(Pháp lý) – Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, tình trạng vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp ở Trung Quốc thời gian gần đây là bài học rất thời sự cho thị trường trong nước. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở trong nước vừa qua rất “nóng” , các cơ quan quản lý và chuyên gia đã khuyến cáo tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả nhả đầu tư lẫn nền kinh tế. Việc phát hành ồ ạt, đưa ra lãi suất cao để thu hút người dân tham gia mà thông tin không minh bạch, không có sự giám sát, quản lý của cơ quan chức năng sẽ dễ dẫn đến tình trạng đảo nợ trên thị trường trái phiếu, nguy cơ vỡ nợ đều có thể xảy ra khi công ty gặp khó khăn, phá sản.
Nguy cơ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp ?
Tại buổi Tọa đàm Công bố báo cáo Kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2020 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức ngày 21/7, các chuyên gia của VEPR tỏ ra e ngại trước tình trạng các DN gia tăng huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu trong thời gian vừa qua.
Theo dữ liệu công bố của các doanh nghiệp và HNX, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong 6 tháng đầu năm ước tính ở mức 159 nghìn tỉ đồng, tăng 50% so với cùng kì năm trước.
Trong 6 tháng đầu năm, các Ngân hàng thương mại phát hành 42,5 nghìn tỉ đồng trái phiếu với lãi suất bình quân 6,72%/năm và kì hạn bình quân 4,7 năm. Với mức chênh lệch lãi suất giữa trái phiếu doanh nghiệp và tiền gửi hiện tại lên tới 4%/năm đã hấp dẫn các nhà đầu tư cá nhân tham gia nhiều hơn vào thị trường trái phiếu DN.
Đặc biệt, theo VEPR hiện các doanh nghiệp bất động sản đang gia tăng huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, cùng lúc đó các công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại đẩy mạnh việc phân phối trái phiếu doanh nghiệp cho nhà đầu tư cá nhân, khiến nhà đầu tư cá nhân tiếp tục xu hướng tăng mua trái phiếu doanh nghiệp. Từ đó gây nên việc thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nóng, nguy cơ sụp đổ cao.
Theo VEPR, cho rằng sự nóng lên của thị trường trái phiếu có thể dẫn đến tình trạng cạnh tranh lãi suất, chất lượng trái phiếu doanh nghiệp không đồng đều, đẩy rủi ro về phía người mua phải tự thẩm định, đánh giá. Ngoài ra, do ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh, áp lực đối với việc trả nợ của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu cũng sẽ bị đẩy lên cao hơn, làm tăng rủi ro vỡ nợ.
Nguyên do dẫn đến “làn sóng” vỡ nợ trái phiếu DN tại Trung Quốc
Vừa qua, tại Trung Quốc ghi nhận vụ vỡ nợ mới nhất trên thị trường trái phiếu USD của Trung Quốc của công ty Hilong Holding – công ty chuyên cung cấp thiết bị và dịch vụ dầu mỏ. Công ty này đã mất khả năng thanh toán 165 triệu USD trái phiếu đồng USD.
Hilong Holding cho biết, đã tìm cách đảo nợ, nhưng không có đủ sự ủng hộ từ phía nhà đầu tư. Theo Hilong Holding nhóm nhà đầu tư đại diện khoảng 63.45% vốn gốc trái phiếu đến hạn trong ngày 22/6 đã chấp nhận đề xuất đảo nợ, theo hồ sơ pháp lý gửi lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông. Tuy nhiên, con số này chưa đạt đủ ngưỡng chấp nhận tối thiểu là 80%.
Nhà đầu tư ngày càng lo ngại rằng Công ty sẽ không đạt được đủ sự ủng hộ để đảo nợ, trong đó những nhà đầu tư sẽ nhận được trái phiếu mới để thay cho trái phiếu cũ. Cổ phiếu của Hilong Holding giảm gần 32% trong 6 phiên giao dịch vừa qua.
Hoạt động giao dịch trái phiếu kỳ hạn đến 2022 trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông của Hilong đã bị tạm ngưng từ 9h sáng ngày 22/6 vừa qua.
Việc mất khả năng thanh toán của Hilong Holding đã nâng tổng giá trị của các vụ vỡ nợ trên thị trường trái phiếu USD tại Trung Quốc lên 4 tỷ USD trong năm nay, tăng 150% so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu từ Bloomberg. Số vụ vỡ nợ trên thị trường trái phiếu bằng nội tệ đã giảm tốc trong năm nay khi Chính phủ Trung Quốc kìm hãm đà giảm tốc kinh tế.
