(Pháp lý) - Nghiên cứu từ thực tế nhiều vụ án lớn đã xảy ra cho thấy việc thiếu quy định về cơ chế giám sát cơ quan quản lý thầu, nhà thầu… cho đến những bất cập, thiếu minh bạch trong việc giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất không sát giá thị trường…đã tạo kẽ hở cho tiêu cực tham nhũng, trục lợi. Biểu hiện cụ thể đó là sự cấu kết giữa doanh nghiệp với những quan chức có thẩm quyền trong việc đấu thầu, chỉ định thầu, ký quyết định mua bán, chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… gây thất thoát tài sản Nhà nước hàng nghìn tỉ đồng.
Nhiều quan chức, lãnh đạo “sa lầy” trong “đại án”
Liên quan đến vụ án “Buôn lậu; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Rửa tiền; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị liên quan, tháng 5/2019, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố 8 người về 2 tội danh trên gồm Bùi Quang Huy – Tổng Giám đốc Nhật Cường nhưng ông Huy bỏ trốn, hiện đang bị truy nã.
Sau đó, cơ quan điều tra khởi tố bổ sung tội danh “Rửa tiền” tại Công ty Nhật Cường và khởi tố bổ sung vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở KH&ĐT Hà Nội và các đơn vị có liên quan. Cơ quan điều tra đã bắt tạm giam Nguyễn Tiến Học - nguyên Phó Giám đốc Sở KH&ĐT; Phạm Thị Kim Tuyến - Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh Sở KH&ĐT và Lê Duy Tuấn – Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Đông Kinh. Ngày 28/12/2019, ông Nguyễn Văn Tứ - Chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội bị bắt để điều tra về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trong vụ án “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Ban Quản lý đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và các đơn vị liên quan, tháng 11/2019, cơ quan điều tra đã khởi tố 4 người gồm Nguyễn Tiến Thành - nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Hà Văn Bình - nguyên Giám đốc gói thầu số 7; Phạm Đình Phú - Phó Tổng Giám đốc Công ty Phương Thành, Giám đốc Ban điều hành gói thầu số 5; Nguyễn Thành An - Thành viên Cienco 1, Phó Giám đốc Ban điều hành gói thầu số 7.
Mở rộng điều tra, tháng 2/2020, thêm 5 người bị khởi tố vì sai phạm tại dự án gồm Vũ Như Khuê - nguyên Giám đốc gói thầu số 1; Quản Trọng Tuấn - nguyên Giám đốc gói thầu 3B; Nguyễn Quốc Hải - nguyên Giám đốc gói thầu số 6; Phan Khánh Toàn - nguyên Giám đốc gói thầu số 4; Phan Ngọc Thơm - nguyên Phó Giám đốc gói thầu số 2 và 3B. Ông Lê Quang Hào - Phó Tổng Giám đốc VEC bị bắt để điều tra về vi phạm trong quá trình thi công, nghiệm thu cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vào tháng 5/2020.
Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Tham ô tài sản” xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri). Tháng 7/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam ông Lê Tấn Hùng – nguyên Tổng Giám đốc Sagri; Vân Trọng Dũng - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên; Nguyễn Thành Mỹ - nguyên Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Đầu tư và Nguyễn Thị Thúy - nguyên Kế toán trưởng SAGRI.
Đặc biệt, vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Tổng Công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Tháng 11/2018, cơ quan điều tra khởi tố ông Nguyễn Hữu Tín; Đào Anh Kiệt - nguyên Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM; Lê Văn Thanh - nguyên Phó Chánh văn phòng UBND TP.HCM; Nguyễn Thanh Chương - nguyên Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TP.HCM;Trương Văn Út - Phó Trưởng phòng quản lý đất, Sở TN&MT. Tiếp đó, tháng 8/2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố bị can với Nguyễn Quang Minh - nguyên Trưởng phòng Hạ tầng, Sở KH&ĐT TP. HCM; Lâm Nguyên Khôi - nguyên Phó Giám đốc Sở KH&ĐT; Nguyễn Lan Châu - chuyên viên Phòng Quản lý đất, Sở TN&MT TP. HCM.
