Theo nhận định của giới quan sát, đánh thuế kỹ thuật số GAFA đang là điểm tranh cãi gay gắt nhất giữa Washington và Paris, có nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến thương mại mới giữa Mỹ và châu Âu.
Cuộc đàm phán quốc tế về thuế kỹ thuật số, chủ đề căng thẳng giữa Washington và Paris, lại rơi vào bế tắc sau thông báo “tạm ngưng” của Mỹ hôm 17/6. Giới quan sát nhận định sự việc một lần nữa cho thấy chủ nghĩa đơn phương của Mỹ và sự yếu kém của Liên minh châu Âu (EU) trên mặt trận thuế quan.
Hãng tin AFP (Pháp) cho biết cuộc thương lượng này diễn ra dưới sự chủ trì của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Mục tiêu của cuộc thương lượng là nhằm đạt được một thỏa thuận quốc tế từ nay đến cuối năm 2020 để đánh thuế các hãng công nghệ số hàng đầu như nhóm GAFA - tên viết tắt của các công ty công nghệ lớn của Mỹ gồm Google, Apple, Facebook, Amazon, vốn thường xuyên bị cáo buộc là không trả thuế đúng mức.
Đề nghị “tạm ngưng” đàm phán của Mỹ được Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin giải thích trong thư gởi các đồng nhiệm châu Âu và các đối tác trong OECD là do “chính phủ các nước trên thế giới đang tập trung đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và khởi động lại nền kinh tế đất nước”.
Trong khi đó, theo Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire, nước này cho rằng quyết định của Mỹ là một hành động “thiếu thiện chí” vào lúc các bên “chỉ còn có vài bước nữa là đạt được sự đồng thuận về việc đánh thuế các hãng công nghệ lớn hàng đầu”.
Theo nhận định của giới quan sát, đánh thuế kỹ thuật số GAFA đang là điểm tranh cãi gay gắt nhất giữa Washington và Paris, có nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến thương mại mới giữa Mỹ và châu Âu. Pháp là nước đầu tiên nhận thấy lợi ích từ nguồn thuế này, ước mang về cho Chính phủ Pháp khoảng 400 triệu USD trong năm 2019.
Trong quan điểm của Chính phủ Mỹ, loại thuế này gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ, nhất là đối với các hãng công nghệ số của nước này.
Ông Clete Williams, cựu cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, trong một bài nhận định đăng trên trang mạng CNBC cuối tháng 5/2020, không ngần ngại tố cáo các biện pháp thuế quan do Pháp thiết lập là mang tính “phân biệt đối xử”. Pháp tìm cách “trục lợi” tối đa từ các hãng công nghệ cao của Mỹ nhưng lại nương tay với các hãng trong nước.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay, dự án ngân sách châu Âu mà 27 nước thành viên EU đang xem xét nhắc đến con số 1 tỷ euro từ việc đánh thuế các “gã khổng lồ công nghệ số”. Chỉ có điều cái giá phải trả cho nguồn lợi hấp dẫn này là bao nhiêu? Liệu EU có thể đạt được sự đồng thuận về loại thuế này mà không cần đến Mỹ?
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cảnh báo Mỹ sẽ “đáp trả tương xứng và tương thích” nếu EU có ý định đơn phương áp thuế các hãng công nghệ hàng đầu. Năm 2019, trước việc Pháp muốn áp thuế GAFA, Washington cảnh báo sẽ đánh thuế 100% đối với hàng nhập khẩu từ Pháp, ước tính lên đến 2,4 tỷ USD. Lời cảnh báo này buộc Paris phải tạm hoãn loại thuế này đến cuối năm 2020
Theo quan điểm của báo Les Echos (Pháp), quyết định “thô bạo” của Washington ngưng hợp tác với OECD cho thấy rõ chủ nghĩa đơn phương của Mỹ về thuế quan, và sự yếu kém của châu Âu. Vào thời điểm muốn tỏ thiện chí trên trường quốc tế, EU lại nhận ra họ vẫn bị Chính phủ Mỹ “qua mặt” trong một hồ sơ mà châu Âu nghĩ là có thể ghi một dấu ấn chính trị mạnh mẽ.
Trước hành động đó của Mỹ, hiện chỉ có Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire lên tiếng phản đối mạnh mẽ về cách thức Washington đối xử với đồng minh bằng cách “đe dọa trừng phạt có hệ thống”./.
Theo bnews.vn
Nguồn bài viết: https://bnews.vn/thue-ky-thuat-so-cuoc-do-suc-my-phap-hay-su-yeu-kem-cua-chau-au/160415.html
Link nội dung: https://phaply.net.vn/thue-ky-thuat-so-cuoc-do-suc-my-phap-hay-su-yeu-kem-cua-chau-au-a235332.html