(Pháp lý) - Nghiên cứu từ thực tế và theo qui định của pháp luật Mỹ cho thấy Thẩm phán Mỹ có những quyền hạn nhất định ( nếu không muốn nói là rất quan trọng - PV) trong việc " soi xét" các dự án hoặc soi xét các vấn đề kinh doanh thương mại khác của các DN.
Mới đây nhất, ngày 20/9, một thẩm phán tòa sơ thẩm thành phố San Francisco đã chặn lệnh cấm của Bộ thương mại Mỹ đối với ứng dụng tin nhắn WeChat. Hay như hồi tháng 5, Thẩm phán cấp quận của Mỹ đã ra phán quyết dừng gần 300 thỏa thuận khai thác dầu khí đã được Cục Quản lý Đất đai (BLM) thuộc Bộ An ninh nội địa nước này thông qua; Hay Thẩm phán liên bang 2019 ra phán quyết chặn kế hoạch của Chính phủ của Tổng thống Donald Trump huy động 3,6 tỷ USD từ các quỹ quốc phòng để xây dựng tường biên giới…
Thẩm phán quận dừng dự án thuộc Bộ An ninh nội địa
Thẩm phán Tòa án quận Montana, Brian Morris, ngày 1/5 đã ra phán quyết dừng gần 300 thỏa thuận khai thác dầu khí trên đất Liên bang tại quận này đã được Cục Quản lý Đất đai (BLM) thuộc Bộ An ninh nội địa thông qua và yêu cầu cơ quan này tiến hành phân tích kỹ lưỡng tác động về môi trường của việc khai thác dầu khí đến nguồn nước.
Theo BNews, ông Morris cho rằng cơ quan trên đã không tính đến những rủi ro về môi trường đối với nguồn nước ở Montana trước khi phê chuẩn các thỏa thuận khai thác dầu khí trên gần 150.000 mẫu đất. Ông bác bỏ các thỏa thuận này cũng như kết quả phân tích của BLM cho thấy không có tác động đáng kể về môi trường đối với khu vực khai thác và yêu cầu cơ quan này tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.
Trong một thông báo, BLM đã phản đối phán quyết của Thẩm phán, khẳng định đã tiến hành việc phân tích theo quy định trước khi phê chuẩn các thỏa thuận. Tuy nhiên, các nhóm bảo vệ môi trường thì hoan nghênh quyết định trên, cho rằng đó là thắng lợi trước chính sách "thống trị về năng lượng" của chính quyền Tổng thống Donald Trump và với việc cho phép khai thác dầu khí trên đất của Liên bang.
Nhóm bảo vệ môi trường Wildearth Guardians đã kiện BLM sau khi cơ quan này phê chuẩn 287 thỏa thuận theo hai đợt là vào tháng 12/2017 và tháng 3/2018. Nhóm này cho rằng BLM đã vi phạm Đạo luật Bảo vệ môi trường Quốc gia khi không phân tích đầy đủ những rủi ro do việc khai thác dầu khí đến nguồn nước và môi trường.
Chỉ tháng trước, ông Morris đã hủy bỏ giấy phép đối với đường ống dẫn dầu Keystone XL gây tranh cãi, do phát hiện Công binh Lục quân Mỹ đã không xem xét đầy đủ những tác động đến các loài có nguy cơ tuyệt chủng ở những dòng sông mà đường ống sẽ đi qua.
Hay trước đó, ngày 13/2/2020, một Thẩm phán liên bang Mỹ đã ra lệnh tạm thời phong tỏa một hợp đồng lớn mà Lầu Năm Góc trao cho hãng Microsoft sau khi Tập đoàn Amazon đệ đơn kiện Bộ Quốc phòng Mỹ "ưu ái" Microsoft. Thẩm phán Patricia Campbell-Smith đã cấm Bộ Quốc phòng Mỹ bắt đầu thực hiện hợp đồng điện toán đám mây có tên gọi Cơ sở hạ tầng quốc phòng doanh nghiệp chung (JEDI). Chi tiết của phán quyết không được công bố do có lệnh của Tòa án.
Trước đó, Thẩm phán liên bang tại El Paso ngày 10/12/2019 ra phán quyết chặn kế hoạch của Chính phủ Mỹ huy động 3,6 tỷ USD từ các quỹ quốc phòng để xây dựng tường biên giới. Phán quyết của Thẩm phán David Briones nhấn mạnh Chính phủ không có thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng số tiền ngân sách mà Hạ viện Mỹ đã phê duyệt cho một mục đích khác, theo Washington Post.