Theo thông tin từ cơ quan điều tra, ông Nguyễn Hữu Tín khi còn là Phó Chủ tịch UBND TP. HCM đã ký quyết định chấp thuận cho Công ty CP Đầu tư Sabeco Pearl thuê khu đất với thời gian 50 năm một cách trái quy định để xây dựng dự án khu phức hợp 6 sao, trung tâm hội nghị, hội thảo và cao ốc văn phòng cho thuê.
Hay trong vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên (Tisco). Tháng 4/2019, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty TISCO. Vụ án có 5 người bị khởi tố, trong đó Mai Văn Tinh - nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) và Đậu Văn Hùng - nguyên Tổng Giám đốc VNS cùng bị điều tra về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.
Các ông Trần Trọng Mừng - nguyên Tổng Giám đốc TISCO; Trần Văn Khâm - nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc TISCO và Ngô Sỹ Hán - nguyên Phó Tổng Giám đốc, Trưởng Ban Quản lý dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - TISCO cùng bị khởi tố về các tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Liên quan sai phạm tại dự án trên, tháng 1/2020, ông Hoàng Trung Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.
Những lỗ hổng pháp luật trong thực hiện thầu, giám sát nhà thầu và quản lý thầu
Theo nhiều chuyên gia cho rằng để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng trong các vụ án nêu trên phần lớn là do nguyên nhân chủ quan, từ sự tha hóa từ lòng tham của chính những cán bộ, lãnh đạo. Tuy nhiên, theo như nhìn nhận của chúng tôi, nguyên nhân không chỉ từ ý chí chủ quan của các đối tượng mà một phần từ chính những quy định của pháp luật. Bởi khi pháp luật còn nhiều bất cập, nhiều lỗ hổng thì những đối tượng này mới có cơ hội luồn lách thực hiện trót lọt những phi vụ tưởng chừng như hết sức vô lý nhưng lại vô cùng hợp lý như vậy.
Ví dụ, trong vụ án Nhật Cường, để Nhật Cường Software (do ông Bùi Quang Huy - đang bị truy nã quốc tế, làm chủ) – một công ty non trẻ mới chỉ chính thức hoạt động từ năm 2016, có thể đường đường chính chính trúng các gói thầu công nghệ lớn của Hà Nội là do các đối tượng đã móc ngoặc, lợi dụng kẽ hở quy định của Luật Đấu thầu.
Theo hồ sơ, năm 2016, ông Nguyễn Văn Tứ - Chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội ký quyết định phê duyệt gói thầu "Số hóa tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2016", với giá trị gần 43 tỉ đồng, nguồn vốn chi từ sự nghiệp khoa học công nghệ. Ông Tứ giao cho Trưởng phòng đăng ký kinh doanh số 1 và Chánh Văn phòng Sở chịu trách nhiệm triển khai bằng hình thức đấu thầu rộng rãi.
Mặc dù ngay trước thời điểm mở thầu, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã có ý kiến chỉ đạo tạm dừng gói thầu. Nhưng sau đó, Công ty TNHH giải pháp phần mềm Nhật Cường đã đề nghị với Sở được thực hiện thí điểm số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
Đến tháng 11/2016, Giám đốc Sở KH&ĐT tiếp tục có báo cáo về việc thí điểm số hóa tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Trong báo cáo, sở nêu là hồ sơ đã scan nhưng chưa hoàn thành công cụ đồng bộ tự động để cập nhật số hồ sơ sau khi được scan lên hệ thống thông tin đăng ký kinh doanh quốc gia.
Vì vậy, ông Tứ tiếp tục đề nghị thực hiện các thủ tục đấu thầu cho gói thầu số hóa tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội. Sở KH&ĐT đã bổ sung cập nhật hồ sơ lựa chọn nhà thầu những yêu cầu về giải pháp, tiêu chuẩn kỹ thuật đã được thực hiện thí điểm.
Và với những tiêu chí mà Sở này đặt ra, Liên danh Công ty Nhật Cường - Đông Kinh đã trúng gói thầu trị giá gần 43 tỉ đồng của Sở KH&ĐT TP. Hà Nội. Đáng chú ý, liên danh này đã ghi giá dự thầu là 42.890 triệu đồng, thấp hơn giá chào thầu 42.910 triệu và trúng thầu.
