Kiểm soát hoạt động M&A, chặn nguy cơ doanh nghiệp Việt bị thâu tóm: Kinh nghiệm từ thế giới...

(Pháp lý) - Do tác động của dịch Covid-19, ở Việt Nam, ngoài xu hướng mua bán – sáp nhập (M&A) giữa các doanh nghiệp trong nước, thị trường còn chứng kiến làn sóng thâu tóm của nhà đầu tư ngoại.  Không chỉ có Việt Nam mà rất nhiều nước trên thế giới cũng cảnh báo và hành động để bảo vệ các doanh nghiệp, tài sản chủ chốt của quốc gia không rơi vào tay các công ty nước ngoài. Vậy, các nước đã có giải pháp gì để bảo vệ doanh nghiệp nội địa không bị thâu tóm ? Những giải pháp này Việt Nam có nên học hỏi kinh nghiệm ?.

Kinh nghiệm thế giới

Mới đây nhất, theo nhật báo “The Times” hôm 8/6, Chính quyền Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết đang chuẩn bị công bố những dự luật mới nhằm đối phó nguy cơ nước ngoài kiểm soát các công ty có quan hệ với an ninh quốc gia. “The Times” dẫn dự thảo đạo luật mới, bắt buộc các doanh nghiệp nằm trong nhóm ngành công nghiệp “nhạy cảm”, như công nghệ và lĩnh vực nghiên cứu, phải công khai những thương vụ chuyển nhượng cổ phần cho nước ngoài.

Theo đó, thay vì như trước đây các công ty có quyền khai báo hoặc không những thương vụ chuyển nhượng cổ phần cho phía nước ngoài. Thì nay, các doanh nghiệp buộc phải báo cáo với Chính phủ trong trường hợp một công ty nước ngoài muốn mua hơn 25% số cổ phần, hoặc thu mua tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, hoặc bất kỳ động thái nào cho phép “gây ảnh hưởng đáng kể” đến hoạt động kinh doanh. Bất kỳ lãnh đạo công ty nào không báo cáo hoặc phớt lờ các điều khoản yêu cầu phải thực thi sau khi mua lại doanh nghiệp sẽ đối mặt với các chế tài, từ bị giam, mất chức hoặc bị phạt.

Từ Mỹ, Ấn Độ, châu Âu đến Úc, chính phủ nhiều nước đang cố gắng dựng rào cản để bảo vệ các doanh nghiệp nội địa không bị thâu tóm với “giá bèo”

Tại Nhật Bản, để đối phó với nguy cơ doanh nghiệp nội địa bị thâu tóm, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ các doanh nghiệp trong nước một cách kịp thời.

Luật Giao dịch Ngoại hối và Ngoại thương sửa đổi đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 7/6, trong đó đặt ra các điều kiện cao hơn cho các bên nước ngoài muốn đầu tư vào các doanh nghiệp Nhật Bản.

Theo các quy định mới, các nhà đầu tư nước ngoài muốn mua nhiều hơn 1% cổ phần ở 12 lĩnh vực trọng yếu, bao gồm dầu mỏ, đường sắt, tiện ích, vũ khí, không gian, năng lượng hạt nhân, hàng không, viễn thông và an ninh mạng… sẽ phải thông báo trước với các cơ quan quản lý Nhật Bản về kế hoạch mua cổ phần của mình.

Nhật Bản đã lên một danh sách các công ty trong nước phải chịu kiểm soát nghiêm ngặt đối với sở hữu nước ngoài. Theo đó, 518 doanh nghiệp, trong tổng số 3.800 doanh nghiệp của nước này bắt buộc phải tuân thủ các quy định khắt khe hơn về đầu tư nước ngoài. Các công ty này đều đang niêm yết trên sàn chứng khoán với tổng trị giá 5,4 nghìn tỷ USD. Trong số này tất nhiên không thể thiếu những thương hiệu lớn như Toyota, Sony… đang niêm yết trên các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới.

Cũng giống Nhật Bản, Nhiều quốc gia trong Liên minh Châu Âu (EU) đang tích cực triển khai các phương án nhằm ngăn chặn nguy cơ giới đầu tư nước ngoài gia tăng thâu tóm và kiểm soát các công ty quan trọng. Financial Times dẫn lời bà Margrethe Vestager - Phó chủ tịch điều hành phụ trách chính sách cạnh tranh của Ủy ban châu Âu (EC) - kêu gọi các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) mua lại cổ phần những công ty công nghệ khu vực để ngăn chặn mối đe dọa thâu tóm từ Trung Quốc.

