Trong khi hoạt động kinh doanh chứng khoán “nhấn chìm” lợi nhuận của nhiều công ty chứng khoán thì mảng kinh doanh này của ngân hàng lại ghi nhận tăng trưởng đột biến hàng chục, hàng trăm lần trong quý I vừa qua, và nổi lên như một hiện tượng đáng quan tâm.
Thực tế, đầu tư vào các chứng khoán đầu tư về lý thuyết là một hoạt động bình thường của ngân hàng, một kênh đầu tư vào những tài sản sinh lợi góp phần đảm bảo dự trữ thanh khoản. Trong cơ cấu chứng khoán đầu tư của các ngân hàng, giá trị lớn chủ yếu là chứng khoán nợ bao gồm trái phiếu, tín phiếu, giấy tờ có giá, các công cụ phái sinh có tính an toàn cao, rủi ro thấp.
Mức tăng trưởng ấn tượng
Đứng đầu về tăng trưởng lãi mua bán chứng khoán đầu tư là Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB, mã: VIB) với 51 tỷ đồng, gấp 36 lần so với cùng kỳ năm 2019. Giá trị chứng khoán đầu tư của VIB ở mức 44.087 tỷ đồng vào cuối quý I, tăng 58% so với đầu năm.
Xếp sau VIB, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) ghi nhận tăng trưởng lãi từ đầu tư chứng khoán 34 lần, đạt 16,7 tỷ đồng. Tính đến cuối quý I/2019, ngân hàng này có 13.170 tỷ đồng chứng khoán đầu tư, giảm 2% so với đầu năm nhưng không được công bố chi tiết.
Các vị trí tiếp theo thuộc về Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB, mã: ACB) tăng 19 lần đạt 348,8 tỷ đồng. ACB đang có 54.187 tỷ đồng giá trị chứng khoán đầu tư, giảm 3% so với đầu năm, với 14.246 tỷ đồng chứng khoán nợ sẵn sàng để bán và 39.940 tỷ đồng chứng khoán giữ đến ngày đáo hạn.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín (VietBank, mã: VBB) tăng 13 lần, ghi nhận 159 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã: VPB) cũng là 2 ngân hàng tăng trưởng tốt mảng hoạt động kinh doanh chứng khoán. Trong đó, SeABank ghi nhận tăng trưởng 251%, đạt 34,7 tỷ đồng; VPBank đạt 520,7 tỷ đồng, cao hơn 208% so với quý I/2019.
Đặc biệt, nếu xét về con số tuyệt đối, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) mới là nhà băng có khoản lợi nhuận từ chứng khoán đầu tư cao nhất với gần 653 tỷ đồng (gấp 3,4 lần), tiếp đến là Techcombank với 557 tỷ đồng, gấp 8,7 lần so với cùng kỳ.
Thực tế, các ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ sẽ dành phần lớn nguồn vốn kinh doanh để cấp tín dụng cho khách hàng nên chỉ một tác động nhỏ từ nền kinh tế cũng có thể ảnh hưởng đến khoản thu nhập chính (cấp tín dụng) kéo theo thu nhập của ngân hàng giảm sút.
Vì vậy, ngoài hoạt động chính, ngân hàng còn đầu tư vào những khoản mục sinh lời khác và chứng khoán đầu tư là một trong những lựa chọn trước tiên. Bởi chứng khoán đầu tư không chỉ giúp ổn định thu nhập, mà các ngân hàng còn có thể mua và giữ lại để cân bằng rủi ro. Thêm nữa, chứng khoán đầu tư còn dễ dàng mua và bán, nên có thể đáp ứng nhu cầu thanh khoản kịp thời hoặc dùng cầm cố để vay vốn bổ sung.
Giải mã sự đột biến
Trong cơ cấu chứng khoán đầu tư của các ngân hàng gồm rất nhiều các sản phẩm như trái phiếu, tín phiếu, giấy tờ có giá…, trong đó trái phiếu thường là loại hình đầu tư phổ biến nhất. Sản phẩm này có thể được phát hành bởi Chính phủ, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc các tổ chức tín dụng khác.
Ngân hàng sẽ hưởng lãi định kỳ và và tất toán khoản đầu tư vào ngày đáo hạn hoặc khi chủ thể phát hành mua lại trái phiếu. Bên cạnh đó, tín phiếu cũng là một trong những loại hình được ngân hàng lựa chọn, do Ngân hàng Nhà nước phát hành, nên gần như không có rủi ro.
Trong khi đó, trái phiếu và tín phiếu đều là các sản phẩm có nhiều biến động trong quý I vừa qua. Đơn cử với tín phiếu, từ tháng 2, Ngân hàng Nhà nước liên tục phát hành tín phiếu trong 6 tuần liên tiếp, đưa giá trị lượng chứng khoán nợ này lưu hành trên thị trường ở mức 147.000 tỷ đồng.
Trong quý I/2020, VIB đã mua vào gần 14.000 tỷ đồng tín phiếu; 18.593 tỷ đồng chứng khoán nợ do các tổ chức tín dụng khác phát hành, cùng trái phiếu Chính phủ và chứng khoán nợ khác. Ngoài VIB, VPBank cũng mua hơn 9.038 tỷ đồng tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước.
Đối với loại hình trái phiếu, ngoài khoản lãi định kỳ mà các trái chủ nhận được, các ngân hàng còn có được khoản lãi khi nhà phát hành mua lại trái phiếu trước hạn. Trong quý I vừa qua, một số doanh nghiệp bất động sản như Đất Xanh, Phát Đạt, Novaland… đã mua lại trái phiếu trước hạn, góp phần tăng lãi cho nhiều ngân hàng như VPBank, BIDV, MSB…
Bên cạnh đó, trái phiếu Chính phủ và chính quyền địa phương với lãi suất cố định cũng đóng góp vào thu nhập từ chứng khoán đầu tư của các ngân hàng. Thực tế, trong 3 tháng đầu năm, có khá nhiều ngân hàng đã tăng mạnh đầu tư vào loại hình này.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế, trong các thu nhập từ chứng khoán đầu tư có thu nhập từ việc bán lại trái phiếu trước hạn thì đây lại là một vấn đề đáng lưu tâm, bởi rủi ro tái tài trợ đã bộc lộ khá rõ ràng.
Hiện, các ngân hàng đang có xu hướng nắm giữ trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, trong khi đây là nhóm đang được các cơ quan chức năng cũng như chuyên gia cảnh báo rất nhiều. Do đó, sẽ khó nói trước được hậu quả nếu các ngân hàng tiếp tục dồn vốn vào sản phẩm này với kỳ vọng sẽ có những thu nhập “bất thường” nhằm cân bằng những thiệt hại được cho là do dịch Covid-19.
Theo thoibaokinhdoanh.vn
Nguồn bài viết: https://thoibaokinhdoanh.vn/goc-nhin/vi-sao-cac-ngan-hang-thich-do-tien-vao-chung-khoan-dau-tu-1068701.html
Link nội dung: https://phaply.net.vn/vi-sao-cac-ngan-hang-thich-do-tien-vao-chung-khoan-dau-tu-a233748.html