Không chỉ vậy, Công ty Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường đã từng được chỉ định thầu nhiều dự án hàng chục tỉ đồng như gói thầu "Thuê dịch vụ cung cấp phần mềm khai thác cơ sở dữ liệu dân cư, triển khai dịch vụ công trực tuyến và ứng dụng điều hành, phục vụ công dân, doanh nghiệp” lên tới gần 10,7 tỉ đồng với lý do "để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống ứng dụng trên nền tảng dùng chung của thành phố…”
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho rằng, qua sự việc trên có thể thấy công tác tổ chức đấu thầu đang có những lỗ hổng tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân lợi dụng. Trước đây chúng ta chỉ chú ý đến việc giám sát tổ chức, cá nhân thực hiện thầu mà chưa tính đến việc phải giám sát cả chính cơ quan quản lý thầu.
Vụ việc trên đã cho thấy chính những người đại diện cho cơ quan có thẩm quyền lại rất dễ dàng bị thao túng, lợi dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện những hành vi vi phạm hoạt động đấu thầu. Rõ ràng, trong thời gian xảy ra sai phạm, bên mời thầu đã có sự “ưu ái” cho Nhật Cường khi để Nhật Cường trúng gói thầu hàng trăm tỷ đồng trong khi công ty này có nhiều dấu hiệu không minh bạch.
Từ vụ việc này, đặt ra yêu cầu cần phải tăng cường hơn các biện pháp về tổ chức đấu thầu, quản lý việc chọn lựa đơn vị trúng thầu và công tác giám sát, kiểm tra để phát hiện kịp thời những sai phạm.
Tuy nhiên, theo chúng tôi, pháp luật không chỉ thiếu những quy định để giám sát cơ quan quản lý thầu như quan điểm của Luật sư Hà nêu trên mà ngay cả những quy định về giám sát nhà thầu hiện nay còn nhiều bất cập. Điều này có thể thấy rõ qua hành vi chia nhỏ chuyển nhượng bán thầu thu phí trái quy định trong hai vụ án sau:
Trong vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên. Kết luật thanh tra chỉ ra rằng, Công ty Cổ phần Công nghiệp Việt Nam sau khi được giao thực hiện thi công Phần C của hợp đồng EPC số 01 thuộc dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên với giá trị tạm tính hơn 764 tỷ đồng đã không thực hiện cam kết mà ký 40 hợp đồng giao việc và khoán nhân công với 29 nhà thầu khác với giá trị hơn 505 tỷ đồng và thu phí quản lý 5-10% giá trị hợp đồng.
Hay trong vụ án “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam… Biên bản thanh tra của Thanh tra Bộ Giao thông vận tải cũng chỉ rõ gói thầu A5 kéo dài từ Km 124+700 đến Km 139+204, giá trị gần 1.400 tỷ đồng, ban đầu được Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam giao cho Công ty Posco Engineering & Construction Co., Ltd (Posco) thực hiện toàn bộ gói thầu.
Tuy nhiên khi đã có hợp đồng trong tay, Công ty Posco không tổ chức thi công mà bán lại cho các đơn vị khác để hưởng tiền chênh lệch. Đáng chú ý là trong số các nhà thầu phụ ký hợp đồng với Posco có đến 4 nhà thầu phụ không đủ năng lực nên bị nhà thầu chính cho dừng thi công giữa chừng.
Dưới góc độ chuyên môn, nhiều chuyên gia chỉ rõ việc bán thầu như trên là một hình thức "cò" dự án để kiếm hoa hồng. Cứ mỗi lần bán thầu, nhà thầu chính (bên bán thầu - PV) được hưởng từ 10 đến 15% giá trị hợp đồng. Nhà thầu chính không phải làm gì nhưng vẫn nhận được tiền hoa hồng. Thất thoát nguồn vốn nằm ở công đoạn này.
