Nền kinh tế Hong Kong sau “cơn bão” Luật An ninh quốc gia?

(Pháp lý) - Luật An ninh Hong Kong vừa được Trung Quốc thông qua và có hiệu lực từ đêm 30/6 gây ra nhiều phản ứng tiêu cực của quốc tế. Hạ viện Mỹ cũng lập tức thông qua dự luật trừng phạt các ngân hàng Trung Quốc làm ăn với các quan chức đại lục có dính líu tới Luật An ninh Hong Kong… Nền kinh tế Hong Kong - Trung tâm tài chính quốc tế sẽ diễn biến thế nào sau những sự kiện này là vấn đề được dư luận quốc tế rất quan tâm.

Nền kinh tế Hong Kong sẽ thay đổi

Trở về Trung Quốc lần thứ hai

Luật của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Bảo vệ An ninh Quốc gia tại Đặc khu Hành chính Hong Kong (Luật An ninh Hong Kong) gồm 66 Điều đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua và được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký trong ngày 30/6. Luật mới này có hiệu lực lúc 23g đêm 30/6 - một giờ trước sự kiện Anh trao trả Hong Kong về cho Trung Quốc năm 1997. Ban hành đạo luật này thể hiện một quyết tâm cứng rắn hơn với Hong Kong của Trung Quốc.

Luật này định nghĩa 4 tội danh: hoạt động ly khai, lật đổ Nhà nước, hoạt động khủng bố và thông đồng với các lực lượng nước ngoài. Cụ thể:

- Luật An ninh này có hiệu lực pháp lý cao hơn pháp luật Hong Kong hiện hành.

- Các tội ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với các lực lượng nước ngoài có thể bị phạt tới tù chung thân.

- Các hoạt động của cơ quan an ninh quốc gia mới cùng hệ thống nhân sự tại Hong Kong sẽ không thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương.

- Chính quyền đại lục sẽ thực thi quyền xét xử trong những vụ "phức tạp" như vụ việc liên quan tới nước ngoài hoặc các vấn đề gây ra mối đe dọa lớn và hiện hữu đối với an ninh quốc gia.

- Các công ty hoặc nhóm vi phạm luật an ninh quốc gia sẽ bị phạt và có thể bị đình chỉ hoạt động.

- Tài sản liên quan đến các tội danh được nêu trong luật mới này có thể bị phong tỏa hoặc tịch thu.

- Làm hỏng các thiết bị và phương tiện giao thông nhất định sẽ bị cân nhắc coi là hành động khủng bố.

- Bất kỳ ai bị kết án vi phạm luật an ninh sẽ không được phép tham gia bất kỳ cuộc bầu cử nào ở Hong Kong.

- Cơ quan chức năng có thể giám sát và nghe lén những người bị nghi ngờ gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.

- Luật này sẽ áp dụng đối với các cư dân thường trú và không thường trú tại Hong Kong.

- Việc quản lý các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài và các hãng tin tức tại Hong Kong sẽ được tăng cường.

Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc nhận định: "Luật An ninh quốc gia đang dẫn tới việc Hong Kong “trở về lần 2” với Trung Quốc". "Luật An ninh quốc gia sẽ đặt dấu chấm hết đối với sự can thiệp tùy tiện của Mỹ vào các vấn đề của Hong Kong và sự cấu kết công khai của những kẻ cực đoan ở Hong Kong với Washington để gây hỗn loạn tại thành phố”.

Ở Hong Kong, trong một đoạn video gửi tới Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc, lãnh đạo Hong Kong, bà Carrie Lam nói: "Tôi mong muốn cộng đồng quốc tế tôn trọng quyền bảo vệ an ninh của chúng tôi và tôn trọng khát vọng của người dân Hong Kong về sự ổn định và hòa hợp". Cũng theo bà Lam, Luật An ninh Hong Kong chỉ nhắm vào nhóm người cực kỳ nhỏ đã vi phạm luật, trong khi các quyền tự do và cơ bản của đại đa số cư dân Hong Kong vẫn được bảo vệ.

