Luật về PPP: kỳ vọng chống được thất thoát, chống lợi dụng, đảm bảo lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư

(Pháp lý) - Sau hơn 10 năm chờ đợi, lĩnh vực đầu tư theo phương thức công tư đã chính thức được luật hóa vào ngày 18.6.2020 . Luật sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1.1.2021 tới đây. Trước khi dự luật đầu tư theo phương thức công tư ( Luật PPP) được Quốc hội thông qua, đã có nhiều hội thảo, thu hút nhiều chuyên gia, doanh nghiệp quan tâm, đặc biệt nhiều vấn đề nội dung lớn được “mổ xẻ”, phân tích , soi xét dưới nhiều góc độ khác nhau.

Quốc hội thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư với nhiều quy định tăng cường tính minh bạch trong giám sát và kiểm soát dự án PPP

Có 3 yếu tố - 3 vấn đề lớn được quan tâm đặc biệt: chống thất thoát, chống lợi dụng, đảm bảo lợi ích của Nhà nước; đảm bảo tính cạnh tranh, an toàn và hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư; phải tiếp cận các thông lệ tốt của quốc tế.

Vậy 3 yếu tố quan trọng này, Quốc hội đã quyết thế nào trong Luật về PPP ?

Nhiều quy định tăng cường tính minh bạch, đảm bảo chống thất thoát, chống lợi dụng

Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến tháng 11/2019, cả nước có 336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng, trong đó, 140 dự án áp dụng loại hợp đồng BOT, 188 dự án áp dụng loại hợp đồng BT và 8 dự án áp dụng các loại hợp đồng khác. Tổng vốn huy động vào đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia đạt khoảng 1,6 triệu tỉ đồng.

Tuy nhiên, qua kiểm toán, hầu hết các dự án đều áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà đầu tư, tiềm ẩn rủi ro lãng phí, thất thoát và chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án. Công tác giám sát trong quá trình thực hiện hợp đồng còn lỏng lẻo. Điều này cho thấy để nâng cao hiệu quả và chống thất thoát, lãng phí vốn đầu tư đối với các dự án PPP thì bài toán đặt ra nằm ở tính công khai, minh bạch.

Nghiên cứu những quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư vừa được Quốc hội bấm nút thông qua, không khó để nhận thấy những điểm mới, điểm nổi bật mà theo chúng tôi đó là những điểm nhấn quan trọng đáp ứng kì vọng của toàn thể nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong việc quản lý thực hiện các dự án PPP.

Một trong những điểm mới đáng chú ý là loại hình hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) đã bị “khai tử” ra khỏi dự luật này. Theo đó, kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành, dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng BT. Dự án áp dụng loại hợp đồng BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư thì dừng thực hiện kể từ ngày 15-8-2020. Dự án chưa phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu thì dừng thực hiện.

Trường hợp đã phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu thì tiếp tục thực hiện căn cứ hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và quy định của pháp luật tại thời điểm phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

Đối với dự án đã có kết quả lựa chọn nhà đầu tư trước ngày luật này có hiệu lực, cơ quan ký kết hợp đồng có trách nhiệm tổ chức đàm phán, ký kết hợp đồng căn cứ kết quả lựa chọn nhà đầu tư, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và quy định của pháp luật tại thời điểm phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

Dự án đã ký kết hợp đồng trước ngày luật này có hiệu lực thi hành sẽ tiếp tục thực hiện việc triển khai thực hiện dự án, thanh toán theo quy định của hợp đồng BT đã ký kết và quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng.

Theo qui định của Luật PPP 2020, chỉ còn 7 loại hợp đồng thực hiện đầu tư theo phương thức PPP, gồm: Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT); Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh (BTO); Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh (BOO); Kinh doanh - Quản lý (O&M); Xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ (BTL); Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao (BLT); hỗn hợp - kết hợp nhiều loại hợp đồng.

Điều 4 Luật PPP quy định 5 nhóm lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP, gồm: giao thông vận tải; lưới điện, nhà máy điện (trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực); thủy lợi; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải; y tế; giáo dục - đào tạo và hạ tầng công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó, để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong đầu tư theo phương thức PPP, Điều 9 của Luật quy định một số thông tin phải được công bố trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Cụ thể: Thông tin về quyết định chủ trương đầu tư; quyết định phê duyệt dự án PPP; Thông tin về lựa chọn nhà đầu tư, gồm: Thông báo mời sơ tuyển, thông báo mời thầu, danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà đầu tư; Thông tin về nhà đầu tư được lựa chọn, doanh nghiệp dự án PPP; Nội dung chính của hợp đồng dự án PPP, gồm: Tổng vốn đầu tư; cơ cấu nguồn vốn trong dự án; loại hợp đồng; thời hạn thực hiện dự án (nếu có);… Ngoài ra, các thông tin này còn được khuyến khích đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng khác.

Không chỉ vậy, việc lựa chọn nhà đầu tư cũng được quy định khá rõ ràng và chặt chẽ đối với từng trường hợp cụ thể. Theo đó, các hình thức lựa chọn nhà đầu tư được áp dụng trong đầu tư theo phương thức PPP bao gồm: Đấu thầu rộng rãi (Áp dụng cho tất cả dự án PPP, trừ các trường hợp phải được lựa chọn theo hình thức đặc biệt); Đàm phán cạnh tranh (Áp dụng trong trường hợp dự án ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao hoặc dự án có yêu cầu công nghệ mới, chỉ những nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án được mời tham dự); Chỉ định nhà đầu tư (Áp dụng theo một trong các trường hợp: Dự án cần bảo đảm về quốc phòng, an ninh quốc gia, bí mật Nhà nước; Dự án cần bảo đảm tính liên tục trong quá trình xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công); Lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt (dự án xuất hiện các điều kiện đặc thù, riêng biệt mà không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà đầu tư nêu trên thì cơ quan có thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án lựa chọn nhà đầu tư).

