Giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp: Càng gỡ càng rối?

Nghị quyết giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 vừa được Quốc hội thông qua được đánh giá là sẽ có tác động lớn, gỡ khó cho doanh nghiệp. Tuy vậy, câu hỏi đi tìm sự đồng pha giữa chính sách và thực tiễn, nhìn từ gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng trước đó vẫn là dấu hỏi còn bỏ ngỏ cho các đối tượng được áp dụng.

Sáng 19/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác. Trong đó, quy định giảm 30% thuế thu nhập năm 2020 cho doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng. Nghị quyết có hiệu lực sau 45 ngày ký và áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020.

Như vậy, so với dự thảo trước đó, Quốc hội đã bỏ tiêu chí về số lao động đóng bảo hiểm để bảo đảm tính công bằng cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và bổ sung đối tượng được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có quy mô vừa.

Theo ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách, việc thực hiện mở rộng đối tượng được giảm thuế nêu trên thì số giảm thu ngân sách nhà nước năm 2020 từ 15.840 tỷ đồng lên khoảng 23.000 tỷ đồng so với phương án Chính phủ trình.

Vẫn mang tính cào bằng?

Trước đó, ngày 16/6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo này. Khi ấy, dự thảo nghị quyết đưa ra mức hỗ trợ 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp đối với những đơn vị có doanh thu không quá 50 tỷ đồng và số lao động không quá 100 người, tức các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ.

Doanh nghiệp doanh thu dưới 200 triệu được giảm 30% thuế thu nhập

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị bên cạnh gói hỗ trợ theo quy mô của doanh nghiệp, cần tập trung các doanh nghiệp theo nhóm ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19, đồng thời có tiềm năng phát triển nhất.

Ông Lộc đặt ra nguy cơ về việc doanh nghiệp bị “thâu tóm” trong bối cảnh khó khăn sau dịch: “Nếu không cứu họ ngay thì trong tương lai, khu vực kinh tế tư nhân của ta liệu còn trong tay người Việt Nam không, hay nằm trong tay người nước ngoài. Đây cũng chính là đảm bảo an ninh kinh tế, chủ quyền kinh tế của đất nước” – vị Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước nên cùng bàn bạc để có chính sách thuế, giãn, hoãn nợ; các gói tín dụng hỗ trợ cho các lĩnh vực như hàng không, du lịch, các dự án trọng điểm…

Liên quan tới chính sách này, nhiều chuyên gia cho rằng chính sách giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp như trên còn mang tính cào bằng.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế khẳng định việc hỗ trợ để doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19 rất quan trọng. Tuy nhiên, không nên “cào bằng” chính sách. Thay vào đó, nên có chính sách cụ thể với các doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp.

Theo ông Thịnh, do sức khỏe nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp hay doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ rất yếu, cần nhiều thời gian hồi phục nên chính sách cần linh động hơn các nhóm khác.

Cùng chung quan điểm, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính
(Học viện Tài chính) cho rằng, Bộ Tài chính còn để sót khi chưa xem xét đến các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng gián tiếp cũng chưa tính đến việc gia hạn thời gian nộp thuế cho các tổ chức tín dụng.

Lệch pha giữa chính sách và thực tiễn

Lo ngại của đại biểu cũng như các chuyên gia càng thuyết phục, khi nhìn lại gói chính sách 16.000 tỷ đồng hỗ trợ cho vay tái cấp vốn, lãi suất 0% cho chủ doanh nghiệp trả lương cho người lao động. Cho đến nay, sau gần 2 tháng triển khai, một nghịch lý xảy ra khi có sự đồng thuận từ Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc nhanh chóng của Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng Chính sách xã hội, gói hỗ trợ 16.000 tỷ kể trên chưa được giải ngân một đồng nào.

Cụ thể, sau khi Quyết định 15 về các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn được Thủ tướng phê duyệt, ngày 7/5, NHNN đã ban hành Thông tư hướng dẫn cho vay tái cấp vốn, lãi suất 0%, số tiền 16.000 tỷ đồng để ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho chủ doanh nghiệp vay để trả lương cho người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch.

"Ngân hàng Nhà nước đã chủ động để riêng một khoản 16.000 tỷ đồng để sẵn sàng cho vay tái cấp vốn đối với NHCSXH”, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định trong buổi họp báo đầu tháng 6 vừa qua.

Tuy nhiên, trái ngược với những kỳ vọng từ người lao động, doanh nghiệp đến cơ quan chức năng, thực tế diễn ra có phần nghịch lý và phũ phàng hơn nhiều.

“Trong quá trình thực hiện, do dịch Covid-19 phần nào đã được kiểm soát, doanh nghiệp phục hồi nên hiện ngân hàng vẫn chưa giải ngân được món nào trong gói này”, bà Trần Lan Phương, Phó Tổng giám đốc NHCSXH thông tin tại buổi họp báo.

Về lý do, bà Phương cho biết do doanh nghiệp không đáp ứng được các yêu cầu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu.

Cụ thể, để được tham gia gói hỗ trợ 16.000 tỷ này, doanh nghiệp phải đáp ứng một danh sách dài các điều kiện bao gồm: Có từ 20% hoặc từ 30% người lao động trở lên đang tham gia BHXH bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên; đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động từ ngày 1/4 đến hết ngày 30/6; Doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho người lao động ngừng việc; không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31/12/2019.

Cùng với đó, để được xét duyệt cho vay, chủ doanh nghiệp phải có tên trong danh sách người sử dụng lao động đủ điều kiện vay vốn để trả lương ngừng việc được Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt; không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31/12/2019; có nhu cầu vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động, có kế hoạch và cam kết trả nợ đầy đủ, đúng hạn cho NHCSXH.

Chính ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, tại buổi họp báo, cũng phải thừa nhận “các điều kiện tiếp cận khoản vay này không dễ nên chưa ai đáp ứng được".

Nhìn lại mới thấy, chúng ta có chủ trương đúng đắn, các chính sách quyết liệt và sự phối hợp đồng bộ từ Trung ướng đến các địa phương, nhưng thực tế diễn ra lại khác xa những gì nhà điều hành ghi nhận được.

“Khó khăn” là một từ khái quát để nói về tình trạng của người lao động lẫn doanh nghiệp sau đại dịch. Nhưng để có những biện pháp hỗ trợ “đúng” và “trúng” nhất, cần có sự đánh giá toàn diện nhất, cụ thể nhất… để tránh những trường hợp bi hài như gói 16.000 tỷ “vẫn còn trong kho, sẵn sàng giải ngân” nhưng không ai có thể tiếp cận như kể trên.

Theo nguoiduatin.vn

Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/giam-thue-thu-nhap-cho-doanh-nghiep-cang-go-cang-roi-a479513.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/giam-thue-thu-nhap-cho-doanh-nghiep-cang-go-cang-roi-a235249.html