“Tháo gỡ rào cản thúc đẩy phát triển nền kinh tế số”

Trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tài nguyên số được xác định là một trong 3 trụ cột chính và đóng vai trò cốt lõi cho phát triển nền kinh tế số Việt Nam, bao gồm: Hạ tầng và dịch vụ số; tài nguyên số và chính sách chuyển đổi số. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện nay việc quản lý tài nguyên số vẫn còn nhiều bất cập, thiếu hành lang pháp lý để phát triển. Điều này dẫn đến một thực trạng là các cơ sở dữ liệu quốc gia về nông nghiệp, tài chính, dân cư, quản lý đất đai… chưa được thực hiện hoàn thiện. Dữ liệu các dịch vụ công trực tuyến hiện vẫn chưa liên thông ở các sở ngành, địa phương nên chưa phát huy được tính thống nhất và chia sẻ thông tin, vì vậy người dân, doanh nghiệp khi làm dịch vụ công phải khai báo thông tin nhiều lần cho mỗi dịch vụ.

Để khắc phục tình trạng trên, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần sớm xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý phù hợp về quản lý tài nguyên số để thúc đẩy việc kết nối và chia sẻ dữ liệu số giữa cơ quan nhà nước, đồng thời tiến tới cung cấp dữ liệu mở cho xã hội. Đây cũng là vấn đề được Chính phủ, Thủ tướng chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo trong thời gian qua.

Nhằm chủ động cung cập thông tin về hiện trạng, tầm quan trọng của việc quản lý tài nguyên số nói chung cũng như việc quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số nói riêng trong quá trình chuyển đổi kinh tế số hiện nay, đồng thời ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của các chuyên gia, nhà quản lý xoay quanh vấn đề này, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức cuộc tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Tháo gỡ rào cản thúc đẩy phát triển nền kinh tế số”. Khách mời tọa đàm: ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT; ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin, Bảo hiểm xã hội Việt Nam; ông Nguyễn Thế Trung, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ DTT.

Sau đây là nội dung tọa đàm:

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc quản lý, phát triển tài nguyên số trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4, từ góc độ quản lý nhà nước, xin ông có thể phân tích rõ hơn về vấn đề này?

Ông Nguyễn Hồng Thắng: Đây là thời điểm rất chín muồi trong việc phát triển hạ tầng số, dữ liệu số và kinh tế số. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đã tạo ra những điều kiện đột phá để thay đổi tình trạng trước đây chúng ta đang vướng. CMCN 4.0 với nhiều công nghệ tiên tiến, trí tuệ nhân tạo, blogchain, thực tế ảo… đã đem lại cơ hội rất lớn phát triển nền kinh tế mới gọi là nền kinh tế số với việc đưa ra nhiều mô hình mới khác biệt hoàn toàn so với mô hình trước đây. Dữ liệu là tài nguyên mới được xem như là nền tảng tạo ra sự thay đổi. Dữ liệu như là tài nguyên dầu mỏ trước đây để chúng ta khai thác, sử dụng để tạo ra những giá trị mới, khác biệt so với trước đây chúng ta không có.

Trước đây, chúng ta ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) rất nhiều với những giai đoạn khác nhau. Chúng ta dùng CNTT để phục vụ, thay thế văn bản giấy truyền thống. CNTT như là công nghệ mới trong tác nghiệp, sau đó dần dần áp dụng CNTT vào các bài toán quản lý. Khi áp dụng các bài toán quản lý sẽ tạo ra nhiều dữ liệu, khi có dữ liệu thì các cơ quan cần trao đổi dữ liệu với nhau. Khi trao đổi dữ liệu với nhau, các dữ liệu đó cần có hình thức kết nối, chia sẻ và được quản lý phù hợp. Vì dữ liệu mang thông tin, giá trị nên nếu chúng ta khai thác, sử dụng dữ liệu đó không hiệu quả và không có phương pháp quản lý bảo đảm an toàn thì gây ra nhiều vấn đề. Chính vì vậy, chúng ta cần hạ tầng pháp lý để quản lý, khai thác dữ liệu, tài nguyên mới này hiệu quả.

