Báo cáo về chuyên đề "Rút kinh nghiệm các sai sót trong quá trình xét xử các vụ án dân sự liên quan đến quyền sở hữu" TS. Nguyễn Thuý Hiền - Phó Chánh án TANDTC nhận định: Qua công tác giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật cho thấy, có một số sai sót cần rút kinh nghiệm. Dưới đây là một số sai sót cụ thể được nêu tại Hội nghị tập huấn (phần tiếp theo và hết).
Sai sót của Tòa án khi không xác định giá ghi trong Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là giả tạo nhằm mục đích trốn thuế
-Tình huống: Tại Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hai bên thống nhất ghi giá thấp hơn giá thị trường để trốn thuế. Khi định giá, Tòa án xác định giá thị trường của diện tích đất tranh chấp cao hơn nhiều so với giá ghi trong hợp đồng; hai bên cũng không thống nhất được về giá chuyển nhượng là theo thực tế hay theo hợp đồng.
-Sai sót của Tòa án: Tòa án cho rằng bên nhận chuyển nhượng không chứng minh được đã trả đủ tiền hay chỉ chứng minh đã trả được một phần tiền cho người chuyển nhượng thì bên nhận chuyển nhượng tiếp tục trả tiền là không đúng.
-Đường lối giải quyết vụ án: Trong tình huống nêu trên, giá chuyển nhượng ghi trong Hợp đồng không phù hợp với giá thực tế trên thị trường, hai bên cũng không thống nhất được về giá chuyển nhượng thực tế, nên có cơ sở xác định giá ghi trong Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nêu trên là giả tạo nhằm mục đích trốn thuế. Theo quy định tại khoản 3 Điều 402 Bộ luật Dân sự năm 2005, giá chuyển nhượng là một trong những điều khoản chủ yếu của hợp đồng. Do đó, trong vụ việc này, các bên đã giả tạo về giá trong văn bản hợp đồng và không thống nhất về giá trong thực tế, nên Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nêu trên vô hiệu theo quy định tại Điều 127, 129 và Điều 410 Bộ luật dân sự năm 2005.
Ví dụ vụ án cụ thể: Vụ Hồ Văn H – Nguyễn Thành N (đã được đề xuất lựa chọn làm án lệ).
“Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” ngày 16/12/2014 thể hiện: Ông H chuyển nhượng cho ông Nh, bà L diện tích 1.207,6m2 đất thuộc thửa 96, tờ bản đồ số 12, xã LT, thành phố H với giá 200.000.000 đồng; việc giao và nhận số tiền nêu trên do hai bên tự thực hiện, không có sự chứng kiến của Công chứng viên. Ông H xác định giá chuyển nhượng mà hai bên đã thỏa thuận là 3.200.000.000 đồng, nhưng ghi trong Hợp đồng là 200.000.000 đồng để được chịu thuế thấp. Ông chưa nhận được tiền, nên đang giữ bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông Nh, bà L xác định giá chuyển nhượng diện tích đất nêu trên là 200.000.000 đồng đúng như Hợp đồng đã ký kết và ông, bà đã giao đủ số tiền 200.000.000 đồng cho ông H tại Phòng công chứng nhưng không có chứng cứ chứng minh. Biên bản định giá của Hội đồng định giá ngày 19/8/2015 xác định giá thị trường tại phần đất tranh chấp là 3.019.000.000 đồng. Do đó, giá chuyển nhượng ghi trong Hợp đồng là 200.000.000 đồng cũng không phù hợp với giá thực tế trên thị trường. Vì vậy, có cơ sở xác định giá ghi trong Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nêu trên là giả tạo nhằm mục đích trốn thuế. Quyết định giám đốc thẩm căn cứ vào Điều 692 Bộ luật Dân sự năm 2005 và khoản 7 Điều 95 Luật Đất đai năm 2013 để cho rằng Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hiệu lực pháp luật; trường hợp ông Nh, bà L không chứng minh được đã trả đủ tiền hay chỉ chứng minh đã trả được một phần tiền cho ông H thì ông Nh, bà L tiếp tục trả tiền cho ông H là không đúng như phân tích nêu trên. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng do bị đơn vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thanh toán đã làm cho Hợp đồng giữa các bên không còn khả năng thực hiện, từ đó chấp nhận yêu cầu hủy Hợp đồng của nguyên đơn là không chính xác. Trong trường hợp này, khi giải quyết lại vụ án, nếu không có chứng cứ nào khác, Tòa án cần tuyên Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày vô hiệu với các căn cứ nêu trên.
