Tenma Việt Nam và vấn đề phòng chống hối lộ quan chức nước ngoài

(Pháp lý) - Báo chí Nhật Bản hồi tháng 5 vừa qua đưa tin Công ty TNHH Tenma Việt Nam đã hối lộ cán bộ Cục thuế tỉnh Bắc Ninh với ước tính tổng số tiền lên đến 25 triệu yên (khoảng 5,4 tỷ đồng). Thông tin này vẫn đang được xác minh làm rõ, nhưng đây không phải lần đầu tiên Nhật Bản công bố thông tin về hiện tượng tiêu cực này. Sự kiện đặt ra vấn đề phòng chống hối lộ quan chức nước ngoài hiện nay như thế nào?

Công ty TNHH Tenma Việt Nam

Sự kiện Tenma Việt Nam

Theo bài viết đăng ngày 12/5 trên báo Asahi của Nhật, hãng sản xuất nhựa Tenma- có trụ sở tại Tokyo Nhật Bản đã “đầu thú” với Tòa án Tokyo rằng một công ty con của hãng tại KCN Quế Võ, Bắc Ninh, Việt Nam, là Công ty TNHH Tenma Việt Nam đã hối lộ cán bộ nhà nước của Việt Nam với ước tính tổng số tiền lên đến 25 triệu yên (tương đương khoảng 5,4 tỷ đồng).

Các công tố viên quận Tokyo ban đầu đánh giá hành vi này của Tenma đã vi phạm Luật phòng chống cạnh tranh không lành mạnh của Nhật Bản. Theo cơ quan điều tra, khoản tiền trên được lãnh đạo Công ty Tenma trực tiếp thông qua khoản “phí điều chỉnh” cho các cán bộ của của một cơ quan địa phương của Việt Nam nhằm được miễn giảm khoản truy thu thuế đối với công ty con tại Việt Nam.

Khoản “phí điều chỉnh” trị giá 25 triệu yên này được thực hiện qua 2 lần. Cụ thể, lần đầu tiên vào tháng 6 năm 2017, sau khi nhận được thông báo về khoản truy thu thuế giá trị giá tăng với vật liệu thô nhập khẩu lên tới 400 tỷ đồng, lãnh đạo của công ty con Tenma Việt Nam đã đưa ra với trụ sở về “sáng kiến” hối lộ cho các cán bộ địa phương Việt Nam nhằm được miễn khoản tiền trên. Được sự đồng ý của ông Kento Fujino, Chủ tịch tại trụ sở chính của công ty, Tenma Việt Nam đã trả 2 tỷ đồng (khoảng 10 triệu yên) cho cán bộ của Việt Nam để tránh khoản phụ phí. Kết quả, công ty này đã được miễn 400 tỷ đồng.

Ngoài ra, vào tháng 8 năm 2019, sau một cuộc kiểm tra thuế và được cán bộ địa phương Việt Nam yêu cầu nộp thêm khoản thuế 17,8 tỷ đồng (khoảng 89 triệu yên) bao gồm thuế doanh nghiệp. Tuy nhiên, cán bộ điều tra thuế yêu cầu phía công ty trả tiền mặt 3 tỷ đồng. Công ty này thực hiện theo và sau cùng được giảm khoản truy thu thuế doanh nghiệp từ 17,8 tỷ đồng xuống còn khoảng 570 triệu đồng (2,62 triệu yên).

Thông tin này vẫn đang được yêu cầu làm rõ. Chưa có kết quả điều tra, xác minh nhưng sự kiện này khiến dư luận nhớ đến vụ án Đại lộ Đông - Tây tại TP. Hồ Chí Minh 10 năm trước. Hồi đó cũng do báo chí Nhật đưa tin việc bốn quan chức công ty PCI đã nhận việc chuyển cho một quan chức cao cấp tại TP. Hồ Chí Minh số tiền hối lộ 820.000 đôla để thắng thầu dự án phát triển cơ sở hạ tầng có sử dụng vốn ODA của Nhật trong thành phố. Quan chức đó được xác định là ông Huỳnh Ngọc Sĩ.

Các khoản tiền mà PCI trao cho ông Sĩ được các công tố viên tại Tòa án quận hạt Tokyo liệt kê tổng cộng lên tới 2,43 triệu đôla nhưng chỉ xác lập vụ án hình sự 2 khoản, tổng cộng 820.000 đôla.

Ngày 5/8/2008, có 4 quan chức công ty PCI đã bị bắt và đến cuối tháng đã bị khởi tố là Masayoshi Taga (cựu Chủ tịch PCI), Haruo Sakashita (cựu thành viên Hội đồng Quản trị công ty PCI), Kunio Takasu (Cựu Giám đốc điều hành) và Tsuneo Sakano (Cựu đại diện văn phòng Hà Nội của công ty PCI). Tòa án Quận hạt Tokyo đã buộc tội các bị cáo vi phạm Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh của Nhật Bản, trong đó có điều nghiêm cấm hối lộ các quan chức chính phủ nước ngoài và trước tòa, các quan chức PCI đã nhận tội.