Trong Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, cụm từ dữ liệu được nhắc đến 11 lần trong văn bản đó. Nhấn mạnh vai trò quan trọng của hạ tầng số, kinh tế số và tài nguyên số và dữ liệu là tài nguyên số quan trọng nhất trong việc thực hiện chủ trương phát triển tận dụng một cách tối cuộc CMCN 4.0.

Tài nguyên số, dữ liệu này được sử dụng trong các cơ quan nhà nước cũng như trong xã hội, doanh nghiệp, người dân; sử dụng trong các cơ quan nhà nước để hoạch định chính sách, để đưa ra các dịch vụ và các chính sách tốt cho xã hội, tạo ra sự phát triển kinh tế của đất nước sang thế kỷ mới. Người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng dữ liệu để phát triển các dịch vụ, tiện ích và đem lại lợi ích cho người dân. doanh nghiệp, chính phủ và đất nước.

Xin ông chia sẻ kinh nghiệm cũng như tầm quan trọng của việc quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số trong hoạt động của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam?

Ông Nguyễn Hoàng Phương: BHXH Việt Nam nhận thức từ rất sớm về vai trò của dữ liệu, vai trò quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu trong điều kiện phát triển và ứng dụng CNTT, cải cách thủ tục hành chính (TTHC). BHXH Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện, bổ sung cập nhật liên tục hệ thống cơ sở dữ liệu. Xác định từ đầu là xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu với đầy đủ thông tin của người tham gia, người thụ hưởng để sẵn sàng kết nối, chia sẻ, đồng thời cung cấp dữ liệu cho chính người dân, doanh nghiệp có thể cùng quản lý, minh bạch hóa thông tin.

Từ lâu, chúng tôi xác định những dữ liệu này là một phần tất yếu của cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm mà Thủ tướng Chính phủ đã giao cho BHXH Việt Nam trong Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22/05/2015 ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử, xác định dữ liệu BHXH Việt Nam là một trong 6 dữ liệu quốc gia quan trọng để tạo nền tảng xây dựng chính phủ điện tử. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã hình thành cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Từ cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm từ rất sớm.

Đến hiện tại, cơ sở dữ liệu của BHXH Việt Nam đã chứa đựng khoảng 86 triệu người tham gia BHYT, khoảng 15 triệu người tham gia BHXH, quản lý thông tin hộ gia đình khoảng 97 triệu người dân. Như vậy, chúng ta đã có kho dữ liệu tương đối lớn, có thể nói là một trong những kho dữ liệu lớn nhất của Việt Nam hiện nay mà chúng tôi đang quản lý, vận hành, khai thác.

Trong quá trình triển khai thực hiện, đã gặp rất nhiều khó khăn. Tất nhiên, các đơn vị đầu tiên luôn gặp những khó khăn, trở ngại. Khó khăn trở ngại lớn nhất là quy định về hành lang pháp lý. Hiện tại, có rất nhiều vướng mắc trong việc thiếu hành lang pháp lý. Tuy nhiên, vừa qua các bộ, ngành đang đẩy mạnh để sớm đưa các nghị định liên quan vào trong thực tiễn.

Liên quan đến kết nối, chia sẻ dữ liệu, thời gian vừa qua, BHXH Việt Nam đã thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu. Hiện tại, chúng tôi đang kết nối, chia sẻ dữ liệu với 8 nhà cung cấp dịch vụ IVAN, dịch vụ giá trị gia tăng về kê khai thủ tục BHXH.

Thứ hai, chúng tôi đã kết nối với Tổng cục Thuế để chia sẻ dữ liệu người tham gia BHXH và đơn vị sử dụng người tham gia với cơ sở dữ liệu về người nộp thuế và quyết toán thuế. Hiện tại, 2 ngành đã thực hiện việc trao đổi dữ liệu dựa trên quy chế phối hợp do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giao cho 2 ngành. Chúng tôi thực hiện từ năm 2015 đến nay rất hiệu quả trong việc thanh, kiểm tra, phòng chống trục lợi, gian lận liên quan đến BHXH và thuế.

Thứ ba là việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với Bộ Tư pháp. Hiện tại, đối với dữ liệu khai sinh và cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi, chúng tôi đã thực hiện việc liên thông đến nay được 49 tỉnh, thành phố. Dự kiến, trong quý II/2020, 100% tất cả các tỉnh, thành phố đều thực hiện việc liên thông.

