(Pháp lý) - Thời gian vừa qua đã có nhiều vụ án liên quan đến hoạt động đấu thầu được phanh phui. Nghiên cứu từ thực tế các vụ việc cho thấy hoạt động mua sắm thiếu tính cạnh tranh là nguyên nhân chính của những sai phạm. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ phân tích vấn đề trong phạm vi hoạt động chỉ định thầu và mua sắm trực tiếp của ngành y.
Nhận diện những chiêu thức lách luật để không phải đấu thầu
Còn nhớ, tháng 11/2018, Kiểm toán Nhà nước từng đề nghị Bộ Công an điều tra dấu hiệu sai phạm trong đấu thầu thuốc và vật tư y tế tại Sở Y tế tỉnh Bình Dương khi lựa chọn nhà thầu mua sắm trực tiếp không qua đấu thầu ở 2 gói thầu mua sắm thuốc chữa bệnh có tổng giá trị trên 679 tỷ đồng.
Điều 24, Luật Đấu thầu quy định mua sắm trực tiếp được áp dụng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa tương tự thuộc cùng một dự án, dự toán mua sắm hoặc thuộc dự án, dự toán mua sắm khác. Mua sắm trực tiếp được thực hiện khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: Nhà thầu đã trúng thầu thông qua đấu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu hạn chế và đã ký hợp đồng thực hiện gói thầu trước đó; Gói thầu có nội dung, tính chất tương tự và quy mô nhỏ hơn 130% so với gói thầu đã ký hợp đồng trước đó; Đơn giá của các phần việc thuộc gói thầu áp dụng mua sắm trực tiếp không được vượt đơn giá của các phần việc tương ứng thuộc gói thầu tương tự đã ký hợp đồng trước đó; Thời hạn từ khi ký hợp đồng của gói thầu trước đó đến ngày phê duyệt kết quả mua sắm trực tiếp không quá 12 tháng.
Trường hợp nhà thầu thực hiện hợp đồng trước đó không có khả năng tiếp tục thực hiện gói thầu mua sắm trực tiếp thì được áp dụng mua sắm trực tiếp đối với nhà thầu khác nếu đáp ứng các yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật và giá theo hồ sơ mời thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu trước đó. Cụ thể quy định trên, Bộ Y tế có Thông tư 15/2019 quy định về việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập. Là thông tư hướng dẫn nhưng nội dung về mua sắm trực tiếp tương đồng, thiếu tính chất hướng dẫn cụ thể cho ngành y tế.
Ngoài việc mua sắm trực tiếp, chia nhỏ gói thầu, lách để không phải đấu thầu mà áp dụng chỉ định thầu cũng là một vấn nạn. Tại Bệnh viện Đa khoa Gia Lai đã có hiện tượng này. Căn cứ Điều 22, Luật Đấu thầu 2013 thì việc mua sắm vật tư y tế, hóa chất của bệnh viện không thuộc trường hợp chỉ định thầu; Điều 89, Luật Đấu thầu cũng nghiêm cấm việc chia dự án thành các gói thầu trái với quy định nhằm mục đích chỉ định thầu.
Tuy nhiên Bệnh viện Đa khoa Gia Lai đã chia nhỏ các gói thầu, ban hành 1.165 quyết định chỉ định thầu mua vật tư, hóa chất cho từng đợt mua sắm với giá dưới 100 triệu đồng (tổng giá trị các mặt hàng hơn 95 tỉ đồng). Bên cạnh đó, có 361 mặt hàng Bệnh viện Đa khoa Gia Lai không tổ chức đấu thầu.
Việc làm trên của Bệnh viện Đa khoa Gia Lai là trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại về kinh phí và ảnh hưởng đến quyền lợi của bệnh nhân. Không tổ chức đấu thầu với 361 mặt hàng là trái quy định của pháp luật, dẫn đến Bệnh viện Đa khoa Gia Lai đã làm thiệt hại ngân sách và nguồn thu sự nghiệp của bệnh viện số tiền gần 2 tỉ đồng.
