Dự thảo mới nhất của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được thiết kế theo hướng đang ngày càng thu hẹp lĩnh vực đầu tư. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này.
Chia sẻ tại buổi Tọa đàm trực tuyến “Các vấn đề về tài trợ vốn và cơ chế giám sát dự án PPP” diễn ra mới đây, ông Phạm Ngọc Lâm - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Văn phòng Quốc hội - cho hay, theo báo cáo của Chính phủ về tổng kết 20 năm thực hiện dự án PPP, có 336 dự án PPP đã được triển khai, trong đó: Lĩnh vực giao thông có 220 dự án; lĩnh vực năng lượng (xây dựng nhà máy điện) có 18 dự án; lĩnh vực giáo dục có 6 dự án; lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật (cấp, thoát nước, xử lý nước thải, rác thải; xây dựng nhà ở tái định cư, hạ tầng ký túc xá…) có 32 dự án và một số lĩnh vực khác.
Căn cứ kết quả tổng kết này và yêu cầu thu hẹp lĩnh vực đầu tư PPP để tập trung nguồn lực, có 5 nhóm lĩnh vực được lựa chọn và thể hiện tại khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật gồm: Giao thông vận tải; lưới điện; nhà máy điện (trừ nhà máy thủy điện); thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải; y tế; giáo dục - đào tạo; hạ tầng công nghệ thông tin.
Trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật, có ý kiến cho rằng, phân theo lĩnh vực như vậy vẫn rộng, đồng thời, đề nghị bỏ về lưới điện, nhà máy điện, cung cấp nước sạch vì tư nhân hoàn toàn có thể đầu tư 100%, hoặc giao doanh nghiệp nhà nước như: EVN, PVN, TKV làm mà không cần sự tham gia của nhà nước theo hợp đồng PPP. Nội dung này căn cứ theo Nghị quyết số 55-NQ/TW “Đổi mới chính sách tài chính theo hướng khuyến khích, thu hút mạnh các nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước; khuyến khích các dự án đầu tư năng lượng theo hình thức đối tác công tư (PPP)”. Đồng thời, phải khẳng định bản chất đây là dự án công, thuộc trách nhiệm của Nhà nước phải cung ứng sản phẩm dịch vụ. Việc áp dụng đầu tư theo phương thức PPP được định hình là phương thức đầu tư với trình tự, thủ tục chặt chẽ và cơ chế, chính sách đầy đủ, áp dụng đối với các dự án quy mô lớn, phức tạp, cần ràng buộc trách nhiệm giữa các bên trên cơ sở hợp tác dài hạn giữa Nhà nước và khu vực tư nhân thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP. Trong khi đó, hoạt động xã hội hóa có thể xem xét áp dụng cho các dự án quy mô nhỏ với trình tự, thủ tục đơn giản, theo đó vẫn bảo đảm được cơ hội thu hút nguồn vốn từ khu vực tư nhân đầu tư cho các dự án quy mô nhỏ ở địa phương.
Ngược lại, có ý kiến cho rằng, cần mở rộng đến các lĩnh vực xã hội hóa khác đang làm hiện nay. Luật tiếp cận theo hướng quy định nguyên tắc về 5 lĩnh vực này và giao Chính phủ quy định chi tiết về lĩnh vực đầu tư nêu trên mà không đi quá chi tiết.
Liên quan đến lĩnh vực điện lực, ông Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam - đánh giá, năng lượng và điện lực là lĩnh vực đòi hỏi đầu tư lớn, nhiều nước dù kinh tế rất phát triển nhưng ngân sách nhà nước và của tập đoàn năng lượng không đủ sức đầu tư. Các chuyên gia tính rằng, các nước trong APEC, năng lực của Nhà nước và các tập đoàn năng lượng chỉ đủ sức trả cho 40 – 60% tổng vốn đầu tư cần thiết, phần còn lại phải huy động từ nguồn khác, kể cả từ nước ngoài, chủ yếu là tư nhân.