Thứ tư, việc kết nối với gần 13.000 cơ sở khám, chữa bệnh để thực hiện việc liên thông các dữ liệu liên quan đến giám định BHYT. Chúng tôi cho rằng những cốt lõi cần phải liên thông để thực hiện nghiệp vụ, chúng tôi đã thực hiện. Tuy nhiên, cần trao đổi thêm về những kết nối, chia sẻ dữ liệu đó nằm trên nền tảng quy định về nghiệp vụ. Nghĩa là nếu không có chia sẻ dữ liệu, chúng tôi vẫn phải nhập bằng tay những dữ liệu đó. Chúng ta đang thiếu những chia sẻ mang tính chất nằm ngoài nghiệp vụ để khai thác, bổ sung, làm giàu thêm dữ liệu.

Tài nguyên số có vai trò rất quan trọng trong CMCN 4.0, tuy nhiên, có một thực trạng là hiện nay, các cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng về nông nghiệp, tài chính, dân cư, quản lý đất đai… chưa được thực hiện hoàn thiện và kết nối với nhau. Ông nhìn nhận thế nào về nguyên nhân dẫn đến thực trạng này cũng như tầm quan trọng của việc xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc kết nối, chia sẻ dữ liệu?

Ông Nguyễn Thế Trung: Tôi nghĩ rằng nguyên nhân đầu tiên, lớn nhất chính là nguyên nhân về nhận thức. Trước đây, khi triển khai ứng dụng CNTT, chúng ta nghĩ rằng CNTT gồm có phần cứng, phần mềm, phần mềm sinh ra dữ liệu, chúng ta xem dữ liệu đó là thành phần của phần mềm. Mục tiêu làm sao các phần mềm này phục vụ được các nghiệp vụ mà chúng ta đưa ra. Điều đó chỉ phù hợp trong một giai đoạn chúng ta tin học hóa, cần phải tự động hóa tất cả công việc đang làm bằng giấy tớ, thủ công chuyển sang mô hình tự động hơn.

Tuy nhiên, đến giai đoạn hiện nay, chúng ta nhìn thấy sức mạnh của những tổ chức có thể khai thác được dữ liệu. Chúng ta thấy rằng dữ liệu không chỉ có giá trị riêng cho phần mềm, đơn vị nghiệp vụ hay người đứng đầu tổ chức đó. Thực ra, dữ liệu là những thông tin liên quan đến những đối tượng nói chung, nếu khai thác tốt có thể phục vụ được rất nhiều mục tiêu.

Như ông Phương vừa chia sẻ, cùng một dữ liệu của bệnh nhân, ta có thể phục vụ cho ngành y tế về những vấn đề của y tế nhưng đồng thời, chúng ta phục vụ đương nhiên những nghiệp vụ của bảo hiểm, nếu bảo hiểm chỉ giữ dữ liệu đó thì ngành y tế sẽ thiếu hụt đi nhiều dữ liệu thông tin. Như vậy, các mối quan tâm liên ngành càng ngày càng xuất hiện nhiều. Mô hình kinh doanh dựa trên dữ liệu mang lại những ưu việt. Hầu hết các công ty hiện nay thành công lớn đều làm tốt công việc thu thập, phân tích, khai thác dữ liệu.

Chúng ta quản lý theo cách truyền thống, xem dữ liệu là một phần của hệ thống CNTT, muốn lấy dữ liệu từ phía đơn vị nào đó thì sẽ cung cấp thông tin theo hình thức văn bản hay trích xuất, chứ chưa có chia sẻ dữ liệu với nhau để khai thác tài nguyên này. Chính vì thế, việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia chuyên ngành cũng mang tính nghiệp vụ, khi cần quản lý đến đâu thì số hóa đến đó nên chúng ta chưa có dữ liệu hoàn thiện.