92,75% đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Ảnh minh họa)

Nhiều điều khoản hấp dẫn nhà đầu tư

Bên cạnh những quy định nhằm tăng cường tính minh bạch trong giám sát và kiểm soát thực hiện các dự án PPP, Luật PPP cũng bổ sung nhiều quy định hấp dẫn nhằm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo đảm các bên tham gia thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng, ổn định lâu dài trong thời hạn hợp đồng và thu hút giới đầu tư tư nhân trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực PPP.

Những quy định này cũng là tuyên bố chung, thể hiện cam kết của Nhà nước về mặt pháp lý đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư khi tham gia cùng Nhà nước đầu tư vào các dự án PPP.

Theo đó, một trong những quy định được giới chuyên gia đánh giá là điểm đột phá và hấp dẫn nhất trong thu hút nguồn lực từ giới đầu tư tư nhân là cơ chế chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp trong các dự án PPP.

Theo đó, điều 84 của Luật quy định, khi doanh thu thực tế đạt cao hơn 125% mức doanh thu trong phương án tài chính tại hợp đồng dự án PPP, Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chia sẻ với Nhà nước 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế đó và doanh thu đạt ở mức 125% doanh thu trong phương án tài chính.

Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP 50% phần giảm thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng đối với dự án PPP đáp ứng được một số điều kiện nhất định.

Bên cạnh đó, Luật cũng có những quy định về trình tự, thủ tục, hồ sơ… thực hiện dự án PPP theo hướng hạn chế những thủ tục rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong thực hiện đầu tư dự án như:

Về hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP, Luật quy định bao gồm: Tờ trình đề nghị quyết định chủ trương đầu tư; Dự thảo quyết định chủ trương đầu tư; Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; Báo cáo thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; báo cáo thẩm tra đối với dự án do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; Tài liệu pháp lý khác có liên quan của dự án.

Về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP, Luật quy định, chủ trương đầu tư dự án PPP được điều chỉnh khi thay đổi mục tiêu, địa điểm, quy mô, loại hợp đồng dự án PPP, tăng tổng mức đầu tư từ 10% trở lên hoặc tăng giá trị vốn nhà nước trong dự án PPP trong các trường hợp sau đây: Dự án bị ảnh hưởng bởi các sự kiện bất khả kháng; Quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan thay đổi; Khi điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi.

Cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP là cấp quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Trình tự trình cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP thực hiện theo quy định tại Điều 13 của Luật này đối với nội dung điều chỉnh.

Về thẩm quyền phê duyệt dự án PPP, Luật quy định, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án. Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác phê duyệt dự án thuộc phạm vi quản lý. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt dự án thuộc phạm vi quản lý.

“Cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu” là cơ chế thuận lợi để thu hút nhiều nguồn lực đầu tư

Về xử lý vi phạm trong đầu tư theo phương thức PPP, Luật quy định cấm tham gia hoạt động đầu tư theo phương thức PPP được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Hủy thầu, đình chỉ cuộc thầu, không công nhận kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc tuyên bố vô hiệu đối với các quyết định của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng, bên mời thầu khi phát hiện có hành vi vi phạm quy định của Luật này và pháp luật có liên quan. Chấm dứt, đình chỉ hợp đồng khi phát hiện có hành vi vi phạm hợp đồng hoặc quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

Ngoài các hình thức xử lý vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm còn bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

12 hành vi bị cấm trong đầu tư theo phương thức PPP:

Quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; không xác định được nguồn vốn Nhà nước trong dự án PPP trường hợp dự án có yêu cầu sử dụng; không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục;

Phê duyệt dự án PPP khi chưa có chủ trương đầu tư; không phù hợp với chủ trương đầu tư; không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục;

Cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng thông đồng với tổ chức tư vấn, nhà đầu tư dẫn tới quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án PPP gây thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước, tài nguyên của quốc gia; làm tổn hại, xâm phạm lợi ích của công dân và của cộng đồng;

Không bảo đảm công bằng, minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư;

Tiết lộ, tiếp nhận tài liệu, thông tin về quá trình lựa chọn nhà đầu tư;

Thông thầu;

Chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, quyền và nghĩa vụ không đúng quy định của Luật này và hợp đồng dự án PPP;

Dừng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ngoài trường hợp quy định tại hợp đồng dự án PPP;

Đưa, nhận, môi giới hối lộ;

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt, vụ lợi, tham nhũng trong quản lý và sử dụng vốn nhà nước trong dự án PPP; can thiệp bất hợp pháp vào quy trình thực hiện dự án PPP;

Gian lận, làm giả, làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu; cố ý cung cấp thông tin không trung thực, không khách quan;

Cản trở việc phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP.

Nam Kiên

Link nội dung: https://phaply.net.vn/luat-ve-ppp-ky-vong-chong-duoc-that-thoat-chong-loi-dung-dam-bao-loi-ich-cua-nha-nuoc-va-nha-dau-tu-a235272.html