Tư pháp thực hành – một cuốn sách bổ ích

Thẩm phán TANDTC Chu Xuân Minh, một cộng tác viên thân thiết của Tạp chí Tòa án nhân dân vừa xuất bản cuốn sách “Tư pháp thực hành”. Đúng như tựa đề của cuốn sách, những bài viết sinh động, mang tính thực tiễn cao, rất bổ ích cho người làm công tác xét xử nói riêng và pháp luật nói chung.

Cuốn sách dày 380 trang, do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành, gồm ba phần, phần 1 là “Những nghiên cứu về nghiệp vụ xét xử”; phần 2 là “Thông tin nghiệp vụ từ các phiên tòa của Hội đồng Thẩm phán” và phần ba để bạn đọc giải trí với những mẩu “Chuyện vui về nghề xử án”.

Những nghiên cứu về nghiệp vụ xét xử

Phần này, Thẩm phán Chu Xuân Minh trình bày về Nguyên tắc chung về áp dụng pháp luật khi xét xử; Điều khoản chuyển tiếp thi hành Bộ luật Dân sự năm 2015 (Điều 688); Giải quyết tranh chấp tài sản chung của dòng họ; Chia tài sản trong các vụ án hôn nhân và gia đình; Phản tố trong vụ án ly hôn; Di sản chuyển thành tài sản chung; Di chúc hợp pháp không có công chứng, chứng thực; Phân biệt thời điểm có hiệu lực của hợp đồng với thời điểm chuyển quyền sở hữu; Phân biệt hợp đồng có hiệu lực và hợp đồng đã hoàn thành; Nhận diện giao dịch dân sự về nhà ở; Tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu và giải quyết hậu quả giao dịch dân sự vô hiệu; Giải quyết yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu; Kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm dân sự.

Có thể nói đây là những nội dung rất thiết thực mà các Thẩm phán thường xuyên gặp phải trong thực tiễn. Là một chuyên gia về pháp luật dân sự, với hơn 40 năm công tác trong ngành Tòa án, làm Thẩm phán Tòa án cấp huyện từ năm 1978, được bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC năm 1988 và thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC năm 2007 đến nay, nên những kiến giải của tác giả vừa có tính lý luận vừa có tính thực tiễn rất sinh động, cụ thể.

Đơn cử bài “Chia tài sản trong các vụ án hôn nhân và gia đình” tác giả đặt ra yêu cầu chung về áp dụng pháp luật giải quyết vụ án hôn nhân, tranh chấp về chia tài sản cũng theo nguyên tắc chung khi áp dụng pháp luật đối với vụ án hôn nhân và gia đình. Đó là nguyên tắc luật áp dụng luật có hiệu lực ở thời điểm thực hiện hành vi, trừ trường hợp văn bản pháp quy cụ thể có quy định khác. Do đó, thường là giao dịch ở thời điểm nào thì áp dụng pháp luật ở thời điểm đó.

Phạm vi tài sản có tranh chấp trong vụ án hôn nhân và gia đình thường có rất nhiều loại tài sản được hình thành trong nhiều thời điểm khác nhau. Vì vậy, trong vụ án chia tài sản của vợ chồng có thể phải áp dụng nhiều văn bản quy phạm pháp luật cũ, đã hết hiệu lực thi hành ở thời điểm xét xử, để xác định tính chất của tài sản cũng như các yếu tố liên quan khác.

Tác giả đưa ra ví dụ: Anh H và chị B kết hôn năm 1985 có một con chung, năm 1989 anh H chết. Năm 1995 chị B kết hôn với anh T. Năm 2009 chị B và anh T ly thân. Năm 2016, chị B xin ly hôn và yêu cầu chia tài sản chung. Tài sản tranh chấp có ba ngôi nhà, nhà số 1 do anh H được cha mẹ anh H cho từ năm 1981 và anh H chị B quản lý sử dụng từ năm 1985; nhà số 2 là nhà chị B được hưởng thừa kế của cha mẹ chị B năm 1990; nhà số 3 do anh T đứng tên mua và sử dụng riêng từ năm 2012. Vậy chị B với anh T, mỗi người có quyền dân sự thế nào đối với mỗi ngôi nhà trên?