Thứ hai, với số lượng dân số đông như Việt Nam, chúng ta cũng mất một chi phí lớn và thời gian nhất định để làm việc này. Tuy nhiên, hiện nay tôi thấy sự thay đổi nhận thức đã chuyển biến mạnh mẽ, tôi nghĩ quá trình hoàn thiện dữ liệu số quốc gia sẽ diễn ra khá nhanh. Vấn đề đặt ra là làm sao chúng ta chia sẻ và khai thác một cách hợp lý, nếu phung phí thì rất nguy hiểm, nhưng nếu đóng kín không chia sẻ thì cũng rất phí phạm nguồn tài nguyên này.

Ông nhìn nhận thế nào về các nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến tình trạng cát cứ dữ liệu vẫn tồn tại ở một số bộ, ngành, địa phương?

Ông Nguyễn Hồng Thắng: Thuật ngữ cát cứ dữ liệu đã được nhiều người nhắc đến và nói nhiều trên báo chí. Đây cũng chính là rào cản, hạn chế phát triển trong thời gian vừa qua mà chúng ta phải tập trung tháo gỡ rào cản này mới có cơ hội phát triển chung cho cơ quan nhà nước cũng như đất nước. Về nguyên nhân, có nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.

Quá trình phát triển là quá trình lâu dài, từ ứng dụng CNTT, tin học văn phòng cho đến các hệ thống thông tin quản lý điều hành hoạt động sinh ra dữ liệu, các hệ thống công nghệ mới… Các hệ thống thông tin chúng ta xây dựng rất nhỏ lẻ, các dữ liệu phân tán ở các nơi chưa được tập trung hóa và khai thác. Chúng ta chưa nhận thức được dữ liệu quan trọng như ông Trung vừa chia sẻ. Điều này là do nhận thức, chưa đánh giá được tầm quan trọng và giá trị của dữ liệu, tài nguyên số này.

Hiện tại, tôi thấy nhận thức đã có sự thay đổi, mọi người nhận thức rằng dữ liệu rất quan trọng. Tuy nhiên, hạ tầng chúng ta xây dựng chưa có chiến lược tổng thể. Dữ liệu đang phân tán, nếu muốn chia sẻ, hiện nay khó có thể chia sẻ được, chất lượng dữ liệu chưa tốt, khi chia sẻ có thể có những rủi ro. Chính vì vậy, cần xây dựng hệ thống dữ liệu tổng thể mới chia sẻ được.

Trước hết, giải quyết vấn đề nhận thức, tôi nghĩ đã tốt hơn trước. Thứ hai, vấn đề về công nghệ, tôi thấy đây là thời điểm chín muồi. Công nghệ giải quyết được tốt bài toán về dữ liệu, chúng ta chỉ còn thiếu nhận thức quyết tâm, làm cho dứt điểm, đừng để kéo dài. Rất nhiều cơ sở dữ liệu quốc gia kéo dài nhiều năm không thực hiện, bây giờ quyết tâm và có hành động mạnh mẽ, phải có đầu tư và cả nguồn vốn cũng rất quan trọng.
Về khách quan, chia sẻ dữ liệu mang lại lợi ích nhưng có rủi ro vì dữ liệu mang thông tin, thông tin giá trị có thể liên quan đến tài sản quốc gia, đời sống riêng tư của người dân. Vì vậy, cần có cơ chế chia sẻ dữ liệu để bảo đảm rằng tất cả các dữ liệu đều được chia sẻ trong một cơ chế pháp luật đảm bảo.

Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng dự thảo và đi gần đến giai đoạn cuối, sẽ sớm ban hành trong thời gian tới để tạo ra hành lang pháp lý là Nghị định chia sẻ dữ liệu trong các cơ quan nhà nước. Nghị định này sẽ tháo gỡ, giải quyết vấn đề trong thời gian tới để các cơ quan nhà nước có thể chia sẻ dữ liệu với nhau, với doanh nghiệp và người dân.