Lách luật để thực hiện gói thầu mua sắm trực tiếp, chia nhỏ gói thầu để chỉ định thầu là một hiện tượng phổ biến tại nhiều bệnh viện. Trao đổi với Phóng viên Pháp lý, đại diện một doanh nghiệp (đề nghị giấu tên – PV) thường tham gia đấu thầu thuốc cho rằng, chỉ cần có sự nhất trí về chủ trương của đại diện Sở ngành y tế địa phương là doanh nghiệp có thể “vượt khó” trong những quy trình ngặt nghèo của đấu thầu. Quy trình mua sắm trực tiếp (không đấu thầu lại) có bất cập. Cụ thể, như không kịp thời cập nhật tình hình giá cả thuốc.
Giá thuốc trên thị trường thuốc luôn có những biến chuyển. Khi giá thuốc tăng, doanh nghiệp sẽ không tiếp tục thực hiện thêm hợp đồng mua sắm trực tiếp. Đối với những loại thuốc có thể giảm giá, thì bất lợi thuộc về các bệnh viện. Việc mua sắm trực tiếp, có nguy cơ làm mất cơ hội tham gia đấu thầu những nhà thầu khác trong các bệnh viện lớn. Nhà thầu thường có thói quen trúng thầu… tức là đã trúng rồi lại trúng tiếp. Theo vị đại diện doanh nghiệp này, muốn hạn chế tiêu cực trong đấu thầu thuốc, vật tư tại bệnh viện, thì cần siết lại các quy định về mua sắm trực tiếp và chỉ định thầu.
Giá trúng thầu cao bất thường….
Trong báo cáo Kiểm toán Nhà nước trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV về việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2017 tại Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Nam Định, Phú Yên,… đã chỉ ra nhiều hạn chế trong đấu thầu, phê duyệt giá thuốc trúng thầu cao gấp nhiều lần giá trúng thầu bình quân …
Không chỉ đối với mua sắm thuốc, mua sắm vật tư, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị ngành y cũng bị đẩy giá cao bất thường. Tại Đồng Nai, Thanh tra Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Nai đã chỉ ra một số tồn tại, thiếu sót trong hoạt động đấu thầu của Bệnh viện tại 4 gói thầu thuộc 3 dự án. Mỗi gói thầu có giá trị từ 6 tỷ đồng đến gần 15 tỷ đồng.
Tại Đắc Lắk, Cơ quan Công an vừa qua đã bắt tạm giam 3 tháng đối với 6 bị can tại Sở Y tế. Theo điều tra ban đầu, trong quá trình tổ chức thực hiện đấu thầu các mặt hàng thuộc gói thầu thuốc theo tên Generic năm 2014 - 2015, Sở Y tế Đắk Lắk phê duyệt kết quả đấu thầu đối với 7 mặt hàng là các mặt hàng đạt tiêu chuẩn nhóm 3 nhưng đã phê duyệt trúng thầu nhóm 2. Điều này không đúng quy định tại các Thông tư hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế. Bước đầu, cơ quan công an làm rõ hành vi này đã gây hậu quả thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hàng tỉ đồng, là số tiền chênh lệch giữa giá thuốc đấu thầu thuộc nhóm 2 với thuốc đấu thầu thuộc nhóm 3.
Thiếu minh bạch trong nhiều khâu của đấu thầu
Khi trao đổi với các chuyên gia pháp lý, điều mà nhiều chuyên gia có kinh nghiệm trong hoạt động đấu thầu băn khoăn nhất đó là việc đảm bảo minh bạch trong đấu thầu còn hạn chế. Những vi phạm sau đó rất lâu mới được xử lý hoặc chế tài xử lý thường nhẹ, nên không có tính răn đe.