Tổng thư ký đặc khu Hong Kong Matthew Cheung cũng nhấn mạnh chỉ những thành phần khủng bố và ly khai mới bị luật tác động. Tháng 5/2020, Chris Tang, cảnh sát trưởng Hong Kong, tuyên bố luật "không ảnh hưởng quyền và tự do của người dân Hong Kong" mà giúp đặc khu "ngày càng ổn định và an toàn hơn".

Trung Quốc cho rằng đã có trên 50 quốc gia ủng hộ đạo luật mới của Trung Quốc.

Những phản ứng trái chiều

Tuy nhiên, đối với người dân Hong Kong và quốc tế, lại có nhiều phản ứng trái chiều, không ủng hộ đạo luật mà Trung Quốc vừa công bố.

Theo cập nhật của Hãng tin Reuters, khoảng 17g30 ngày 1/7, cảnh sát Hong Kong đã dùng vòi rồng và hơi cay để giải tán đám đông, đồng thời bắt giữ gần 200 người khi xuống đường biểu tình phản đối luật mới.

Trước những diễn biến mới tại Trung Quốc, Tuyên bố chung ngày 30/6 của 27 nước nhấn mạnh Bắc Kinh phải cân nhắc lại Luật An ninh quốc gia mà họ áp đặt đối với Hong Kong, điều "làm suy yếu" sự tự do của đặc khu này.

Người dân Hong Kong xuống đường biểu tình hôm 1/7 sau khi Bắc Kinh thông qua Luật An ninh quốc gia dành cho đặc khu này (Ảnh: REUTERS)

Trong một phát ngôn chỉ trích hiếm thấy nhằm vào Bắc Kinh tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ở Geneva, các nước này, trong đó có Anh, Pháp, Đức và Nhật Bản, nêu rõ: "Chúng tôi hối thúc Chính phủ Trung Quốc và chính quyền Hong Kong cân nhắc lại việc áp đặt luật này".

Theo tạp chí Fortune (Mỹ), giới chỉ trích nói rằng Luật An ninh quốc gia về Hong Kong là một "hồi chuông báo tử" với các đặc điểm độc nhất vô nhị vốn đã giúp Hong Kong trở thành một trung tâm tài chính và kinh doanh quốc tế thịnh vượng. Trong đó, sự độc lập tư pháp thường được xem là yếu tố quan trọng tại Hong Kong.

Có hơn 9.000 công ty nước ngoài, trong đó có khoảng 1.300 công ty từ Mỹ, đang hoạt động tại Hong Kong, theo tạp chí Harvard Business Review. Hãng tin Bloomberg ngày 30/6 dẫn khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ ở Hong Kong cho biết hơn 80% công ty được khảo sát đã bày tỏ quan ngại hoặc rất quan ngại về luật trên.

Có hơn 9.000 công ty nước ngoài, trong đó có khoảng 1.300 công ty từ Mỹ, đang hoạt động tại Hong Kong, theo tạp chí Harvard Business Review. Hãng tin Bloomberg ngày 30/6 dẫn khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ ở Hong Kong cho biết hơn 80% công ty được khảo sát đã bày tỏ quan ngại hoặc rất quan ngại về luật trên.

Tại châu Âu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel phát biểu ngay sau khi Bắc Kinh thông qua Luật an ninh Hong Kong nhấn mạnh: "Chúng tôi lên án động thái này" và nhận định: "Luật này có nguy cơ làm suy yếu nghiêm trọng mức độ tự chủ cao của Hong Kong và có tác động bất lợi đến sự độc lập của tư pháp của đặc khu".

Người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng phát biểu: "Nhiều người trên khắp châu Âu, kể cả trong Nghị viện châu Âu, đã đưa ra tuyên bố tương tự. Chúng tôi vẫn giữ liên lạc với các đối tác quốc tế về vấn đề này và sẽ để ý cẩn thận đến cách phản ứng". Bà Von der Leyen nhấn mạnh Luật an ninh Hong Kong không phù hợp với Luật cơ bản của Hong Kong cũng như các cam kết quốc tế của Trung Quốc.

Tại Anh, Bộ trưởng Ngoại giao Dominic Raab cũng quan tâm đến động thái của Bắc Kinh. "Nước Anh quan ngại sâu sắc về động thái của Bắc Kinh. Đây sẽ là một bước đi nghiêm trọng", ông Raab nói.

