Cần giải pháp toàn cầu về kinh tế

Khủng hoảng kinh tế giai đoạn 1929-1932 được nhắc đến với cụm từ “Đại suy thoái” (The Great recession), là cột mốc quan trọng của kinh tế học nói riêng và lịch sử thế giới nói chung. Những hậu quả nặng nề của nó đã làm sâu sắc thêm sự chia rẽ của thế giới và góp phần gây ra Thế chiến II.

Sự kiện này đã khiến lịch sử nhân loại phải trải qua một giai đoạn đầy mất mát đau thương, châu Âu bị tàn phá nặng nề, hoang tàn đổ nát dưới khói lửa chiến tranh.

Hệ quả khốc liệt của khủng hoảng có gắn chữ “The Great”

Năm 1944, tuy thắng trận trong Thế chiến II nhưng phe đồng minh phải đối diện với vấn đề nghiêm trọng, thậm chí còn hơn cả chiến tranh: thảm hoạ kinh tế, khi hầu hết nền kinh tế đã hoàn toàn tê liệt. Vì vậy, để hàng triệu dân châu Âu không chết đói vì thiếu lương thực và nhiên liệu, các quốc gia đồng minh và Mỹ buộc phải ngồi lại với nhau tại Hội nghị Bretton Woods để bàn các giải pháp nhằm “tái thiết châu Âu”.

Hai người anh em song sinh là Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đã ra đời từ đó. Hiệp ước, sau đó mang tên Bretton Woods với hàng loạt thoả thuận về tài chính, tiền tệ, thương mại và đầu tư, được xem là giải pháp ở cấp độ toàn cầu thời đó để giải quyết vấn đề khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng lại các nền kinh tế đã hoàn toàn kiệt quệ.

Phải mất nhiều năm để thế giới phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng. Với xu hướng tăng cường hoạt động sản xuất, sáng kiến sáng tạo và đẩy mạnh giao thương để xây dựng lại kinh tế thời hậu chiến, trong bối cảnh thể chế được làm cho thông thoáng và tối thiểu hóa rủi ro ở cấp độ toàn cầu, các thành tựu về kinh tế, thương mại, đầu tư đã phát triển rực rỡ.

Vì vậy, thập niên 80 của thế kỷ 20 thường được nhắc đến bằng cụm từ "The Great moderation": đại ôn hòa, đại ổn định hay đại hoàng kim. Đây được xem là giai đoạn phát triển mạnh mẽ của các tập đoàn đa quốc gia, là động lực chính của làn sóng toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ sau đó, và kéo dài cho đến tận ngày nay.

Thế rồi, Bear Stearns, và sau đó là Lehman Brothers sụp đổ vào năm 2008 đã kết thúc học thuyết “too big to fall”(quá lớn để sụp đổ) của Hoa Kỳ, đẩy nền kinh tế thế giới vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử loài người cho đến thời điểm đó, dưới tên gọi “Đại khủng hoảng”(The Great crisis).

Thế nhưng giới học thuật lúc đó lại cho rằng, thế giới còn lâm vào cuộc khủng hoảng khác nghiêm trọng hơn: lý thuyết kinh tế, rằng thế giới đang cần học thuyết mới giúp vận hành nền kinh tế một cách an toàn và thịnh vượng, chống được các cuộc khủng hoảng có tính chu kỳ. Rõ ràng, mỗi khi một cuộc khủng hoảng bùng nổ ở cấp độ toàn cầu luôn đòi hỏi những giải pháp cũng phải ở cấp độ toàn cầu hơn là các quốc gia đơn phương hành động.

Cái giá phải trả cho nền kinh tế Mỹ sau đó là cuộc suy thoái kéo dài, tốn kém nhiều tiền của và cả giấy mực của giới truyền thông lẫn học thuật trong hơn 10 năm. Chính phủ Mỹ đã phải tung ra những gói kích thích kinh tế khổng lồ trị giá hàng ngàn tỷ USD để xua tan bóng ma suy thoái. Bên kia Đại Tây Dương, châu Âu bị kéo vào cuộc khủng hoảng nợ công trầm trọng, gây mất đoàn kết, khiến nội bộ EU trở nên chia rẽ hơn bao giờ hết, thậm chí suýt tan rã trong đường tơ kẽ tóc.

Tất cả các cuộc khủng hoảng gắn với chữ “The Great” đều diễn ra với hậu quả của cái sau khốc liệt và bi thảm hơn cái trước. Giờ đây, sinh vật có kích thước chưa bằng 1/1000mm, chỉ nhìn thấy được dưới kính hiển vi đã đẩy nhân loại vào cuộc khủng hoảng mới, mang tên “The Great lockdown”, khi cả thế giới đóng băng trong trạng thái “phong tỏa toàn cầu”. Và IMF vừa công bố một báo cáo cho rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ chìm trong thảm họa suy thoái tồi tệ nhất lịch sử kể từ thập niên 1930.

