Cấp thiết khống chế 'virus sách nhiễu' doanh nghiệp

Để tái khởi động lại nền kinh tế, nhanh chóng phục hồi "sức khỏe" cho doanh nghiệp cần phải khống chế cho được "virus sách nhiễu" vẫn tồn tại ở một bộ phận cơ quan công quyền.

Khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết: Một trong những vấn đề được các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đặc biệt phản ánh với Chính phủ là việc thực hiện các giải pháp từ phía các Bộ còn chậm, cũng như việc tiếp cận được các nguồn vay với lãi suất thấp hay các hình thức ưu đãi tín dụng khác là còn rất khó khăn khi thủ tục thực tiễn đang rất rườm rà, phức tạp, yêu cầu các doanh nghiệp phải thế chấp hoặc chứng minh mất nhiều thời gian trong khi nguồn vốn cho việc duy trì sản xuất kinh doanh là rất cấp thiết.

Doanh nghiệp ngóng… hỗ trợ

“Cần đẩy mạnh việc cắt giảm thủ tục hành chính vì tình hình hàng hóa tồn đọng đang nhiều lên do việc bán bị chậm lại, nhưng thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất với lĩnh vực cấp phép xây dựng còn khó khăn làm hàng hóa không có chỗ để chứa, tháng hạn không mưa nhưng sắp tới mưa xuống thì hàng hóa công ty chúng tôi không biết phải làm sao và rất cần các chính sách hỗ trợ giảm lãi suất cho vay”, một doanh nghiệp được Ban IV khảo sát chia sẻ.

Doanh nghiệp mong muốn bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết (Ảnh: Tư liệu)

Đồng thời, báo cáo của Ban IV cho hay các doanh nghiệp dệt may cần Chính phủ chủ động đẩy mạnh, đẩy nhanh việc thảo luận các hợp đồng khẩu trang (vải và y tế) lớn với Chính phủ các nước để hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp dệt may và nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khác khác, do đây là thời điểm Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế đối với mặt hàng này, cùng một số mặt hàng bảo hộ khác.

Hay như vụ việc xuất khẩu gạo vừa qua cũng cho thấy rõ sự quản lý rắc rối của các bộ ngành, mỗi lần công văn xin ý kiến qua lại giữa các bộ ngành có nghĩa là doanh nghiệp xuất khẩu gạo lại tiếp tục phải chờ, trong khi gạo đang được giá.

Tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nghiêm khắc phê bình Bộ Công Thương và Bộ Tài chính: "Sự phối hợp trong quá trình thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng giữa Bộ Tài chính và Bộ Công Thương chưa chặt chẽ, hài hòa. Điều này ảnh hưởng lớn đến nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc vừa phòng chống dịch vừa tập trung phát triển sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, bảo đảm đời sống của người dân".

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG cho biết chủ trương gia hạn thời gian nộp thuế đất và tiền thuê đất cho doanh nghiệp đã được Chính phủ hiện thực hóa với việc bạn hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP nhưng hiện vẫn chưa có hướng dẫn chính thức, giới hạn tối đa là 20% nên doanh nghiệp mong muốn sớm có hướng dẫn cụ thể để tiếp cận theo tinh thần Nghị định.

Hiện có tới 90% doanh nghiệp du lịch phải tạm ngừng hoạt động, song ông Phan Đình Huê, Tổng giám đốc Công ty du lịch VietCircle cho hay, để doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ còn tuỳ thuộc vào việc triển khai của các cơ quan chức năng. Thực tế thủ tục để tiếp cận được các chính sách hỗ trợ không hề đơn giản.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Nafoods lo ngại việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ của ngân hàng khá khó khăn, thậm chí việc đề nghị giãn nợ cũng bị cảnh báo là sẽ bị đưa vào danh sách nợ xấu.

Bỏ "thủ tục hành là chính"

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc kể: Nhiều doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp, họ nói rằng nghe chủ trương chính sách từ trên, nhất là những thông điệp quyết liệt của Thủ tướng thì rất phấn khởi, nhưng khi gặp cán bộ ở cấp thực thi vẫn chưa thể yên tâm. "Hỏi chủ trương có rồi sao không thực hiện thì họ trả lời: Sếp nói vậy nhưng đã có hướng dẫn gì đâu, tiêu chí quy trình đều chưa rõ". Hiện tượng như vậy không phải là ngoại lệ", ông Lộc nói.

Qua đó, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, hỗ trợ tiền bạc, thuế, phí, tín dụng là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là những phản ứng khẩn trương, linh hoạt và có trách nhiệm của cơ chế và bộ máy để có thể tiếp sức cho doanh nghiệp.

Ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban IV cho biết các doanh nghiệp tư nhân muốn Nhà nước có chính sách khuyến khích và phát triển công cụ online như bán hàng online, ví điện tử, cho phép công ty viễn thông và người dùng lấy số điện thoại làm tài khoản ngân hàng để giảm chi phí giao dịch ngân hàng. Việc này sẽ cho ra đời nhiều doanh nghiệp mới và mô hình kinh doanh mới, từ đó tạo công ăn việc làm mới cho xã hội cũng như giảm chi phí chung cho nền kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh.

Ông Bình kiến nghị: "Chính phủ cần yêu cầu tất cả các cơ quan hành chính nhà nước bỏ giấy tờ không cần thiết khiến doanh nghiệp và người dân phải đi lại tốn thời gian, chi phí như công chứng và chứng thực văn bản… thông qua việc đẩy mạnh chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước. Nhiều thủ tục yêu cầu nộp bản sao giấy đăng ký kinh doanh hay chứng minh thư, hộ khẩu… Tất cả văn bản này Nhà nước đều có tại sao lại yêu cầu doanh nghiệp nộp mỗi khi làm một thủ tục nào đó. Tại sao các cơ quan nhà nước không chia sẻ dữ liệu với nhau để giảm thiểu chi phí này cho doanh nghiệp? Đây là cách làm tốt nhất Nhà nước giúp doanh nghiệp trong mùa dịch".

Tại dự thảo về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Chính phủ lưu ý các bộ, cơ quan, địa phương tập trung quán triệt, khẩn trương có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức thực hiện ngay các nhiệm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ứng phó với dịch Covid-19; tránh xin - cho, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Doanh nghiệp hiến kế tái khởi động nền kinh tế

Dự kiến Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch Covid-19 sẽ tổ chức vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5/2020.

Một trong các mục tiêu của Hội nghị nhằm lắng nghe doanh nghiệp đánh giá tác động và khả năng hấp thụ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, địa phương ban hành ứng phó với dịch Covid-19 thời gian qua và kiến nghị, đề xuất với Chính phủ các giải pháp cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch và thúc đẩy doanh nghiệp nắm bắt cơ hội phát triển trong thời gian tới.

Để Hội nghị thực sự chất lượng, hiệu quả, qua đó giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành được các giải pháp thiết thực nhằm tái khởi động nền kinh tế, Bộ KH&ĐT cho biết doanh nghiệp có thể đề xuất các sáng kiến, giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tái khởi động nền kinh tế về Bộ KH&ĐT trước ngày 24/4/2020 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Nguồn bài viết: https://thoibaokinhdoanh.vn/viet-nam/cap-thiet-khong-che-virus-sach-nhieu-doanh-nghiep-1067666.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/cap-thiet-khong-che-virus-sach-nhieu-doanh-nghiep-a232431.html