Trước đó, ngày Chủ Nhật, 24/5, báo mạng The Diplomat cũng cảnh báo đạo luật an ninh mới cho Hong Kong sẽ gây ra rủi ro cho chính Trung Quốc: "Đối với chính Trung Quốc, bước đi này cũng mang đến những rủi ro tài chính và kinh tế đáng kể. Hong Kong là huyết mạch tài chính của Trung Quốc, và hoạt động như một nguồn vốn nước ngoài quan trọng nhất kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa."

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật trừng phạt các ngân hàng Trung Quốc

Luật An ninh quốc gia về Hong Kong, đánh dấu Trung Quốc mở đầu quá trình can thiệp sâu hơn để đảm bảo an ninh tại Hong Kong. Nhưng nó cũng đánh dấu sự kết thúc những đặc quyền mà Mỹ dành cho trung tâm tài chính quốc tế này cũng như lo ngại nó sẽ khai tử chính sách "một quốc gia, hai chế độ" ở nơi đây.

Ngay buổi sáng ngày 30/6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tuyên bố : "Vì Bắc Kinh thúc đẩy thông qua luật an ninh quốc gia, hôm nay Mỹ sẽ chấm dứt xuất khẩu thiết bị quốc phòng có nguồn gốc từ Mỹ" .

Sau đó, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật trừng phạt các ngân hàng Trung Quốc làm ăn với các quan chức đại lục có dính líu tới Luật An ninh quốc gia Hong Kong với số phiếu tán thành tuyệt đối 100%. Theo Hãng tin Reuters, ngay sau khi được thông qua rạng sáng 2/7 (giờ VN), dự luật sẽ được đưa trở lại Thượng viện để bỏ phiếu một lần nữa trước khi chuyển tới Nhà Trắng cho Tổng thống Donald Trump ký ban hành thành luật.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, một người của Đảng Dân chủ, đã gọi Luật An ninh Hong Kong là "sự đàn áp và càn quét tàn bạo" của chính quyền Trung Quốc đối với thành phố này. Nancy Pelosi cáo buộc Bắc Kinh đã hủy hoại nguyên tắc "Một quốc gia, hai chế độ" và thất hứa về những cam kết sẽ đảm bảo các quyền tự do cho người Hong Kong.

Hồi tháng trước, Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ bắt đầu tiến trình hủy bỏ các ưu đãi đặc biệt về thương mại dành cho Hong Kong. Quốc hội Mỹ sau đó cũng vào cuộc bằng các dự luật yêu cầu chính quyền trừng phạt các cá nhân làm suy yếu mức độ tự trị cao của Hong Kong.

Bộ Ngoại giao Mỹ hồi cuối tuần trước thông báo sẽ không cấp thị thực cho các quan chức Trung Quốc làm suy yếu Hong Kong, cả những người đương nhiệm lẫn về hưu và người thân của họ. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sau đó tuyên bố sẽ đối xử với Hong Kong không khác gì phần còn lại của Trung Quốc.

Tiến sỹ Nghiêm Thúy Hằng, nhà nghiên cứu Trung Quốc của Đại học Quốc gia Hà Nội nói trên đài BBC rằng: "Đạo luật này cũng gây ra những mâu thuẫn so với những cam kết trước đây của Trung Quốc với chính phủ Anh và có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng tại Hong Kong và gây ra những xáo trộn nhất định cho những thương gia người Mỹ hay người Anh hay một số thương gia nước ngoài tại Hong Kong”.

Hai đạo luật tác động đến kinh tế Hong Kong?

Hai đạo luật của hai quốc gia, là Luật An ninh Hong Kong của Trung Quốc và Luật Trừng phạt các ngân hàng Trung Quốc làm ăn với các quan chức đại lục có dính líu tới Luật An ninh Hong Kong đều tác động mạnh đến nền kinh tế xứ Cảng Thơm.

