Bài học từ Chaori Solar – doanh nghiệp Trung Quốc đầu tiên vỡ nợ trái phiếu

Với việc phát triển mạnh mẽ đầu những năm 2010, Chaori bắt đầu vay nợ để mở rộng sản xuất; họ không chỉ vay mượn các tổ chức tín dụng như ngân hàng mà còn phát hành trái phiếu với lợi suất cao để huy động vốn từ các nhà đầu tư bên ngoài.

Những ngày gần đây, các thông tin về trái phiếu liên tiếp xuất hiện trên các mặt báo, nhất là khi lãi suất của chúng cao hơn khá nhiều so với lãi suất ngân hàng (lên tới 11-12%/ năm, thậm chí cao hơn). Lãi suất cao như vậy đem lại cho những nhà đầu tư lợi suất lớn, nhưng cũng mang tới rủi ro không hề nhỏ khi những doanh nghiệp phát hành trái phiếu mất khả năng trả nợ.

Điều này dẫn đến việc Bộ Tài chính của nước ta đã phải đưa ra những cảnh báo về việc nhà đầu tư nên chọn lựa kỹ lưỡng trước khi quyết định đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.

Cảnh báo này không phải không có căn cứ, nếu như nhìn vào trường hợp vỡ nợ trái phiếu của Công ty năng lượng mặt trời Chaori Thượng Hải tại Trung Quốc đã từng xảy ra cách đây 6 năm.

Với việc ô nhiễm môi trường tại Trung Quốc dần trở nên nghiêm trọng, các doanh nghiệp năng lượng sạch tại nước này bắt đầu nổi lên và Công ty năng lượng Chaori Thượng Hải là một trong những cái tên nổi bật nhất vào thời điểm đó.

Được thành lập vào năm 2003, công ty dần trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp năng lượng mặt trời tại Trung Quốc, sản xuất không chỉ pin mặt trời mà còn tập trung vào cả đầu tư nhà máy (solar farm).

Với việc phát triển mạnh mẽ trong đầu những năm 2010, công ty bắt đầu vay nợ để mở rộng sản xuất; họ không chỉ vay mượn các tổ chức tín dụng như ngân hàng mà còn phát hành trái phiếu với lợi suất cao để huy động vốn từ các nhà đầu tư bên ngoài.

Tháng 3/ 2012, công ty này phát hành trái phiếu 5 năm với lãi suất coupon hàng năm biến đổi lên tới 8.98%/ năm (lãi suất của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đưa ra vào tháng 7 năm đó là 6%/ năm). Nhờ đợt bán trái phiếu, công ty thu được tới hơn 1 tỷ nhân dân tệ, một con số không hề nhỏ vào thời điểm đó.

Vào thời điểm đó, các công ty năng lượng của Trung Quốc phát hành tổng cộng 9,6 tỷ USD trái phiếu, một con số kỷ lục. Một năm sau đó, con số này cũng chỉ giảm một chút xuống 8,1 tỷ USD. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của các công ty năng lượng, mà cụ thể là Chaori lại không tương xứng với số tiền mà họ huy động được từ nhà đầu tư.

Tính đến hết năm 2013, Chaori thua lỗ năm thứ 3 liên tiếp với khoản lỗ lên tới 1,33 tỷ nhân dân tệ (thấp hơn đôi chút so với khoản lỗ 1,68 tỷ USD 1 năm trước đó) do những sai lầm lớn trong việc sản xuất kinh doanh.

Thay vì tiếp tục với những tấm năng lượng, công ty tập trung nhiều hơn cho việc sản xuất điện thông qua các nhà máy điện mặt trời với chi phí đắt đỏ hơn nhiều. Chính điều này đã gây ra những khoản lỗ khổng lồ cho công ty khi chi phí đầu tư bỏ ra cao hơn nhiều so với lợi nhuận thu được. Tuy vậy, những khoản vay nợ của công ty thì không hề chờ đợi đến ngày công ty thu được lợi nhuận.

