Vụ án liên quan đến Đường “ Nhuệ” : Vì sao Cơ quan Điều tra Viện kiểm sát Nhân dân tối cao vào cuộc ?

(Pháp lý) – Liên quan đến vụ án cố ý gây thương tích tại Trụ sở công an phường Trần Lãm, Tp. Thái Bình liên quan đến Nguyễn Xuân Đường (Đường “Nhuệ”) vừa được Công an tỉnh Thái Bình ra quyết định phục hồi điều tra sau 5 năm đình chỉ, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã vào cuộc xác minh một số dấu hiệu vi phạm pháp luật. Vì sao Cơ quan điều tra VKSND tối cao vào cuộc? Thẩm quyền điều tra của Cơ quan này có gì đặc biệt? Diễn biến tố tụng tiếp theo sẽ thế nào? Phóng viên Pháp lý sẽ cùng chuyên gia pháp luật phân tích trong bài viết sau:

Cơ quan VKSND tối cao làm việc với người liên quan trong vụ án

Ngày 28/4, theo giấy mời của VKSND Tối cao, bà Đinh Thị Lý (SN 1964, trú TP Thái Bình) đã có mặt tại VKSND tỉnh Thái Bình (tại địa chỉ số 77 Trần Phú, phường Trần Hưng Đạo, TP Thái Bình) để làm việc về nội dung: Con trai bà bị Nguyễn Xuân Đường (Đường Nhuệ, SN 1971, trú tại số nhà 366, đường Lê Quý Đôn, phường Kỳ Bá, TP Thái Bình) hành hung gây thương tích tại trụ sở Công an phường Trần Lãm vào ngày 18/11/2018. Trước đó, trong ngày 27/4, cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã làm việc với một số người liên quan đến vụ án này.

Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao vào cuộc vụ Đường "Nhuệ" đánh người ngay tại trụ sở Công an

Theo bà Lý, nhiều năm qua bà đã vất vả chạy đến gõ cửa nhiều cơ quan bảo vệ pháp luật tại Thái Bình về vụ hành hung khiến con trai bà là anh Mai Thế Duy (33 tuổi) thương tích 15% nhưng vẫn chưa được đưa ra ánh sáng. “Phải mất gần 6 năm, sau khi vợ chồng Đường “Nhuệ” bị bắt trong một vụ án khác, vụ việc của con trai tôi mới dần sáng tỏ”.

Theo như đơn tố cáo bà Lý gửi cơ quan điều tra, ngày 18/11/2014, bà cùng con trai tố trong lúc chờ cán bộ Công an phường giải quyết ở phòng tiếp dân thì Đường “Nhuệ” cùng đàn em xông vào đánh đập anh Duy. Kết quả, nạn nhân bị thương được đưa đi cấp cứu, có tỉ lệ thương tích 15%.

Ngày 5/7/2015, Trung tá Cao Giang Nam – Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình bất ngờ ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự vì không xác định được bị can và hết thời hạn điều tra. Quyết định này được gửi đến VKSND cùng cấp.
Không đồng tình với kết luận của cơ quan điều tra, mẹ con bà Lý đã viết đơn kêu cứu gửi đến nhiều cơ quan chức năng địa phương, Trung ương mong làm rõ sự việc.

Luật sư bình luận gì về Quyết định đình chỉ điều tra 5 năm trước ?

Trao đổi với PV Pháp lý , Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng VPLS Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) cho rằng việc ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án của Cơ quan điều tra Công an thành phố Thái Bình trong trường hợp này có nhiều điểm bất thường.

Theo Luật sư Diệp Năng Bình, vụ việc xảy ra vào thời điểm Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 đang có hiệu lực. Theo đó, căn cứ theo quy định Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 , Cơ quan điều tra sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án trong những trường hợp: Khi bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo khác có chứng nhận của Hội đồng pháp y; Khi chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu mà đã hết thời hạn điều tra; Đã trưng cầu giám định nhưng chưa có kết quả giám định mà đã hết thời hạn điều tra.

Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng VPLS Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh), trao đổi với PV Pháp lý

Tuy nhiên đối với vụ án này, Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra với lý do không xác định được bị can và đã hết thời hạn điều tra là vô lý , bất thường bởi: Vụ việc xảy ra ngay tại trụ sở công an phường – cơ quan có trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm và tài sản cho nhân dân… nhưng lại không kịp thời bảo vệ được người dân và để vụ việc xảy ra ngay tại trụ sở của cơ quan này, có thấy lực lượng công an phường đã không thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ của mình.

Bên cạnh đó, đáng lẽ những hành vi côn đồ, coi thường pháp luât, ngang nhiên xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác đánh người gây thương tích ngay tại trụ sở công cần phải được xử lý kịp thời nhanh chóng và nghiêm minh.

