Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân và những đề xuất sắc sảo

(Pháp lý) - TS. Lê Thanh Vân, Đại biểu Quốc hội đoàn Cà Mau, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội là một trong những Đại biểu thẳng thắn, có trách nhiệm, không ngại va chạm. Phát biểu của ông cũng thu hút sự theo dõi của giới báo chí nhiều năm qua. Nhân ngày báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, Pháp lý xin điểm một vài đề xuất sắc sảo của đại biểu Lê Thanh Vân.

Đại biểu Lê Thanh Vân phát biểu trước Quốc hội

Bảy nguy cơ đe dọa an ninh kinh tế và đề xuất xây dựng Luật An ninh kinh tế

Thảo luận tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV về dự kiến Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2020, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đã đề xuất nghiên cứu xây dựng Luật An ninh kinh tế.

Theo ông Vân, lý do cần xây dựng luật này là để xóa bỏ bảy nguy cơ đe dọa đến an ninh kinh tế của đất nước. Nguy cơ thứ nhất là về chủ quyền quốc gia bị xâm phạm do các hoạt động kinh tế, nhất là kinh tế đối ngoại.

Ông Vân dẫn chứng cụ thể: Chúng ta có thể thấy đường lưỡi bò phi pháp xuất hiện ở các doanh nghiệp do người Trung Quốc nắm giữ về du lịch hay các hoạt động kinh doanh khác. Bản đồ đường lưỡi bò phi pháp thể hiện qua nhiều công cụ tác động đến chủ quyền quốc gia. Hay các dự án bất động sản ven biển… Đó là những vấn đề đe dọa đến chủ quyền quốc gia thông qua hoạt động kinh tế, đặc biệt là hợp tác kinh tế quốc tế.

Nguy cơ thứ hai đó là những bất ổn về kinh tế vĩ mô thông qua các chỉ số về tăng trưởng, đầu tư công, an toàn chính sách tài khóa.

Thứ ba là nguy cơ về tham nhũng thông qua dự án hợp tác quốc tế mà thấy rõ qua việc hợp tác đó để lẩn trốn âm mưu cá nhân, lợi ích nhóm để thao túng kinh tế. Thứ tư là nguy cơ tham nhũng chính sách đầu tư thông qua quy hoạch, quy hoạch sử dụng đất đai, các khiếu kiện từ chính sách đầu tư thông qua quy hoạch sử dụng đất.

Nguy cơ thứ năm vấn đề an ninh về môi trường thông qua các dự án đầu tư hợp tác với nước ngoài. Đặc biệt là các khu công nghiệp xả thải ra môi trường vô tội vạ, đe dọa đến môi trường sống, tính mạng của nhân dân.

Nguy cơ thứ sáu là an ninh về văn hóa xét từ góc độ hợp tác đầu tư với nước ngoài. Nguy cơ cuối, theo ông Vân là tác động từ toàn cầu hóa sau nhìn nhận đại dịch Covid-19 toàn cầu.

"Thế giới đang được vẽ lại bản đồ về chính trị, kinh tế và các lỗ hổng về toàn cầu hóa. Đại dịch vừa qua đã buộc các quốc gia phải thắt chặt lại an ninh kinh tế theo cách riêng của mình. Đó là bảo đảm nội lực để ngăn chặn các tác động xấu của ngoại lực, là an toàn thị trường trong nước dưới tác động của đại dịch Covid-19 có thể phá vỡ đi độ liên kết của các quốc gia trong hoạt động kinh tế. Tôi cho rằng, đây là vấn đề quan trọng, có thể đạo luật này là tập hợp các quy định rải rác ở văn bản khác, mang tính tố tụng về kinh tế, đặc biệt trong thu hút đầu tư để chế định tất cả vấn đề mang tính nguyên tắc nhất nhằm xử lý các vấn đề an ninh kinh tế" - ông Vân nêu thêm.

Hiến kế chọn người tài

Khi Đảng đoàn Quốc hội xin ý kiến thành viên Tổ đảng ở các cơ quan của Quốc hội để đóng góp vào Dự thảo Quy định về phân cấp quản lý cán bộ, đại biểu Lê Thanh Vân đã có thư gửi đến Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, bày tỏ những suy nghĩ của mình về vấn đề quan trọng này.

Ông cho rằng, Dự thảo Quy định về phân cấp quản lý cán bộ lần này đã thể hiện rõ tư duy đổi mới qua việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung. Tuy nhiên, nếu xem xét một cách toàn diện, trên cơ sở xác định rõ nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, thì thấy rằng, việc sửa đổi, bổ sung lần này chưa phải là căn bản, vì chưa đề cập đến nhiều vấn đề. Ông đề xuất thẳng thắn một số vấn đề với Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Thứ nhất, cần bổ sung quy định về định nghĩa cán bộ trên nền quy định tại khoản 1, Điều 4 của Luật Cán bộ, công chức.