Theo tôi có 2 nguyên nhân dẫn đến cát cứ dữ liệu: Bản thân đơn vị được giao làm chủ dữ liệu đó cũng có xu hướng muốn đóng dữ liệu, tâm lý e ngại vì nó nhạy cảm nếu thông tin đó không bảo đảm về tính minh bạch. Thứ hai, bản thân dữ liệu khi chia sẻ, nó là một tài sản mà tài sản này không thể trả giá bằng tiền được nếu dữ liệu bị rò rỉ hoặc gây tác động ngược lại. Vì vậy, đơn vị nào cũng trong trạng thái phải bỏ nguồn lực, phải bỏ chi phí ra để cho một người khác khai thác. Chúng ta chưa nhìn thấy lợi đâu cả nhưng bất cập thì chúng ta đã nhìn thấy rồi, cho nên nó cũng có tác động 2 chiều khi chúng ta chưa có hành lang pháp lý đầy đủ, chưa có cơ chế cho các đơn vị đang làm chủ dữ liệu đấy sẵn sàng chia sẻ. Bên cạnh đó, cũng phải có những quy định để bảo đảm những chia sẻ đó được an toàn ở mức nhất định.

Ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin, Bảo hiểm xã hội Việt Nam (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Ông Nguyễn Thế Trung: Tôi xin bổ sung thêm một trong những nguyên nhân lớn là nhận thức, có chuyển biến nhận thức nhưng không có nghĩa là chúng ta đã nhận thức đúng. Thay đổi nhận thức rõ ràng hơn thông qua khung pháp lý như Bộ TT&TT đang dự thảo Nghị định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số, Bộ Công an đang dự thảo Nghị định về dữ liệu riêng tư. Một mặt, chúng ta sẽ quy hoạch để cho hệ thống dữ liệu đấy được chia sẻ với nhau nhưng đồng thời chúng ta bảo đảm nó không vi phạm pháp luật.

Được biết là trong dự thảo Nghị định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số có quy định bắt buộc cơ quan nhà nước chia sẻ dữ liệu cho các cơ quan nhà nước khác. Xin ông có thể giải thích rõ hơn về quy định này?

Ông Nguyễn Hồng Thắng: Nghị định này ra đời để tạo ra một sự thay đổi về nhận thức, hành lang pháp lý và tạo niềm tin trong xã hội. Ngược lại, cơ quan nhà nước có thể lấy dữ liệu của cơ quan nhà nước khác theo quy định của pháp luật. Niềm tin được củng cố, trên cơ sở pháp lý sẽ tạo ra một nền tảng dữ liệu tốt, sạch, có giá trị và có thể biến thành tri thức để phát triển xã hội.

Nghị định có những điểm chính sau: Tạo cơ chế để các cơ quan chia sẽ dữ liệu cho nhau; cơ quan nhà nước phải xây dựng các quy định, các quy chế và công bố dữ liệu mà mình sẽ chia sẻ; cung cấp dữ liệu mở để tất cả người dân, doanh nghiệp có thể truy cập và sử dụng, cung cấp dịch vụ mà không phải trả phí. Đây là một điểm rất mới.

Xin được biết quan điểm của ông về tính hợp lý và khả thi của quy định cơ quan nhà nước không được yêu cầu cá nhân, tổ chức cung cấp lại dữ liệu mà cơ quan nhà nước đó đang quản lý hoặc dữ liệu đó được cơ quan nhà nước khác sẵn sàng chia sẻ? Ông có kiến nghị, đề xuất gì từ phía doanh nghiệp để tạo thuận lợi cho việc tiếp cận với các nguồn tài nguyên số phục vụ cho nhu cầu pháp triển của doanh nghiệp và người dân?

Ông Nguyễn Thế Trung: Quy định này có tính hợp lý bởi chúng ta không thể bắt người dân làm lặp đi lặp lại một việc quá nhiều lần, dữ liệu hôm nay cấp cho người dân họ có thể lại phải chia sẻ lại cho cơ quan nhà nước khác vào ngày mai.

Ông Nguyễn Thế Trung, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ DTT (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Về tính khả thi: Chúng ta sẽ có những cách thức để tối ưu hóa. Ví dụ: Cổng Dịch vụ công quốc gia, chúng ta ưu tiên tất cả những dịch vụ liên quan đến doanh nghiệp và người dân, trong đó, chúng ta lại ưu tiên những dịch vụ có nhiều người dùng trước. Ở đây, chúng ta cũng sẽ có những giải pháp tương tự như liên thông Cổng Dịch vụ công quốc gia để các cơ quan nhà nước có thể chia sẽ dữ liệu thông tin với nhau. Điều quan trọng nhất của Nghị định là chúng ta đưa vào những cách thức mà nếu làm theo đó, chúng ta sẽ quản trị được dữ liệu, chủ động trong chia sẻ dữ liệu. Chế tài dễ nhất đó là minh bạch hóa việc chia sẻ dữ liệu với nhau.