Ngoài ra, việc thất thoát nguồn vốn từ A sang B rồi đến C,D… dẫn đến đơn vị trực tiếp thi công (nhà thầu phụ cuối cùng) phải "cân - đong - đo - đếm", dùng các vật liệu giá rẻ hơn, thậm chí là bớt xén vật liệu để thi công. Cuối cùng, những hạng mục đó vẫn hoàn thành nhưng chất lượng sẽ không đảm bảo.
Dù vậy, xem xét những quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng cũng như đấu thầu đã có những quy định tương đối chặt chẽ. Theo đó, Điều 89 Luật Đấu thầu 2013 quy định về những hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu: Nhà thầu chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu có giá trị từ 10% trở lên hoặc dưới 10% nhưng trên 50 tỷ đồng (sau khi trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ) tính trên giá hợp đồng đã ký kết; Chủ đầu tư, tư vấn giám sát chấp thuận để nhà thầu chuyển nhượng công việc thuộc trách nhiệm thực hiện của nhà thầu, trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ đã kê khai trong hợp đồng.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia lâu năm trong ngành xây dựng phân tích, pháp luật đã có những quy định nhằm hạn chế việc nhà thầu “bán thầu” và Bộ luật Hình sự đã quy định hành vi “chuyển nhượng thầu trái phép” là một trong những hành vi của tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” tại điểm g khoản 1, khoản 4 Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015.
Nhưng cũng chính pháp luật lại chưa chặt chẽ, đã “tạo điều kiện” cho các đối tượng "ngụy trang" dưới các hình thức thầu chính, thầu phụ, thậm chí thầu phụ của thầu phụ… Và khi đến người thực hiện trực tiếp, giá trị nhận việc đã bị giảm thấp đáng kể.
Luật Đất đai và những lỗ hổng “tiếp tay” cho sai phạm hàng nghìn tỷ đồng
Tương tự, có thể nhận thấy những bất cập của Luật Đất đai và các văn bản dưới luật là những lỗ hỗng rất lớn đang ngày ngày, giờ giờ tiếp tay cho các nhóm lợi ích lợi dụng, thao túng, tự tung tự tác.
Thứ nhất, Luật Đất đai 2013 quy định, nhà nước trao quyền sử dụng đất bằng quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Như vậy việc quyết định quyền sử dụng đất (là một quyền tài sản) bằng một quyết định hành chính, do một người là đại diện cơ quan hành chính nhà nước ban hành. Quy định như vậy có thể tạo ra cơ chế xin – cho, dễ nảy sinh tham nhũng.
Thứ hai, Luật Đất đai chỉ quy định việc đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất chứ chưa quy định chặt chẽ, bắt buộc phải đấu giá đối với đất do doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng khi chuyển mục đích sử dụng đất. Vì thế, rất nhiều địa phương tìm cách lách luật bằng cách cho thuê đất, lập dự án cho hoạt động thương mại dịch vụ, có thời hạn sử dụng đất là 50 năm, sau một hai năm cho phép sử dụng lâu dài, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, để tránh phải đấu giá đất. Đồng thời quy định về đối tượng được giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá còn khá rộng, chưa cụ thể.
Vấn đề này cùng với những bất cập, thiếu minh bạch trong việc xác định giá đất không sát giá thị trường, là kẽ hở cho tiêu cực, gây thất thoát ngân sách Nhà nước khi chuyển quyền sử dụng đất từ doanh nghiệp Nhà nước sang doanh nghiệp tư nhân thông qua cổ phần hoá, sau đó chuyển mục đích sử dụng đất mà không phải đấu giá trong điều kiện nguồn đất đai có hạn, nhu cầu sử dụng đất ngày càng cao, nhất là tại đô thị với các khu đất có giá trị sinh lời cao.
Những lỗ hổng này có thể thấy rõ nhất qua vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Sabeco. Theo đó, Sabeco được Bộ Tài chính cho phép sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng để xây dựng trụ sở văn phòng Sabeco và trung tâm thương mại dịch vụ văn phòng theo phương án sắp xếp, xử lý nhà đất công.