Nhưng vụ việc này lại bị kéo dài và tạm đình chỉ với lý do không xác định được bị can là không thể chấp nhận, gây bức xúc cho người bị hại, dư luận, ảnh hưởng đến tiêu cực đến hình ảnh của lực lượng công an cũng như giảm niềm tin của người dân vào sự nghiêm minh khách quan, tuân thủ pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ và tinh thần trách nhiệm của cơ quan cảnh sát điều tra khi giải quyết vụ việc này.

Hiện nay, cơ quan điều tra Công an tỉnh Thái Bình phục hồi điều tra đối với vụ án là phù hợp Điều 235 Bộ luật tố hình sự khi “nghi ngờ” có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm hoặc vi phạm trong công tác. Tuy nhiên, việc phục hồi điều tra cũng không có nghĩa đã chắc chắn sẽ chứng minh được tội phạm mà cần chờ kết luận điều tra.

Vì sao Cơ quan Điều tra VKSND tối cao vào cuộc ?

Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, theo quy định tại Điều 20 Luật tổ chức VKSND năm 2014, Điều 163 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và Điều 30 Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Cơ quan điều tra VKSND tối cao có thẩm quyền tiến hành điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp theo quy định của luật mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân.

Do đó khi có dấu hiệu vi phạm xâm phạm đến hoạt động tư pháp, cơ quan điều tra của VKSND tối cao sẽ vào cuộc xác minh, điều tra. Nếu trong trường hợp có dấu hiệu của tội phạm Xâm hại hoạt động tư pháp thì Cơ quan điều tra VKSND tối cao sẽ ra quyết định khởi tố, điều tra vụ hán xâm hại hoạt động tư pháp.

Quá trình xác minh điều tra nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm khác thẩm quyền xử lý thuộc cơ quan nào? Theo Luật sư Diệm Năng Bình, Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp không chỉ bao gồm các tội được quy định tại Chương XXIV Bộ luật hình sự năm 2015 mà còn một số tội phạm quy định tại các chương khác của Bộ luật hình sự, nếu hành vi phạm tội đó xâm phạm sự đúng đắn của hoạt động tố tụng và thi hành án. Ví dụ: Người tiến hành tố tụng phạm tội Nhận hối lộ (Điều 353 BLHS 2015), Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ… Những tội phạm này cũng xâm hại trực tiếp đến hoạt động đúng đắn của cơ quan tiến hành tố tụng và thi hành án, về bản chất cũng là một trong những tội xâm phạm hoạt động tư pháp.

Cùng quan điểm Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật cho rằng, căn cứ khoản 3 Điều 163 Bộ luật tố tụng hình sự, Cơ quan điều tra VKSND tối cao điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV của Bộ luật hình sự xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp. Như vậy, nếu có dấu hiệu tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV của Bộ luật hình sự liên quan vụ án thì thẩm quyền thuộc Cơ quan điều tra VKSND tối cao.

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật - Chủ tịch Công ty luật hợp danh Đông Nam Á (Đoàn luật sư TP Hà Nội), trao đổi với PV Pháp lý

Trở lại với vụ án của Đường “Nhuệ”, liên quan đến những tố cáo hành vi phạm pháp của "đại ca" giang hồ Đường “Nhuệ” cùng đồng bọn, một vụ án xảy ra cách đây hơn 5 năm vừa được cơ quan công an ra quyết định phục hồi điều tra. Vụ án này xảy ra ngay trụ sở công an, hậu quả làm anh Duy bị vỡ xương hàm mặt phải mổ và phẫu thuật đóng đinh. Kết quả trưng cầu giám định pháp y cho thấy anh Duy bị thương tật 15%. Sau sự việc, Công an TP Thái Bình có lập biên bản và ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vào ngày 5/1/2015.

Tuy nhiên, chỉ 6 tháng sau đó (ngày 5/7/2015) thì Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình lại ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự nói trên với lý do chưa xác định được bị can trong vụ án và đã hết thời hạn điều tra là vô lý. Việc làm này gây bức xúc trong dư luận, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Vì thế, có sự vào cuộc của Cơ quan điều tra VKSND tối cao là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật và đảm bảo tính khách quan, Luật sư Diệp Năng Bình nhận định.

Theo quy định tại Điều 20 Luật tổ chức VKSND năm 2014, Điều 163 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và Điều 30 Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Cơ quan điều tra VKSND tối cao có thẩm quyền tiến hành điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp theo quy định của luật mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân.

Do đó khi có dấu hiệu vi phạm xâm phạm đến hoạt động tư pháp, cơ quan điều tra của VKSND tối cao sẽ vào cuộc xác minh, điều tra. Nếu trong trường hợp có dấu hiệu của tội phạm Xâm hại hoạt động tư pháp thì Cơ quan điều tra VKSND tối cao sẽ ra quyết định khởi tố, điều tra vụ hán xâm hại hoạt động tư pháp.

Nam Kiên

Link nội dung: https://phaply.net.vn/vu-an-lien-quan-den-duong-nhue-vi-sao-co-quan-dieu-tra-vien-kiem-sat-nhan-dan-toi-cao-vao-cuoc-a232708.html