Cần hành lang pháp lý để khuyến khích cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm

Thời gian qua, rất nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ bị lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) xử lý thông qua thông tin, hình ảnh thu được từ thiết bị ghi âm, ghi hình do cá nhân, tổ chức cung cấp (gọi chung là thông tin, hình ảnh). Đây là kênh phát hiện hết sức quan trọng, đảm bảo mọi hành vi phạm pháp luật đều được xử lý kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả.

Nếu như trước đây, khi vắng bóng lực lượng CSGT thì các tài xế thường xuyên vi phạm pháp luật như phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ,…Thì nay, các tài xế phải dè chừng, bởi, nếu có hành vi vi phạm sẽ bị camera giám sát hành trình ghi lại, cung cấp cho CSGT và sẽ bị phạt bất cứ lúc nào.

Ảnh minh hoạ. Nguồn Internet

Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cho phép người có thẩm quyền xử phạt được sử dụng thông tin, hình ảnh thu được từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp để làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm (khoản 11, Điều 80). Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để CSGT phạt nguội thông qua thông tin, hình ảnh do cá nhân, tổ chức cung cấp.

Hiện nay, đa số xe ô tô, xe tải khi lưu thông đều gắn camera giám sát hành trình, do vậy, các hành vi vi phạm có thể được ghi lại nhưng không phải lúc nào cá nhân, tổ chức cũng trích xuất hình ảnh để cung cấp cho CSGT. Lý do, sợ gặp phiền toái hoặc phải tốn thời làm việc với CSGT để xác minh hình ảnh do chính mình cung cấp.

Để khuyến khích cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin, hình ảnh về hành vi vi phạm cho CSGT xử phạt cần phải xây dựng một hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ để triển khai thực hiện. Theo đó, cá nhân, tổ chức nắm giữ thông tin, hình ảnh về hành vi vi phạm phải có trách nhiệm cung cấp cho CSGT để xác minh, xử phạt. Nếu cá nhân, tổ chức nắm giữ hình ảnh, thông tin về hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng như tài xế, phương tiện gây tai nạn chết người nhưng bỏ chạy,…nhưng không cung cấp, nếu bị phát hiện có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm.

Đối với những thông tin, hình ảnh cung cấp cho CSGT xử phạt thì cá nhân, tổ chức đã cung cấp thông tin, hình ảnh đó nên được tuyên dương, đồng thời, có thể được hưởng một khoản tiền nhất định theo tỷ lệ phần trăm của số tiền xử phạt. Bên cạnh đó, để đảm bảo thời hạn xử phạt vi phạm hành chính cần quy định rõ thời gian cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm đến CSGT sau khi cá nhân, tổ chức biết thông tin hoặc ghi lại hình ảnh. CSGT phải tiến hành kiểm tra, xác minh, lập biên bản và ban hành quyết định xử phạt trong thời hạn bao lâu,… Ngoài ra, phải quy định các chế tài xử lý đối với hành vi cung cấp thông tin, hình ảnh giả mạo, không đúng sự thật để trêu chọc, gây rối nhằm đánh lạc hướng người có thẩm quyền xử phạt. Đặc biệt, cần phải quy định rõ việc giữ bí mật về danh tính của cá nhân, tổ chức đã cung cấp thông tin, hình ảnh hoặc có biện pháp bảo vệ an toàn nếu họ bị phát hiện.

Đối với ngành Công an cần phải thiết lập, công khai địa chỉ tiếp nhận thông tin, hình ảnh do cá nhân, tổ chức cung cấp và xây dựng quy trình xử lý cụ thể; không sử dụng các thông tin, hình ảnh đã quá thời hạn xử phạt hoặc không có cơ sở để kiểm tra, xác minh hành vi vi phạm. Khi có kết quả xử lý (xử lý hoặc không đủ cơ sở để xử lý), CSGT phải kịp thời thông tin đến cá nhân, tổ chức đã cung cấp thông tin, hình ảnh được biết.
Thiết nghĩ, muốn khuyến khích cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin, hình ảnh để CSGT xử phạt rất cần một hành lang pháp lý cụ thể. Nếu thực hiện tốt việc này thì ý thức chấp hành pháp luật của các tài xế sẽ được nâng lên đáng kể, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông hiện nay.

Luật gia Đỗ Văn Nhân
Chánh Văn phòng Hội Luật gia tỉnh Kon Tum
211 Trần Hưng Đạo, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum
ĐT: 0355.220.092

Link nội dung: https://phaply.net.vn/can-hanh-lang-phap-ly-de-khuyen-khich-ca-nhan-to-chuc-cung-cap-thong-tin-hinh-anh-vi-pham-a232861.html