Để thực thi hiệu quả Luật Chứng khoán 2019: Minh bạch thông tin và tăng cường chế tài - chất kết dính bền vững nhà đầu tư

(Pháp lý) - Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2019, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, với nhiều điểm mới mang tính đột phá, được kỳ vọng sẽ góp phần nâng tầm thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta hiện nay. Trong phạm vi bài viết này, PV Pháp lý sẽ cung cấp đến bạn đọc góc nhìn sâu hơn về 02 vấn đề (minh bạch thông tin và chế tài xử lý vi phạm) được cho là có vai trò kết dính bền vững nhà đầu tư đối với “sân chơi” này.

Hội thảo Chương trình khởi động Dự án Nâng cao năng lực về cải thiện tính công bằng và minh bạch của thị trường cổ phiếu Việt Nam, do UBCK và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức

Minh bạch thông tin, giúp nhà đầu tư “biết người, biết ta…”

Minh bạch thông tin (MBTT) luôn là một tiêu chí quan trọng đánh giá chất lượng của thị trường tài chính. Ngay cả ở các quốc gia phát triển thì các cơ quan lập pháp vẫn luôn cố gắng để tăng mức độ minh bạch nhằm bảo vệ nhà đầu tư thông qua việc đưa ra các văn bản pháp lý để điều chỉnh vấn đề này. Hay nói cách khác, MBTT là chất xúc tác để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, qua đó tạo ra sức bật mới cho TTCK Việt Nam. Đây còn là một yêu cầu mang tính khách quan nhằm tiến tới một thị trường hiệu quả ổn định trong dài hạn, đặc biệt là sau khi Hiệp đinh EVFTA được Quốc hội chính thức phê duyệt.

Tuy nhiên vấn đề MBTT đối với TTCK trong nước còn nhiều “khoảng tối”, làm nản lòng nhà đầu tư. Theo UBCKNN, số lượng vi phạm về báo cáo và công bố thông tin (CBTT) luôn chiếm trên 50% tổng số vi phạm bị xử phạt. Riêng trong năm 2019, UBCKNN đã ban hành 462 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là hơn 28 tỷ đồng. Các lỗi vi phạm phổ biến trong MBTT gồm: CBTT không chính xác, đầy đủ; CBTT, báo cáo không đúng hạn, kịp thời; không CBTT, báo cáo các thông tin quan trọng, bất thường… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Cùng thời gian trên, năm 2019, có 9 doanh nghiệp buộc hủy niêm yết bắt buộc do lỗ 3 năm liên tiếp và lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ. Còn theo số liệu thống kê của Vietstock, có 9 doanh nghiệp đang đứng sát mép vực hủy niêm yết. Giá cổ phiếu của những doanh nghiệp này cũng lao dốc không phanh song song với kết quả kinh doanh báo lỗ triền miên. Thực tế cho thấy, những vấn đề liên quan đến thị giá cổ phiếu, cổ tức… luôn là điều khiến các cổ đông phải lo lắng sau khi cổ phiếu rời sàn, bởi hầu hết trong số này đều rơi vào tình trạng bế tắc do thị giá tụt dốc không phanh, thanh khoản èo uột.

Theo quy định hiện hành, sau khi hủy niêm yết, các doanh nghiệp sẽ tự động được đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM để duy trì thanh khoản cổ phiếu. Tuy nhiên, cổ phiếu có thanh khoản hay không lại phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng “sống dậy” của doanh nghiệp. Với những doanh nghiệp đã rỗng về tài chính và khả năng hoạt động, tức là tồn tại chỉ còn cái tên thì đưa lên sàn UPCoM chẳng khác gì chất thêm rác vào sàn này. Tất nhiên không loại trừ trách nhiệm của cơ quan có chức năng về chất lượng thẩm định niêm yết khi doanh nghiệp nộp hồ sơ lên sàn. Song không thể nói là không có nguyên nhân từ sự thiếu MBTT từ phía doanh nghiệp.

Nhà đầu tư khi dốc túi mà không biết đối tác mình có “sức khỏe” như thế nào thì không khác gì đánh cược với sự may rủi, đặc biệt là đầu tư vào thị trường tài chính đầy nhạy cảm như TTCK. Trên thực tế đã có quá nhiều nhà đầu tư đã phải trả giá khi bước vào “sân chơi” này nhưng mỏng thông tin về đối tác.