Báo The Economist nhận định trung tâm tài chính thế giới này đang hứng chịu một cơn bão địa chính trị. Một doanh nhân tại Hong Kong nói cách tốt nhất để hiểu vai trò của Hong Kong trong hệ thống tài chính toàn cầu là xem thành phố như một ổn áp kết nối 2 mạch điện có điện áp khác nhau. Một mạch điện là hệ thống tài chính toàn cầu với các dòng vốn tự do, trao đổi thông tin mở và quy định pháp luật. Cái còn lại là hệ thống tài chính rộng lớn và đang phát triển của Trung Quốc với các biện pháp kiểm soát vốn, kiểm duyệt và giám sát hợp đồng chặt chẽ. Trong hai thập kỷ qua, khi Trung Quốc vươn lên để trở thành nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, Hong Kong - với vai trò ở giữa - đã khéo léo biến mình thành trung tâm tài chính quốc tế quan trọng nhất, chỉ sau New York (Mỹ) và London (Anh). Tuy nhiên, dưới các điều kiện không đúng, máy biến áp có thể trở nên kém hiệu quả hoặc thậm chí nổ tung.

Nhờ những quyền tự do pháp lý và chính trị nhất định, cũng như không có các hạn chế về kinh doanh như Thượng Hải hay Thâm Quyến, Hong Kong được các công ty nước ngoài đánh giá là địa điểm hoạt động ổn định. Tuy nhiên, theo bình luận viên William Pesek của Nikkei, Luật An ninh có nguy cơ khiến Hong Kong đánh mất vị trí nền kinh tế tự do thứ hai thế giới như lời ca ngợi của Quỹ Di sản. Tổ chức có trụ sở tại Mỹ này chỉ ra rằng Hong Kong có được vị thế như vậy nhờ các mức thuế không đáng kể, thêm vào đó là những khu vực miễn thuế, dòng vốn tự do và chế độ pháp trị minh bạch.

Nghiêm trọng hơn, Mỹ năm ngoái thông qua Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong, yêu cầu Bộ Ngoại giao hàng năm phải xem xét mức độ tự trị của thành phố. Nếu đánh giá của Bộ Ngoại giao cho thấy chính quyền Bắc Kinh đã áp đặt nhiều quyền kiểm soát hơn với đặc khu, Washington có thể tước trạng thái thương mại đặc biệt của Hong Kong, đặc quyền giúp thành phố không phải chịu các mức thuế mà Mỹ áp với Trung Quốc, đồng thời được hưởng những ưu đãi khác về kinh tế, thương mại.

Hưởng quy chế đặc biệt giúp Hong Kong có được ưu đãi thương mại và các chính sách đầu tư tốt hơn so với Trung Quốc đại lục. Mất đi ưu đãi này, Hong Kong sẽ bị đối xử như các thành phố khác của Trung Quốc, bao gồm cả việc bị đánh thuế lên hàng xuất khẩu. Điều này có thể khiến các doanh nghiệp kinh doanh tại Hong Kong suy yếu dần và dần dần tuột tay khỏi tư cách IFC và trở thành một trong những trung tâm tài chính khác tại Trung Quốc đại lục.

Các nhà phân tích tại ngân hàng Citi cho biết với việc hơn 1.300 công ty Mỹ đang hoạt động ở Hong Kong, mối đe dọa đối với trạng thái thương mại đặc biệt của thành phố "có thể ảnh hưởng tới lòng tin thương mại". Pesek cũng nhận định điều này có thể khiến Hong Kong mất sức hút như một cửa ngõ đầu tư vào Trung Quốc.

Báo mạng Hong Kong Business cũng có bài với tựa đề "Người giàu Trung Quốc trốn tránh Hong Kong để tìm kiếm sự an toàn tài sản ở nơi khác", trong đó có đoạn viết: "Một số người đang tìm cách chuyển cơ sở thịnh vượng kinh tài của họ ra nước ngoài đến Singapore và Thụy Sĩ."

Trong khi đó, những người giàu có của Trung Quốc dự kiến sẽ đổ ít tiền hơn vào Hong Kong. "Vì lo ngại rằng việc Bắc Kinh đề xuất luật an ninh quốc gia cho thành phố có thể cho phép chính quyền đại lục theo dõi và tịch thu tài sản của họ," giới chủ ngân hàng và các nguồn tin trong ngành được Hong Kong Business dẫn lời cho biết.