Bà nhấn mạnh: “Chúng tôi không có vấn đề gì với việc Chính phủ các nước khu vực hành xử như tổ chức thị trường khi cần thiết để ngăn chặn nguy cơ doanh nghiệp bị thâu tóm”.

Hiện, Chính phủ nhiều nước như Đức, Ý và Tây Ban Nha đã lần lượt triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ các doanh nghiệp quan trọng bị nước ngoài thâu tóm với giá rẻ. Điển hình như Đức, Chính phủ nước này yêu cầu các doanh nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), người máy, vật liệu bán dẫn, công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử… phải khai báo tất cả các hoạt động mua bán cổ phần từ 10% trở lên. Các doanh nghiệp này sẽ phải chịu sự thẩm tra của chính quyền đối với các thương vụ mua bán như vậy.

Trước đây, Chính phủ Đức chỉ yêu cầu thẩm tra hoạt động đầu tư trong một số lĩnh vực như năng lượng, nước, điện tín và quốc phòng, nhất là những hành vi mua bán, sáp nhập đã gây ra “nguy hiểm thực tế”. Chính phủ Đức nêu rõ mục đích của việc siết chặt chính sách mua bán và sáp nhập (M&A) là nhằm bảo vệ doanh nghiệp trong nước trước hành vi “thâu tóm gây hại” bởi các nhà đầu tư ngoài châu Âu.

Còn tại Úc, Chính phủ Úc yêu cầu tất cả các khoản đầu tư nước ngoài đều phải chịu sự giám sát của Ủy ban Đánh giá đầu tư nước ngoài, bất kể giá trị thỏa thuận là bao nhiêu. Thời gian đánh giá, rà soát có thể kéo dài tới 6 tháng trong khi trước đây chỉ là 1 tháng.
Trong khi đó, tại Mỹ từ những năm 70 của thế kỷ trước đã có hẳn một ủy ban liên ngành là Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) được giao trọng trách thẩm tra một số loại giao dịch do nhà đầu tư nước ngoài tiến hành nhằm đánh giá ảnh hưởng, tác động của giao dịch đó lên an ninh quốc gia Mỹ.

CFIUS có thẩm quyền xem xét tất cả các giao dịch (bao gồm cả mua cổ phần, sáp nhập, liên doanh, dù được tiến hành trên lãnh thổ Mỹ hay ở nước khác) mà thông qua đó nhà đầu tư nước ngoài có thể đạt được quyền kiểm soát doanh nghiệp Mỹ.

Đặc biệt, Ấn Độ vào ngày 17/4 vừa qua đã sửa đổi các quy tắc đầu tư nước ngoài của mình, tất cả các hoạt động FDI từ các nước láng giềng vào các công ty Ấn Độ nay sẽ phải được chính phủ phê chuẩn đồng nghĩa với việc có thể cấm không cho mua bán sáp nhập từ bất kỳ quốc gia nào có chung đường biên giới trên đất liền. Đây có thể được coi là một trong những hành động cứng rắn nhất trong những biện pháp mà nhiều nước trên thế giới đã và đang thực hiện nhằm bảo vệ doanh nghiệp trong nước trước nguy cơ bị thâu tóm trong thời kỳ nền kinh tế đang chịu sự tàn phá nặng nề của dịch Covid-19.

Bài học nào cho Việt Nam

Việc các quốc gia siết chặt hơn hoạt động kiểm soát đầu tư nước ngoài cũng như các chính sách M&A trong thời kỳ khủng hoảng vì đại dịch cũng là điều dễ hiểu. Trước đây, kể cả khi chưa xảy ra đại dịch, nhiều nước cũng đã áp dụng các biện pháp hạn chế đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực trọng yếu, nhằm bảo đảm an ninh quốc gia. Còn hiện nay, trong thời kỳ khủng hoảng, hầu hết các doanh nghiệp, thậm chí cả những “gã khổng lồ” đều đối mặt với nguy cơ bị thâu tóm, sự đề phòng không bao giờ là thừa. Không chỉ các đối thủ trên thương trường nhòm ngó, những hành vi thâu tóm mang động cơ chính trị cũng không phải là hiếm.