Sai sót khi giải quyết vụ án liên quan đến giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo
Theo quy định tại Điều 129 Bộ luật Dân sự năm 2005 (nay là Điều 124 Bộ luật Dân sự năm 2015) về giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo, khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác thì giao dịch giả tạo vô hiệu, còn giao dịch bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này. Tuy nhiên, khi giải quyết vụ án, nhiều Tòa án đã không làm rõ bản chất của vụ án, không đánh giá bản chất của các giao dịch, bao gồm giao dịch giả tạo nhằm che giấu giao dịch khác, không đánh giá giao dịch bị che giấu có hiệu lực hay không để công nhận, từ đó đưa ra đường lối giải quyết vụ việc không đúng quy định nêu trên.
Ví dụ vụ việc cụ thể: Vụ án giữa nguyên đơn Hồ Tấn T -Hoàng Thị Th: Ngày 04/8/2014, ông L ký Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng thửa đất 474 cho vợ chồng ông Hồ Tấn T, bà Hoàng Thị Th có công chứng. Tuy nhiên, tại cam kết ngày cùng ngày, ông L, bà Hoàng Thị Th, bà Hoàng Thị P (là chị gái bà Th) thừa nhậnthực chất ông Lchuyển nhượng thửa đất nêu trên cho bà Hoàng Thị Th và bà Hoàng Thị P. Hồ sơ vụ ánthể hiện tại thời điểm ký kết hợp đồng ông T không có mặt tại Việt Nam. Như vậy, có cơ sở khẳng định, Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 04/8/2014 giữa ông L và vợ chồng ông T, bà Th vô hiệu do giả tạo, nhằm che giấu giao dịch thật là việc chuyển nhượng giữa ông L và bà Th, bà P theo Điều 129 Bộ luật Dân sự năm 2005. Tại Toà án, vợ chồng ông L không yêu cầu huỷ Hợp đồng chuyển nhượng với bà Th, bà P. Theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Dân sự năm 2005, Toà án buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của hợp đồng trong một thời hạn nhất định; trường hợp quá thời hạn đó mà các bên không thực hiện thì hợp đồng vô hiệu. Toà án cấp sơ thẩm không buộc ông L và bà Th, bà P hoàn thiện thủ tục Hợp đồng mà đã tuyên Hợp đồng vô hiệu là không đúng quy định nêu trên. Toà án cấp phúc thẩm lại công nhận Hợp đồng giữa ông L và bà Th, bà P là không đúng vì Hợp đồng này vô hiệu về hình thức.
Xác định sai nghĩa vụ trả nợ chung của vợ chồng
-Tình huống: Trong nhiều vụ việc, trong thời kỳ hôn nhân hợp pháp, người chồng ký hợp đồng vay tiền trong thời kỳ hôn nhân, người vợ không ký tên vào hợp đồng. Người chồng khai việc vay tiền là để cho người khác vay lại, không liên quan đến vợ; người vợ không thừa nhận đây là nợ chung.
-Sai sót: Trong nhiều bản án, Toà án cho rằng do người chồng vay tiền trong thời kỳ hôn nhân nên đây là nợ chung của vợ chồng, từ đó tuyên vợ chồng có trách nhiệm liên đới trả nợ là không đúng.
-Đường lối giải quyết các loại vụ việc này: Trong các loại vụ việc này nêu trên, Toà án cần xem xétcác vấn đề sau:
Điều 27. Trách nhiệm liên đới của vợ, chồng
Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này.
Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ quy định tại Điều 37 của Luật này.
Điều 37.Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng
Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:
Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;
Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;
-Ví dụ vụ việc cụ thể: Nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Mỹ V -bị đơn là ông Bùi Văn Tvà vợ: Theo Hợp đồng vay tài sản ngày 31/5/2016, ông Bùi Văn T vay của bà Nguyễn ThịMỹ V 800 triệu đồng, ông T đã nhận đủ tiền. Hợp đồng chỉ có ông T ký tên, bà H là vợ không ký tên. Hợp đồng không thể hiện rõ mục đích vay tiền của ông T. Ông T thừa nhận vay tiền để cho ông Hồ Sỹ M vay lại. Tại Giấy biên nhận ngày 31/5/2016, ông Hồ Sỹ M thừa nhận vay 800 triệu của ông T. Do ông T không trả, bà V khởi kiện yêu cầu vợ chồng ông T, bà H liên đới trả nợ. Từ những căn cứ nêu trên, không có căn cứ để xác định ông T vay tiền của bà V để nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình theo quy định tại Điều 27, khoản 2 Điều 37 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Do đó, Toà án hai cấp tuyên ông T, bà H phải liên đới trả nợ cho bà V là không đúng.
Áp dụng sai khoản 1 Điều 32 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 về giao dịch với người thứ ba ngay tình liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán
Theo quy định khoản 1 Điều 32 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về giao dịch với người thứ ba ngay tình liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán: “1. Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó.”