"Hơn một nửa số người Hong Kong có khối tài sản tư nhân ước tính hơn 1 nghìn tỷ đô la Mỹ là từ các cá nhân từ Trung Quốc đại lục đã gửi tiền ở đó, vẫn theo các chủ ngân hàng. "Thành phố đã được hưởng lợi từ sự gần gũi với Trung Quốc và một hệ thống pháp lý riêng biệt, cũng như đồng tiền được 'chốt' bằng đô-la, nhưng hiện đang lo lắng về việc mất đi vị thế là một trung tâm tài chính toàn cầu do vốn và tài năng bay biến," Hong Kong Business quan ngại.

Xét về mở tài khoản vốn và tuân thủ các tiêu chuẩn quản trị quốc tế thì không có bất kỳ thành phố nào khác của Trung Quốc Đại lục có thể so sánh với Hong Kong và chỉ riêng điều này khiến Hong Kong trở thành cơ sở quan trọng cho các ngân hàng và công ty thương mại quốc tế. Theo Đạo luật Chính sách Hoa Kỳ- Hong Kong năm 1992, Washington đã đồng ý coi Hong Kong là nền kinh tế “hoàn toàn tự chủ đối với các vấn đề thương mại và kinh tế” ngay cả sau khi đã được trao trả về Trung Quốc. Điều đó có nghĩa, Hong Kong là ngoại lệ trong các đòn thuế quan của Mỹ với Trung Quốc vừa qua, có thể nhập khẩu một số công nghệ nhạy cảm và nhận được những hỗ trợ Mỹ trong tham gia vào các thực thể quốc tế như WTO. Chính quyền Mỹ có thể sẽ quyết định từ bỏ công nhận vị thế thương mại đặc biệt của Hong Kong, và sẽ gây ra những hậu quả rất lớn và có thể hủy hoại vai trò của Hong Kong với tư cách là một trong những trung tâm giao dịch thương mại và tài chính ngân hàng hàng đầu thế giới.

Trong nhiều năm qua, Hong Kong đã hưởng lợi lớn từ quan hệ thương mại đặc biệt với Mỹ. Tổng giá trị giao dịch thương mại Mỹ - Hong Kong đạt 67 tỷ USD năm 2018, bao gồm 17 tỷ USD hàng nhập khẩu vào Mỹ. Từ nay, quan hệ thương mại đặc biệt này sẽ thay đổi. Tóm lại, từ “con gà để trứng vàng”, Hong Kong có đang nguy cơ trở thành “con gái mái tầm thường”, không còn những khác biệt để làm nên một trung tâm tài chính quốc tế như vị thế 100 năm qua nó đã gây dựng.

Kết mở

Và đương nhiên, sự thay đổi này cũng kéo theo tác động xấu đến quan hệ Mỹ - Trung vốn đã căng thẳng suốt hai năm qua. Bằng cách loại bỏ chính sách ưu đãi đối với Hong Kong, sức ép lên Trung Quốc sẽ ngày càng chặt và cửa giao tiếp với quốc tế cũng bị chặn lại là không tránh khỏi. Sự thiệt hại đối với nền kinh tế Trung Quốc chắc chắn là rất lớn.

Về phía Mỹ, theo giới phân tích, Hong Kong chính là cánh cửa để các công ty Mỹ tiếp cận an toàn với thị trường Trung Quốc và tạo ra 1 đồng tiền neo vào đồng USD có kết nối chặt chẽ với hệ thống tài chính Mỹ. Theo số liệu chính thức, năm 2018 nền kinh tế có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ chính là Hong Kong, ở mức 31,1 tỷ USD. Khoảng 290 công ty Mỹ đặt trụ sở khu vực châu Á ở Hong Kông và 434 khác đặt văn phòng khu vực ở đây.

Do đó, có thể nói rằng bất kỳ thiệt hại nào cũng sẽ là thiệt hại chung, cho cả nền kinh tế Trung Quốc, Mỹ và nhiều quốc gia khác.

THÁI ĐĂNG

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nen-kinh-te-hong-kong-sau-con-bao-luat-an-ninh-quoc-gia-a235918.html