Mới đây (tháng 2/2020), nhóm 51 nhà đầu tư gửi đơn tố cáo đến cơ quan có chức năng về việc bị thiệt hại gần 53 tỷ đồng do ủy thác đầu tư chứng khoán phái sinh cho ông Phan Hoàng Nam, Giám đốc Công ty TNHH Nobel Global. Ông Nam lợi dụng danh nghĩa là quyền Giám đốc của một công ty chứng khoán, lập ra Công ty TNHH Nobel Global để tổ chức các khoá học, sau một thời gian thì giới thiệu hình thức đầu tư chứng khoán phái sinh với mỗi hợp đồng trị giá 18 triệu đồng và cam kết trả lợi nhuận từ 2% - 4% mỗi tháng. Trong vài tháng đầu ủy thác, các nhà đầu tư vẫn nhận được tiền chia lãi hàng tháng (tổng số tiền lợi nhuận các nhà đầu tư nhận được theo báo cáo của ông Nam là gần 12 tỷ đồng). Tuy nhiên đến tháng 12/2019, ông Nam thông báo toàn bộ số tiền đầu tư không còn…

Vụ việc trên gióng lên hồi chuông cảnh báo về rủi ro không những về kỹ thuật, mà còn là đạo đức đầu tư. Việc trao vốn cho những công ty như thế này có thể nói là mang lại rất nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ mất khả năng thanh toán, thậm chí là mất vốn.

Như vậy minh bạch hóa thông tin TTCK sẽ giúp các nhà đầu tư tránh được sự thiệt hại khi mua phải các chứng khoán kém chất lượng, hay định giá quá cao giá cổ phiếu do sự “méo mó” của các thông tin trên thị trường. Từ đó cho thấy, nhà đầu tư luôn trong tình trạng cần biết nhiều thông tin cập nhật hơn một cách chính thức từ phía doanh nghiệp, thay vì chỉ nhận thông tin qua kênh báo chí, truyền hình, hay chờ đợi thông tin trong các kỳ đại hội đồng cổ đông…

Ở chiều ngược lại, MBTT sẽ giúp các doanh nghiệp tăng hiệu quả hoạt động thông qua việc thu hút được lượng lớn nhà đầu tư và giảm được chi phí huy động vốn. Nghiên cứu của Christian Leuz (2009) cũng đã cho thấy chi phí sử dụng vốn của doanh nghiệp giảm do việc tăng cường CBTT. Ngoài ra, còn giúp doanh nghiệp lựa chọn được dự án đầu tư phù hợp, tạo ra cơ chế giám sát các nhà quản lý trong doanh nghiệp hiệu quả và buộc các nhà quản lý phải hoạt động vì hiệu quả của cổ đông; duy trì sự trung thành của cổ đông dài hạn, xây dựng uy tín lâu dài với cộng đồng nhà đầu tư, giảm bớt tin đồn tiêu cực…

Những bất cập về MBTT đã được Luật Chứng khoán sửa đổi 2019 ưu tiên khắc phục (trong khuôn khổ dành riêng nguyên Chương VII từ Điều 118 đến Điều 128), theo hướng đối tượng bị điều chỉnh nghĩa vụ CBTT rộng hơn (10 đối tượng), tạo ra sự minh bạch, rõ ràng hơn trong hoạt động quản lý nhà nước… Tuy nhiên làm cách nào để đưa các đối tượng bị điều chỉnh đi đúng “đường ray” mà Luật sửa đổi đã vạch ra để TTCK nước ta thực sự chuyển biến về chất là vấn đề cần được quan tâm.

Tăng cường chế tài sẽ thúc đẩy doanh nghiệp MBTT thực chất Liên quan đến chế tài xử lý vi phạm trong hoạt động chứng khoán, BLHS 2015 đã dành 4 Điều (Điều 209, 210, 211 và 212) để điều chỉnh các hành vi vi phạm. Trong đó đáng chú ý là hành vi cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán (Điều 209) có khung hình phạt lên tới 5 năm tù giam và được điều chỉnh tới đối tượng là pháp nhân.

MBTT là chất xúc tác để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, qua đó tạo ra sức bật mới cho TTCK Việt Nam.