Về mục đích của quy định nêu trên, Bản thuyết minh dự án Luật đã nêu:“Khoản 32 Điều 1 quy định về giao dịch do vợ, chồng thực hiện liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán và các tài sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng. Trong bối cảnh phát triển kinh tế hiện nay, việc sử dụng tài khoản ngân hàng của các cá nhân ngày càng phổ biến; trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán, các chủ thể đầu tư cần mở tài khoản chứng khoán để thuận lợi cho việc thực hiện giao dịch. Theo nguyên tắc của pháp luật về tài chính, ngân hàng, chỉ các chủ tài khoản mới có quyền thực hiện các hành vi pháp lý liên quan đến tài khoản của họ. Để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn khi một bên vợ, chồng thực hiện các giao dịch có liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán, Luật Hôn nhân và gia đình cần có quy định phù hợp.
Dự thảo Luật đưa ra quy định về suy đoán quyền. Theo đó, để đảm bảo tính an toàn của các giao dịch được thực hiện qua tài khoản (gửi tiền vào tài khoản, chuyển khoản, thanh toán…), người thứ ba (ngân hàng, công ty chứng khoán, người có giao dịch với vợ, chồng) có quyền suy đoán rằng chủ tài khoản có quyền định đoạt những tài sản đặt để trong tài khoản. Quy định này không chỉ bảo vệ quyền lợi chính đáng của người thứ ba, mà còn mang lại lợi ích cho vợ chồng: do được quyền suy đoán về quyền của chủ tài khoản, người thứ ba không cần thiết phải tìm hiểu về tình trạng hôn nhân cũng như chế độ tài sản của người ký kết giao dịch với mình, do đó vợ, chồng có thể thực hiện giao dịch một cách dễ dàng mà không phải đưa ra các tài liệu chứng minh về quyền đối với tài sản được sử dụng. Cần nhấn mạnh rằng quy định suy đoán về quyền chỉ có hiệu lực trong quan hệ giữa một bên là vợ chồng và bên kia là người thứ ba. Trong quan hệ giữa vợ và chồng thì vợ, chồng phải tuân theo các quy định về quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình hoặc theo thỏa thuận; nếu vi phạm và gây thiệt hại thì phải bồi thường nếu người vợ hoặc chồng không thực hiện giao dịch có yêu cầu, theo quy định tại điểm 5 khoản 28 Điều 1 của Luật này.”
Tuy nhiên, khi áp dụng quy định trên khi giải quyết các vụ án liên quan đến quyền sở hữu, quyền định đoạt của vợ chồng liên quan đến tài sản chung của vợ chồng, cần lưu ý Điều 8, Điều 16 của Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đìnhvề “người thứ ba ngay tình”: “Điều 8. Người thứ ba không ngay tình khi xác lập, thực hiện giao dịch với vợ, chồng liên quan đến tài khoản ngân hàng,tài khoản chứng khoán, động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu.
Người thứ ba xác lập, thực hiện giao dịch với vợ, chồng liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán, động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu thì bị coi là không ngay tình trong những trường hợp sau đây:
Đã được vợ, chồng cung cấp thông tin theo quy định tại Điều 16 của Nghị định này mà vẫn xác lập, thực hiện giao dịch trái với những thông tin đó;
Vợ chồng đã công khai thỏa thuận theo quy định của pháp luật có liên quan về việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản và người thứ ba biết hoặc phải biết nhưng vẫn xác lập, thực hiện giao dịch trái với thỏa thuận của vợ chồng.
Điều 16. Cung cấp thông tin về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận trong giao dịch với người thứ ba
Trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được áp dụng thì khi xác lập, thực hiện giao dịch vợ, chồng có nghĩa vụ cung cấp cho người thứ ba biết về những thông tin liên quan; nếu vợ, chồng vi phạm nghĩa vụ này thì người thứ ba được coi là ngay tình và được bảo vệ quyền lợi theo quy định của Bộ luật Dân sự.”
Ví dụ: Vợ chồng thỏa thuận tài sản chung của vợ chồng là tiền, khi gửi tiết kiệm tại ngân hàng chỉ cần đứng tên một người, nhưng khi định đoạt số tiền tiết kiệm thì phải được sự đồng ý của cả hai vợ chồng. Nếu vợ chồng đã thông báo thỏa thuận nêu trên với ngân hàng nơi gửi tiết kiệm, nhưng khi giao dịch liên quan đến khoản tiền tiết kiệm, ngân hàng không làm rõ ý chí của ngườivợ/chồng không đứng tên trên sổ tiết kiệm thì ngân hàng không ngay tình./.
Theo tapchitoaan.vn
Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/nghien-cuu/giai-quyet-cac-vu-an-dan-su-ve-quyen-so-huu-sai-sot-can-rut-kinh-nghiem
Link nội dung: https://phaply.net.vn/giai-quyet-cac-vu-an-dan-su-ve-quyen-so-huu-sai-sot-can-rut-kinh-nghiem-a235680.html