn hiện nay khoảng 1,33%. Nguồn nhân lực trẻ gắn với những điểm mạnh như sức khỏe tốt, năng động, tiếp thu nhanh những công nghệ mới, di chuyển dễ dàng.

Trong những năm gần đây, chất lượng của nguồn nhân lực Việt Nam ngày càng được nâng cao do Chính phủ chú trọng đầu tư vào giáo dục công. Người lao động được bồi dưỡng về văn hóa, đào tạo tay nghề, nâng cao trình độ chuyên môn đã góp phần tăng năng suất lao động của Việt Nam. Như vậy có thể thấy, nguồn nhân lực của nước ta hiện tại có thể đem lại lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Thứ sáu. Tình hình kinh tế - chính trị của khu vực và trên thế giới.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khởi đầu vào ngày 22/3/2018 và đang tiếp diễn cho đến nay. Sự xung đột về thương mại giữa hai cường quốc kinh tế đã và sẽ mang lại những cơ hội và thách thức cho kinh tế Việt Nam. Một trong những cơ hội mang đến cho nước ta chính là vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài sự kiện trên, đại dịch Covid-19 đã bùng phát và lây lan khắp các quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Cho đến nay, theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Việt Nam bước đều đã thành công trong việc ngăn chặn đại dịch Covid-19 và được các nước công nhận.

Trước những sự kiện trên, 4 tháng đầu năm 2020 có 12,33 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư vào Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài từ Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan vào Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư trực tiếp hoặc đầu tư dưới hình thức mua cổ phần, góp vốn sản xuất kinh doanh. Việc các tập đoàn đa quốc gia xem xét dịch chuyển vốn đầu tư là thách thức nhưng cũng là cơ hội cực kỳ tốt cho nước ta. Trước hết, Việt Nam sẽ đối mặt với không ít khó khăn khi phải cạnh tranh với nhiều đối thủ trong việc thu hút một phần dòng vốn chuyển dịch từ nước láng giềng. Thứ hai, Việt Nam sẽ thu hút vốn đầu tư nước ngoài như thế nào và cần gì từ các nhà đầu tư nước ngoài. Vấn đề đặt ra cho chúng ta là phải chọn lọc và đón các dòng vốn chất lượng phù hợp với mục tiêu phát triển của Việt Nam.

4. Giải pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài hiện nay

Từ khi chúng ta thành công trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trong khu vực và trên thế giới. Các quốc gia, tổ chức kinh tế, xã hội, y tế trên thế giới đều công nhận Việt Nam là một trong các quốc gia chống dịch Covid-19 thành công. Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu (Eurocham) đánh giá cao các biện pháp của Chính phủ Việt Nam không những bảo vệ sức khỏe của người dân mà còn bảo vệ doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về phòng chống dịch, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư, kinh doanh. Hơn nữa, dòng vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hướng dịch chuyển từ các quốc gia khác vào Việt Nam. Đây là cơ hội hiếm có để nước ta tranh thủ tiếp nhận có chọn lọc các dòng vốn đầu tư này, với nguồn vốn dồi dào và trình độ công nghệ cao. Để thu hút vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng cao, chúng ta cần phải có những giải pháp thích hợp trong thời gian tới:

Thứ nhất, Ổn định chính trị - xã hội.

Chúng ta cần tiếp tục củng cố, duy trì ổn định về mặt chính trị - xã hội, tăng cường công tác an ninh quốc phòng, nhằm tránh rơi vào các cuộc khủng hoảng. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải chú trọng giữ vững môi trường kinh tế vĩ mô sao cho ổn định, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô phải nằm trong giới hạn cho phép. Đó là nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, đồng thời cũng tạo được niềm tin đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, chúng ta không được chủ quan, lơi là trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Nâng cao cảnh giác dịch bệnh bùng phát, tạo môi trường an toàn về sức khỏe để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ hai, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp sao cho đồng bộ, thống nhất. Rà soát lại các dự luật nhằm mục đích loại bỏ sự chồng chéo, mâu thuẫn. Đơn giản hóa các hình thức văn bản và giao cho cơ quan có thẩm quyền ban hành. Đối với đầu tư nước ngoài, chúng ta cần tạo khung pháp lý bảo đảm cho các hoạt động đầu tư.