Diễn tiến cuộc đấu thầu mua sắm thủy tinh thể nhân tạo năm 2019 tại Bệnh viện Mắt TP.HCM từng gây chú ý dư luận. Ngày 15/3/2019, Bệnh viện Mắt TP.HCM phát đi thông báo và phát hành hồ sơ mời thầu. Ngày 20/3/2019, nhà thầu Thiết bị y tế MC gửi Văn bản số 21/CV-MC làm rõ hồ sơ mời thầu. Ngày 25/3/2019, tổ chức Hội nghị tiền đấu thầu. Ngày 3/4/2019, Bệnh viện Mắt TP.HCM có Công văn số 319/CV-BVM phúc đáp kiến nghị cho nhà thầu MC nhưng văn bản này thực chất không trả lời rõ ràng các nội dung nhà thầu yêu cầu làm rõ hồ sơ mời thầu. Ngày 17/4/2019, lễ đóng/mở thầu được thực hiện.
Trong văn bản gửi Bệnh viện Mắt TP.HCM, nhà thầu MC nêu những nghi vấn sai phạm, không tuân thủ quy định pháp luật về đấu thầu trong quá trình đấu thầu thủy tinh thể. Nhà thầu MC cho rằng, Điều 14, khoản 2, mục c của Nghị định 63/2014/NĐ - CP quy định: “Trong trường hợp cần thiết, tổ chức hội nghị tiền đấu thầu để trao đổi về những nội dung trong hồ sơ mời thầu mà các nhà thầu chưa rõ. Nội dung trao đổi phải được bên mời thầu ghi lại thành biên bản và lập thành văn bản làm rõ hồ sơ mời thầu gửi cho các nhà thầu đã mua hoặc nhận hồ sơ mời thầu”. Tất cả những điều trên đã chứng minh, bên mời thầu đã có hành vi thiếu minh bạch trong công tác lựa chọn nhà thầu và đã tiến hành mở thầu khi chưa giải quyết được các nội dung làm rõ của nhà thầu như quy định tại Nghị định 63/2014/NĐ - CP. Tuy nhiên giai đoạn đó, Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh đã không kịp thời giải quyết các kiến nghị, băn khoăn của các bên dự thầu.
Rất nhiều lùm xùm đấu thầu trong năm 2019, 2020 vừa qua cho thấy, nhiều khiếu nại, kiến nghị để đảm bảo minh bạch, công bằng trong quá trình đấu thầu không được quan tâm xem xét giải quyết thấu đáo, triệt để. Và cuối cùng, hoạt động đấu thầu vẫn diễn ra, kết quả đấu thầu vẫn được công nhận.
Điều đáng lo ngại hơn, không ít cơ quan quản lý Nhà nước về công tác đấu thầu tại địa phương” không hoàn thành vai trò của “người gác cổng”. Do đó kiến nghị, để có thể xử lý nhanh và chính xác những kiến nghị của nhà thầu tại các cuộc đấu thầu diễn ra tại địa phương, việc phân cấp cần được thực hiện triệt để hơn, đặc biệt là trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở quản lý chuyên ngành tại địa phương. Hơn thế, cần bổ sung chế tài và nêu cao trách nhiệm cá nhân người lãnh đạo đứng đầu địa phương về tính thượng tôn pháp luật, không can thiệt bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu. Trường hợp thiếu trách nhiệm, vi phạm các quy định của pháp luật, phải xử lý nghiêm theo chế tài mới quy định tại Điều 222, Bộ luật Hình sự 2015.
Kiến nghị sửa Luật cho đúng thông lệ quốc tế
Quy trình đánh giá hồ sơ dự thầu đối với thuốc nói chung đều tuân theo các văn bản hướng dẫn Luật Đấu thầu, với các quy trình chính cụ thể như sau: Xác định nhu cầu; Xác định giá kế hoạch; Đánh giá hồ sơ dự thầu.