Như vậy, chế tài để thúc đẩy MBTT đối với hoạt động chứng khoán đủ sức răn đe các hành vi vi phạm. Thế nhưng vì sao thực trạng vi phạm về CBTT không được cải thiện, số lượng vi phạm về báo cáo và công bố thông tin (CBTT) luôn chiếm trên 50% tổng số vi phạm bị xử phạt ? Kẽ hở nằm ở chỗ biện pháp thực thi không rõ ràng, chưa được hướng dẫn cụ thể khiến cho các cơ quan có chức năng lúng túng khi xử lý hành vi.

Để chứng minh hành vi cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán đủ yếu tố cấu thành tội phạm, không phải là chuyện dễ dàng đối với các cơ quan tố tụng, đặc biệt khi đối tượng vi phạm là một pháp nhân. Luật sư Lưu Bá Khiết (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, chỉ riêng việc chứng minh được hành vi cố ý của pháp nhân cũng đã là vấn đề không đơn giản. Trước khi đưa thông tin lên sàn, bao giờ doanh nghiệp cũng đã có một báo cáo tài chính “đẹp” và “an toàn”, nhờ vào công nghệ hợp thức hóa của đội ngũ kế toán đang hưởng lương có thừa thủ đoạn lách luật. Phía sau đội ngũ kế toán đó còn có cơ quan kiểm toán tư nhân được thuê để hậu kiểm và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Vậy nên không có gì lạ cho đến thời điểm này không có một pháp nhân nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự có liên quan đến hành vi cố ý CBTT sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.

Luật Chứng khoán sửa đổi 2019 đã dành Chương IX (từ Điều 129 đến Điều 133) để quy định về các biện pháp giám sát, thanh tra và chế tài đối với hoạt động thị trường chứng khoán… Để có chế tài đủ mạnh, nâng cao tính răn đe, phòng ngừa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên TTCK, bên cạnh việc đề cao xử lý hình sự, Luật Chứng khoán sửa đổi ưu tiên đẩy mạnh xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động chứng khoán. Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi thao túng thị trường, giao dịch nội bộ là 10 lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức và 5 lần khoản thu trái pháp luật đối với cá nhân; đối với các hành vi vi phạm khác, mức phạt tiền tối đa là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân. Cùng với đó, Luật Chứng khoán năm 2019 bổ sung quy định về các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn TTCK phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo cơ sở pháp lý cũng như xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý TTCK trong việc thực hiện các biện pháp mang tính phòng ngừa cũng như kịp thời khắc phục, xử lý các sự cố, biến động bất thường của TTCK.

Sau khi có hiệu lực, Luật Chứng khoán năm 2019 được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện chất lượng hàng hóa, chất lượng các doanh nghiệp trên TTCK, thu hút vốn đầu tư của nhà đầu tư trong và ngoài nước trên TTCK, nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của các chủ thể tham gia thị trường, tăng tính công khai, minh bạch, bảo đảm TTCK hoạt động bền vững, an toàn, chuyên nghiệp, hiện đại. Qua đó sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát và cưỡng chế thực thi, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, tăng niềm tin của thị trường, góp phần nâng tầm TTCK Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trong tình hình mới.

Vì vậy để Luật Chứng khoán sửa đổi 2019 đi vào cuộc sống ngay sau khi có hiệu lực (01/01/2021), làm thay đổi về chất đối với hoạt động chứng khoán (đặc biệt là quy định về nghĩa vụ báo cáo và CBTT của tổ chức và cá nhân, nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trên thị trường chứng khoán), bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, các chuyên gia kinh tế cho rằng cần sớm có các văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện các điều khoản của luật có liên quan.

Đảm bảo quyền bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin của nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài là yếu tố sống còn cho hoạt động chứng khoán tại Việt Nam. Một khi DN coi trọng việc MBTT tiến tới tự giác trong MBTT thì khi đó rủi ro đối với nhà đầu tư sẽ hạn chế, điều đó cũng đồng nghĩa với niềm tin của nhà đầu tư sẽ được cải thiện bền vững trong dài hạn.

Kinh nghiệm nhìn từ Nhật Bản về MBTT

Nhật Bản đã trải qua 2 cuộc khủng hoảng tài chính trong vòng hơn 20 năm. Kéo theo có 180 ngân hàng Nhật Bản bị phá sản trong cuộc khủng hoảng và đất nước này đã phải mất 15 năm để xử lý các vấn đề nợ xấu tại các tổ chức tín dụng. Cơ quan giám sát tín dụng là tiền thân của JICA hiện nay đã ra đời trong bối cảnh đó.