Về nhà máy điện và lưới điện, Luật Điện lực quy định lưới truyền tải là Nhà nước độc quyền đầu tư và quản lý, theo ông Trần Đình Long nên tiếp tục để nhà nước độc quyền lưới truyền tải. Tuy nhiên, truyền tải chỉ là một phần, và do Luật Điện lực 2005 đã quy định. Trong điện lực, đầu tư lớn chủ yếu là ở nguồn điện chứ không phải lưới truyền tải. Nguồn điện hiện không còn độc quyền nhà nước nữa, khâu phát điện đã mở rộng cho hầu hết thành phần kinh tế tham gia, kể cả đầu tư nước ngoài. Đầu tư cho nguồn điện chiếm tỷ lệ vốn áp đảo, tới 60%. Vì vậy, dự án PPP với phát điện là hết sức thích hợp, và thực tế chúng ta cũng đã có nhiều dự án và hoạt động khá tốt. Đặc biệt, hiện nay trong xu thế phát triển năng lượng tái tạo, dự án điện gió, mặt trời kể cả áp mái - rất thích hợp cho dự án PPP. Về lưới điện phân phối, hiện có một số lưới phân phối đặc biệt ở khu công nghiệp, chế xuất nhà đầu tư tư nhân trực tiếp quản lý, phân phối, thu phí, có thể cho áp dụng PPP.
Ông Đặng Chi Liêu - Baker Mc Kenzie - đặt vấn đề, về lĩnh vực đầu tư, từ ngữ trong Dự thảo Luật chưa làm rõ. Ví dụ, Dự thảo Luật cho phép đầu tư PPP trong lĩnh vực “nhà máy điện”, vậy thì hạ tầng nhà máy điện có được đầu tư theo hình thức PPP không?. “Đối với năng lượng tái tạo, việc đấu thầu điện mặt trời chúng tôi đang đề xuất bên Nhà nước hoặc bên thứ 3 phát triển hạ tầng, sau đó nhà đầu tư điện mặt trời vào đầu tư trong khu đó. Vậy khu hạ tầng phát triển nhà máy điện như vậy cũng nên áp dụng PPP”, ông Đặng Chi Liêu nói.
Ông Đoàn Giang - Chuyên gia quốc tế PPP – nêu quan điểm, phải làm rõ mục tiêu của Chính phủ trong xây dựng danh mục này là gì? Nếu để tập trung nguồn lực vào lĩnh vực ưu tiên, nhưng đặt ngược vấn đề – liệu Chính phủ có bỏ sót lĩnh vực mà nhà đầu tư mong muốn, quan tâm – như điện, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch hay không?
Đồng ý quan điểm vowi8s Chính phủ là cố gắng tập trung ưu tiên vào một số dự án, khi PPP còn non trẻ. Nhiều quốc gia ban đầu cũng giới hạn một số lĩnh vực, tuy nhiên, dự thảo Luật nên mở ra hướng để khi có các dự án khác hấp dẫn nhà đầu tư tư nhân thì cơ sở pháp lý vẫn cho phép thực hiện vì lĩnh vực hiện nay như dự thảo Luật khá hẹp. “Chính phủ muốn tập trung một số lĩnh vực để bảo đảm thành công nhưng thực hiện PPP có thành công hay không phụ thuộc có chọn đúng dự án chứ không phải chọn đúng lĩnh vực”, ông Đoàn Giang nêu ý kiến.
Theo congthuong.vn
Nguồn bài viết: https://congthuong.vn/du-thao-luat-dau-tu-ppp-mo-rong-hay-thu-hep-linh-vuc-dau-tu-136853.html
Link nội dung: https://phaply.net.vn/du-thao-luat-dau-tu-ppp-mo-rong-hay-thu-hep-linh-vuc-dau-tu-a233003.html