Cơ chế chia sẻ doanh thu dự án PPP chưa đủ hấp dẫn

Dự thảo Luật PPP dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9 tới đây (tháng 5/2020). Một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư và các bên có liên quan, đó là “cơ chế chia sẻ doanh thu”, dự thảo luật đưa ra vẫn còn chưa đủ sức hấp dẫn.

Để thu hút tư nhân tham gia vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng thông qua các dự án PPP, Chính phủ đã nỗ lực cải thiện khung pháp lý, thông qua xây dựng Dự thảo Luật PPP, trong đó đưa ra “cơ chế chia sẻ doanh thu”. Tuy nhiên, ông Phạm Ngọc Lâm - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế thuộc Văn phòng Quốc hội, cho rằng: Điều kiện áp dụng “chia sẻ doanh thu” đưa ra còn nhiều trở ngại. Trong đó, dự án phải do cơ quan có thẩm quyền lập; muốn chia sẻ phần giảm doanh thu phải được ghi trong quyết định chủ trương đầu tư; dự án không sử dụng vốn hỗ trợ của Nhà nước; chỉ áp dụng với hợp đồng BOT, BTO, BOO…

Ảnh minh họa

Theo ông Lâm, giảm doanh thu có nhiều nguyên nhân, nhưng lại chỉ áp dụng cơ chế này khi Nhà nước có thay đổi chính sách, quy hoạch, đồng thời chỉ chia sẻ phần doanh thu bị giảm sau khi đã áp dụng tất cả các phương án khác (điều chỉnh giá, phí…). Tại phiên họp Thường vụ Quốc hội mới đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ, đọc Dự thảo Luật PPP liên quan đến vấn đề này cũng chưa thấy yên tâm. Nếu ở cương vị là nhà đầu tư PPP, thì bà Ngân cũng sẽ không tham gia đầu tư.

Dự thảo Luật PPP qui định: Nhà đầu tư PPP chia sẻ với Nhà nước 50% tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu theo phương án tài chính, khi doanh thu thực tế đạt từ 125% mức doanh thu trong phương án tài chính trở lên. Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư PPP 50% phần giảm thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng PPP, với các điều kiện: Dự án PPP phải do cơ quan có thẩm quyền lập, áp dụng với hợp đồng BOT, BTO, BOO, không sử dụng vốn Nhà nước hỗ trợ; khi quy hoạch, chính sách, pháp luật thay đổi làm doanh thu thực tế thấp hơn doanh thu cam kết tại hợp đồng…

Ông Đào Việt Dũng - Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho rằng: Cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu ở đây chính là phí và nhu cầu sử dụng. Về nhu cầu sử dụng, khi xây dựng dự án Nhà nước đưa ra dự báo về lưu lượng, nhân với mức phí nhất định để làm cơ sở đấu thầu. Tuy nhiên, dự báo thường cao hơn thực tế khá nhiều. Trong 5 năm đầu sau khi hoàn thành dự án, nhu cầu thường thấp, sau đó mới tăng. Dự án PPP không chỉ có nhà đầu tư mà còn có ngân hàng cho vay tới 70 - 80% vốn. Nếu cơ chế chia sẻ doanh thu bên cho vay thấy nhiều rủi ro cho nhà đầu tư thì họ sẽ không cho vay, nhà đầu tư sẽ không triển khai được dự án.

Ông Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình hạ tầng giao thông đường bộ - cho rằng: Việc áp dụng chia sẻ giảm doanh thu Dự thảo Luật PPP đưa ra dựa trên doanh thu thực tế và doanh thu cam kết trong hợp đồng (tối đa 75%), nhưng lại chưa có hướng dẫn, điều kiện cụ thể để xác định mức doanh thu cam kết. Đây là một kẽ hở dễ bị lợi dụng để thỏa thuận giữa nhà đầu tư và đại diện cơ quan có thẩm quyền, dễ dẫn đến tiêu cực do mức doanh thu cam kết sẽ phụ thuộc vào khả năng đàm phán của các bên. Còn cơ chế chia sẻ 50% phần hụt thu chỉ áp dụng sau khi đã thực hiện các biện pháp điều chỉnh giá, phí, thời hạn hợp đồng… Điều này cũng dễ phát sinh cơ chế xin - cho và có sự phân biệt giữa các nhà đầu tư với nhau. Do vậy, theo ông Trần Chủng, phải có các tiêu chí rõ ràng điều chỉnh mức giá vé thu phí, điều chỉnh thời hạn hợp đồng… và phải được cấp có thẩm quyền quyết định trước khi lựa chọn nhà đầu tư, nhằm đảm bảo tính minh bạch, công bằng, từ đó nhà đầu tư, ngân hàng… mới có đủ cơ sở đánh giá tính rủi ro trước khi quyết định tham gia dự án PPP hoặc cho vay.

Theo ông Giang Đoàn - Chuyên gia về PPP quốc tế - nếu doanh thu dự án cao hơn mức dự kiến thì nhà đầu tư chia sẻ cho Nhà nước, vấn đề này không cần thảo luận nhiều. Nhưng Dự thảo luật PPP lại chưa nói đến việc chia sẻ rủi ro giảm doanh thu của dự án do nguyên nhân dự báo lưu lượng, chỉ đề cập đến do lỗi chủ quan của Nhà nước là không bình đẳng với chia sẻ tăng doanh thu. Ở nước ngoài, nếu lưu lượng không đạt dự báo thì Nhà nước phải chịu rủi ro, thậm chí phải hủy hợp đồng và bồi thường nhà đầu tư chứ không đơn thuần là chia sẻ rủi ro nữa.

Theo congthuong.vn

Nguồn bài viết: https://congthuong.vn/co-che-chia-se-doanh-thu-du-an-ppp-chua-du-hap-dan-136572.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/co-che-chia-se-doanh-thu-du-an-ppp-chua-du-hap-dan-a232659.html