(Pháp lý) - Liên quan đến vụ án Nhật Cường, đến nay, C03 đã khởi tố 26 bị can, trong đó có Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường; và các quan chức Nguyễn Văn Tứ, Chánh văn phòng Thành ủy Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở KH-ĐT TP.Hà Nội; Phạm Thị Thu Hường, Chánh văn phòng Sở KH-ĐT. ..
Trong vụ án này, C03 xác định bị can chính là Bùi Quang Huy, hiện đã bị khởi tố 4 tội danh, gồm: buôn lậu; vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; rửa tiền; vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, tại thời điểm khởi tố vụ án vào tháng 5.2019, Bùi Quang Huy đã nhanh chân bỏ trốn và hiện Bộ Công an đang truy nã đối tượng này ở mức đỏ, cấp độ cao nhất, trên toàn thế giới.
Cũng liên quan đến vụ án này, ngày 21/7/2020, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với 3 cá nhân có hành vi chiếm đoạt tài liệu mật trong vụ án “Công ty Nhật Cường” do Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thụ lý điều tra.
Tội danh đầu tiên mà ông chủ Nhật Cường Mobile bị khởi tố có gì đặc biệt ?
Vào tháng 5 năm 2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Bùi Quang Huy (45 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường – Nhật Cường Mobile) và 8 người khác về các tội buôn lậu (theo khoản 4 điều 188 BLHS năm 2015), vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng (theo khoản 3 điều 221 BLHS năm 2015).
Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng chính là một trong chín tội danh đã được cụ thể hóa trong BLHS năm 2015 (sửa đổi năm 2017) so với BLHS năm 1999 (sửa đổi năm 2009). Theo đó, kể từ ngày BLHS năm 2015 có hiệu lực, tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng sẽ không còn. Thay vào đó là chín tội danh đã được cụ thể hóa, nằm trong Mục 3 Chương 18, từ Điều 217 đến Điều 234. Trong số này có tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Trước đây, tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng từng được coi như là một cái “túi” để xử lý tất cả những trường hợp mà cơ quan tố tụng không thể hoặc không muốn xử lý người phạm tội về những tội phạm khác. Điều này vô hình trung làm cho mọi cá nhân, tổ chức không dám đi đầu, phát huy sáng kiến, thúc đẩy sản xuất kinh doanh vì sợ vướng vào tội trên.
Do vậy, BLHS năm 2015 đã quy định cụ thể về nhiều tội danh xâm phạm trật tự quản lý kinh tế thuộc các nhóm lĩnh vực: sản xuất, kinh doanh, thương mại; thuế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm; lĩnh vực kinh tế khác. Trong đó có tội vi phạm các quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Trên thực tế, tính đến thời điểm tháng 5/2019, có lẽ Bùi Quang Huy là một trong những trường hợp đầu tiên cơ quan pháp luật khởi tố vụ án với tội danh này, kể từ khi BLHS sửa đổi năm 2017 có hiệu lực.
Điều 221. Tội vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng
1. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
2. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Mở rộng điều tra, Tổng giám đốc Nhật Cường bị khởi tố thêm tội danh rửa tiền
Căn cứ kết quả điều tra mở rộng và tài liệu chứng cứ thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định ngoài hành vi đã bị khởi tố, bị can Bùi Quang Huy còn có hành vi sử dụng tiền do phạm tội "Buôn lậu" đưa vào Công ty Nhật Cường và Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường Software), hoạt động kinh doanh nhằm mục đích sinh lợi, có dấu hiệu tội phạm "Rửa tiền" theo quy định tại Điều 324 Bộ luật hình sự.
Ngày 9/7/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự số 12/C03-P14, quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can số 21/C03-P14 và Lệnh khám xét số 114/C03-P14 đối với bị can Bùi Quang Huy về tội "Rửa tiền" theo khoản 3 Điều 324 Bộ luật hình sự.
Ngày 10/7/2019, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã phê chuẩn các quyết định và lệnh nêu trên. Cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thi hành quyết định và lệnh nêu trên theo đúng quy định pháp luật.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục tập trung điều tra mở rộng vụ án, áp dụng các biện pháp theo luật định để làm rõ tính chất, vai trò, hành vi phạm tội của các bị can và đối tượng có liên quan; thu giữ vật chứng và xác minh thu hồi, kê biên triệt để tài sản cho Nhà nước.
Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định Tội rửa tiền tại Điều 324
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:
- Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác liên quan đến tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản đó;
- Sử dụng tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;
- Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;
- Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết rõ là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do phạm tội mà có.
................................
Lần đầu tiên BLHS Việt Nam truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, do đó ngoài hình phạt tiền, thì hình phạt chính và hình phạt bổ sung quy định tại khoản 6 Điều 324 BLHS năm 2015 đối với pháp nhân thương mại phạm tội Rửa tiền đều là những hình phạt mới. Cụ thể hình phạt chính gồm phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; hình phạt bổ sung gồm: Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn và phạt tiền (khi không áp dụng là hình phạt chính).