Ngày 18/10/2010, TAND TP. Hồ Chí Minh tuyên phạt ông Huỳnh Ngọc Sỹ mức án tù chung thân với tội danh "Nhận hối lộ", sau đó Tòa án cấp phúc thẩm đã tuyên giảm hình phạt từ chung thân xuống còn 20 năm.

Những vụ hối lộ quan chức nước ngoài bị phanh phui

Nhằm giành được lợi thế kinh doanh và đầu tư, nhiều nhà đầu tư trên thế giới đã thực hiện hành vi hối lộ công chức của các Chính phủ, cơ quan, tổ chức nước ngoài hoặc quốc tế. Do đó, rất nhiều quốc gia đã rất chú trọng đến việc xây dựng một hệ thống pháp luật chặt chẽ nhằm chặn đứng vấn nạn này.

Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), vào tháng 6/2014, Mỹ đã phải xử lý 128 trường hợp hối lộ nước ngoài liên quan đến các cá nhân và pháp nhân, Đức xử lý 26 vụ, Hàn Quốc - 11 vụ, Anh, Italy, Thụy Sỹ - 6 vụ, Nhật Bản - 3 vụ…

Theo tác giả Thái Anh trong một bài viết trên website Người bảo vệ quyền lợi, tính đến cuối năm 2017, Mỹ đã điều tra, truy tố và kết án nhiều nhất các vụ hối lộ công chức nước ngoài trong số các nước thành viên Công ước Chống hối lộ công chức nước ngoài trong giao dịch thương mại quốc tế của OECD. Chỉ trong năm 2017, 13 vụ hối lộ công chức nước ngoài đã bị truy tố tại các tòa án hình sự của nước này.

Cũng theo báo cáo của OECD, có tới 2/3 các vụ hối lộ công chức nước ngoài xảy ra trong 4 lĩnh vực: khai thác (19%); xây dựng (15%); vận chuyển và lưu kho (15%); thông tin và truyền thông (10%). Trong phần lớn các trường hợp, hối lộ được trả để có được hợp đồng mua sắm công (57%), để giải quyết các thủ tục hải quan (12%). Trung bình, số tiền hối lộ bằng 10,9% tổng giá trị giao dịch và 34,5% lợi nhuận.

Ảnh minh họa

Nhiều nước đã hình sự hóa hành vi hối lộ công chức nước ngoài

Vì vậy, Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức, Thụy Sĩ… đã hình sự hóa hành vi hối lộ công chức nước ngoài. Chẳng hạn, Mỹ có đạo luật chống các hành vi tham nhũng có yếu tố nước ngoài viết tắt là FCPA, hình sự hóa hành vi hối lộ quan chức chính phủ nước ngoài từ rất sớm, vào năm 1977. Ngoài ra nước này còn có Luật Đi lại, trong đó nghiêm cấm việc đi lại giữa các bang hoặc ra nước ngoài với mục đích phân tán tài sản có được do những hoạt động bất hợp pháp. Ngoài ra, Mỹ còn xây dựng các văn bản pháp luật khác về chống rửa tiền, thư tín điện tử giả mạo, vi phạm thuế… nhằm hỗ trợ cho việc áp dụng và thực thi luật chống hối lộ công chức nước ngoài.

Anh phê chuẩn Công ước chống hối lộ công chức nước ngoài trong các giao dịch thương mại quốc tế của OECD từ năm 1998. Tháng 4/2010, Anh ban hành Luật chống Hối lộ, trong đó đưa ra một tội danh riêng về hối lộ công chức nước ngoài. Ngoài ra, Anh còn có Luật về Tài sản do phạm tội mà có (2002), Luật Cung cấp thông tin vì lợi ích công (1998)…

Những đạo luật chủ yếu về chống tham nhũng ở Nhật gồm Bộ luật Hình sự và Luật về chống cạnh tranh không lành mạnh. Nhật Bản được đánh giá là quốc gia có khung pháp lý mạnh mẽ và được thực thi hiệu quả. Bộ luật Hình sự áp dụng đối với các tội phạm thuộc lĩnh vực công và nghiêm cấm việc hối lộ chủ động hoặc thụ động các công chức, bao gồm các khoản thanh toán thuận lợi. Đạo luật về phòng chống cạnh tranh không lành mạnh đã tội phạm hóa hành vi hối lộ công chức và doanh nghiệp nước ngoài cũng như những cá nhân có trách nhiệm. Nhật Bản không có luật về hối lộ trong khu vực tư nhưng pháp luật đặc biệt được áp dụng khi doanh nghiệp tư nhân có mối liên hệ chặt chẽ với lợi ích công. Luật doanh nghiệp áp dụng đối với khu vực tư và quy định hình phạt đối với hành vi hối lộ chủ động hoặc thụ động của giám đốc hoặc người có vị trí tương tự của các công ty chứng khoán.

