Không hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế

(Pháp Lý) - Đó là chủ đề buổi hội thảo khoa học do Viện Khoa học Pháp lý và kinh doanh Quốc tế (IBLA), trực thuộc TW Hội luật gia Việt Nam tổ chức ngày 17-7-2020 tại TP.HCM.

Tham dự hội thảo có TS. Nguyễn Thị Sơn, Viện trưởng IBLA, các cán bộ lãnh đạo IBLA cùng nhiều Luật gia, Luật sư và các Trọng tài viên… đang hoạt động nghề nghiệp tạị TP.HCM và một số tỉnh lân cận.

GS. TS Phan Trung Lý ( nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH) phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu mở đề hội thảo, Luật gia Lê Đông Triều - Phó Viện trưởng IBLA nhấn mạnh: Tại hội nghị Chính phủ với Doanh nghiệp vào ngày 09/5/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định : “Không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế”. Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đều đã cam kết “Không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế”. Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao Lê Minh Trí cho biết, đối với chủ thể sai phạm đã chủ động khắc phục tốt hậu quả xảy ra đều được xem xét và phải kiên trì thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội.

Cũng theo Luật gia Lê Đông Triều, hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế là sự can thiệp trái pháp luật của các cơ quan tố tụng trong sự việc vận động bình thường các giao dịch dân sự, kinh tế, đã xâm hại đến các cơ quan dân sự, kinh tế. Vì vậy không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế cũng chính là biện pháp bảo vệ các giao dịch dân sự, kinh tế, nhằm công khai minh bạch và làm lành mạnh môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp .

Người rất tâm đắc và đã đưa ra ý tưởng rất thời sự làm đề tài Hội thảo khoa học hôm nay, Luật sư Nguyễn Văn Bình cho rằng, hình sự hóa là hiện tượng mà xã hội và cộng đồng doanh nghiệp rất quan ngại. Bởi vì đó là sự can thiệp trái pháp luật của các cơ quan tố tụng vào sự vận động bình thường của các giao dịch dân sự, kinh tế. Theo Luật sư Bình, chủ thể của các hành vi mang tính tiêu cực này là các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền tiến hành tố tụng như Cơ quan điều tra, cơ quan truy tố và cơ quan xét xử. Dẫn chứng hàng loạt vụ việc minh chứng cho việc hình sự hóa và có dấu hiệu hình sự hóa trong thời gian qua như : Vụ quán cà phê Xin Chào ở Bình Chánh TP.HCM; Vụ khởi tố vụ án tranh chấp tài sản kế thừa tại Ngân hàng Nam Á; Vụ đại gia thủy sản Bạc Liêu; Vụ tranh chấp nợ giữa công ty Vận tải biển Khánh Hòa và ông James Chor Hang Chow (Canada),…Luật sư Bình cho biết những vụ việc oan sai, hình sự hóa thực tế đó đã làm sói mòn lòng tin của người dân và doanh nghiệp vào kỷ cương phép nước, sự công bằng của pháp luật, gây ra oan sai và những thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến việc hình sự hóa, Luật sư Bình cho rằng do trình độ năng lực còn hạn chế của đội ngũ viên chức trong công tác điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến việc nhận định sai bản chất pháp lý của hành vi bị xử lý trong áp dụng pháp luật. Cá biệt có một số cán bộ do lương tâm nghề nghiệp và ý thức đạo đức chưa cao, cố ý áp dụng sai pháp luật để phục vụ lợi ích cá nhân. Hiện tượng lạm dụng các quy định tố tụng hình sự và luật hình sự không chỉ chủ yếu ở giai đoạn khởi tố, điều tra mà còn rất trầm trọng ở cả giai đoạn truy tố và xét xử.

Ban Lãnh đạo Viện IBLA chụp ảnh lưu niệm cùng các Đại biểu dự Hội thảo.

Do đó qua hội thảo khoa học này, Luật sư Nguyễn Văn Bình đề nghị nhiều giải pháp như: tăng cường cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực, xử lý nghiêm minh, chế tài hình sự đối với các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền cố ý hình sự hóa, cố ý vận dụng sai pháp luật. Nhà nước cần rà soát ban hành văn bản thống nhất, rõ ràng trong hướng dẫn thực thi pháp luật. Đối với doanh nghiệp cần nâng cao trình độ pháp luật, tiếp xúc với các dịch vụ tư vấn, cập nhật thông tin, tuyên truyền pháp luật, quan tâm và đầu tư cho việc tham mưu và tư vấn pháp luật.

