Trước những yêu cầu mới của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, để đẩy mạnh hiệu quả hoạt động, doanh nghiệp cần quan tâm sâu sắc đến công tác quản lý tài chính.
Quản lý tài chính là một phần quan trọng không thể thiếu trong hoạt động quản lý doanh nghiệp (DN). Các công ty vừa và lớn có thể thuê kế toán hoặc nhà phân tích kinh doanh để thực hiện nhiệm vụ quản lý tài chính, tuy nhiên các chủ DN nhỏ thường tự thực hiện nhiệm vụ quản lý tài chính DN.
Công tác quản lý tài chính DN cũng nằm trong tầm ảnh hưởng chung của CMCN 4.0. Cuộc Cách mạng này mang đến cho các DN cơ hội trong việc ứng dụng công nghệ quản trị thông minh và tự động hóa trong quy trình quản lý DN. Trong điều kiện phải nắm bắt và thay đổi kịp thời để thích nghi với công nghệ mới, các DN sẽ có những thay đổi trong các hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và quản lý tài chính nói riêng để thích ứng với điều kiện mới.
Tuy nhiên, CMCN 4.0 tạo ra nhiều cơ hội cho các DN nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với các hoạt động của DN nói chung và lĩnh vực quản lý tài chính nói riêng, buộc các chủ DN phải quan tâm.
DN phải nhanh chóng chuyển đổi mô hình quản trị điều hành, mô hình sản xuất kinh doanh, cấu trúc lại sản phẩm, dịch vụ thích ứng với xu hướng khách hàng thế hệ số, nền kinh số cũng như cần thiết lập khuôn khổ, cơ chế hữu hiệu trong phòng ngừa rủi ro an ninh mạng và bảo mật trong kỷ nguyên số.
CMCN 4.0 đặt ra yêu cầu mới về số lượng, chất lượng cán bộ, nhân viên tham gia vào hoạt động tài chính kế toán của DN. Để giải quyết những hạn chế về trình độ, năng lực của cán bộ, nhân viên và sắp xếp công việc cho một số lượng công nhân viên là một bài toán không hề dễ đối với các DN trong bối cảnh cuộc cách mạng.
Bên cạnh đó, các DN phải đầu tư phát triển trang thiết bị để thích ứng với tiến bộ khoa học công nghệ số. Đây là việc quan trọng, thiết yếu mang lại nhiều hiệu quả nhưng lại gặp trở ngại về chi phí đối với các DN, nhất là DN đáng quan tâm đặc biệt là các DN vừa và nhỏ.
Ngoài ra, trong bối cảnh mới, ngày càng xuất hiện nhiều yếu tố gian lận, biển thủ trong hoạt động tài chính – kế toán tinh vi, do đó, nhà quản lý phải nắm bắt nhanh nhạy, có kiến thức tài chính tốt để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các sai phạm trong đơn vị.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động, theo các chuyên gia tài chính, DN cần tăng cường quản lý tài chính theo hướng thích ứng với điều kiện mới. Các DN cần chủ động lựa chọn các hình thức và phương pháp huy động vốn đảm bảo cho DN hoạt động nhịp nhàng và liên tục với chi phí huy động vốn ở mức thấp; Cần lập kế hoạch để huy động kịp thời các nguồn vốn giúp DN có thể chớp được các cơ hội kinh doanh.
Công tác giám sát, kiểm tra cần được tiến hành chặt chẽ trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Việc làm này nhằm phát hiện kịp thời những tồn tại vướng mắc trong kinh doanh, từ đó có thể đưa ra các quyết định điều chỉnh các hoạt động phù hợp với diễn biến thực tế kinh doanh.
DN cần giám sát, quản lý các khoản vay nợ của khách hàng. nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tài chính DN, hạn chế rủi ro; Lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi kịp thời và hợp lý để tránh tình trạng bị động, thiếu hụt vốn; Thực hiện ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, đặc biệt là giải pháp kỹ thuật số để phục vụ hoạt động quản lý tài chính của DN.
Đòn bẩy tài chính giúp thúc đẩy hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, nếu sử dụng không hiệu quả, đòn bẩy tài chính nó cũng là gánh nặng lớn cho DN. Chính vì vậy, các nhà quản lý DN cần phải tính toán thật kỹ trước khi ra quyết định vay vốn và cần phải có kế hoạch sử dụng vốn vay tiết kiệm và hiệu quả.
Theo tapchitaichinh.vn
Nguồn bài viết: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/yeu-cau-quan-ly-tai-chinh-doanh-nghiep-trong-boi-canh-moi-322752.html
Link nội dung: https://phaply.net.vn/yeu-cau-quan-ly-tai-chinh-doanh-nghiep-trong-boi-canh-moi-a233245.html