Kéo theo loạt quan chức bị khởi tố tội vi phạm quy định về Đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng là một trong 9 tội cụ thể hóa từ Tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng của BLHS năm 1999 xảy ra trong lĩnh đấu thầu, nhưng mở rộng sang cả lĩnh vực ngoài Nhà nước
Theo tìm hiểu, Nhật Cường Software được nhiều người biết đến khoảng vài năm trở lại đây, khi trúng thầu một loạt dự án công trực tuyến của Hà Nội. Website của công ty này từng giới thiệu trúng thầu các dự án như: Cơ sở dữ liệu dân cư, phần mềm Lưu trú trực tuyến, phần mềm Hộ chiếu Online, đặc biệt là giải pháp Dịch vụ công trực tuyến liên thông ba cấp…
Tháng 11 năm 2019, Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã đưa vụ án Nhật Cường Mobile vào diện theo dõi chỉ đạo.
Sau đó, C03 tiếp tục ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Sở KH&ĐT TP Hà Nội và các đơn vị có liên quan.
Ông Nguyễn Tiến Học (cựu phó giám đốc Sở KH&ĐT), bà Phạm Thị Kim Tuyến (trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh Sở KH&ĐT), Lê Duy Tuấn (giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Đông Kinh) và Bùi Quang Huy cùng bị khởi tố, bắt giam về tội danh này.
Mới đây nhất, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét nơi ở và nơi làm việc ông Nguyễn Văn Tứ, chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội và Phạm Thị Thu Hường, chánh văn phòng Sở Kế hoạch - đầu tư.
Cả hai bị can cùng bị điều tra về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 3 điều 222 Bộ luật hình sự năm 2015.
Sai phạm của ông Tứ được xác định xảy ra tại thời điểm ông này làm giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư. Từ năm 2016, ông Tứ đã ký quyết định phê duyệt gói thầu "Số hóa tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội năm 2016" với giá trị gần 43 tỉ đồng, nguồn vốn chi từ sự nghiệp khoa học công nghệ.
Như vậy, những quan chức, cựu quan chức bị bắt giam tính tới thời điểm hiện tại đều đang hoặc đã từng công tác tại Sở KH&ĐT TP Hà Nội.
Những đặc trưng pháp lý của Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng
- Về hành vi khách quan: Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; Thông thầu; Gian lận trong đấu thầu; Cản trở hoạt động đấu thầu; Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu; Chuyển nhượng thầu trái phép.
Tất cả các hành vi nêu trên phải gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm mới được coi là cấu thành tội phạm.
- Về chủ thể của tội phạm: Theo Điều luật thì chủ thể là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo luật định đã thực hiện một trong các hành vi nêu trên (người lợi dụng chức vụ, quyền hạn là tình tiết định khung ở khoản 2).
- Về mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm có lỗi cố ý.
Về khách thể của tội phạm: Tội phạm xâm phạm đến tính đúng đắn của hoạt động đấu thầu là cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Gây tổn hại đến ngân sách quốc gia, kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp.
Ngoài 3 tội danh trên, Cơ quan điều tra cũng đã khởi tố 10 bị can về các tội danh khác nhau gồm "buôn lậu" theo điều 188 Bộ luật hình sự năm 2015 và tội "vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" theo điều 221 Bộ luật hình sự năm 2015.
Tổng giám đốc Nhật Cường Bùi Quang Huy được xác định cầm đầu đường dây nhập lậu thiết bị điện tử quy mô lớn, giấu doanh thu hàng nghìn tỉ đồng. Ông Huy bị khởi tố ba tội buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và rửa tiền, đã trốn khỏi Việt Nam và bị truy nã quốc tế.
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định Bùi Quang Huy có hành vi sử dụng tiền do phạm tội buôn lậu đưa vào Công ty Nhật Cường và Nhật Cường Software, hoạt động kinh doanh nhằm mục đích sinh lợi, có dấu hiệu tội phạm "rửa tiền" theo quy định tại điều 324 Bộ luật hình sự.
Diễn biến mới nhất: 3 bị can bị khởi tố tội chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước
Mới đây nhất, ngày 21/7/2020, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với 3 cá nhân có hành vi chiếm đoạt tài liệu mật trong vụ án “Công ty Nhật Cường” do Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thụ lý điều tra.
Cụ thể, 3 bị can bị khởi tố mới nhất là Nguyễn Anh Ngọc Phó trưởng Phòng Thư ký – Biên tập, Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ; Nguyễn Hoàng Trung, Chuyên viên Phòng Thư ký – Biên tập, Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; và Phạm Quang Dũng, nguyên cán bộ Công an.
Ngày 22/7/2020, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 1) đã ra Quyết định phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với 03 bị can có lý lịch nêu trên.
Theo qui định của BLHS thì tội danh mà 3 bị can trên bị khởi tố thuộc nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính, bí mật nhà nước trong các lĩnh vực. Hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước thể hiện thông qua việc sử dụng thủ đoạn để trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt, dùng vũ lực hoặc đe dọa người có thẩm quyền hoặc các thủ đoạn gian dối khác để có được tài liệu bí mật đó. "Tội phạm hoàn thành khi tài liệu bí mật nhà nước thoát khỏi sự quản lý của người có trách nhiệm giữ, quản lý nó. Lỗi ở đây là lỗi cố ý".
Hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước được quy định tại Điều 337 Bộ Luật hình sự 2015, được sửa đổi bởi Khoản 125 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.
Khoản 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:
a) Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa.
Khoản 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật;
c) Phạm tội 2 lần trở lên;
d) Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Lê Phúc
Link nội dung: https://phaply.net.vn/5-toi-danh-va-26-bi-can-bi-khoi-to-trong-vu-an-nhat-cuong-a236727.html