Thứ hai, cần có quy định về việc phân loại cán bộ tương ứng với vị trí, tính chất, vai trò cụ thể, với tên gọi riêng theo từng lĩnh vực hoạt động. Đồng thời, cần quy định về tầng, nấc và thứ tự cấp bậc của cán bộ theo một chuẩn mực cụ thể.

Ngoài những chức danh chủ chốt của Đảng, Nhà nước ra (như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ), thì các chức danh cùng “bậc” thường chưa được hiểu một cách nhất quán. Vì vậy, hệ quy chiếu chuẩn mực, phù hợp nhất hiện nay, là nên lấy các chức danh còn lại trong hệ thống hành chính để xác định cho nhất quán với sự so sánh tương quan, như “tương đương Phó Thủ tướng”, “tương đương Thứ trưởng”…

Theo ông Vân, vấn đề này cần tham khảo quan chế khá ổn định hàng trăm năm của các triều đại phong kiến Việt Nam, mà hiện nay Hàn Quốc và một số nước vẫn duy trì. Đó là, về “bậc” thì có từ nhất phẩm đến cửu phẩm (9 bậc) và về “cấp” thì có 18 cấp, tính từ chánh nhất phẩm, tòng nhất phẩm đến chánh cửu phẩm, tòng cửu phẩm (tức là cấp trưởng, phó). Nếu xác định rõ cấp, bậc của hệ thống chức danh như trên, sẽ dễ dàng kiểm soát được số lượng cán bộ của toàn hệ thống chính trị và xác định cơ chế phân cấp quản lý đối với từng nhóm cán bộ, trên cơ sở xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng tầng, từng cấp.

Nếu chấp nhận sự phân loại như trên, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng có thể xác định tiêu chí cán bộ ở từng lĩnh vực cụ thể, gồm Nhóm cán bộ chính trị; Nhóm cán bộ quản lý; Nhóm cán bộ điều hành; Nhóm cán bộ trong khoa học - công nghệ; Nhóm cán bộ trong chuyên môn; Nhóm cán bộ trong văn hóa - nghệ thuật.

Ông Vân khẳng định, phân loại được 6 nhóm cán bộ như trên, sẽ là cơ sở để bố trí nhân sự phù hợp với từng lĩnh vực cụ thể theo sở trường, sở đoản của từng người.

Ông khẳng định, để tuyển chọn được người có đức, tài và sử dụng đúng mục đích thì phải có cách thức để nhận diện. Cách nhận diện phổ biến nhất hiện nay, tùy theo nhóm cán bộ cần tuyển chọn để xác định chủ đề tương ứng: Đối với các chức danh do bầu cử (lãnh đạo, quản lý), thì phải trình bày được cương lĩnh, chương trình, kế hoạch hành động và bảo vệ được quan điểm, tư tưởng của mình trước tập thể có thẩm quyền. Đối với các chức danh do bổ nhiệm (điều hành), thì nhất thiết phải thông qua thi tuyển.

Ngoài hai hình thức tuyển chọn cơ bản trên, cần đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tiến cử nhân tài. Theo đó, những ai nhận thấy một người có khả năng đáp ứng đủ các tiêu chí cán bộ theo từng nhóm như trên thì tiến cử người ấy cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Đồng thời, phải xác định trách nhiệm cụ thể của tập thể, cá nhân trong việc tuyển chọn cán bộ và tiến cử nhân tài, với các quy định về thưởng, phạt nghiêm minh.

Về phương pháp đánh giá cán bộ, ông Vân cho biết hiện nay chủ yếu dựa vào báo cáo tự kiểm điểm của cá nhân và bỏ phiếu tín nhiệm của tập thể, để làm căn cứ đánh giá cán bộ. Cơ chế này có mặt tích cực là bảo đảm dân chủ, nhưng không chính xác, thậm chí thiếu khách quan, nếu như tập thể đánh giá là một tập thể phe cánh, xuôi chiều.

Dân là người cảnh vệ tốt nhất

Khi bàn về tăng cường đối tượng áp dụng chế độ cảnh vệ, ông Lê Thanh Vân phân tích có ba khả năng. Thứ nhất các đối tượng tìm cách tiếp cận lãnh đạo địa phương để gây ra những hành vi mất an toàn phần lớn là do thù hằn cá nhân hoặc do bất mãn. Trong trường hợp ấy, lãnh đạo địa phương phải xem những quyết sách của mình đã hợp lòng dân chưa, có gây mâu thuẫn không, có tạo ra lợi ích nhóm hay không.

Thứ hai, cũng có thể có tình huống khi một vị lãnh đạo quyết tâm thay đổi nền tảng lãnh đạo, quản lý, điều hành nhưng lại thay đổi theo nghĩa tiêu cực, việc thay đổi ấy không hợp lòng dân, gây thù chuốc oán…

Khả năng thứ ba ít xảy ra là các lực lượng phản động tìm cách tiếp cận để phá hoại, nhưng với lãnh đạo địa phương, ông Vân vẫn cho rằng không cần thiết có cảnh vệ, vì thế lực thù địch nếu tấn công sẽ tiếp cận nhằm vào các đối tượng lãnh đạo cấp cao như dự thảo Luật Cảnh vệ quy định.