Theo thống kê, tính từ đầu năm 2020, thị trường trái phiếu bằng USD của Trung Quốc chứng kiến 11 vụ vỡ nợ. Trong năm 2019, thị trường trái phiếu nội địa của Trung Quốc vỡ nợ kỷ lục với tổng cộng đã có 113,9 tỉ nhân dân tệ trái phiếu không được thanh toán đúng hạn, trong đó có 53 vụ vỡ nợ trái phiếu của công ty tư nhân và 82 vụ của công ty đã niêm yết.
Có thể thấy, cách đây 1 thập kỷ, chuyện vỡ nợ hầu như không từng xảy ra, nguyên nhân không phải do sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp Trung Quốc rất tốt, mà thực tế là do hệ thống tài chính của quốc gia này được kiểm soát nghiêm ngặt, nơi doanh nghiệp thường có mối liên kết với Chính phủ và trái phiếu chủ yếu được doanh nghiệp nhà nước mua vào. Ðáng chú ý, giới chức Ðại lục thường có biện pháp can thiệp nhằm đảm bảo các doanh nghiệp “gặp rắc rối” không rơi vào tình cảnh đổ vỡ, phá sản hay vỡ nợ.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, nguồn cơn của làn sóng vỡ nợ trái phiếu phần lớn là do Trung Quốc liên tục nới lỏng các quy định trái phiếu, tạo điều kiện cho các tổ chức nước ngoài gia nhập vào sân chơi và cho phép các nhà đầu tư Trung Quốc đa dạng hóa các khoản đầu tư. Đồng thời doanh nghiêp phát hành liên tục đưa ra những đợt phát hành trái phiếu với lãi suất cao để hấp dẫn các nhà đầu tư…
Điển hình trong đó là việc nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường trái phiếu, Trung Quốc đã xóa bỏ hạn mức đầu tư của "Nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đủ điều kiện" (QFII) và "Nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đủ điều kiện nhân dân tệ" (RQFII).
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, tính đến cuối tháng 6/2019, các nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ khoảng 2 nghìn tỷ nhân dân tệ trái phiếu Trung Quốc và 1,6 nghìn tỷ nhân dân tệ chứng khoán tại Trung Quốc đại lục…
Theo đánh giá của giới chuyên gia, nguồn cơn của làn sóng vỡ nợ trái phiếu phần lớn là do Trung Quốc liên tục nới lỏng các quy định trái phiếu, tạo điều kiện cho các tổ chức nước ngoài gia nhập vào sân chơi và cho phép các nhà đầu tư Trung Quốc đa dạng hóa các khoản đầu tư. Đồng thời doanh nghiêp phát hành liên tục đưa ra những đợt phát hành trái phiếu với lãi suất cao để hấp dẫn các nhà đầu tư…
Để không xảy ra tình trạng vỡ nợ trái phiếu trong tương lai….
Trao đổi với Phóng viên Pháp lý, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu (chuyên gia tài chính ngân hàng) cho biết thông thường các doanh nghiệp phát hành trái phiếu chỉ chọn bảo lãnh phát hành vừa để thành công huy động vốn, vừa chịu phí thấp hơn nhiều so với bảo lãnh thanh toán. Vì vậy khả năng thanh toán trái phiếu tùy thuộc vào hoạt động của doanh nghiệp đó trong tương lai và nguy cơ vỡ nợ đều có thể xảy ra khi công ty gặp khó khăn, phá sản.
Tình trạng vỡ nợ trái phiếu Trung Quốc thời gian gần đây là bài học cho thị trường trong nước. Dù rằng trái phiếu doanh nghiệp là một kênh huy động vốn trung dài hạn khá tốt đối với doanh nghiệp, các doanh nghiệp không vay được ngân hàng có thể vay tổ chức, cá nhân khác trong xã hội thông qua việc mua trái phiếu để có thể cải thiện được tình hình tài chính. Thế nhưng với việc phát hành ồ ạt, đưa ra lãi suất cao để thu hút người dân tham gia mà không cung cấp thông tin đầy đủ, không có sự giám sát, quản lý của cơ quan chức năng sẽ dễ dẫn đến tình trạng đảo nợ trên thị trường trái phiếu.
Doanh nghiệp phát hành trái phiếu đợt sau với lãi suất cao để trả nợ ngân hàng hay đảo nợ cho số lượng trái phiếu đã phát hành trước đó. Trong trường hợp nhà đầu tư sau không tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp, lúc này nguy cơ vỡ nợ là rất cao. TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Đối với những trái phiếu phát hành riêng lẻ không thông qua Ủy ban chứng khoán, sàn giao dịch chứng khoán là những trái phiếu có độ rủi ro cao. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, trái phiếu phát hành riêng lẻ có độ rủi ro cao là vì các doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ có thể không tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật khi phát hành trái phiếu như: thông tinh tình hình tài chính doanh nghiệp, báo cáo dòng tiền, báo cáo tài chính cụ thể chi tiết phù hợp… khiến những nhà đầu tư dễ dàng có những quyết định sai lầm. Đặc biệt đối với cá nhân khó có khả năng phân tích đánh giá mức độ rủi ro… thành ra họ dễ dàng bị lôi cuốn bởi lãi suất cao. Chính vì thế mà thị trường trái phiếu trong thời gian vừa qua nở rộ. Rất nhiều nhà đầu tư vì những lợi nhuận hấp dẫn đã đổ xô vào mua trái phiếu.