Chính phủ của Tổng thống Donald Trump dự tính dùng số quỹ quốc phòng để xây dựng hơn 280 km hàng rào sắt dọc theo biên giới Mexico. Phán quyết khiến Tổng thống Trump thêm khó khăn trong việc thực hiện lời hứa xây thêm gần 700 km hàng rào dọc biên giới.
Thẩm quyền xem xét lại tất cả các loại quyết định hành chính
Phán xử của viên Thẩm phán cấp quận và hai viên Thẩm phán liên bang tại Hoa Kỳ trên đây nằm trong xu hướng chung của các nước trên thế giới tổ chức bộ máy theo nguyên tắc tam quyền phân lập và kiểm soát việc thực hiện quyền lực của mỗi nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp. Các hình thức kiểm soát quyền lực chủ yếu là thông qua các hoạt động giám sát của cơ quan lập pháp, hoạt động xét xử của cơ quan tư pháp và hoạt động kiểm tra, thanh tra của hệ thống cơ quan hành pháp. Điểm đáng lưu ý là việc kiểm soát thực hiện quyền lực nhà nước (QLNN) thường tập trung nhấn mạnh vào kiểm soát thực hiện quyền hành pháp do các cơ quan hành chính Nhà nước (HCNN) thực hiện.
Theo TS. Phan Thị Lan Hương (Trường Đại học Luật Hà Nội) về đối tượng xét xử, Tòa án Hoa Kỳ có thẩm quyền xem xét lại tất cả các loại quyết định hành chính, bao gồm cả quyết định chính sách và quyết định giải thích pháp luật của cơ quan hành pháp. Quyết định chính sách được hiểu là các quyết định do cơ quan hành chính ban hành để đưa ra một giải pháp, một mệnh lệnh, quy định để thực hiện một hoạt động cụ thể nào đó, ví dụ như quyết định xây dựng một nhà máy ở một địa điểm nào đó. Ví dụ, quyết định chính sách: Bộ Lao động muốn điều chỉnh về vấn đề chất benzen để bảo vệ người lao động.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng nồng độ benzen cao gây nguy hiểm, nhưng các nhà khoa học không rõ ở nồng độ thấp thì có nguy hiểm không? Bộ Lao động nên cấm sử dụng benzen ở tất cả các nồng độ hay chỉ cấm sử dụng ở nồng độ cao? Quyết định này là một quyết định về chính sách và cũng là đối tượng thuộc thẩm quyền xem xét lại của Tòa án.
Liên quan đến thẩm quyền xem xét lại, tiêu chí của việc xem xét lại quyết định chính sách đó là Tòa án yêu cầu cơ quan quản lý xác định lý do cho việc lựa chọn một phương sách hành động thay vì một phương sách khác và đưa ra giải thích về các lý do lựa chọn chính sách (tính hợp lý). Ví dụ, vụ án: Hiệp hội các nhà sản xuất xe mô tô kiện Cơ quan bảo hiểm nông trang (Tòa án tối cao 1983): Cơ quan quản lý (Cục An toàn giao thông đường cao tốc quốc gia) đã quyết định rằng xe hơi không bắt buộc phải có dây an toàn
Các nghiên cứu tại thời điểm đó không đưa ra kết luận về lợi ích của dây an toàn (vì có nhiều người không sử dụng dây an toàn). Tất cả lý do mà Cục An toàn giao thông đường cao tốc quốc gia đưa ra tương tự những lập luận mà các nhà sản xuất đưa ra. Kết quả là, Tòa án tối cao đã xem xét kỹ càng các lý do của cơ quan quản lý và đã đình chỉ quyết định của cơ quan quản lý bởi vì cơ quan quản lý đã không xem xét về việc thay thế thiết kế dây an toàn để đảm bảo an toàn hơn và hấp dẫn hơn đối với lái xe.
Bên cạnh đó, Tòa án của Hoa Kỳ cũng có thẩm quyền xem xét lại các quyết định giải thích pháp luật dựa trên các tiêu chí như luật có quy định rõ ràng về vấn đề không? Nếu có thì Tòa án (và cơ quan quản lý) phải thực hiện những gì mà luật quy định. Và nếu luật không quy định về vấn đề đó thì Tòa án nên tôn trọng/theo sự giải thích của cơ quan quản lý, nếu sự giải thích đó hợp lý.