Việc đầu tư vào các nhà máy điện mặt trời là sai lầm lớn của Chaori (Ảnh: GettyImages)

Do đó, không hề ngạc nhiên khi vào đầu tháng 3 năm 2014, Chaori tuyên bố họ chỉ có thể trả được 4 triệu (tương đương với chưa tới 5%) trong tổng số 89,4 triệu nhân dân tệ tiền lãi tới hạn. Lãi suất trái phiếu của doanh nghiệp quá cao, trong khi khả năng kinh doanh yếu kém đã dẫn đến việc công ty không thể thanh toán được nợ lãi trái phiếu và buộc phải tuyên bố vỡ nợ vài ngày sau đó.

Chính phủ Trung Quốc cũng quyết định không giải cứu và chấp nhận để cho công ty này vỡ nợ; Chaori trở thành công ty đầu tiên tại Trung Quốc bị vỡ nợ trái phiếu.

Tháng 10/ 2013, công ty được tòa án tại Trung Quốc chấp nhận cho tái cơ cấu khoản nợ từ trái phiếu mà họ không có khả năng thanh toán. Tại thời điểm đó, Chaori có khoản nợ lên tới 6 tỷ nhân dân tệ, bao gồm các khoản nợ với các nhà cung cấp, ngân hàng cùng 1 tỷ nhân dân tệ nợ trái phiếu của trên 6.300 nhà đầu tư. Các khoản nợ này của công ty được tái cấu trúc thông qua liên danh của 9 công ty Trung Quốc và công ty quản lý tài sản Trường Thành (Great Wall Asset Management) - một ngân hàng thuộc nhà nước chuyên xử lý các khoản nợ xấu.

Thông qua chương trình của các tổ chức này, công ty sẽ bán các tài sản của mình cũng như tái cơ cấu lại bộ máy nhằm thanh toán các khoản nợ cho các chủ nợ. Tuy nhiên tới nay, kết quả của công cuộc tái cấu trúc này vẫn chưa được công bố rõ ràng.

Sau Chaori, hàng loạt công ty khác ở Trung Quốc vỡ nợ trái phiếu trong những năm tiếp theo. Năm 2015, có tới 21 doanh nghiệp vỡ nợ trái phiếu; tới nửa sau năm 2016, 32 công ty khác cũng không có khả năng trả các khoản nợ trái phiếu đáo hạn. Trong đó, đáng chú ý nhất là khoản vỡ nợ 400 triệu nhân dân tệ của Evergreen Holding Group, bên cạnh các khoản nợ không thể thanh toán của các công ty năng lượng và thép khác.

Sau Chaori, hàng loạt doanh nghiệp Trung Quốc khác lâm vào cảnh vỡ nợ vì trái phiếu (Ảnh: Wind)

Như vậy có thể thấy rằng, mặc dù có lãi suất rất cao, nhưng rủi ro mà trái phiếu doanh nghiệp đem lại không hề nhỏ. Qua câu chuyện của Chaori, những nhà đầu tư dù được hưởng mức lãi suất khá cao trong thời gian đầu, tuy nhiên khi doanh nghiệp vỡ nợ, họ có thể mất trắng khoản tiền đầu tư trái phiếu của mình.

Với rủi ro lớn như vậy, các nhà đầu tư tại Việt Nam cần chú ý lựa chọn những doanh nghiệp có sức khỏe tài chính thực sự tốt, vì có như vậy, họ mới có khả năng thanh toán những khoản lãi tương đối lớn đã cam kết đối với những trái phiếu đã phát hành.

Vì nếu lựa chọn sai, cái giá phải trả bằng tiền bạc sẽ rất đắt, với số tiền đầu tư cho trái phiếu của những nhà đầu tư là không hề nhỏ, nhất là khi lãi suất trái phiếu tại nước ta đang cao hơn khá nhiều so với lãi suất huy động tại các ngân hàng.

Theo cafebiz.vn

Nguồn bài viết: https://cafebiz.vn/bai-hoc-tu-chaori-solar-doanh-nghiep-trung-quoc-dau-tien-vo-no-trai-phieu-20200715152531643.chn

Link nội dung: https://phaply.net.vn/bai-hoc-tu-chaori-solar-doanh-nghiep-trung-quoc-dau-tien-vo-no-trai-phieu-a236412.html