Giữa khó khăn, vì sao doanh nghiệp ngại liên kết?

Nguy cơ phá sản dường như đến gần hơn với giới doanh nghiệp khi mà tác động của dịch Covid-19 chưa rõ điểm dừng. Thế nhưng, giữa lúc khó khăn này, việc liên kết kém giữa các doanh nghiệp nội địa xem ra còn nhiều chuyện để bàn.

Nhìn vào kết quả khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là 50% doanh nghiệp (DN) có thể sẽ phá sản nếu dịch Covid-19 kéo dài, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Long Biên (Tp.HCM), buồn bã nói rằng chắc chắn đó sẽ là bài học rất đau đớn với các DN Việt.

Đặt lợi ích lên trên?

Ông Tuấn kể lại: "Nhiều bạn bè là chủ DN sau khi xem kết quả khảo sát của VCCI đã nhắn tin cho tôi là tâm trạng của họ đang rất bi quan. Ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đến sản xuất kinh doanh khiến họ đau đầu, không còn lạc quan như thuở trước".

"Và giữa thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp này, họ than phiền việc liên kết giữa các DN sao mà khó khăn đến thế!”, vị giám đốc này nói.

Còn như chia sẻ của ông Trần Đức Linh, chủ của một DN chế biến nhựa ở Tp.HCM: Tình trạng hiện giờ là do tác động của dịch Covid-19, nhiều DN không có nguồn nguyên liệu, không trao đổi mua bán, sản xuất cầm chừng…

Rồi ông Linh đề cập đến chuyện liên kết giữa các DN nội địa để vượt qua lúc khó khăn. Chính ông cũng phải ái ngại chuyện này khi bản thân chứng kiến nhiều DN ngoài mặt thì nói là liên kết nhưng thực chất ai cũng đặt lợi ích của mình lên trên trước tiên.

“Hiện giờ, tôi không có kênh thông tin của các DN trong nước để tìm nguồn nguyên liệu nhựa cho mình, trong khi nguồn nguyên liệu nhập khẩu thì đang bị tắt. Liên kết làm sao bây giờ?”, ông Linh buồn bã nói.

Chia sẻ thêm với Thời báo Kinh Doanh, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết từ khi xảy ra dịch Covid-19 cho đến nay, doanh thu của Công ty TNHH Long Biên (chuyên sản xuất chế biến các loại nước mắm và thủy, hải sản, nông sản) đã sụt giảm đến 50%.

Nguyên do là vì đơn hàng từ các đối tác truyền thông đã cắt giảm mạnh. Nguồn tiêu thụ của công ty là các nhà bán lẻ truyền thống cũng có doanh thu sụt giảm khi phải chia sẻ bớt thị phần với kênh bán hàng trực tuyến rộ lên trong mùa dịch.

Việc giảm doanh thu này cũng là một bài học về tính liên kết giữa các DN trong thời điểm khó khăn. Khi nguồn thu giảm, thị phần cũng giảm, DN phải cắt giảm một loạt chi phí trong lúc hồi hộp chờ đợi các chính sách hỗ trợ. Rồi việc liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà DN, nhà khoa học, nhà chính sách) xem ra cũng còn nhiều dấu hỏi nếu nhìn từ dịch bệnh.

Liên hệ đến ngành chế biến thuỷ sản, ông Tuấn lưu ý về tình trạng con tôm, con cá bị tư thương ép giá, dẫn đến việc giải cứu, rốt cuộc thiệt thòi là người nuôi. Điều này cho thấy việc liên kết từ đầu vào cho đến đầu ra vẫn còn lỏng lẻo khi mà DN và người nuôi vẫn còn bị động trên thị trường.

Lẽ ra, với người nuôi trồng thuỷ sản trong quá trình nuôi cần liên kết với nhà thu mua, rồi nhà thu mua cũng phải liên kết với nhà chế biến xuất khẩu nhằm tạo thành một chuỗi liên kết chặt chẽ để nhanh chóng nắm bắt những biến động trên thị trường.

Giữa mùa dịch này, rất cần sự liên kết tốt hơn giữa các DN ngành nông sản

Trước bờ vực phá sản

Việc liên kết đồng đều giữa các bên sẽ giúp người nuôi trồng thuỷ sản và các nhà thu mua, nhà sản xuất chế biến đảm bảo được đầu ra, không bị động về giá cả, về sức tiêu thụ trên thị trường, cũng như có thể lường trước rủi ro trong trường hợp có dịch bệnh lớn.

Nói về vấn đề nhiều DN nội địa còn ngại liên kết với nhau giữa lúc khó khăn này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng lưu ý nhiều DN vẫn còn giữ tư duy bảo thủ theo kiểu “một mình một chợ”, liên kết còn quá đơn điệu và chưa chặt chẽ. Họ không muốn “chung đụng” với ai và cũng không nghĩ đến chuyện liên kết với nhau như “buôn có bạn, bán có phường”.

Trong bối cảnh tư duy liên kết kém như vậy, nếu xét về những dự báo “sức khoẻ” của giới DN do ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ thấy rằng bờ vực phá sản sẽ rất lớn với nhiều DN Việt.

Như dự báo từ các chuyên gia phân tích của Moody's là số vụ vỡ nợ của các DN trên toàn cầu sẽ tăng lên khi dịch Covid-19 tiếp tục tấn công các nền kinh tế. Với tình trạng thiếu liên kết thì những DN trong nước liệu có thể thoát khỏi “cơn bão vỡ nợ" này?

Cũng nên nhắc lại khảo sát của VCCI: trước tác động của dịch Covid-19, có gần 85% DN cho biết dịch bệnh đã làm cho thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp, gần 60% bị thiếu vốn và đứt dòng tiền kinh doanh.

Ngoài ra, có 40% DN cho biết thiếu nguyên liệu và 43% phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm. 82% DN cho rằng doanh thu năm 2020 của họ sẽ bị sụt giảm so với năm 2019, trong đó 30% DN dự báo có thể tụt giảm tới 30-50% và 22% sẽ tụt giảm trên 50%.

Ở góc nhìn của một DN đang trực tiếp đối mặt với tình trạng khó khăn chung trong lúc này, ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh để tồn tại qua “vòng xoáy” vỡ nợ từ Covid-19 thì các chủ DN cần nhanh chóng có sự thay đổi về tư duy để việc liên kết với nhau trở nên chặt chẽ hơn.

“Sự liên kết chặt sẽ giúp các DN có được thông tin lẫn nhau về nguồn cung cấp nguyên liệu trong nước hoặc là có thể tiêu thụ sản phẩm của nhau. Ngay cả ở khâu chính sách cũng cần cụ thể hơn thông qua chương trình liên kết 4 nhà để tránh liên kết nửa vời như lâu nay”, ông Tuấn lưu ý.

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Nguồn bài viết: https://thoibaokinhdoanh.vn/viet-nam/giua-kho-khan-vi-sao-doanh-nghiep-ngai-lien-ket-1067119.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/giua-kho-khan-vi-sao-doanh-nghiep-ngai-lien-ket-a231928.html