Nghi vấn Tenma của Nhật Bản hối lộ quan chức Việt Nam: Luật sư phân tích các vấn đề pháp lý đặt ra và qui trình tố tụng tiếp theo...

(Pháp lý) - Theo Luật sư Đặng Văn Cường dù sự việc chưa được điều tra, xác minh toàn diện, nhưng với những thông tin mà báo chí Nhật Bản đăng tải thì đã có dấu hiệu tội đưa - nhận hối lộ. Do đó cơ quan chức năng của VN cần thu thập hồ sơ tài liệu liên quan đến việc kê khai, nộp thuế của Tenma. Nếu phát hiện có sai phạm, chứng minh được cán bộ thuế, hải quan vì vụ lợi mà cố ý đòi, ép buộc hoặc thỏa thuận nhận một khoản tiền từ Tenma để làm sai lệch hồ sơ kê khai thu nộp thuế nhằm giảm toàn bộ hoặc một phần tiền thuế Tenma phải nộp, thì sẽ khởi tố vụ án và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những cá nhân tổ chức có liên quan về hành vi đưa - nhận hối lộ.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kiểm tra, làm rõ, xử lý nghiêm sai phạm

Ngày 26/5 vừa qua, trước thông tin từ một số tờ báo của Nhật Bản như Asahi, Kyodo, Nikkei… đưa tin Công ty TNHH Tenma Việt Nam 2 lần hối lộ tổng cộng 25 triệu yên cho một số cán bộ, công chức Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao các cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, làm rõ, nếu đúng phải xử lý nghiêm, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, công bằng và chống thất thu thuế.

Theo tờ Asahi của Nhật bản, trụ sở của Tenma tại Tokyo (Nhật Bản) đã tự nguyện khai báo với Tòa án Tokyo về vụ việc. Theo đó, Tenma đã chủ động thành lập ủy ban bên thứ 3 để điều tra về vi phạm trên. Hối lộ chính quyền nước ngoài là hành vi bị cấm trong đạo luật Phòng chống cạnh tranh không lành mạnh của Nhật.

Theo báo cáo từ ủy ban bên thứ 3, hồi tháng 6-2017, công ty con Tenma Việt Nam tại tỉnh Bắc Ninh nhận được thông báo về khoản truy thu thuế giá trị giá tăng với vật liệu thô nhập khẩu lên tới khoảng 400 tỉ đồng (1,79 tỉ yen). Lãnh đạo Tenma Việt Nam đã đề xuất với trụ sở chính về việc hối lộ cơ quan hải quan địa phương để được miễn giảm khoản chi phí trên.

Theo báo cáo trên, nhận được sự chấp thuận từ ông Kento Fujino, chủ tịch tại trụ sở chính, Tenma Việt Nam đã chi 2 tỉ đồng tiền mặt cho người lãnh đạo điều tra của Cục Hải quan để trốn thuế.

Ngoài ra, đợt kiểm tra thuế tại địa phương vào tháng 8-2019 đã phát hiện một số khoản thu của Tenma không được hưởng ưu đãi thuế. Vì vậy, cơ quan chức năng đã yêu cầu công ty nộp thêm 17,8 tỉ đồng tiền thuế doanh nghiệp. Tenma Việt Nam được cho là đã chi 3 tỉ đồng để giảm thuế này xuống còn khoảng 567 triệu đồng (2,62 triệu yen) bao gồm cả tiền phạt.

Trước đó, ngày 25/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Thanh tra Bộ Tài chính thành lập ngay đoàn thanh tra để thanh tra Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh, Cục Hải quan Bắc Ninh và các tổ chức, cá nhân có liên quan về nội dung thông tin báo chí nêu về những nghi vấn trong việc hối lộ của Công ty Tenma Việt Nam và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Tin mới nhất đến sáng nay ( 27.5), đã có 11 cán bộ quan chức thuế và hải quan Bắc Ninh đã bị tạm đình chỉ công tác, trong đó có cả Cục trưởng hải quan Bắc Ninh.

Những vấn đề pháp lý đặt ra

Trao đổi với PV Pháp lý, Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) nhận định sự việc đăng trên báo chí Nhật Bản về dấu hiệu vi phạm pháp luật của cán bộ thuế Bắc Ninh có thể gây ảnh hưởng đến quan hệ của 2 quốc gia Việt Nam và Nhật Bản do liên quan tới môi trường đầu tư kinh doanh, phòng chống tham nhũng trong quản lý công tác cán bộ tại ngành thuế, hải quan. Do đó cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc điều tra xác minh, làm rõ thông tin bài báo phản ánh.
Tuy nhiên, Theo Luật sư Cường, trong quá trình điều tra xác minh các cơ quan chức năng của Việt Nam phải hết sức thận trọng. Bởi lẽ, theo thông tin báo chí Nhật phản ánh, nếu có sự việc hối lộ nhằm trốn thuế tiền thuế thì số tiền rất lớn và số tiền hối lộ cũng rất lớn. Và đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến vấn đề kinh tế, chính trị của 2 quốc gia, phải kiên quyết lên án và xử lý nghiêm minh, minh bạch, công khai, khách quan.

Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội)

Còn nếu sự việc báo chí Nhật phản ánh là không đúng sự thật thì cũng phải công khai các chứng cứ, tài liệu khách quan để thể hiện sự trong sạch cho bộ máy công chức Việt Nam.

Dưới góc độ pháp luật hình sự, Luật sư Cường cho rằng hiện nay sự việc chưa được xác minh toàn diện, tuy nhiên qua thông tin báo chí Nhật Bản ánh thì có dấu hiệu đưa nhận hối lộ để giảm tiền thuế. Do đó cơ quan chức năng Việt Nam cần thu thập tài liệu chứng cứ, hồ sơ kê khai về thuế từ Công ty Tenma Việt Nam; từ cơ quan thuế, hải quan địa phương Bắc Ninh cũng như liên hệ với các cơ quan bên Nhật Bản để đề nghị cung cấp các thông tin, tài liệu có liên quan nhằm cùng phối hợp điều tra.

Quá trình điều tra, xác minh sẽ căn cứ vào các quy định pháp luật của Việt Nam và Nhật Bản về thuế áp dụng đối với Tenma Việt Nam để xem xét Tenma Việt Nam đang được hưởng những ưu đãi gì về các loại thuế, trách nhiệm và nghĩa vụ nộp thuế của Tenma như thế nào và hiện Công ty này đã thực hiện được đến đâu. Quy trình thực hiện kê khai nộp thuế của Tenma Việt Nam với cơ quan chức năng thuế Bắc Ninh được thực hiện ra sao, trình tự thủ tục đã đúng quy định pháp luật hay chưa, có hay không hành vi hối lộ, nhận hối lộ. Từ đó mới có cơ sở kết luận sự việc báo chí Nhật Bản phản ánh có đúng hay không và có hướng xử lý phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam.

Nếu chứng minh được cán bộ của cơ quan thuế, hải quan Bắc Ninh vì vụ lợi mà trong quá trình thực hiện công vụ, nhiệm vụ liên quan đến hồ sơ kê khai thu nộp thuế của công ty Tenma Việt Nam mà đã cố ý đòi, ép buộc hoặc thỏa thuận nhận một khoản tiền từ Tenma để làm sai lệch hồ sơ kê khai thu nộp thuế nhằm giảm toàn bộ hoặc một phần tiền thuế mà thực tế Tenma phải nộp theo quy định pháp luật thì cán bộ này có thể bị xử lý về hành vi nhận hối lộ quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

Còn đối với những người đã đưa tiền cho các cán bộ này thì dù là người nước ngoài nếu không thuộc trường hợp quy định Khoản 2 Điều 5 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017 vì vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đưa hối lộ theo Điều 364 BLHS sửa đổi bổ sung 2017 - Luật sư Đặng Văn Cường Phân tích.

Luật sư Đặng Văn Cường cho biết thêm, theo pháp luật hình sự Việt Nam thì pháp nhân thương mại có hành vi trốn thuế có thể bị xử lý hình sự về tội trốn thuế quy định tại Điều 200 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Do đó nếu công ty Tenma có dấu hiệu của việc trốn các khoản thuế đáng lẽ phải nộp theo quy định pháp luật thì có thể bị xử lý về tội trốn thuế theo quy định của BLHS. Và có thể bị phạt tiền từ 3tỷ đồng đến 10tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm nếu trốn thuế với số tiền 1tỷ đồng trở lên .

Qui trình tố tụng tiếp theo…

Về quy trình tố tụng tiếp theo đối với vụ việc này, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, vụ việc chủ yếu do các cơ quan chức năng và cơ quan tố tụng của Việt Nam tiến hành. Tuy nhiên do vụ việc có yếu tố nước ngoài, cho nên theo quy định của Luật Tương trợ tư pháp, trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, nếu xác định có yếu tố nước ngoài thì cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thực hiện tương trợ tư pháp trong các trường hợp sau đây: Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu cho người đang cư trú ở nước được yêu cầu; triệu tập người làm chứng, người giám định đang ở nước được yêu cầu; thu thập, cung cấp chứng cứ ở nước được yêu cầu để giải quyết vụ án hình sự tại Việt Nam; truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đang ở nước mà người đó mang quốc tịch; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Nam Kiên

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nghi-van-tenma-cua-nhat-ban-hoi-lo-quan-chuc-viet-nam-luat-su-phan-tich-cac-van-de-phap-ly-dat-ra-va-qui-trinh-to-tung-tiep-theo-a234061.html