Trong quy trình đánh giá hồ sơ dự thầu có sự tham gia của các chuyên gia có kinh nghiệm với chuyên môn phù hợp tại các bệnh viện và các Vụ, Cục của Bộ Y tế với mong mỏi đảm bảo quy trình đánh giá khách quan, công khai, minh bạch. Nhà thầu phải đáp ứng đủ năng lực kinh nghiệm, sau đó đến đánh giá kỹ thuật (tiêu chuẩn chất lượng…). Cuối cùng mới được mở đề xuất về tài chính. Nhà thầu có điểm tổng hợp cao nhất (tổng hợp giữa kỹ thuật và giá) sẽ được đưa vào thương thảo để ký thỏa thuận khung. Trên cơ sở kết quả thỏa thuận khung, mới tiến hành phê duyệt lựa chọn nhà thầu quy định.
Như vậy, đối với đấu thầu thiết bị y tế, thuốc - một vấn đề quy định đặc trưng riêng ở Việt Nam đó là khâu chấm điểm thầu về mặt kĩ thuật. Tức là việc trúng thầu không đơn thuần là do giá cả, giá thấp chưa chắc đã trúng thầu. Đây là điều chưa đúng với thông lệ quốc tế. Theo Luật sư Lê Quốc Đạt (Đoàn Luật sư Hà Nội): Vấn đề trên đã vô hình tạo ra kẽ hở để những đơn vị có giá thầu cao (được điểm cao không phải chỉ do giá thuốc thấp, do nhiều tiêu chí khác) để trúng thầu. Theo Luật sư Đạt, điều này là trái với thông lệ quốc tế. Thực tế, khâu chấm điểm trong đấu thầu nên thay thế bằng tiêu chuẩn thuốc, vật tư bệnh viện trong điều kiện hàng hóa tại dự án đấu thầu.
Phương pháp chấm điểm trong xét thầu có nhiều hạn chế, đó là việc đưa ra các tiêu chí chấm điểm có thể được hiểu theo các cách khác nhau, xu hướng chủ quan có thể lấn át yếu tố khách quan.
Vì quy chế đấu thầu mua sắm hiện hành của Việt Nam không có sự liên quan giữa các yếu tố giá trị của gói thầu, phương pháp lựa chọn nhà thầu và cấp phê duyệt, cho nên việc chủ dự án tự do lựa chọn phương pháp đấu thầu kém cạnh tranh như đấu thầu hạn chế hoặc chỉ định thầu kém cạnh tranh là phương pháp chính mà vẫn đúng với các quy định pháp luật. Điều này là trái ngược với thông lệ quốc tế và quy định quốc tế. Bởi vậy, kiến nghị tới đây, cần hạn chế tối thiểu việc mua sắm thiết bị y tế theo phương pháp mua sắm trực tiếp hoặc chỉ định thầu.
Vì quy chế đấu thầu mua sắm hiện hành của Việt Nam không có sự liên quan giữa các yếu tố giá trị của gói thầu, phương pháp lựa chọn nhà thầu và cấp phê duyệt, cho nên việc chủ dự án tự do lựa chọn phương pháp đấu thầu kém cạnh tranh như đấu thầu hạn chế hoặc chỉ định thầu kém cạnh tranh là phương pháp chính mà vẫn đúng với các quy định pháp luật. Điều này là trái ngược với thông lệ quốc tế và quy định quốc tế. Bởi vậy, tới đây, kiến nghị cần hạn chế tối thiểu việc mua sắm thiết bị y tế theo phương pháp mua sắm trực tiếp hoặc chỉ định thầu.
Kinh nghiệm của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) là họ luôn chọn cách đấu thầu rộng rãi, công khai. Về đánh giá nhà thầu, họ dựa nhiều vào kinh nghiệm nhà thầu, không dùng phương pháp chấm điểm. Họ xác định tính đáp ứng cơ bản của hồ sơ dự thầu so với hồ sơ mời thầu, nhưng nếu áp dụng vấn đề trên sẽ là gây cản trở với doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm.
Phan Phan