Tại hội thảo Chương trình khởi động Dự án Nâng cao năng lực về cải thiện tính công bằng và minh bạch của thị trường cổ phiếu Việt Nam, do UBCK và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức vào ngày 20/6/2019, ông Eiichiro Kawabe, Phó Chủ tịch Cơ quan dịch vụ tài chính Nhật Bản, đã chia sẻ kinh nghiệm của quốc gia mặt trời mọc trong việc cải thiện và minh bạch TTCK. Theo ông Eiichiro Kawabe, để tránh tập trung rủi ro với tín dụng gián tiếp, khi nền kinh tế tập trung chủ yếu vào ngân hàng, các rủi ro tiềm ẩn của nền kinh tế sẽ bị tích tụ ngày càng lớn. Do đó sự phát triển của thị trường cổ phiếu sẽ tác động tương hỗ giúp ổn định thị trường tín dụng. Tuy nhiên để có thể hình thành thị trường cổ phiếu có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư thì phải đảm bảo sự công bằng và minh bạch cho thị trường này.

Trong đó chức năng giám sát thị trường và nâng cao quản trị doanh nghiệp với công ty niêm yết được Chính phủ Nhật tăng cường. Bắt đầu là thành lập Ủy ban giám sát các giao dịch chứng khoán (gọi tắt là SESC), năm 1992. Ủy ban này kiểm tra các giao dịch chứng khoán và điều tra các giao dịch không lành mạnh để tố giác lên Viện kiểm sát. Đến năm 2004, Nhật Bản đã sửa đổi Luật có chức năng nhằm ngăn ngừa các giao dịch nội gián. Trong đó, biện pháp được cho là hữu hiệu nhất là tăng mạnh xử phạt liên quan đến giao dịch nội gián đối với cá nhân, từ 100 triệu đồng trước đây, mức phạt nâng lên 100 tỷ. Để tăng cường chức năng giám sát thị trường, Nhật Bản có các tổ chức tự quản. Bên cạnh việc phát hiện vụ việc thì việc ngăn ngừa rất quan trọng. Tổ chức tự quản Nhật Bản được thành lập chủ động giữa CTCK và Sở GD dựa trên các quy định của pháp luật nhằm bảo đảm tính công bằng cho các NĐT, bản thân các hiệp hội này đưa ra quy định để đảm bảo vai trò của mình.

Đặc biệt, đất nước mặt trời mọc đã và đang triển khai có hiệu quả về việc áp dụng hệ thống giám sát mới như sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và áp dụng công nghệ thông tin để phân tích và phát hiện các thông tin đăng tải trên mạng xã hội ảnh hưởng đến quyết định đầu tư và hành vi bán tháo, góp phần ngăn chặn các hành vi không công bằng trên thị trường.

Từ kinh nghiệm thành công Nhật Bản, hy vọng sẽ là bài học bổ ích để cho các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu vận dụng góp phần nâng cao năng lực về cải thiện tính công bằng và minh bạch của TTCK Việt Nam.

Ông Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc phát triển quan hệ và đối ngoại, Quỹ đầu tư Dragon Capital: “Thay đổi tư duy, xây dựng và thúc đẩy văn hóa minh bạch, đối thoại cởi mở là một thách thức lớn đối với các nhà quản trị trong quá trình chuyển đổi. Tuy nhiên, muốn cải thiện chất lượng minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp, hội đồng quản trị của công ty cần thể hiện cam kết cao để hướng công ty đến văn hóa đối thoại cởi mở hơn với các cổ đông, nhà đầu tư tiềm năng”.

----------------

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank nhìn nhận, tiềm năng để TTCK đảm đương đúng vai trò là kênh huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế còn lớn. Tuy nhiên, thách thức nằm ở chỗ làm sao nâng cao tính minh bạch trên thị trường, để nhà đầu tư thuận lợi khi đưa ra quyết định đầu tư…

MINH TRUNG

Link nội dung: https://phaply.net.vn/de-thuc-thi-hieu-qua-luat-chung-khoan-2019-minh-bach-thong-tin-va-tang-cuong-che-tai-chat-ket-dinh-ben-vung-nha-dau-tu-a235299.html