Đặc biệt, ĐB Vân còn bày tỏ: “Vấn đề quan trọng nhất, nếu lãnh đạo được lòng dân thì dân sẽ che chở cho anh. Tôi từng là cán bộ luân chuyển tôi biết, khi mình hết lòng vì dân và chia sẻ với dân thì dân sẽ bảo vệ mình thôi. Dân là người cảnh vệ tốt nhất”.

Đề nghị giám sát vụ án Hồ Duy Hải

Với vai trò là đại biểu Quốc hội có trách nhiệm với cử tri, ông Lê Thanh Vân đã nhiều lần phát biểu tại hội trường chất vấn người có trách nhiệm như Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC… nhiều lần chuyển đơn thư của cử tri đến người có trách nhiệm. Gần đây nhất, kiến nghị của ông đề nghị Quốc hội vào cuộc vụ án Hồ Duy Hải gây chấn động dư luận.

Ngày 8/5, Hội đồng Thẩm phán TANDTC có quyết định giám đốc thẩm, bác kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC về hủy án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại, giữ nguyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải, người bị kết án về hành vi giết hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi (tỉnh Long An) vào năm 2008. Tuy nhiên, việc bác kháng nghị, giữ nguyên bản án phúc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC gây ý kiến khác nhau trong chuyên gia pháp lý, cơ quan hành pháp, lập pháp, đặc biệt là sự quan tâm của dư luận cả nước.

Phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải của Hội đồng Thẩm phán TANDTC

Trong văn bản kiến nghị, ông Lê Thanh Vân cho rằng phiên giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC có “dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng”. Ông Vân viện dẫn Điều 404 BLTTHS quy định: Khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu thì Hội đồng Thẩm phán TANDTC phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó.

Ông nhận định “Quan sát cá nhân của tôi thì có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng rồi. Nhưng để chắc chắn thì đầu tiên Quốc hội phải giám sát tối cao. Vậy nên tôi đề nghị hai hình thức giám sát”.

Một là, Quốc hội ngay kỳ họp sắp tới này tổ chức riêng một phiên chất vấn công khai, trực tiếp đối với Chánh án TANDTC. Hai là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lập đoàn giám sát riêng, hoặc trên cơ sở báo cáo giám sát của Ủy ban Tư pháp đã tiến hành, nay giám sát bổ sung. Từ kết quả giám sát ấy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định có yêu cầu Hội đồng Thẩm phán TANDTC xem xét lại bản án hay không.

Hai nhiệm kỳ gần đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ít tiến hành giám sát các vụ án cụ thể, mà chỉ dừng lại ở hình thức giám sát ở cấp Ủy ban Tư pháp. Còn Quốc hội các khóa X, XI thì từng giám sát các vụ án gây tranh cãi, được dư luận quan tâm hồi đó như: vụ án dân sự tranh chấp hai mẹ con con trâu ở Văn Chấn, Yên Bái; vụ án tử tù Huỳnh Văn Nam ở Đồng Nai 10 năm kêu oan; vụ tranh chấp nhà 15A Thuốc Bắc, Hà Nội…

Ông Lê Thanh Vân cho rằng vụ án Hồ Duy Hải tạo tiền lệ không tốt cho trình tự tố tụng với những vụ việc sau này. Việc cho rằng sai phạm trong tố tụng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án, từ đó có thể chủ quan, xem thường quy trình tố tụng. Do đó, Quốc hội cần giám sát lập luận sai sót trong quá trình điều tra nhưng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án của Hội đồng Thẩm phán.

Ngoài ra, theo đại biểu Lê Thanh Vân, kháng nghị của VKSNDTC không đề cập đến việc Hải bị oan mà chỉ kiến nghị yêu cầu xem xét lại đúng pháp luật các diễn biến của vụ án. Có nhiều thủ tục tố tụng vi phạm thì vụ án cần được điều tra lại. Ông nói: “Hơn nữa, cơ quan tố tụng phải tôn trọng nguyên tắc suy đoán vô tội đã được quy định tại Điều 31 của Hiến pháp và Điều 13 của BLTTHS, nghiêm cấm suy luận chủ quan, dễ dẫn đến hàm oan cho người vô tội".


Đại biểu Quốc hội có vị trí, vai trò quan trọng trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước. Với tư cách là một bộ phận cấu thành nên cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại biểu Quốc hội trở thành cầu nối kết chặt mối quan hệ bền vững giữa chính quyền nhà nước với Nhân dân. Do đó, đại biểu Quốc hội phải đủ khả năng tham gia xây dựng luật pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và có mối quan hệ mật thiết với cử tri để phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Với những chức năng như vậy, TS. Luật học Lê Thanh Vân xứng đáng là người đại biểu Quốc hội được cử tri và Nhân dân cả nước trân trọng và tin tưởng.

PV

Link nội dung: https://phaply.net.vn/dai-bieu-quoc-hoi-le-thanh-van-va-nhung-de-xuat-sac-sao-a234904.html