Tại Việt Nam, có ý kiến cho rằng đề xuất tạm thời dừng việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) sẽ ảnh hưởng rất lớn tới doanh nghiêp. Bởi, trong tình hình hiện nay, doanh nghiệp đang rất cần vốn và M&A. Nếu dừng giao dịch M&A chưa biết được lợi gì, trong khi doanh nghiệp đang khó khăn sẽ không biết huy động vốn ở đâu, dẫn đến bị tê liệt và thậm chí có thể rơi vào tình trạng phá sản M&A là hành động của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, những người ủng hộ lại cho đó là sự thận trọng cần thiết, khi hệ thống luật và cơ chế giám sát của chúng ta chưa hoàn chỉnh, chưa phát triển kịp với tính chất phức tạp của hoạt động M&A.

Kiểm soát chặt hoạt động M&A, chặn nguy cơ doanh nghiệp Việt bị thâu tóm

Một số chuyên gia còn cho rằng, việc thiếu cơ chế giám sát, sàng lọc vốn sạch qua M&A trong hoàn cảnh hiện nay không những có nguy cơ doanh nghiệp Việt dễ bị thâu tóm với giá rẻ, nguy hiểm hơn nữa là vấn đề an ninh kinh tế, an ninh quốc phòng đặc biệt ở các lĩnh vực nhạy cảm như khai thác khoáng sản, truyền thông giải trí, sản xuất dược phẩm, công nghiệp nặng…, những doanh nghiệp ở vị trí biên giới, trọng yếu về an ninh quốc phòng có thể tiềm ẩn rủi ro lợi bất cập hại.

Do vậy, việc kiểm soát hoạt động M&A tai Việt Nam, đặc biệt là trong các thương vụ có yếu tố nước ngoài không những cần phải đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật cạnh tranh, đầu tư, chứng khoán,… mà còn phải tính đến việc cân bằng lợi ích của doanh nghiệp, nhà đầu tư và đặc biệt lợi ích công đồng và vấn đề an ninh kinh tế, an ninh quốc gia.

Và từ những kinh nghiệm kiểm soát các thương vụ M&A bằng những chính sách kinh tế, những đạo luật… mà các nước trên thế giới đã và đang thực hiện chúng ta có thể tự rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm để có thể áp dụng một cách chọn lọc vào Việt Nam như:

Thứ nhất, Chính phủ và các bộ ngành liên quan cần nhanh chóng thiết kế cơ chế giám sát cũng như sàng lọc hiệu quả để chọn được các doanh nghiệp, nhà đầu nước ngoài chất lượng. Đặc biệt, trong một số trường hợp có nghi ngờ có tình trạng đầu tư núp bóng, ẩn danh, dùng vài ba nhà đầu tư khác nhau để thâu tóm ngành hàng trong nước… cần tiến hành thẩm tra kỹ lưỡng từ các cơ quan có thẩm quyền.

Thứ hai, cần có định hướng chính sách những ngành nghề, lĩnh vực nào cần và không cần khuyến khích đầu tư theo kênh M&A… Những lĩnh vực "nhạy cảm" hoặc lĩnh vực là thế mạnh doanh nghiệp trong nước thì không nên khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài để không làm yếu đi kinh tế tự cường và an ninh quốc gia.

Thứ ba, cần tạo cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư trong nước tham gia thị trường M&A mua lại các doanh nghiêp trong lĩnh vực chủ chốt, một số ngành “nhạy cảm” chính phủ có thể tạm thời mua lại khi chưa tìm được nhà đầu tư trong nước để bảo vệ một số ngành “nhạy cảm”.

Đặc biệt quan trong nữa là Chính phủ và các bộ ngành cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là về tài chính, tiền tệ, an sinh xã hội để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19.

Kiểm soát chặt hoạt động M&A, chặn nguy cơ doanh nghiệp Việt bị thâu tóm

Lo ngại trước làn sóng M&A của nhà đâu từ nước ngoài khiến nguy cơ các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam có thể bị thâu tóm với giá rẻ. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị Chính phủ có chỉ đạo tạm thời dừng việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh để hạn chế việc doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm các doanh nghiệp Việt Nam.

Nam kiên

Link nội dung: https://phaply.net.vn/kiem-soat-hoat-dong-ma-chan-nguy-co-doanh-nghiep-viet-bi-thau-tom-kinh-nghiem-tu-the-gioi-a234690.html