Trên thực tế, Tòa án thường tôn trọng các quyết định giải thích luật của các cơ quan quản lý. Ví dụ điển hình về xem xét lại các quyết định giải thích luật của Tòa án là vụ Chevron USA v. Natural Resources Defense Council, Inc. Vụ án do Hội đồng Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên kiện việc giải thích quy định trong Đạo luật sửa đổi về không khí sạch năm 1977. Trên cơ sở đạo luật này, Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) đã thông qua quy định cho phép các tiểu bang xử lý tất cả các thiết bị phát thải ô nhiễm trong cùng một nhóm công nghiệp như thể chúng là một "bong bóng" duy nhất. Sử dụng điều khoản “bong bóng” này, các nhà máy có thể lắp đặt hoặc thay đổi một phần thiết bị mà không cần giấy phép nếu thay đổi không làm tăng tổng lượng phát thải của nhà máy.
Một số nhóm bảo vệ môi trường, bao gồm Hội đồng Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đã kiện điều khoản “bong bóng” vì cho rằng nó trái với đạo luật. Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ cho rằng quy định của Cơ quan Bảo vệ môi trường là không phù hợp cho một chương trình được ban hành nhằm cải thiện chất lượng không khí. Câu hỏi được đặt ra trong vụ án này là: Đạo luật Không khí sạch có cho phép EPA xác định thuật ngữ "nguồn cố định" có nghĩa là toàn bộ các nhà máy công nghiệp, cho phép các nhà máy xây dựng hoặc sửa đổi các đơn vị trong nhà máy mà không cần giấy phép theo Đạo luật không? Tuy nhiên, phán quyết của Tòa án tối cao Hoa Kỳ cho rằng quy định “bong bóng” là một cách giải thích hợp lý về thuật ngữ “nguồn cố định” trong Đạo luật Không khí sạch. Quốc hội không có ý định cụ thể cho việc giải thích thuật ngữ đó và quy định của EPA là một lựa chọn chính sách hợp lý. Do đó, Chevron là vụ án mang tính bước ngoặt đã ủng hộ việc đưa ra quyết định của các cơ quan cho các quyết định hoạch định chính sách hợp lý của họ.
Căn cứ để xem xét lại quyết định hành chính của Tòa án Hoa Kỳ không chỉ dừng lại ở việc xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính mà còn xem xét cả tính hợp lý của quyết định. Điều 10 (e) của Luật APA đã quy định phạm vi xem xét lại các quyết định hành chính bao gồm các tiêu chí như: Độc đoán, tùy tiện, lạm dụng quyền quyết định, hoặc nói cách khác là không phù hợp với pháp luật; Trái với quyền lập hiến, thẩm quyền, đặc quyền hoặc quyền miễn trừ; Vượt quá thẩm quyền, hoặc các hạn chế về thẩm quyền theo luật định; Không tuân thủ các thủ tục theo yêu cầu của pháp luật; Từ chối đưa ra các dữ liệu thực tế (facts) theo yêu cầu của cơ quan Tòa án…
Tiêu chí “độc đoán và tùy tiện” là tiêu chí được Tòa án sử dụng phổ biến trong đánh giá các quyết định của cơ quan hành chính. Ví dụ như trong vụ Chevron, Tòa án đã xem xét quyết định giải thích luật của Cơ quan Bảo vệ môi trường của Hoa Kỳ trong việc giải thích Đạo luật Không khí sạch có hợp lý không và dựa trên yêu cầu đưa ra các bằng chứng để giải thích cho các lý do lựa chọn chính sách đó. Việc quy định tiêu chí “độc đoán và tùy tiện” là căn cứ để Tòa án hạn chế đươc sự lạm quyền của cơ quan HCNN trong việc ban hành các chính sách, hạn chế lợi ích nhóm hay “sự thâu tóm” các cơ quan HCNN.
Thẩm quyền của Tòa án Hoa Kỳ trong việc xem xét các quyết định hành chính cũng đảm bảo sự tôn trọng các hoạt động mang tính chuyên môn chuyên sâu của các cơ quan quản lý. Trong quá trình xét xử, Tòa án Hoa Kỳ chỉ đánh giá việc áp dụng pháp luật và đưa ra các khuyến nghị chứ không ban hành quyết định thay thế cho cơ quan hành chính.
Minh Khôi
Link nội dung: https://phaply.net.vn/tham-phan-my-va-tham-quyen-voi-cac-du-an-dau-tu-a233990.html