Tác giả phân tích, nhà số 1 thuộc sở hữu của anh H từ khi trước khi kết hôn với chị B. Thời điểm kết hôn năm 1985 thuộc thời kỳ thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959. Theo quy định tại Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 thì vợ và chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới. Do vậy từ thời điểm kết hôn, nhà số 1 đã trở thành tài sản chung của vợ chồng anh H, chị B, dù sau này Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 (có hiệu lực từ ngày 3 /11/ 1987) có quy định tài sản có trước khi cưới là tài sản riêng, thì nhà số 1 vẫn tiếp tục là tài sản chung, nếu không có sự kiện phân chia gì khác.

Nhà số 2 là nhà chị B được thừa kế năm 1990. Năm 1990 là thời kỳ thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986. Theo quy định tại Điều 16 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 thì tài sản được thừa kế riêng là tài sản riêng. Do vậy nhà số 2 là tài sản riêng của chị B.

Nhà số 3 là nhà anh T mua năm 2012. Năm 2012 là thời kỳ thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Theo quy định của Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân. Anh T và chị B kết hôn năm 1995, dù ly thân từ năm 2009 thì năm 2012 vẫn là trong thời kỳ hôn nhân. Do vậy nhà số 3 dù chỉ do anh T mua thì vẫn là tài sản chung của vợ chồng anh T và chị B.

Tác giả cho rằng: Xác định tài sản tranh chấp là tài sản chung hay tài sản riêng có ý nghĩa rất quan trọng, vì việc phân chia rất khác nhau do việc áp dụng pháp luật gắn liền với thời điểm giao dịch. Bên cạnh đó tác giả, trình bày các quy định có ảnh hưởng đến việc xác định tài sản chung của vợ chồng như: Chế độ tài sản theo thỏa thuận; việc sáp nhập tài sản riêng của vợ chồng vào tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân; tài sản riêng hay chung được sử dụng chung nên việc nhập tài sản riêng vào tài sản chung hay chưa là vấn đề thường xảy ra tranh chấp khi ly hôn.

Tác giả cũng dẫn giải phải việc nhập tài sản riêng vào tài sản chung theo Luật Hôn nhân gia đình có từng thời kỳ và các quy định về hạn chế quyền đối với tài sản riêng. Nguyên tắc chung thì vợ chồng có quyền chiếm hữu sử dụng định đoạt tài sản riêng của mình. Ly hôn thì về nguyên tắc tài sản riêng của ai trả cho người ấy. tuy nhiên, quan hệ hôn nhân là quan hệ đặc biệt nên kể cả sau khi đã ly hôn trong một số trường hợp pháp luật có quy định hạn chế quyền sử dụng đối với tài sản riêng…

Phần thứ hai trong bài viết, tác giả giới thiệu về kỹ năng giải quyết tranh chấp chia tài sản trong vụ án hôn nhân và gia đình. Khác với vụ án dân sự thông thườn, vụ án chia tài sản khi ly hôn phải xem xét cả những tài sản. Có trường hợp tuy không có tranh chấp, nhưng đương sự yêu cầu Tòa án ghi nhận và cũng có hiệu lực bắt buộc thi hành.

Tác giả còn đưa ra bài toán cơ bản về chia tài sản khi ly hôn với một vụ án cụ thể rất đầy đủ, chi tiết. Ngoài ra còn có một số lưu ý về án phí và các lưu ý khác về tố tụng như định giá tài sản, hòa giải tranh chấp chia tài sản…

Thông tin nghiệp vụ từ các phiên tòa của Hội đồng Thẩm phán

Là thành viên của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, với góc nhìn của chuyên gia, tác giả Chu Xuân Minh rút ra những vấn đề nghiệp vụ rất thiết thực.