Tuy nhiên, Theo đánh giá của TS Nguyễn Trí Hiếu rủi ro không chỉ đối với chính nhà đầu tư mà còn là rủi ro cho cả nền kinh tế. Khi mà nhiều trái phiếu đến hạn mà không được thanh toán thì có thể sẽ xẩy ra tình trạng tương tự như ở Trung Quốc.
Thiếu sót nhất đối với Việt Nam là cho đến thời điểm hiện tại chúng ta không có Cơ quan đánh giá xếp hạng mức độ tín nhiệm cho các nhà phát hành (cả cổ phiếu lẫn trái phiếu). Ở các nước trên thế giới, việc đầu tiên khi mua trái phiếu là xem trái phiếu đó được xếp hạng như thế nào? bởi trong những xếp hạng có những đánh giá về khả năng tài chính cả những nhà phát hành… Do đó, trong thời gian tới, doanh nghiệp phát hành phải được xếp hạng tín nhiệm, cần bổ sung thêm các qui định nghiêm ngặt về công bố thông tin.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu: thiếu sót nhất đối với Việt Nam là cho đến thời điểm hiện tại chúng ta không có Cơ quan đánh giá xếp hạng mức độ tín nhiệm cho các nhà phát hành (cả cổ phiếu lẫn trái phiếu). Ở các nước trên thế giới, việc đầu tiên khi mua trái phiếu là xem trái phiếu đó được xếp hạng như thế nào? bởi trong những xếp hạng có những đánh giá về khả năng tài chính cả những nhà phát hành… Do đó, trong thời gian tới, doanh nghiệp phát hành phải được xếp hạng tín nhiệm, cần bổ sung thêm các qui định nghiêm ngặt về công bố thông tin.
Bên cạnh đó, vấn đề đặt ra là cơ quan chức năng cần phải có quy định chặt chẽ đối với việc phát hành. Theo đó, cần phải đưa ra những bộ tiêu chí, điều kiện phát hành cụ thể và chặt chẽ như: chỉ tiêu về thanh khoản , lợi nhuận, quy mô… doanh nghiệp nào đáp ứng mức độ nào thì được phát hành bao nhiêu…
Ngoài ra, đối với tất cả những trái phiếu doanh nghiệp phát hành (phát hành riêng lẻ hay phát ra công chúng) đều phải có kiểm toán độc lập, phải thông qua Ủy ban Chứng khoán nhà nước… Để có thể kiểm soát, xác thực minh bạch được thông tin như: ai là người kiểm toán độc lập công ty đó, lãi suất trái phiếu, phương pháp trả nợ, trái phiếu có tài sản thế chấp tài sản bảo đảm hay không…
“Tất nhiên, khi cơ quan quản lý nhà nước đưa ra những quy định chặt chẽ như vậy, sẽ làm cho thị trường trái phiếu sẽ bị giới hạn lại rất nhiều. Nhưng, bài học nhãn tiền từ làn sóng vỡ nợ trái phiếu ở Trung Quốc thì việc kiểm soát chặt chẽ hơn là điều cần thiết để tránh tình trạng vỡ nợ trái phiếu trong tương lai” - Ts Nguyễn Trí Hiếu kiến nghị.
Nhằm tăng khả năng quản lý giám sát, giảm thiểu rủi ro, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 81/2020/NĐ-CP sửa đổi nhiều qui định về điều kiện phát hành trái phiếu so với qui định cũ như dư nợ phát hành không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quí gần nhất, các đợt phát hành phải cách nhau ít nhất 6 tháng…
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, những giải pháp mà Nghị định 81 đưa ra là chưa đủ để thị trường trái phiêu doanh nghiệp phát triển lành mạnh và bền vững. Đặc biệt, việc tuân thủ các qui định về công bố thông tin trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vẫn còn khá "xông xênh".
Theo đó, trong thời gian tới, bên cạnh các giải pháp phát triển thị trường bền vững như phát triển thị trường thứ cấp, doanh nghiệp phát hành phải được xếp hạng tín nhiệm, cần bổ sung thêm các qui định nghiêm ngặt về công bố thông tin.
Nam Kiên – Bùi Lộc
Link nội dung: https://phaply.net.vn/bai-hoc-quan-ly-kinh-doanh-cho-viet-nam-nhin-tu-cac-vu-vo-no-trai-phieu-doanh-nghiep-o-trung-quoc-a236721.html