Vẫn loay hoay bài toán chọn sức khỏe và kinh tế

Đại dịch Covid-19 rõ ràng đã trở thành một vấn đề ở cấp độ toàn cầu và bài toán kinh tế giờ đây cần được giải quyết bằng những giải pháp toàn cầu. Việc cả thế giới lao vào cuộc đua tìm kiếm vaccine và thuốc điều trị có lẽ là bước quan trọng đầu tiên.

Nhưng làm thế nào để phục hồi các nền kinh tế sau trạng thái “ngủ đông”, cần những giải pháp nào để đốt nóng động cơ tăng trưởng, giờ đây là những bài toán được đặt ra cho cộng đồng quốc tế, đòi hỏi sự đồng thuận và chung tay bởi nhiều quốc gia. Thậm chí sự đoàn kết và thống nhất của cộng đồng quốc tế trong các kịch bản ứng xử sau khi nguồn gốc và nguyên nhân của virus corona chủng mới được tìm ra cũng cần được thảo luận

Đại dịch Covid-19 đã trở thành vấn đề ở cấp độ toàn cầu, nên bài toán kinh tế cũng như sức khỏe cộng đồng cần phải được giải quyết bằng những giải pháp toàn cầu.

Tuy nhiên, dường như mọi thứ vẫn còn bỏ ngỏ khi vấn đề cơ bản nhất là bài toán lựa chọn nghiệt ngã giữa sức khoẻ và kinh tế còn đang gây tranh cãi. Đóng cửa nền kinh tế để chống dịch và bảo vệ sức khỏe cộng đồng là sự lựa chọn của hầu hết quốc gia lúc này. Song thảm họa kinh tế đi kèm với sự lựa chọn đó cũng cần những giải pháp tháo gỡ, phải được thảo luận và hoạch định ngay từ bây giờ ở cấp độ toàn cầu.

Lịch sử đã cho thấy các chính sách kiểu truyền thống và kế hoạch hành động đơn phương của mỗi quốc gia sẽ không phù hợp với cuộc khủng hoảng lần này. Chẳng hạn, các nước đang phát triển không thể học theo và cũng không đủ nguồn lực để tung ra các gói hỗ trợ kinh tế tốn kém và chi phí đắt đỏ, gồm cả các hệ luỵ kèm theo trong dài hạn.

Tuyên bố “làm bất cứ điều gì và bằng tất cả công cụ có sẵn để đảm bảo duy trì sự ổn định và khả năng phục hồi của nền kinh tế” của các lãnh đạo G20 ở Hội nghị thượng đỉnh tổ chức vào ngày 26-3 vừa qua, hay ý tưởng sử dụng Quyền rút vốn đặc biệt SDR để thực hiện giải cứu nền kinh tế của các nước nghèo khó mà không gây ra thậm hụt ngân sách lớn cho các quốc gia này, hoặc khởi động lại chương trình tái cấu trúc nợ công ở quy mô toàn cầu… có lẽ là các ý tưởng cụ thể ban đầu của giải pháp có tính toàn cầu đang được trông đợi này.

Vậy thì, trong khi chờ đợi những giải pháp có tính hệ thống và hữu hiệu, cũng hệt như thế giới đang chờ đợi từng ngày liều vaccine chống Covid-19, cần phải tỉnh táo và thực tế hơn để hiểu rằng các gói giải cứu kinh tế và hỗ trợ được tuyên bố lúc này, nên được xem có ý nghĩa biểu tượng và tinh thần nhiều hơn tính hiệu quả tức thời và cứu cánh duy nhất.

Giống như bác sĩ khi tiếp nhận các trường hợp bệnh nan y cũng buộc phải kê vài toa thuốc giảm đau, để bệnh nhân tin rằng mình đang và sẽ được cứu sống. Và nếu như mọi thứ tệ hơn mà vẫn không có thuốc chữa, họ vẫn tự thấy nhẹ nhàng vì “chúng tôi đã làm hết khả năng”.

“Biết người biết ta”, hơn ai hết doanh nghiệp lúc này hiểu rõ nhất tình hình sức khỏe và khả năng chịu đựng của tổ chức, thậm chí còn tự biết rằng mình có nằm trong danh sách được giải cứu hay không. Nên nếu bỏ qua một bên các vấn đề bất cân xứng thông tin, rủi ro đạo đức hay sự lựa chọn đối nghịch, giải pháp hữu hiệu nhất bây giờ có lẽ là tự cứu lấy bản thân, trước khi “đội đặc nhiệm giải cứu” đến gõ cửa tận nơi.

Theo /tapchitaichinh.vn

Nguồn bài viết: http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/can-giai-phap-toan-cau-ve-kinh-te-322093.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/can-giai-phap-toan-cau-ve-kinh-te-a232597.html