Các chính sách có liên quan đến đầu tư nước ngoài phải tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động, phải đảm bảo quyền chuyển tài sản của họ ra nước ngoài sau khi thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật. Về mặt hành chính, tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục đăng ký, cấp phép, giấy chứng nhận đầu tư sao cho đơn giản, ít tốn thời gian và chi phí cho các nhà đầu tư.

Thứ ba, về cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

Hiện nay, chúng ta có khoảng 350 khu công nghiệp và khu kinh tế ven biển, đã và chuẩn bị đi vào hoạt động. Phần lớn tập trung ở các tỉnh, thành phía Bắc và phía Nam, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp bình quân là 53%. Do đó, để đón làn sóng đầu tư mới trong thời gian tới, Việt Nam phải chuẩn bị chu đáo về mặt bằng cho các nhà đầu tư. Chính phủ, lãnh đạo các ban ngành, địa phương phải hướng dẫn cho các ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế chuẩn bị sẵn mặt bằng nhằm đáp ứng nhanh chóng cho nhà đầu tư khi họ dịch chuyển vốn đầu tư vào Việt Nam.

Ngoài ra, chúng ta cần nâng cấp, xây dựng mới cầu đường, cảng biển, sân bay nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ, đường biển, đường hàng không phục vụ cho nhu cầu vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Hệ thống năng lượng và công nghệ thông tin cần được đầu tư mở rộng để cung cấp kịp thời cho các nhà đầu tư khi họ cần sử dụng.

Thứ tư, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực.

Do xung đột thương mại Mỹ - Trung, cùng với đại dịch Covid-19 bùng phát, các chuyên gia kinh tế trong nước cũng như các tổ chức kinh tế, thương mại thế giới dự báo sẽ có làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc sang các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Các công ty đa quốc gia của Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản đang lên kế hoạch di dời các nhà máy từ Trung Quốc sang các nước khác như Indonesia, Thái Lan, Việt Nam,… Trước tình hình này, Việt Nam cần chủ động xây dựng kế hoạch về nguồn nhân lực, chuẩn bị sẵn sàng cung ứng một số lao động lớn và trình độ chuyên môn cao nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài.

5. Kết luận

Vốn đầu tư nước ngoài là một trong những nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của một quốc gia. Đặc biệt đối với những nước kém phát triển, đầu tư nước ngoài mang lại nhiều lợi ích cho đất nước.

Vì vậy, vấn đề đặt ra cho Chính phủ các nước là phải tranh thủ thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Khả năng thu hút vốn phụ thuộc vào nhiều nhân tố như: Ổn định chính trị, môi trường kinh tế vĩ mô, hoàn thiện hệ thống pháp luật,… Trong những năm qua, Việt Nam đã thực hiện tốt những điều kiện này, được thể hiện qua vốn đầu tư nước ngoài trong 10 năm gần đây (từ năm 2010 - 2019) liên tục gia tăng, đặc biệt trong 3 năm 2017 - 2019 có sự bứt phá mạnh mẽ. Hơn nữa, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, cùng với đại dịch Covid-19 xảy ra là điều kiện khách quan dẫn đến cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Chúng ta cùng cạnh tranh với các nước trong khu vực trong việc đón nhận làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu của các công ty đa quốc gia từ Trung Quốc sang các nước láng giềng. Vì vậy, Chính phủ cùng lãnh đạo các ban ngành, địa phương cần có những giải pháp cấp bách, chuẩn bị tư thế, sẵn sàng tiếp nhận có chọn lọc vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng cao.

Việc nghiên cứu vấn đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài hiện nay tại Việt Nam là một vấn đề lớn, đòi hỏi phải nghiên cứu sâu và cụ thể hơn. Nghiên cứu này gợi mở cho các nghiên cứu sau nhằm đi chi tiết hơn vào từng giải pháp cụ thể.

Theo tapchicongthuong.vn

Nguồn bài viết: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/van-de-thu-hut-von-dau-tu-nuoc-ngoai-hien-nay-tai-viet-nam-73715.htm

Link nội dung: https://phaply.net.vn/van-de-thu-hut-von-dau-tu-nuoc-ngoai-hien-nay-tai-viet-nam-a236971.html