Các vấn đề được tác giả chia sẻ gồm: Tại sao không chấp nhận kháng nghị của VKSNDTC về áp dụng Án lệ 02/2016; Những vụ tranh chấp thừa kế được xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm lại thì thời hiệu khởi kiện áp dụng theo luật cũ hay luật mới?; Đã trả lại tiền lừa đảo từ trước khi có đơn tố cáo thì có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không? Tránh nhầm lẫn quy định về nghĩa vụ riêng nghĩa vụ chung với xác định tài sản chung là vấn đề “nhu cầu thiết yếu của gia đình”; Nghĩa vụ chứng minh là của ai?; Tự ý đi qua đất của người khác bị buộc phải trả lại lối đi thì Tòa án có phải giải quyết lối đi khác cho họ không?; Sai lầm về xác định quan hệ tranh chấp và xác định quan hệ nhân quả?; Thỏa thuận về đất mà không có xác nhận của cấp có thẩm quyền có hợp pháp không?; Đã thực hiện thỏa thuận rồi có quyền thay đổi không”; Chuyển quyền sở hữu chung hợp nhất sang sở hữu chung theo phần và hậu quả pháp lý; Sai lầm từ việc xác định không đúng về hiệu lực của quyết định thu hồi đất; Vận chuyển ma túy bán cho người khác để hưởng tiền công có phạm tội mua bán trái phép chất ma túy?; Mua bán trái phép hóa đơn hay lừa đảo chiếm đoạt tài sản?; Đòi tiền từ thỏa thuận chấm dứt hợp đồng thì Tòa án có phải xem xét về hợp đồng không?; Tình tiết, sự kiện không phải chứng minh là tình tiết trong phần nhận định hay phần quyết định của bản án?; Giá trị quyền sử dụng đất tăng lên do các yếu tố thị trường có được coi là căn cứ xác định công sức của người quản lý?; Ký hợp đồng mua bán nhà để bảo đảm việc vay tiền có được coi là hợp đồng giả tạo không?; Xác định không đúng về quan hệ tranh chấp và quyền khởi kiện dẫn đến việc hủy án không đúng; Hai vụ án có yêu cầu đối lập nhau có cần nhập một vụ án để giải quyết kết trong cùng một vụ án? Bị thu hồi đất từ năm 1996 nay có quyền khiếu nại không?; Văn tự bán ao có xác nhận của lý trưởng và chưởng bạ có thuộc loại giấy tờ được quy định tại Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 hay không?; Trung tâm Internet Việt Nam có phải là đương sự trong vụ án tranh chấp tên miền không?; Kết luận giám định đúng chữ ký, tại sao vẫn không phải chịu trách nhiệm về chữ ký này?; Đã có quyết định của Tòa án về hợp đồng thế chấp thì có quyền khởi kiện vụ án yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu không?; Tại sao chứng cứ xuất trình tại phiên tòa phúc thẩm không được chấp nhận?; Quyết định hành chính buộc chấm dứt hoạt động của cơ sở sản xuất khi chưa đến hạn cuối cùng theo quy định chung, có sai không?; Việc soạn thảo hợp đồng có nhầm lẫn ghi thiếu giá trị của một hạng mục công việc thì có được thanh toán không ?; Có cần phải phân biệt đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền của người bị hại?; Có phải cứ nguyên đơn khác bị đơn khác quan hệ tranh chấp khác phát là không phải “sự việc đã được giải quyết”?; Có áp dụng quy định mới về thẩm quyền đối với vụ án đã thụ lý từ trước khi quy định mới có hiệu lực hay không?; Hợp đồng chuyển quyền thuê nhà của Nhà nước và hợp đồng bán nhà đang cho thuê của Nhà nước xác lập trước ngày 1/ 7 /1991; Sai lầm do nhận thức phá sản là một loại vụ việc dân sự nên đã áp dụng tố tụng dân sự cho vụ việc phá sản; Hợp đồng giả tạo về giá cả có phải là hợp đồng giả tạo không?; Hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn hay hợp đồng có hiệu lực bị vi phạm?; Hợp đồng bảo lãnh không có bên được bảo lãnh ký có hiệu lực không?; Cần mở lối đi qua đất của ba người, chỉ khởi kiện với một người có được không?

Có thể nói với mỗi bài viết tác giả đã phân tích, kiến giải và rút ra những kinh nghiệm thiết thực đối với việc giải quyết vụ án.

Theo tapchitoaan.vn

Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/co-the-ban-can-biet/tu-phap-thuc-hanh-mot-cuon-sach-bo-ich

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tu-phap-thuc-hanh-mot-cuon-sach-bo-ich-a235198.html