Hiện nay, việc chia sẻ dữ liệu của cá nhân, tổ chức cho cơ quan nhà nước khác có nhu cầu được BHXH thực hiện thế nào? Ông có đề xuất, kiến nghị gì để tháo gỡ những vướng mắc hiện nay khi mà nhu cầu chia sẻ dữ liệu của các cá nhân, tổ chức ngày càng tăng?

Ông Nguyễn Hoàng Phương: Tại BHXH Việt Nam, thời gian vừa qua, hầu hết các dữ liệu liên thông và chia sẻ dữ liệu đều thực hiện trên cơ sở đã có sẵn quy định nghiệp vụ. Trong trường hợp không chia sẻ dữ liệu bằng điện tử thì cũng đã có sự chia sẻ bằng tài liệu giấy hoặc các hình thức khác. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã kí với nhau một bản quy chế phối hợp để bảo đảm trong việc phối hợp và chia sẻ dữ liệu.

Qua quá trình tích hợp và chia sẻ dữ liệu, chúng tôi nhận thấy việc chia sẻ dữ liệu được nhiều hơn là mất. Vì khi chúng ta chia sẻ dữ liệu thì sẽ có bên thứ 3 kiểm tra, nhìn rõ hơn vấn đề còn tồn tại. Quá trình chia sẻ là quá trình 2 chiều giúp chúng tôi làm sạch hơn dữ liệu, bổ sung thêm dữ liệu và làm giàu thêm nguồn dữ liệu. Đây là xu hướng nên làm và phải làm trong tương lai.

Theo ông, chúng ta có cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn các yêu cầu về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật để bảo đảm khả năng sẵn sàng, kết nối, chia sẻ dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương hay không?

Ông Nguyễn Hồng Thắng: Về mặt hạ tầng công nghệ để chia sẻ dữ liệu thì thời điểm này có thể nói đã chín muồi, điều quan trọng là chúng ta phải có kiến trúc sư về dữ liệu, có cái nhìn tổng thể về giá trị của dữ liệu. Trong hạ tầng công nghệ về dữ liệu thì chúng ta cần lưu ý những vấn đề phục vụ việc quản trị dữ liệu cho tốt vì dữ liệu rất nhiều, rất lớn mà khối lượng lớn như thế thì chúng ta phải làm sao biến thành thông tin có giá trị. Một vấn đề khác là chúng ta phải quan tâm đến vấn đề an toàn thông tin để dữ liệu số được quản lý, sử dụng, phát huy hiệu quả tốt nhất.

Một trong những điểm đáng chú ý trong dự thảo Nghị định là nêu rõ khái niệm về dữ liệu mở để người dân, doanh nghiệp có thể được sử dụng miễn phí. Xin ông có thể chia sẻ rõ hơn về quy định này?

Ông Nguyễn Hồng Thắng: Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc tiếp cận và tiến tới đưa ra các quy định về quản lý dữ liệu mở. Dữ liệu mở là dữ liệu mà các cơ quan nhà nước lập kế hoạch và thực hiện chia sẻ ra bên ngoài, không chỉ với cơ quan nhà nước khác mà cả với người dân, doanh nghiệp, cho xã hội, nhất là đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, để có thể khai thác, sử dụng hoặc kết hợp với các nguồn dữ liệu khác để tạo ra các giá trị mới. Những dữ liệu mở được khuyến nghị có thể chia sẻ như dữ liệu về dự báo thời tiết, dữ liệu về hạ tầng giao thông, đô thị, trường học … Có thể nói tới đây, khi hành lang pháp lý được hoàn thiện thì chúng ta sẽ có rất nhiều dữ liệu có thể chia sẻ được và đây chính là tiềm năm rất lớn để phát triển nền kinh tế số của Việt Nam trong thời gian tới.

Xin trân trọng cảm ơn các Khách mời đã tham gia buổi Tọa đàm

Nguồn: Baochinhphu.vn

Link nội dung: https://phaply.net.vn/thao-go-rao-can-thuc-day-phat-trien-nen-kinh-te-so-a232601.html