Tuy nhiên, dựa trên tờ trình của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đào Anh Kiệt, vào tháng 6/2015, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín ký quyết định chấp thuận cho Công ty CP Đầu tư Sabeco Pearl thuê khu đất với thời gian 50 năm để xây dựng dự án khu phức hợp 6 sao, trung tâm hội nghị, hội thảo và cao ốc văn phòng cho thuê.
Quyết định trên trái với phương án xử lý nhà, đất của Bộ Tài chính đối với khu đất này. Ngoài ra, nếu Sabeco không có nhu cầu sử dụng lô đất này và giao lại cho nhà nước thì UBND TP. HCM phải giao đất qua đấu giá quyền sử dụng đất chứ không phải tự ý giao chỉ định cho Công ty CP Đầu tư Sabeco Pearl, để rồi sau đó Sabeco thanh lý toàn bộ cổ phần sở hữu trong Sabeco Pearl cho Công ty CP Attland (1 trong 4 cổ đông sáng lập Sabeco Pearl) với giá bèo.
Kiến nghị
Từ các vụ án nêu trên, có thể nhận thấy các sai phạm chủ yếu tập trung vào những trường hợp: Thứ nhất, các cá nhân, tổ chức có chức vụ, quyền hạn tự ý ra các quyết định vượt quá thẩm quyền luật định. Ví dụ SAGRI đã không xin ý kiến của thành phố khi cho Tổng Công ty Phong Phú thay thế Công ty Hồng Lĩnh làm đối tác kinh doanh; không thực hiện thuê công ty thẩm định giá khi chuyển nhượng dự án cho Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú; không lập thủ tục đề nghị cơ quan chức năng xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung khi dự án được điều chỉnh qui hoạch với các chỉ tiêu về cơ cấu sử dụng đất, mật độ xây dựng, tầng cao…
Hai là, các cá nhân, tổ chức có thẩm quyền quyết định nhưng ra các quyết định không phù hợp với các yêu cầu của pháp luật, chủ trương của cơ quan cấp trên hoặc phương án đã được thông qua trước đó. Ví dụ như các hành vi: Chỉ định thầu; không tổ chức đấu thầu, đấu giá theo quy định; phê duyệt giá đất dự án thấp hơn giá đất Nhà nước…
Đáng lưu ý, vấn đề nổi lên rõ nhất là sự tha hóa của một bộ phận cán bộ lãnh đạo. Vai trò của người đứng đầu, người tham mưu cho người đứng đầu đặc biệt quan trọng, nếu những đối tượng này cố ý làm sai sẽ dẫn đến toàn bộ chu trình sai theo. Chính vì vậy, xử lý nghiêm những cán bộ sai phạm là việc làm cấp thiết để làm trong sạch bộ máy công quyền, lấy lại niềm tin từ nhân dân.
Và cuối cùng, dù các sai phạm chủ yếu tập trung vào yếu tố con người (cố ý làm trái, tha hóa, tư lợi), nhưng cũng vẫn cần phải chú trọng hoàn thiện chính sách pháp luật về đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đất đai… để lấp đi những lỗ hổng mà các đối tượng có thể lợi dụng để trục lợi.
PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến (Đại học Luật Hà Nội): Mặc dù trong thời gian qua, Nhà nước đã cố gắng sửa đổi pháp luật trong quản lý đất đai, tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại bất cập. Trong đó, nổi lên là lỗ hổng kiểm soát quyền lực, nhiều người được giao quản lý đất đã tự ý thu hồi đất, cấp đất, giao đất, bán đất. Tình trạng này diễn ra phổ biến tràn lan tại nhiều địa phương trên cả nước…
-------------------------
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SBLAW: Công tác tổ chức đấu thầu đang có những lỗ hổng tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân lợi dụng. Trước đây chúng ta chỉ chú ý đến việc giám sát tổ chức, cá nhân thực hiện thầu mà chưa tính đến việc phải giám sát cả chính cơ quan quản lý thầu. Do đó, cần phải tăng cường hơn các biện pháp về tổ chức đấu thầu, quản lý việc chọn lựa đơn vị trúng thầu và công tác giám sát, kiểm tra để phát hiện kịp thời những sai phạm.
Nam Kiên