Đạo luật về đạo đức chỉ áp dụng đối với cá nhân, có giá trị tham khảo về quà tặng và yêu cầu các công chức trung, cao cấp phải báo cáo về những quà tặng có giá trị vượt quá 5000 yên Nhật. Hình phạt cao nhất là 5 năm tù hoặc phạt tiền 300 ngàn yên và có thể lên đến 20 năm đối với công chức đòi hối lộ.

Trong lĩnh vực dịch vụ công, nguy cơ tham nhũng và hối lộ khi các doanh nghiệp xin cấp phép và sử dụng các dịch vụ công khác ở Nhật Bản cũng rất thấp. Cũng theo báo cáo về cạnh tranh toàn cầu năm 2015 – 2016 thì Nhật Bản được xếp hạng trong các quốc gia mà các khoản chi không chính thức, hối lộ liên quan đến dịch vụ công thấp nhất thế giới.

Hàn Quốc cũng ban hành Luật Ngăn ngừa Hối lộ công chức nước ngoài trong các giao dịch Thương mại quốc tế vào năm 1999 và một số văn bản pháp luật bổ trợ như Luật Tương trợ Tư pháp Hình sự Quốc tế, Luật Thuế Thu nhập của công ty và Luật thuế Thu nhập của Cá nhân nghiêm cấm việc khấu trừ thuế cho các khoản hối lộ trong nước và nước ngoài…

Còn ở Trung Quốc, hành vi hối lộ công chức nước ngoài sẽ bị xử lý theo Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ tháng 5/2011. Bên cạnh đó, nó còn nằm dưới sự điều chỉnh của Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh…

Đa số pháp luật các nước cho rằng, đối với hành vi hối lộ công chức nước ngoài, xử lý hình sự không phải là biện pháp duy nhất hoặc đầu tiên. Giải pháp hàng đầu và căn bản là phải có cơ chế pháp lý để phòng ngừa, phát hiện hành vi này.

Việt Nam và vấn đề ngăn ngừa hối lộ công chức nước ngoài

Điều 354 BLHS năm 2015 về tội nhận hối lộ đã quy định “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ”, thì bị phạt tù từ 02 năm chung thân hoặc tử hình tùy theo mức độ phạm tội tương ứng với quy định trong các khoản của điều luật. Khoản 6 của điều luật nêu rõ: “Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này”. Điều 353 BLHS năm 2015 về tội tham ô tài sản cũng quy định tương tự.

Như vậy, chủ thể của tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ còn có thể là người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước. Đó là những người làm công tác quản lí từ cấp cao nhất tới cấp thấp nhất hoặc những người tuy không có chức vụ nhưng được giao nhiệm vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức này và nhiệm vụ đó làm phát sinh quyền của họ đối với người khác.

Theo nghiên cứu của TS. Đào Lệ Thu và các đồng nghiệp tại Đại học Luật Hà Nội, so sánh với pháp luật của Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc cho thấy, quy định của pháp luật Việt Nam về hành vi này còn sơ sài và khó áp dụng. Trên thực tế, cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam có hiểu biết khá ít ỏi về loại hành vi này, nên việc chính sách thiếu rõ ràng càng khiến khả năng thực thi trở nên khó khăn.

Theo nhóm tác giả, pháp luật Việt Nam chưa làm rõ được nội hàm khái niệm công chức nước ngoài và công chức của tổ chức quốc tế công; phạm vi lợi ích mà người phạm tội hướng tới khi thực hiện hành vi hối lộ; mục đích hành vi đưa hối lộ… Quan trọng hơn cả, Việt Nam đã chính thức ghi nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại trong Bộ luật Hình sự 2015, nhưng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại lại không bao gồm tội đưa hối lộ. Như vậy, pháp nhân thương mại đưa hối lộ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự Việt Nam.

Đây được xem là rào cản chính và khác biệt căn bản so với luật hình sự của các nước khác. Khác biệt này sẽ trở thành một khó khăn cho Việt Nam trong hợp tác quốc tế đấu tranh chống hối lộ công chức nước ngoài, không đảm bảo cơ chế hợp tác để xử lý pháp nhân một cách công bằng, bình đẳng. Trên thực tế, rất ít cá nhân phạm phải tội này, mà thường là pháp nhân.

Tuy nhiên, dù còn những sơ hở, việc hình sự hóa tội này là một bước đi đầu tiên, đặt ra một loạt yêu cầu, kể cả hoàn thiện pháp luật hình sự và hệ thống pháp luật khác, để đảm bảo phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả.

Minh Khôi

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tenma-viet-nam-va-van-de-phong-chong-hoi-lo-quan-chuc-nuoc-ngoai-a235015.html