Tham gia phát biểu tham luận tại hội thảo, Luật gia Phan Văn Kích, nguyên thành viên tổ Tư vấn của cố Thủ tướng Phan Văn Khải cũng bức xúc trước thực trạng hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế. Với nhiều kinh nghiệm trong việc nghiên cứu, tư vấn cho Chính phủ tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, ông Kích cho rằng quá trình xây dựng pháp luật do có sự tham gia “cài, cắm” các ẩn ý trong văn bản pháp luật, lợi ích của các bộ, ban ngành đã tạo ra lỗ hổng lớn về pháp luật nên việc áp dụng của các cơ quan thực thi pháp luật dễ tùy tiện, lợi dụng dẫn đến sai lầm. Trong những nguyên nhân dẫn đến hình sự hóa còn có nguyên nhân là do sự tha hóa của đội ngũ cán bộ có quyền, tham nhũng, lợi ích nhóm chứ không phải thiếu hiểu biết. Theo ông Kích, thậm chí cá biệt có trường hợp hình sự hóa là do chỉ đạo của cấp trên,…Do đó cần thận trọng, cân nhắc và minh bạch trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật. Ông Kích cũng cho rằng khi chưa có biện pháp hiệu quả, chế tài đối với những tổ chức, cá nhân người làm sai thì khó ngăn chặn việc hình sự hóa. Cứ điệp khúc tổ chức xin lỗi qua loa và rút kinh nghiệm như thời gian qua là chưa ổn. Theo ông Kích cần phải sửa đổi bổ sung Luật Hình sự và Tố tụng hình sự, để làm rõ khái niệm hình sự hóa, bổ sung thành một chương và chế tài các hoạt động hình sự hóa của tổ chức và cá nhân thực thi pháp luật trong vai trò phần quản lý nhà nước. Vai trò, tiếng nói của luật sư trong xử lý giải quyết các vụ án hình sự hóa, ngăn chặn oan sai tại các phiên tòa cần được luật hóa từ khâu điều tra xét hỏi cho đến tranh tụng tại tòa nhằm ngăn chặn mớm cung, ép cung. Đồng thời, tiến hành rà soát kiểm tra, sửa chữa và bồi thường kịp thời các vụ án có sai phạm về hình sự hóa, gây oan sai, nghiêm túc xử lý trách nhiệm đối với tổ chức và cá nhân gây oan sai.

Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Thị Thanh, tình trạng hình sự hóa không chỉ gây ra hậu quả thiệt hại về vật chất, về con người, mà quan trọng hơn nó gây phiền hà cho các hoạt động kinh doanh, làm giảm năng lực sáng tạo của các doanh nghiệp. Sau khi điểm lại một số văn bản pháp luật đã ban hành về chống hình sự hóa, Luật sư Thanh đưa ra một số giải pháp phòng chống hình sự hóa là: Cần phân định một cách rõ ràng giữa hành vi vi phạm pháp luật về kinh tế và tội phạm. Tăng cường hiệu lực pháp luật trong việc chấp hành các phán quyết của Tòa án kinh tế, Tòa án dân sự và Trọng tài kinh tế đối với các tranh chấp kinh tế, dân sự. Cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong các cơ quan tư pháp để giải quyết các vụ việc thuận lợi, nhanh chóng cho tổ chức, công dân khi có yêu cầu. Và đấu tranh chống hình sự hóa các tranh chấp kinh tế, phi hình sự hóa trong điều tra các vụ án kinh tế hiện nay ở nước ta hiện nay đang là một vấn đề hết sức cần thiết. Đây là một trong những nội dung nhằm thực hiện tốt yêu cầu về cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta.

GS.TS Phan Trung Lý ( nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH) cũng đóng góp cho hội thảo nhiều ý kiến quý báu. Ông cho rằng không phải bây giờ mới đặt ra vấn đề này mà chúng ta đặt ra việc chống hình sự hóa từ lâu rồi. Theo GS.TS Phan Trung Lý cần phải có nhận thức rành mạch khi nào, những hành vi nào áp dụng cho quan hệ dân sự, kinh tế, khi nào là hình sự . Qui định của PL nếu không rõ ràng, minh bạch thì rất khó giải quyết vấn đề. Những nội dung này cần phải có quyết định bằng luật chứ không phải là những kiến nghị, yêu cầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói “không được hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế”, “ Ở đây, chúng ta phải hiểu rằng, trong thời điểm cụ thể, trong giai đoạn cụ thể các quan hệ này phải được đối xử như quan hệ dân sự, như quan hệ kinh tế. Bởi vì, nó được điều chỉnh bằng pháp luật dân sự và pháp luật kinh tế chứ chưa phải pháp luật hình sự, chính vì vậy không được hình sự hóa các vấn đề dân sự, kinh tế”, - GS. TS Phan Trung Lý nhấn mạnh.

Trần Hơn - Công Lý

Link nội dung: https://phaply.net.vn/khong-hinh-su-hoa-cac-quan-he-dan-su-kinh-te-a236526.html