Bên lề Quốc hội: Để chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực sự đi vào cuộc sống

Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 để đạt doanh thu đã khó, có lãi lại càng khó hơn. Do đó, việc giảm 30% thuế chỉ cho các doanh nghiệp có doanh thu và có lãi thì rất ít.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn Thái Bình). Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Sáng 16/6, Quốc hôi thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.

Nhiều đại biểu cho rằng, cần phải đánh giá rõ ràng các tiêu chí về doanh thu, sử dụng lao động cho hợp lý; nới rộng mức miễn, giảm thuế… để chính sách này thực sự đi vào cuộc sống, giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong bối cảnh hiện nay.

Bên hành lang Quốc hội, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn Thái Bình) về vấn đề này.

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về dự thảo Nghị quyết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác được Chính phủ trình Quốc hội?

Đại biểu Nguyễn Văn Thân: Theo Nghị quyết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp mà Chính phủ trình Quốc hội lần này dành cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ với mức giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2020. Nhưng thực tế, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 vừa qua đạt doanh thu đã khó rồi, hơn nữa việc có lãi lại càng khó hơn.

Do đó, việc giảm 30% thuế chỉ cho các doanh nghiệp có doanh thu và có lãi thì rất ít. Tôi cho rằng việc hỗ trợ như vậy hiệu quả chưa cao bởi có quá ít doanh nghiệp được hưởng lợi từ chính sách này.

Để hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả, tôi cho rằng nên giảm 30% thuế cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ, nhưng tính trên doanh thu và lợi nhuận của năm 2019. Như vậy, kết quả sẽ có ngay và kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, giúp họ có nguồn hỗ trợ để bù vào thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra.

Còn việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận trong năm 2020 thì rất khó, trong khi đó phải chờ đến hết năm 2020 mới xét. Lúc đó doanh nghiệp không còn sức để "chiến đấu".

Do đó, tôi đề xuất giảm, miễn trừ cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ thuế giá trị gia tăng. Tức là doanh nghiệp cứ có doanh thu là được giảm, hoặc miễn trừ thuế giá trị gia tăng, còn nếu nói về lợi nhuận năm 2020 là rất khó. Tôi đã có kiến nghị với Quốc hội và Bộ trưởng Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến này.

Phóng viên: Theo ông, cần có giải pháp nào khác để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay?

Đại biểu Nguyễn Văn Thân: Tôi cũng đặt vấn đề này, nhưng đó là đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Vậy còn các doanh nghiệp có quy mô vừa và doanh nghiệp lớn thì sao?
Thực tế, khối doanh nghiệp vừa cũng rất quan trọng, dù chỉ chiếm 4% (30.000 doanh nghiệp) trong tổng số 760.000 doanh nghiệp của cả nước. Nhưng khối doanh nghiệp vừa lại có giá trị, tạo rất nhiều việc làm, doanh thu lớn, trải đều ở tất cả các ngành, đặc biệt là kết nối rất mạnh trong chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tôi cho rằng, Chính phủ cũng cần phải hỗ trợ đối với các doanh nghiệp vừa như đối với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ.

Còn đối với các doanh nghiệp lớn (chiếm 3%), tôi cho rằng phải lựa chọn ra các doanh nghiệp có ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 gây ra. Ví dụ như ngành hàng không, thời gian qua bị thiệt hại rất nặng nề và còn nhiều ngành khác nữa… Do đó, các nhà quản lý cần phải xem xét vấn đề này.

Theo tôi, thà rằng mình đi vay tiền hoặc bằng cách nào đó hỗ trợ các doanh nghiệp này trước để doanh nghiệp "sống". Còn nếu để doanh nghiệp đó "chết" thì mới cứu thì rất nguy hiểm. Như vậy, cần có một Nghị quyết khác chứ không phải Nghị quyết này.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, Chính phủ cần phải tập trung đầu tư vào Quỹ bảo lãnh tín dụng để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Văn Thân: Đúng như vậy vì đây là vấn đề rất hay. Ở các nước, Quỹ bảo lãnh tín dụng của họ rất lớn và nguyên tắc của Quỹ bảo lãnh tín dụng bảo lãnh là tiền của Nhà nước mang ra làm Quỹ đó.

Nhưng ở Việt Nam, Quỹ bảo lãnh tín dụng có cả nguồn tiền từ xã hội hóa và từ các tỉnh, thành phố. Theo tôi được biết có 26 Quỹ và nguồn tiền là từ ngân sách của các địa phương đầu tư; xã hội hóa tức là tiền của các doanh nghiệp.

Trong khi đó, các địa phương thiếu rất nhiều tiền để sử dụng cho các mục đích khác ưu tiên hơn, do đó các địa phương cũng không dành nguồn tiền để đưa vào các Quỹ này. Do đó, nguồn lực của các Quỹ này rất nhỏ. Mặc dù Quỹ có nhiệm vụ bảo lãnh cho các doanh nghiệp đi vay, nhưng khi các doanh nghiệp đi vay ngân hàng thì hệ thống ngân hàng cũng phải có trách nhiệm. Từ đó, hệ thống ngân hàng cũng khó cho doanh nghiệp vay vốn.

Tôi cho rằng, Quỹ bảo lãnh tín dụng này phải lớn và do nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư để bảo lãnh cho tất cả doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ. Khi đó, doanh nghiệp mới có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng. Như vậy, ngân hàng không cần phải có trách nhiệm ở đó nữa, còn nếu ngân hàng vẫn có trách nhiệm thì họ cũng không dám cho vay.
Thực tế hiện nay, Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Quỹ bảo lãnh tính dụng quá nhỏ; quy chế vận hành cho vay rất khó.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Theo bnews.vn

Nguồn bài viết: https://bnews.vn/ben-le-quoc-hoi-de-chinh-sach-ho-tro-doanh-nghiep-thuc-su-di-vao-cuoc-song/159905.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/ben-le-quoc-hoi-de-chinh-sach-ho-tro-doanh-nghiep-thuc-su-di-vao-cuoc-song-a235154.html